(VietNamNet) - Đôi khi đọc một luận án TS, nhiều người thấy có vài chỗ “quen quen” nhưng chưa dám chắc có phải sao chép từ luận án cũ nào không. Nếu công khai toàn bộ luận án TS. trên mạng Internet, toàn xã hội đều có thể tham gia giám sát độ trung thực và chất lượng của các luận án. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rục rịch triển khai việc này.
>>Công khai luận án để "cứu" đào tạo tiến sĩ
>>Đưa toàn bộ dữ liệu tiến sĩ Việt Nam lên mạng
Luận án TS cất nơi quý hiếm
Triển lãm thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 năm đào tạo bậc học này. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hoá Thông tin, tất cả các nghiên cứu sinh đều phải nộp lưu chiểu một bản luận án TS vào Thư viện Quốc gia.
Đến nay, đã có 11.951 cuốn luận án TS được lưu giữ cẩn thận trong kho tài liệu quý hiếm, cùng với những cuốn sách được xuất bản từ trước năm 1954.
Bà Nguyễn Thị Tân (Phó trưởng phòng Đọc sách, Thư viện Quốc gia) cho biết: “Mỗi tháng, thư viện cho mượn trung bình 2.000 luận án. Các loại sách khác chúng tôi cho gửi trong 3 ngày, riêng với luận án được gửi trong 1 tuần để tạo điều kiện cho bạn đọc tham khảo”.
Tuy nhiên, vì e ngại “đạo văn”, copy luận án mà Thư viện Quốc gia chỉ cho phép độc giả photo bản tóm tắt luận án.
Bà Tân cho biết: “Những trường hợp đặc biệt có thể linh hoạt cho photo bản chính nhưng phải có sự thông qua của quản lý phòng, nhưng cũng chỉ được photo một phần chứ không phải toàn bộ luận án”.
Điều này gây khó khăn cho các nghiên cứu sinh nếu muốn tham khảo tài liệu tại nhà, ngoài giờ hành chính. Bên cạnh đó, họ cũng khó lưu giữ tài liệu một cách hệ thống để phục vụ đề tài nghiên cứu của mình.
Một số ý kiến lo ngại rằng, nếu đưa toàn văn luận án TS lên mạng thì càng dễ xảy ra “đạo văn” hơn.
Nhưng PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội) phản bác: “Nếu có thể đưa luận án lên mạng thì các thành viên trong hội đồng và những người quan tâm tới đề tài chắc chắn sẽ tìm đọc. Những đề tài nào có dấu hiệu cóp nhặt, sao chép sẽ dễ dàng bị phát hiện".
TS. Đoàn Thị Minh Trinh (Trưởng phòng Sau đại học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) cũng tán đồng ý kiến này và khẳng định: “Khi đã đưa luận án lên mạng thì chỉ vài cú nhấp chuột, có thể “truy” ra từ Google những nội dung đáng ngờ. Thực tế, đã có trường hợp người phản biện yêu cầu nghiên cứu sinh làm lại toàn bộ vì phát hiện ra những điểm trùng lặp từ nội dung khác chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Bà Trinh bày tỏ quan điểm ủng hộ thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo sự thật thà và đúng chất lượng TS. Bà nhấn mạnh: “Điều này không hề có hại mà chỉ có lợi cho nghiên cứu sinh. Vì khi công khai, được chấp nhận rõ ràng họ được “đóng dấu” chất lượng”.
Bộ: sẵn sàng; trường: không ngại!
Hiện nay, mới chỉ có trang web của Vụ ĐH & Sau ĐH của Bộ GD-ĐT có dữ liệu về luận án TS. Nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở việc tóm tắt những điểm mới của luận án trong vẻn vẹn khoảng 1.000 chữ.
Trong tháng 2, Bộ sẽ triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu về toàn bộ các TS của VN bao gồm hồ sơ, nội dung luận án, những đóng góp mới cho khoa học, những ý kiến nhận xét của các chuyên gia hướng dẫn cũng như phản biện.
TS. Quách Tuấn Ngọc (Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Về mặt kỹ thuật đã sẵn sàng. Chúng tôi đã lập trình xong phần mềm, chỉ chờ dữ liệu là có thể đưa ngay luận án lên mạng. Phần mềm này cũng đã được trình diễn trong buổi hội thảo về giáo trình điện tử”.
Về phía các trường, cho tới nay, chưa có trường nào công khai toàn bộ luận án TS trên website của mình. Nhưng đa số lãnh đạo các trường khi được hỏi đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này.
TS. Đoàn Thị Minh Trinh cho biết, nhiều năm qua, ĐH Bách khoa TP.HCM đã thực hiện những quy trình từng bước rất chặt chẽ và nghiêm túc trong đào tạo TS, thậm chí áp dụng cả quy trình quốc tế nên không hề “ngại” lên đưa luận án lên mạng.
PGS.TS Phạm Văn Năng (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng việc này lẽ ra phải làm từ lâu. Bởi vì, trước đây, luận văn nằm im ỉm trên giá sách thư viện rất ít người ngó ngàng chỉ vì ngại thủ tục nhiêu khê".
PGS. TS Vũ Đức Nghiệu (Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) bày tỏ: “Đây là một kênh để công bố kết quả nghiên cứu. Mặt khác, tạo thêm một sự kiểm soát xã hội đối với quá trình và kết quả đào tạo. Bên cạnh đó, nó sẽ thúc đẩy cả nghiên cứu sinh, lẫn người hướng dẫn và công tác đánh giá, thẩm định phải nghiêm cẩn hơn. Từ đó, dần dần góp thêm một phần nhỏ vào việc đưa chất lượng đào tạo TS lên cao hơn".
Mặc dù khẳng định việc đưa luận án TS lên mạng Internet chỉ là một trong những giải pháp chứ không phải giải pháp duy nhất và tối ưu để thúc đẩy chất lượng đào tạo TS, nhưng PGS.TS Phan Công Nghĩa (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ cố gắng hoàn thiện website và đưa toàn bộ nội dung các luận án TS lên mạng trong thời gian sớm nhất.
-
Lan Hương – Thu Hương
*********************
Thanh Nam
jpchat2003@yahoo.com
Theo tôi, chẳng có tác dụng nào trong việc nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ chỉ với việc công bố trên mạng mà không chấn chỉnh công tác đào tạo ở các cơ sở. Việc làm này chỉ đựợc xem như là một hình thức quản lý sử dụng công cụ hiện đại mà thôi.
Có mấy lý do: Thứ nhất, chất lượng một công trình nghiên cứu phụ thuộc cả một quá trình mà ở đó cả nghiên cứu sinh và người có thực hiện nghiêm túc hay không. Ở Việt Nam hiện nay, ta chỉ chú ý đào tạo “Tiến sĩ” chứ không phải đào tạo người có trình độ tiến sĩ.
Thứ hai, một luận án tiến sĩ thường ở chuyên ngành sâu, không phải là khoa học thường thức nên không phải ai cũng có thể đọc hiểu và đánh giá đúng nếu không phải là chuyên gia. Điều này có thể dẫn đến những tranh luận không thống nhất trong độc giả.
Hơn nữa, liệu có chắc rằng người đọc sẽ bỏ công tìm hiểu để khẳng định cái này đã làm, cái kia chưa ở tất cả các luận án hay không. Việc này người hướng dẫn và nghiên cứu sinh phải thực hiện trước khi bắt đầu nghiên cứu.
Cuối cùng là vấn đề bản quyền sẽ được bảo vệ như thế nào? Để nâng cao chấ lựợng đào tạo, có mấy giải giáp:
+ Xác định rõ đối tượng cần được đào tạo. Không phải ai cũng có khả năng và bất cứ công việc nào cũng cần Tiến sĩ.
+ Chuẩn hóa đội ngũ làm NCS và đội ngũ hướng dẫn cùng với trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng (tôi được biết rằng, ở một sơ sở đào tạo, Tiến sĩ Vật lý hướng dẫn NCS ngành Sinh vật).
+ Ít nhất công bố một bài báo ở tạp chí chuyên ngành quốc tế.
+ Người làm NCS phải tập trung.
TS. Chu Văn Vệ, Tổng Biên Tập Tạp chí Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin
134 Quan Nhân Nhân chính Thanh Xuân Hà Nội
cvve@mpt.gov.vn
Trang tin điện tử Tạp chí Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông lên mạng 07/4/2006 và chính thức khai trương ngày 14/8/2006 (http://www.tapchibcvt.gov.vn) đã đưa các luận văn Tiến sỹ và Thạc sĩ chưa được bảo vệ lên mạng từ thàng 8/2006 trong mục "Luận Văn" của trang chủ. Lúc đầu, nhiều người bàn cãi cho rằng chưa được phép. Nhưng xét thấy các luận văn cần công khai minh bạch, vì thế đã mạnh dạn đưa lên. Mời các bạn tìm đọc các luận văn trên trang tin, sẽ tìm được nhiều điều bổ ích.
Lưu Phương Bình
B1 TTKH Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
binhlp@edt.com.vn
Theo những gì báo chí phản ảnh thì đa số người làm khoa học muốn các luận án tiến sĩ phải được đưa lên mạng từ lâu. Có lẽ, chỉ còn một số rất ít người không muốn làm việc này. Về mặt trách nhiệm và công nghệ,Bộ GD-ĐT đã hoàn toàn "sẵn sàng". Về mặt dữ liệu, các trường cũng "không ngại". Dư luận rộng rãi lại đang đồng tình. Vậy thì còn chần chừ gì nữa! Các cơ quan chức năng hãy triển khai càng nhanh càng tốt. Hy vọng từ đây những luận án "quay cóp", những luận án yếu kém về chuyên môn sẽ bớt đi phần nào.
TS Trần Cảnh Dũng
CSIRO, Australia - giảng viên ĐHBK TP.HCM
Canh-Dung.tran@csiro.au
Việc các luận án được cập nhật lên mạng đã được thực hiện khá lâu ở nhiều nước trên thế giới. Tại Úc, sau khi luận án đã được thực hiện thành công, các tân tiến sĩ được đề nghị điền vào một 'form' về việc chấp nhận cho luận án được đưa lên mạng sau thời gian mà họ có quyền lựa chọn (để giải quyết nhu cầu về IP khi luận án có một số vấn đề liên quan đến sự phát triển công nghệ và Patent). Sau thời gian đó, luận án có thể được mọi người truy cập và sử dụng. Hiện nay, tại Úc, các luận án TS cập nhật trên mạng thuộc về trách nhiệm của thư viên số thuộc chính phủ liên bang.
Lê Tiến Công
Hội KHLS Thừa Thiên Huế
letiencong2002@yahoo.com
Tôi mong ngày được đọc dự liệu Luận án Tiến sĩ Việt Nam trên mạng. Những ngày qua, qua báo chí, chúng tôi biết việc Bộ chủ trương đưa dữ liệu Luận án tiến sĩ lên mạng. Điều này làm tôi rất phấn khởi. Cuối cùng, những mong muốn của đại đa số những người có tâm với giáo dục nước nhà cũng có thể thành hiện thực. Xét đến cùng, luận án tiến sĩ là trí tuệ của người làm ra nó. Nhưng chi phí là của nhà nước. Tôi nói vậy bởi một phần lớn lấy từ phí đào tạo của nhà nước và trên bình diện lớn hơn thì Tiến sĩ là tài sản quốc gia, là của quý hiếm. Chẳng có lý do gì lại không mang ra phục vụ lại công cuộc xây dựng đất nước này cả. Việc quan trọng tiếp theo là vấn đề bản quyền.
Nguyễn Đức Mậu
Viện Văn học 20 Li thái Tổ Hà Nội
nguyenducmau2002@yahoo.com
Đề nghị đưa luận án và cả các bản nhận xét lên mạng để người viết nhận xét không làm qua loa và không khen chê quá đáng, vô trách nhiệm- một hiện tượng khá phổ biến lâu nay.
Nguyễn Cường
Kyoto Univesity
kuong75@yahoo.com
Theo tôi, chúng ta còn phải đưa đề cương nghiên cứu của những người đang làm tiến sĩ lên mạng. Bởi vì như vậy , sẽ tránh được việc trùng lặp những đề tài nghiên cứu hoặc đã nghiên cứu chi tiết rồi (cả trong và ngoài nước). Hơn thế nữa, mọi người có thể góp ý thêm cho đề cương và quá trình nghiên cứu của tiến tốt hơn.
Trọng Nghĩa
ĐH Nông nghiệp I
trongnghia@yahoo.com
Tôi cũng là một giảng viên từng tham gia đào tạo sau đại học. Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay như có ý kiến đã nêu. Tôi ủng hộ giải pháp đưa các công trình nghiên cứu đã công bố của NCS lên mang, cũng như các bài phản biện của các uỷ viên hội đồng và phản biện. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là nếu có sự phát giác nào đó về "đạo luận văn" thì cơ quan có chức trách phải nghiêm trị thì mới có tác dụng được.
Đặng Minh Đức
Dia chi: 176 - Thái Hà- Đống Đa - Hà Nội
Email: minhduc_eu@yahoo.com
Tôi rất hoan nghênh dự định đưa toàn bộ dữ liệu TS VN lên mạng của Bộ GD-ĐT. Đây được coi là ý tưởng hay và táo bạo, tránh tình trạng các luận án TS cùng chuyên ngành có hiện tượng sao chép của nhau và không có tính mới trong nghiên cứu khoa học. Việc đưa các dữ liệu công khai sẽ đảm bảo cho việc giám sát các công trình nghiên cứu của các nghiên cứu sinh có sao chép hay không? Có trung thực trong nghiên cứu khoa học hay không? Theo tôi, không chỉ có các công trình nghiên cứu của các nghiên cứu sinh, nên các luận văn thạc sỹ cũng cần công khai lên mạng, chứ không sẽ có hiện tượng sao chép và trở thành loạn thạc sỹ mất. Nếu Luận văn Tiến sỹ khi kiểm tra có sự sao chép thì không cho nghiên cứu sinh bảo vệ và huỷ kết quả đồng thời khi Người hướng dẫn khoa học đối với nghiên cứu sinh cũng phải chịu trách nhiệm tương tự vì đó là một trong những điều kiện người hướng dân khoa học làm PGS hoặc GS. Vì thế, Bộ GD-ĐT cũng nên có chế tài kỷ luật đối với người hướng dẫn khoa học đối với NCS có vi phạm về sao chép luân văn của nhau.
Lê Đạt
Hoa Lư, Ninh Bình
ledatcp@yahoo.com
Công khai luận án là một ý tưởng rất hay nhằm hạn chế việc tiêu cực và thiếu chất lượng trong đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam hiện nay. Công khai bản luận án tiến sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng có một số tác dụng tích cực sau đây: 1. Tăng cường kho tư liệu để tham khảo ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mở mang tri thức xã hội thay vì "bỏ xó" hàng loạt các công trình khoa học như hiện nay. 2. Làm cho quảng đại quần chúng trong đó có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giáo dục xem xét và đánh giá chất lượng cũng như tính hiệu quả, thiết thực của công trình nghiên cứu của các tiến sỹ. 3. Việc làm này góp phần phát hiên các hình thức tiêu cực như "đạo văn", "trộm cắp", "xào xáo" lại các công trình của người khác cũng như đánh giá được chất lượng của người hưỡng dẫn và cả hội đồng chấm luận án, đánh giá được chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo.
Ý kiến của bạn