(VietNamNet) - "Cần loại bỏ lối học mù quáng theo sách vở, phải chú trọng vào sáng tạo và hoài nghi về những gì sách vở nói", TS Nguyễn Sơn Bình, GS Viện Hàn lâm Hoa Kỳ cho biết nhận xét của mình sau "nhiều năm nghĩ về những vấn đề khác biệt giữa giáo dục phương Đông và phương Tây" tại buổi giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet chiều 13/9.
Các khách mời tại phòng giao lưu trực tuyến VietNamNet |
Từ 17h tới 19h30 ngày 13/9, dù khá khẩn trương, nhưng 2 khách mời, GS George M Stancel và Nguyễn Sơn Bình chỉ kịp trả lời 40 câu trong số gần 500 câu hỏi của bạn đọc gửi tới tham gia buổi giao lưu trực tuyến.
(Xem tiểu sử 2 khách mời TẠI ĐÂY)
Dưới đây là những nội dung chính trong buổi giao lưu thú vị này.
"Tại sao, làm thế nào để cải thiện vấn đề hiện tại?"
Phạm Đức Tuấn - Nam 20 tuổi - Hà Nội
- Thưa TS Nguyễn Sơn Bình, với tư cách là một nhà quản lí và một nhà giáo, TS có nhận xét gì về điểm mạnh và yếu của SV Việt Nam so với các nước phát triển?
Trần Thế Thăng - Nam 24 tuổi - 109 C2 Quỳnh Mai-Thanh Nhàn -quận Hai Bà Trưng -Hà Nội
- Tôi là một sinh viên mới ra truờng.Truớc tiên cho tôi hỏi câu đầu tiên: Hai ông nghĩ gì về lớp trẻ Việt Nam ngày nay và trong tuơng lai?
TS Nguyễn Sơn Bình: "Không thể "mơ mộng viển vông" rằng mình có thể cạnh tranh với những nước khác trong những cuộc phiêu lưu không mục đích". |
TS Nguyễn Sơn Bình:
Tôi nghĩ SVVN thông minh và chịu khó. Nhưng họ không được dìu dắt bằng một cách học sáng tạo và tự do ngoài khuôn khổ sách vở.Điều cần nhất là họ phải luôn luôn được nhắc nhở rằng tài liệu trong sách vở cao cấp chỉ là ý kiến của học giả chứ không phải là chân lý vĩnh cửu. Họ nên luôn luôn tâm niệm rằng những điều họ học ngày hôm nay có thể sẽ trở thành lỗi thời ngày mai.
Vì vậy, họ phải tập suy nghĩ một cách khách quan và có kiến thức vững chắc về chuyên môn của mình phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của xã hội.
Thế nào là cách học sáng tạo? Đó là cách khi học bạn không ngừng tự hỏi, liệu những điều mình đang đọc đúng hay sai; tại sao người viết lại viết như vậy; và làm sao mình có thể kiểm chứng được sự thật. Một phần nữa là phải biết tự hỏi làm sao mình có thể cải thiện được những vấn đề mà người viết đã trình bày để làm cho xã hội được tốt hơn.
Thí dụ: Hiện nay, có nhiều SVVN cứ tin vào công nghệ nano bởi vì họ nghe nhiều người ngoại quốc và báo chí nước ngoài nói rằng công nghệ nano sẽ rất có lợi và cách mạng hoá khoa học kỹ thuật.
Họ cứ lặp đi lặp lại những điều này nhưng họ không biết được là có lợi như thế nào và cách mạng hoá ra sao. Họ không tự hỏi là công nghệ nano có thể thích hợp với điều kiện hiện tại của VN hay không.
Họ cũng không biết rằng, rất nhiều nhà khoa học phương Tây cũng rất dè dặt khi nói về những hứa hẹn của công nghệ nano: Không phải là nano không tốt nhưng mà nó không phải là giải pháp tối ưu của tất cả khoa học và kỹ thuật.
VN là một quốc gia đang phát triển. Những tài nguyên chúng ta hiện có phải được sử dụng để giải quyết những vấn đề trước mắt hay trong vòng 10 năm tới.
Thay vì học về công nghệ nano, khi mà nhiều nước còn chưa biết chắc là những lời hứa hẹn của công nghệ này có thể trở thành hiện thực, chúng ta nên tập trung học những kỹ nghệ để có thể giúp đỡ nước nhà trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, dầu mỏ, y học và môi trường.
Không thể "mơ mộng viển vông" rằng mình có thể cạnh tranh với những nước khác trong những cuộc phiêu lưu không mục đích.
Cách học của phương Tây, và cũng là cách học cao nhất, là luôn luôn hỏi Tại sao và làm thế nào để cải thiện vấn đề ở hiện tại.
Nguyen Ngoc Phu - Nam 22 tuổi - Praha Czech
- Hiện tại cháu đang học ở nước ngoài và nhận thấy rằng việc dạy và học ở VN có rất nhiều vấn đề phải nói. Cháu muốn GS hãy cho bác Bộ trưởng GD-ĐT nhưng lời khuyên tốt để có thể cải thiện vấn đề này.
TS Nguyễn Sơn Bình: Như tôi đã nói ở trên, các trường ĐH VN cần phải có tài liệu đầy đủ đồng thời với sự thay đổi về phương pháp giảng dạy. Các nhà mô phạm cần phải vượt qua khuôn khổ sách vở để dạy cho SV cách học sáng tạo. Để đạt được điều này, chính họ phải tự mình tìm cách sáng tạo và học hỏi thêm bằng cách tự nghiên cứu và luôn luôn hoài nghi những gì in trong sách vở.
Đoàn Văn Chung - Nam 26 tuổi - Phúc Thọ - Hà Tây
Thưa TS Nguyễn Sơn Binh. Là nguời gốc Việt, chắc ông cũng hiểu một phần về những hạn chế hiện nay của nền giáo dục nuớc nhà. Vậy, với những kinh nghiệm và vị thế của mình, đặc biệt là những hiểu biết về những nền giáo dục hàng đầu trên thế giới, ông có sáng kiến đóng góp nào cho những nguời đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam hiện nay?
TS Nguyễn Sơn Bình: Tôi nghĩ rằng Chính phủ VN nên tích cực mời một số GS ngoại quốc đến các trường ĐH VN để diễn thuyết cho SV. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tổ chức các chương trình học tập ngắn hạn ở nước ngoài cho giảng viên ĐH VN.
Một ý kiến nữa là nên lập một forum online để SV VN đang du học nước ngoài có một môi trường để trả lời câu hỏi của SVVN đang học trong nước và chia sẻ với họ cả về kiến thức khoa học kỹ thuật lẫn cách học tập.
Vu Hoang Anh - Nam 29 tuổi - Hanoi
Tôi muốn gửi tới GS Stancel những câu hỏi sau: -Việc dạy đạo đức nghề nghiệp tại các trường ĐH ở Mỹ như thế nào? Theo GS, đạo đức có phải là đức tính đầu tiên cần phải có khi hoạt động trong các lĩnh vực y tế, công trình, v.v...? GS có nhất trí rằng thiếu đạo đức là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng tràn lan trong các cơ quan chính quyền VN và chất lượng dịch vụ yếu kém tại các bệnh viện)
TS Stancel:
Tại Mỹ, hầu hết các nghiên cứu sinh, và một số SV trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật phải theo học một khoá về đạo đức đối với nhà khoa học. Trên thực tế, nếu các sinh viên tại Mỹ nhận học bổng từ Chính phủ Mỹ, một yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là trường đại học đó phải tổ chức một khoá học về đạo đức cho những sinh viên này. Trong lịch sử trường ĐH của tôi, chúng tôi chưa bao giờ cho phép một học sinh nào ''thoát'' yêu cầu này.Một trong những điều đầu tiên mà mọi nhà khoa học phải ý thức được là đạo đức... Công chúng hỗ trợ các nhà khoa học và họ có quyền mong đợi mọi nhà khoa học biết đối nhân xử thế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu công chúng không tin các nhà khoa học cư xử đúng đắn, có đạo đức, họ sẽ không hỗ trợ cho các nghiên cứu. Dù sao đi nữa thì cư xử có đạo đức là việc làm đúng đắn trong mọi nghề nghiệp, kể cả khoa học.
Rất tiếc là tôi không có hiểu biết trực tiếp nào về việc liệu có tham những trong các bệnh viện hoặc các cơ quan khác ở VN hay không. Do vậy tôi không thể trả lời bạn. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng nếu một tổ chức hoặc nhóm người nào đó không có đạo đức đúng đắn, điều đó có thể dẫn tới tham nhũng và những vấn đề nghiêm trọng trong chăm sóc y tế, nghiên cứu, giáo dục hoặc nhiều khía cạnh khác trong lĩnh vực dịch vụ công cộng.
Le Tung Linh - Nam 22 tuổi - Hà Nội
- Em xin hỏi GS Nguyễn Sơn Bình. Ngoài tiêu chí sinh viên giỏi ưu tú, các sinh viên có khả năng được đào tạo ở phương Tây cần có những tố chất gì nữa?
TS Nguyễn Sơn Bình: Phải có được tầm nhìn thiết thực về những gì mà Tổ quốc đang cần. Phải có được một khả năng ngoại ngữ tốt để có thể giao tiếp và làm việc với người nước ngoài. Phải có nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc. Phải hiểu biết đầy đủ những gì mình đang nghiên cứu để có thể trả lời những câu hỏi "Tại sao?", "Những điểm nào khiến công trình nghiên cứu của mình nổi bật hơn những công trình khác?".
Một điều nữa tôi xin khuyên các SV VN là nên đổi trường sau mỗi bậc học thay vì học liên tục ở một trường theo truyền thống để có thể học hỏi được cách làm việc và học tập của nhiều nơi khác nhau. Ví dụ, một SV tốt nghiệp ĐH ở HN rất nên học thạc sỹ ở TP.HCM hoặc Huế và ngược lại.
"Hãy để tôi trả lời theo cách..."
Ngô Mạnh Tiến - Nam 28 tuổi - Hà Nội
- Tôi là một cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ. Tại Việt Nam, để nhận được kinh phí của nhà nước cấp cho một đề tài nghiên cứu khoa học(đấu thầu đề tài), chủ đề tài phải thuyết trình được rằng đề tài của mình phải có hàm lượng khoa học cao, "mới so với thế giới" và đặc biệt phải có sản phẩm bán ra tiền, có lãi (xin lưu ý là kinh phí không vượt quá khoảng 3 tỷ VND). Ông có ý kiến gì về điều này? Bên Mỹ có áp dụng như thế không? Ông có kinh nghiệm gì chia sẻ về vấn đề này?
GS Stancel: Tại Mỹ, Chính phủ tài trợ dựa trên chất lượng nghiên cứu, cũng như ở VN. Tuy nhiên, Chính phủ hỗ trợ cho các nghiên cứu rất cơ bản, thậm chí nghiên cứu đó không dẫn tới các sản phẩm có thể thương mại. Điều quan trọng là chất lượng của các nghiên cứu cơ bản đó phải rất cao.
Lượng kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ luôn luôn cao hơn so với các nguồn khác. Phần lớn mỗi khoản kinh phí hỗ trợ cho mỗi giáo sư, thậm chí là giáo sư trẻ, ít nhất là 100.000 USD mỗi năm. Khoản kinh phí này trung bình sẽ kéo dài 3-4 năm. Tuy nhiên, tiền lương trả cho kỹ thuật viên cao hơn nhiều so với Việt Nam. Các giáo sư sẽ dành khoảng 2/3 số tiền trợ cấp này để trả lương cho các kỹ thuật viên làm việc cho họ.
Tại Mỹ, các nhà khoa học còn được các công ty chẳng hạn như công ty dược hỗ trợ kinh phí nghiên cứu.
Nhiều khi các trường ĐH cung cấp tiền để mua các thiết bị nghiên cứu. Sau đó các giáo sư của trường ĐH đó có thể dùng chung những thiết bị này, thậm chí các giáo sư từ những trường khác. Thỉnh thoảng các bang đầu tư thiết bị và tất cả các giáo sư trong bang có thể dùng chung vì nhiều thiết bị rất đắt tiền.
Nguyễn Trọng Đại - Nam 22 tuổi - Hà Nội
Giáo sư có nhận xét gì về trình độ các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam? Để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020,Việt Nam cần có các chính sách gì để thúc đẩy các nghành khoa học cơ bản? Và có nên cử các sinh viên sang nước ngoaì học tập kinh nghiệm hay thuê các chuyên gia sang VN giảng dạy?
GS Stancel: Đây là chuyến thăm VN lần đầu tiên của tôi. Do vậy, tôi chưa có dịp thăm nhiều trường ĐH tại đây. Tuy nhiên, trường ĐH mà tôi đã tới thăm dường như có các ngành học cơ bản như toán, lý hoá, khoa học máy tính rất tốt, song tôi nghĩ sinh học hiện đại dường như kém phát triển hơn. Tuy nhiên, sinh học hiện đại phụ thuộc vào hoá học và vật lý. Do vậy tôi cho là sẽ có cơ hội để thúc đẩy ngành sinh học tại VN. Thậm chí tại Mỹ, nhiều cử nhân sinh học có bằng cử nhân về hoá học và vật lý.
Mọi quốc gia vào mọi thời điểm muốn cải thiện nền khoa học nước nhà phải hỗ trợ những ý tưởng tốt nhất và những con người giỏi nhất, dựa trên các giá trị. Đây là cách đảm bảo nhất để mọi quốc gia tiến bộ nhanh nhất.
Hãy để tôi trả lời câu hỏi này theo cách sau: Khi tôi muốn học một kỹ thuật mới mà kỹ thuật này lại rất phức tạp, tôi sẽ tới phòng thí nghiệm của các giáo sư để học kỹ thuật đó.
"Mẹo" săn học bổng
Dang Thi Hoa - Nữ 24 tuổi - Ha Noi
-Trong quá trình nộp đơn xin học bổng nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ, các SV đều được khuyến khích là có sự liên hệ trực tiếp với giáo sư trong trường trước khi nộp đơn vào trường. Tuy nhiên khi các SV viết thư liên hệ với giáo sư không phải ai cũng thành công trong việc liên hệ. Các giáo sư có lời khuyên nào cho SVVN có thể liên hệ và gây được ấn tượng với các giáo sư thông qua e-mail?
GS Stancel: Trong phần lớn các trường hợp, liên lạc trực tiếp mang tính cá nhân với các giáo sư không phải là ý tưởng hay. Tốt hơn là liên lạc với văn phòng tiếp nhận sinh viên xin học bổng. Các giáo sư nhận được quá nhiều email và rất khó để trả lời hết, thậm chí ngay cả khi họ muốn trả lời. Tuy nhiên, văn phòng tiếp nhận có những nhân viên chuyên trả lời những email như thế. Sau khi bạn đã được tiếp nhận, hãy liên lạc với các giáo sư mà bạn muốn làm việc cùng.
Trần Thành Công - Nam 23 tuổi - Hà Nội
- Thưa các giáo sư ! Các giáo sư nghĩ sao về cơ hội được tham gia nghiên cứu, tiếp cận với các lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới của các bạn trẻ Việt Nam-những người đang rất đam mê và tràn đầy nhiệt tình đối với khoa học và công nghệ ? Các cơ hội đó đối với các bạn trẻ ở Mỹ có những khác biệt cơ bản nào ? Các giáo sư có lời khuyên như thế nào đối với các bạn trẻ đang ở Việt Nam mà chưa tìm được cơ hội đi học tập và nghiên cứu tại các nước tiên tiến trên thế giới ?
GS Stancel: Phần lớn các trường ĐH ở Mỹ chọn những cử nhân xin học bổng xuất sắc nhất, không phân biệt quốc gia và bang. CHẳng hạn tại ĐH của tôi, 1/3 sinh viên tới từ Texas, 1/3 tới từ các bang khác ở Mỹ và số còn lại là sinh viên tới từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không hoạch định điều này mà hoàn toàn là tự nhiên.
Tôi nghĩ cơ hội nghiên cứu của các bạn sinh viên VN là rất tốt nếu họ có trình độ. Thậm chí nếu họ không xin được học bổng VEF hoặc các hiệp hội khác, họ vẫn có thể xin học bổng khác và có khả năng được chấp nhận nếu họ là những sinh viên giỏi.
Một số SV xin học bổng trực tiếp từ các trường đh Mỹ. Sau khi được chấp nhận, họ lại xin học bổng từ VEF.
Học bổng nước ngoài: Cần tố chất nào?
Dang Thi Hoa - Nữ 24 tuổi - Ha Noi
- Thưa giáo sư George Stancel, tôi hiện đang là một cán bộ nghiên cứu trẻ trong ngành Sinh học. Hiện nay, trong số các ngành khoa học cơ bản thì Sinh học Việt Nam là ngành kém bắt kịp với sự phát triển của thế giới nhất. Các nghiên cứu được tiến hành ở Việt Nam hiện nay thường có thể chậm đến 5-7 năm so với thế giới. Liệu đây có phải là một trở ngại rất lớn đối với các nghiên cứu sinh của Việt nam khi muốn tiếp tục việc học lên tiến sĩ của mình ở Hoa Kỳ hay không? Khi tuyển sinh, các trường ĐH Hoa Kỳ thường rất coi trọng kinh nghiệm làm việc trước đây. Như vậy, với điều kiện nghiên cứu không phát triển như ở Việt Nam so với các nước khác thì cơ hôi thành công của các SVVN khi đăng ký theo học các chương trình nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ là bao nhiêu?.
TS Stancel: Điều quan trọng nhất cho các sinh viên đang theo học lấy bằng cử nhân là học tốt các kiến thức cơ bản. Nếu bạn có kiến thức cơ bản tốt và làm việc chăm chỉ, bạn có thể nhanh chóng bắt kịp và học được những kiến thức mới nhất. Tuy nhiên, nếu không học những kiến thức cơ bản nhất khi theo học bậc cử nhân bạn sẽ không thể bắt kịp và hiểu biết những kiến thức mới.
Tại trường ĐH của chúng tôi, chúng tôi tìm kiếm ứng viên có kiến thức để theo đuổi ngành học dự định. Điều này quan trọng hơn đề tài nghiên cứu. Ví dụ, chúng tôi kiểm tra liệu sinh viên có biết cách đưa ra các giả thuyết, phân tích dữ liệu, biết cách đọc các ấn phẩm khoa học hay không. Đây là những điều quan trọng mà chúng tôi tìm kiếm ở ứng viên, chứ không phải liệu sinh viên có biết các kỹ thuật hiện đại hay không.
Le Chi Hung - Nam 25 tuổi - London, England
- Trước tiên, cho tôi gửi lời chúc sức khỏe tới GS Sơn Bình, chúc ông có thêm nhiều cống hiến cho khoa học. Hiện nay, tôi đang là SV cao học tại Anh. Tôi muốn ông cho một số lời khuyên cùng kinh nghiệm học tập và phương pháp tiếp cận khoa học để ông có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Ông cũng là một người VN. Vậy theo ông, SV VN nói chung và SV VN ở nước ngoài nói riêng thường gặp phải những khó khăn gì trong nghiên cứu khoa học?
TS Nguyễn Sơn Bình:
Học hỏi khoa học cũng như bất cứ một môn nào phải cần có sự cố gắng và một lòng say mê. Nếu bạn không có lòng say mê với bộ môn nào thì đừng theo đuổi bộ môn ấy. Người Mỹ có câu ngạn ngữ: "Passion drives the world and those who are passionate about what they want to pursue will always be succesful." Những phương pháp học sẽ tự đến với bạn nếu bạn có một sự say mê và lòng cố gắng để trở thành người giỏi trong bộ môn mà bạn nghiên cứu.Về câu hỏi thứ hai, xin xem phần trả lời về SV VN đang học tập trong nước ở trên. SV VN ở nước ngoài không có những khó khăn tương tự về tài liệu và phương pháp dạy và học nhưng họ bị cám dỗ bởi những nếp sống buông thả, không kỷ luật của những phần tử xấu ở phương Tây khi xa nhà.
Nguyễn Trần Hồng Nhật - Nam 22 tuổi - TP.HCM
- Làm thế nào để có thể tự lượng giá kiến thức chuyên môn của SVVN so với trình độ mặt bằng chung của SV Hoa Kỳ?
TS Stancel: Tốt nhất là nên tham gia GRE nói chung vì loại hình kiểm tra này có thể so sánh mọi SV, kể cả SV ở Mỹ và các nước khác. Bạn cũng có thể thi GRE subject Test để tự đánh giá bản thân ở từng bộ môn như toán, lý, hoá, v.v...
Lê Đình Thắng - Nam, 50 tuổi - Đuờng Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội
- Do điều kiện kinh tế có hạn, học phí và sinh hoạt phí ở Mỹ cao, đề nghị GS cho biết có cách nào để học sinh Việt Nam có thể vay tiền học nếu như không có được học bổng sau đó làm việc để trả nợ không?
TS Stancel: Trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, tất cả SV nhận được học bổng của trường ĐH và hiệp hội họ theo học ở bậc học cao hơn cử nhân. Điều quan trọng là tại phần lớn các trường ĐH ở Mỹ, nghiên cứu sinh từ mọi quốc gia nhận được học bổng ngang nhau. Chúng tôi nghĩ các SV sẽ làm việc, học tập như nhau nếu họ có cơ hội như nhau.
Tất cả các trường đào tạo bậc tiến sĩ chỉ nhận sinh viên được họ cấp học bổng. Sinh viên không thể vay tiền.
Vũ Xuân Bình - Nam 29 tuổi - Hà Nội
- Tôi là một cán bộ giảng dạy của 1 Học viện lớn tại VN. Hiện nay thông tin về các học bổng trên Internet rất nhiều. Tuy nhiên để có thể nhận đuợc các học bổng đó, đặc biệt là học bổng của Mỹ thì rất khó. Xin 2 GS đưa ra ra một số kinh nghiệm xin học bổng và học tập tại Mỹ để đạt kết quả cao nhất.
TS Stancel: Không có mẹo đặc biệt để xin học bổng tại Mỹ. Bạn phải tìm trường ĐH mà bạn quan tâm, hoàn tất đơn xin học bổng và bản báo cáo cá nhân giải thích chi tiết kinh nghiệm nghiên cứu của bạn khi là sinh viên. Nếu bạn có thành tích học tập tốt cũng như điểm TOEFL và GRE tốt rồi, điều quan trọng nhất là kinh nghiệm nghiên cứu của bạn.
xxxxxxxxxxx
N
gô Minh Thành - Nam 30 tuổi - 45 Trương Định, quận 3 , TP.HCM- Nền khoa học Việt Nam đang phát triển chậm chạp, rất cần sự đóng góp của của các nhà khoa học. Với tư cách là giáo sư của Viện Hàn lâm, ông có thể cho biết làm cách nào để Việt Nam tiếp cận và nhận đuợc sự hỗ trợ những thành tựu của nền khoa học Hoa Kỳ?
TS Stancel: Các nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Do đó, một trong những điều quan trọng của các trường ĐH và thư viện tại VN là cơ hội tiếp cận với các tạp chí này cũng như sách giáo khoa của nước ngoài. Không có cách nào khác để tiếp cận với các thông tin hiện này.
Các SVVN có thể xin học tại Mỹ. Các trường ĐH VN có thể thiết lập mối quan hệ với các trưởng ĐH ở Mỹ và Chính phủ VN có thể hợp tác với Chính phủ Mỹ thông qua các chương trình như VEF để phát triển khoa học và công nghệ tại VN.
Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn tới tất cả các bạn đã gửi câu hỏi cũng như cơ hội được tới VN để tham gia vào buổi giao lưu này với các bạn. Tôi đang học được rất nhiều điều trong suốt chuyến thăm VN lần này và tôi hy vọng độc giả của VietNamNet biết được một số điều về nền giáo dục Mỹ thông qua buổi giao lưu hôm nay.
Lê Việt Nam - Nam 22 tuổi - Hà Nội
- Gửi GS Nguyễn Sơn Bình: Nếu một SV có "persistence" (hoài nghi) để có thể "make a difference" (tạo sự khác biệt) nhưng thực sự không biết con đường nào để chọn cho lối đi tiếp theo của mình, thì vai trò của GS hướng dẫn là thực sự quan trọng. Và điều này phụ thuộc rất lớn vào GS hướng dẫn ở VN. Vậy ở phương Tây, điều này có đúng không? GS hướng dẫn đóng vai trò thế nào trong "shaping my career"?
TS Nguyễn Sơn Bình: Vai trò của GS hướng dẫn ở phương Tây cũng quan trọng như phương Đông. Nếu thầy không giỏi và không đặt sự nghiệp của học trò lên hàng đầu thì học trò không bao giờ khá được.
Người VN có câu: "Làm thầy cũng như làm cha", phải lo cho con cái suốt đời. Người thầy phải dìu dắt học sinh không những chỉ trong thời gian ở trường mà còn phải nhiều năm sau đó, cho đến khi học sinh trưởng thành và đóng góp cho xã hội. Thêm nữa, thầy cô cần phải làm gương tốt cho học sinh để họ biết được cách làm thầy cho thế hệ sau này.
Đến đây, tôi xin tạm biệt các độc giả của VietNamNet. Vì thời gian có hạn, tôi không thể trả lời câu hỏi của tất cả mọi người.
Có một số câu hỏi trùng lặp, tôi đành phải bỏ qua, xin các bạn thứ lỗi và xem phần trả lời ở trên.
Đã nhiều năm nay, tôi thường nghĩ về những vấn đề khác biệt giữa giáo dục phương Đông và phương Tây và đã kết luận rằng: Việc học ở VN từ nhà trẻ cho đến trung học rất tốt nhưng môi trường ĐH cần được cải tiến.
Thứ nhất, cần mở thêm nhiều trường ĐH mới để cho nhiều SV được có cơ hội phát triển trí tuệ. Ngành giáo dục phương Tây có rất nhiều ví dụ của SV thành công lớn ở bậc ĐH và sau ĐH với một thời phổ thông không được xuất sắc.
Thứ hai, cần phải loại bỏ lối học mù quáng theo sách vở và phải chú trọng vào sáng tạo và hoài nghi về những gì sách vở nói.
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn!
-
Thực hiện: Hạ Anh - Minh Sơn - Lan Hương
-
Ảnh: Lê Anh Dũng