Giải pháp sử dụng đầu ra ở những trường ĐH hàng đầu hay mời các giáo sư hàng đầu tới giảng dạy có nên đóng vai trò "quan trọng" để thay đổi đào tạo sau ĐH của Việt Nam?
Sau khi đăng bài viết "Tạo 20.000 tiến sĩ- 2 phương án không hợp lý" của bạn Trần Đình Nguyên (nghiên cứu sinh Trường ĐH New York - Mỹ), toà soạn nhận được 2 ý kiến phản biện của bạn Thanh Bình (nghiên cứu sinh ĐH Deakin, Úc) và bạn Nguyễn Nam Trung, đang làm tại Trường ĐH NTU (Singapore).
Họ tên: Thanh Bình (nghiên cứu sinh ĐH Deakin, Austrialia)
Email: tbng@deakin.edu.au
Tiêu đề: Gửi SV đi học nghiên cứu ở nước ngoài là chính sách quan trọng
Tôi rất không đồng tình với quan điểm của bạn Trần Đình Nguyên cho rằng, chúng ta không nên đẩy mạnh đào tạo TS và chỉ chú trọng đến việc sử dụng các đầu ra “ở những trường ĐH hàng đầu thế giới”.
Bạn cho rằng, nên bắt chước Singapore để thuê các GS nổi tiếng ở nước ngoài về dạy. Thứ nhất, bạn quên mất điểm yếu cơ bản trong lĩnh vực đào tạo của chúng ta là năng lực và khả năng hoà nhập thấp.
Vì nhiều nguyên nhân, đội ngũ trí thức được đào tạo trong thời gian qua hiện đang quá lạc hậu so với khu vực và nhu cầu phát triển của đất nước. Đội ngũ này hiện đang phải đảm đương những trách nhiệm và đòi hỏi vượt quá khả năng của họ. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một chính sách đủ mạnh, để trong một thời gian ngắn, có thể tạo ra lực lượng có trình độ cao hơn.
Ngoại trừ việc tăng cường năng lực đào tạo trong nước, gửi SV nghiên cứu đi học ở các nước tiên tiến là giải pháp đúng đắn và thiết thực.
Thứ hai, những lo ngại của bạn như không nhiều SV Việt giỏi, hay đào tạo nước ngoài có thể không đem lại hiệu quả mong muốn là hoàn toàn không có cơ sở.
Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình lựa chọn để gửi những SV trong nước xuất sắc nhất đi học ở những cơ sở đáng tin cậy nhất.
Lợi thế cơ bản khi học ở nước ngoài chính là môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tư liệu tra cứu phong phú, mà chắc phải mất rất nhiều năm sau Việt Nam mới có thể xây dựng được. Chỉ có đào tạo trong môi trường nước ngoài mới tạo ra đầy đủ điều kiện cho NCS tham gia thực sự vào cộng đồng nghiên cứu quốc tế. Khi nền khoa học VN đang ở thế “đuổi bắt” thế giới thì khả năng hội nhập là yếu tố cơ bản nhất để tránh tụt hậu.
Thứ ba, ý tưởng sử dụng đầu ra ở những trường ĐH hàng đầu hay mời các giáo sư hàng đầu tới giảng dạy không thể coi là giải pháp cơ bản và đủ mạnh để thay đổi nền khoa học VN.
Không có gì đảm bảo môi trường giảng dạy ở VN có thể thu hút được những người như bạn nói. Mà nếu có, chắc sẽ không nhiều. Thêm vào đó là rào cản về ngôn ngữ.
Singapore là nước có thể dạy bằng tiếng Anh và có thu nhập đầu người hơn VN cả trăm lần. Chỉ có những SV được nhà nước cử đi học với trách nhiệm khai phá, đóng góp cho khoa học VN mới có thể gắn bó với khoa học Việt Nam.
Họ tên: Nguyễn Nam Trung (NTU, Singapore)
Email: mntnguyen@ntu.edu.sg
Tiêu đề: Cần mở rộng cửa với GS nước ngoài
Tôi đang làm ở NTU, Singapore xin có một số ý kiến cá nhân.
Thứ nhất, anh Trần Đình Nguyên nói là hiếm có SV tốt ngiệp ở NTU và NUS làm giáo sư ở đây. Thực tế là có nhưng rất hạn chế. Phần lớn cựu SV phải làm tiến sĩ ở nơi khác về. Khác với truyền thống ở nhiều trường ĐH ở Việt Nam, chuyển giữ SV lại làm giảng viên và giáo sư là điều tối kỵ ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở Đức, khi phong GS người ta cấm "Hausberufung", có nghĩa là lấy người cùng bộ môn, được đào tạo từ ông giáo sư trước làm giáo sư mới.Vì về mặt kiến thức, nghiên cứu sinh bản trường thuộc thế hệ thứ hai và đã có thui chột.
Tương tự như trong thiên nhiên, để có sức khỏe hàn lâm thì cần có sự đa dang trong đội ngũ giáo sư.
Ở Mỹ và ở Singapore, tuyển giáo sư dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, chọn người giỏi nhất có thể cho vị trí đang trống và cố tránh nhận nghiên cứu sinh mình vừa đào tạo ra.
Trên thực tế, những tiến sĩ mới này hoàn toàn có khả năng cạnh tranh vào các vị trí tương đương trên thế giới.
Ý kiến thứ hai. Đào tạo tiến sĩ là một qua trình công phu và nhiều thử thách với nghiên cứu sinh. Không thể "học" để lấy "bằng" tiến sĩ được.
Đào tạo tiến sĩ là đào tạo tự học và nghiên cứu độc lập. Từ khi có bằng tiến sĩ đến khi có khả năng giảng dạy và ngiên cứu độc lập (làm giảng viên, giáo sư) là một quá trình rất dài. Tố chất thông minh chỉ chiếm khoảng 50% trong các yếu tố dẫn đến nghiên cứu tiến sĩ thành công.
Theo kinh nghiệm bản thân tôi, nhiều nghiên cứu sinh đi học điểm thi rất cao, nhưng làm nghiên cứu thì thật thậm tệ.
Tôi đồng ý với ý kiến là Việt Nam cần mở rộng cửa với GS nước ngoài, chí ít là từ trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia...).
Tôi có biết nhiều SV từ các nước trên. Họ được tuyển vào trường theo đòi hỏi cao và cạnh tranh như đối với SV Việt Nam (có nghĩa là thông minh bằng hoặc hơn SV Việt Nam), nhưng về chất lượng (nhất là nghiên cứu độc lập và khả năng giao tiếp) họ hơn hẳn SV VN. Sự có mặt của GS nước ngoài và dùng tiếng Anh trong các năm học cuối cũng như trong đào tạo sau ĐH sẽ khiến môi trường giáo dục ĐH thêm cạnh tranh và gây sức ép cho các GS, Tiến sĩ Việt Nam phải tự tiến bộ để tránh bị đào thải.