(VietNamNet) - Từ Pháp, nguyên GS ĐH Bùi Trọng Liễu "ôn cố, tri tân" một số ví dụ để khẳng định, với các dự định mới, mục tiêu khiêm tốn thì dễ có khả năng thành công.
Về giáo dục đào tạo (GDĐT), khi những nhà quản lý đưa ra đề án hoành tráng, thì hẳn cũng có lý do riêng.
Tuy nhiên, đối với nhà giáo chúng tôi, ở nơi nào cũng vậy, cũng như đối với một phần công luận, khi đi vào thực hiện, thì mục tiêu có khiêm tốn mới có khả năng thành công.
"Khiêm tốn" đây có nghĩa là mục tiêu hợp với khả năng, cân nhắc tiến từng bước, đạt được bước này rồi mới tiến tới giải quyết bước kia, và có khi như vậy mới thực sự có tiến bộ.
Phát biểu chung chung thì khó hiểu, vậy tôi xin nêu vài thí dụ minh họa dưới dạng "ôn cố tri tân":
"Ôn cố"
Mới đây, có ý kiến đánh giá, việc thành lập 2 đại học quốc gia cách đây hơn 10 năm là một quyết định sáng suốt, cải tiến một bước lớn của giáo dục đại học.
Thuở ấy, không ít nhà giáo chúng tôi, trong hay ngoài nước (dù rất đồng tình với việc thành lập 2 ĐHQG này) đã kiến nghị, nên nhân dịp đó "thanh lọc" để có một đội ngũ nhà giáo có trình độ cao vào hai cơ sở này. Đồng thời, nên lựa chọn những ngành trọng điểm, và tập trung trang bị cho thật tốt.
Kiến nghị cũng dẫn cái ý của người xưa: Năm 1287, quân Nguyên lại sang xâm chiếm nước ta. Các quan xin tuyển thêm binh. Trần Hưng Đạo nói: "Binh cốt giỏi, không cốt nhiều; nếu nhiều mà không giỏi, thì như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì" (Bồ Kiên đây là vua Tiền Tần bên Tàu, có trăm vạn quân mà bị thua nhà Tấn.
Nhưng lúc ấy, 2 ĐHQG được thành lập rất đồ sộ, theo nghĩa gộp nhiều trường sẵn có mà không có sự thanh lọc. Thành quả nay đã được công nhận công khai. Tuy nhiên, nếu lời kiến nghị thuở ấy được nghe, thì thành quả có lẽ đã gấp bội, và không chừng đã đạt đẳng cấp cao! Tôi nghĩ rằng, các nhà giáo được trao nhiệm vụ lãnh đạo hai cơ sở này, tuy không nói ra, có lẽ cũng không nghĩ khác.
"Tri tân"
Vừa qua, có ý kiến nên thành lập một ĐH mới. Thế rồi nghe đồn là dự án này có khả năng không thành, và Nhà nước sẽ lại chia ra để nâng cấp các cơ sở sẵn có. Rồi lại có đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm tới.
Ông Bộ trưởng GD-ĐT hoàn toàn có lý khi nhắc nhở là ở các nước đã phát triển, phải có bằng tiến sĩ mới được là nhà giáo đứng trên bục giảng đại học (cần nói kỹ thêm là đó là những nhà giáo cơ hữu, không kể những thỉnh giảng thí dụ như những nhà doanh nhân có kinh nghiệm để truyền đạt lại cho sinh viên trong những hệ đào tạo nghề, v.v...).
Tuy nhiên, đào tạo hàng mấy vạn kỹ sư là chuyện có thể thực hiện được trong 10 năm, nhưng đào tạo tiến sĩ thì khác. Nghiên cứu sinh, dù là người học trò giỏi trong quá khứ, "tìm" (tiếng Pháp là chercher) không có nghĩa là "tìm thấy" (trouver) cái mới.
Như vậy, trừ phi châm chước, cho bảo vệ những phiếm luận vô bổ thành luận án tiến sĩ, lấy gì bảo đảm để có được 2 vạn tiến sĩ để phân phối cho mấy trăm trường ĐH dự định được mở trong 10 năm tới?
Sao con cháu Trần Hưng Đạo không khoan khoan tạm đừng tính mở vung vãi mấy trăm trường đại học, mà tập trung đào tạo tiến sĩ giỏi, trang bị cho một số cơ sở thành đại học thực sự đúng nghĩa của nó đã? Thiếu gì thí dụ lịch sử, ở những nước láng giềng hay xa hơn, có những đợt "cách mạng" đập phá tan hoang, nhưng vẫn giữ được những "biệt khu tri thức cao". Không cứ phải giải quyết đồng bộ theo kiểu đại trà mới là thượng sách.
Tất nhiên, quyết định thuộc về nhà cầm quyền chính trị. Nhưng bổn phận của người trí thức nhà giáo chúng tôi, là phát biểu ý kiến mà mình cho là phù hợp nhất với lợi ích chung.
- Bùi Trọng Liễu - Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)