- Trao đối với VietNamNet, chị Dư Thị Thanh Thúy (mẹ bé Lê Quang Vinh trong vụ việc "cô giáo hành hạ bé 4 tuổi ở thang máy") khẳng định cả cô giáo và nhà trường đều thiếu thiện chí trong việc khắc phục hậu quả dù chị đã mở ra cho cô giáo một con đường.
Bé Vinh khi đang ở trong bệnh viện. |
- Chào chị, hiện tình trạng của bé Vinh ra sao?
Chào anh! Bé chỉ nói chuyện với người nhà và chơi với các anh chị em con chú bác trong trong gia đình chứ không chơi đùa với trẻ con hàng xóm như trước. Cứ chơi đồ chơi được một lúc bé lại quăng hết đi. Chưa kể mỗi khi đòi đồ chơi, bé lại hét lên thật to, người trong nhà phải đoán ý mà lấy đồ chơi nào bé thích.
Hàng ngày, tôi vẫn bôi thuốc chống sẹo cho cháu. Trong các vết thương con tôi bị thì vết thương gãy 1/3 xương đòn là nặng nhất.
Tôi mới gặp bác sĩ ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình để hỏi xem có cần nẹp xương cho bé không vì sợ rằng sau này bé sẽ bị lệch xương.
- Biểu hiện tâm lý của bé có tiến triển tốt không, thưa chị?
Con tôi vẫn cộc tính lắm từ khi xuất viện về nhà đến giờ. Các bác sĩ khuyên tôi nên mua nhiều đồ chơi trí tuệ như bộ xếp hình thông minh cho bé chơi để bé hoạt động giải trí nhiều, giảm stress.
Mới đây, tôi có cho bé vào xe đẩy đưa ra công viên Tân Phước gần nhà chơi thì nhiều người nhìn thấy bé bị sẹo nhiều quá nên xúm lại hỏi thăm. Ai dè, bé mặc cảm và đòi mẹ đẩy về nhà. Dù những người xung quanh không biết tai nạn xảy ra với bé nhưng ai cũng hỏi vì thấy vết thương nhiều quá khiến tôi cũng ngại.
Tôi cũng không dám nhắc lại tai nạn đó trước mặt con vì sợ con chú ý lắng nghe và mặc cảm. Về công việc, từ ngày cháu gặp tai nạn, tôi đã xin nghỉ không lương và chưa biết lúc nào đi làm lại.
- Có một số ý kiến cho rằng nên mở ra cho cô giáo Trần Thị Xuân Nữ một cơ hội phấn đấu, chuộc lại lỗi lầm. Chị nghĩ sao về điều này?
TIN LIÊN QUAN |
Tôi đã mở ra cho cô giáo và nhà trường một con đường đi. Nhưng cô giáo và nhà trường không biết điều. Biết điều ở đây không phải là vấn đề tiền bạc mà là vấn đề con người với con người với nhau.
Từ hôm con tôi về nhà đến giờ, họ không liên lạc hỏi thăm thì anh nghĩ thử xem, họ có biết điều hay không.
Tôi đọc trên báo thấy nhắc đến chuyện cô giáo và nhà trường có xin ghé thăm con tôi nhưng gia đình không có thiện chí, họ nói như vậy là chưa đúng.
Ngay cả chuyện cô giáo đến gia đình khóc lóc năn nỉ cũng vậy. Đó là chuyện sau khi mọi việc các báo đã đăng, chứ trước đó, cô giáo không biết sợ.
Trong ngày đầu xảy ra tai nạn với bé, tôi còn năn nỉ cô giáo: “Cô ơi, làm ơn cho tôi biết con tôi bị sao vậy cô?”, nhưng cô giáo chỉ một mực “Bé bị té (ngã) chị ạ”.
Những bậc cha mẹ khác trong trường hợp thấy con bị như vậy, họ đã đánh đập, xỉ vả cô giáo rồi. Còn tôi, tôi còn năn nỉ cô giáo, tôi không hề chửi mắng cô giáo một điều gì. Chính cô giáo và nhà trường đã tự đóng lại con đường mà tôi đã mở ra để họ khắc phục hậu quả.
- Vậy chuyện chị không cho cô giáo và nhà trường vào thăm gặp con mình khi cháu nằm trong bệnh viện có thật hay không?
Tôi còn nhớ trong ngày thứ năm con tôi nhập viện, khi bé thấy các cô giáo ở trường vào thăm, bỗng nhiên bé quậy suốt ngày ở bệnh viện khiến cả phòng bệnh không ai ngủ được.
Ngay cả thấy cô giáo, bé cũng không “chào cô” như mọi ngày. Tôi phải nói “Chào chị đi con” bé mới “Chào chị” chứ một mực không chịu “Chào cô”.
Trong lúc cháu bé đã có ác cảm với các cô giáo như vậy thì làm sao tôi có thể để các cô giáo vào thăm gặp được mà họ bảo tôi không có thiện chí.
- Công an quận Tân Phú đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi “Hành hạ người khác” mà cô giáo của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ đã gây ra với bé Vinh. Về quan điểm cá nhân của mình chị cảm thấy đã thích đáng chưa?
Không. Tôi cảm thấy không thích đáng. Bây giờ, tôi đang nghiên cứu vấn đề này vì theo tôi cô giáo đã biết bé kêu cứu nhưng cố tình nhấn nút cho thang máy di chuyển, cái này theo tôi là cố ý gây thương tích. Cô giáo cố ý làm như vậy để cho hả giận.
Chưa hết, cô giáo đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm, đang học liên thông lên đại học. Chắc chắn, cô đã được nhắc nhở cảnh báo rằng không cho trẻ đến gần thang máy. Như sự việc đã xảy ra, rõ ràng là cách làm phản sư phạm, là biết mức độ rất nguy hiểm có thể dẫn đến chết người mà vẫn làm.
- Trước cảnh cô giáo Nữ đến nhà quỳ xuống xin lỗi và ngất lịm đi, chị cảm thấy ra sao?
Đó là việc 7 ngày sau khi bé nhập viện, cô giáo mới đến. Trong khi gần 1 tuần đầu tiên bé Vinh nhập viện, tôi còn không ăn uống, không ngủ, thì sao? Sao cô giáo không thú nhận về việc xảy ra với con tôi ngay từ khi mới phát hiện sự cố?
Cả cô giáo và nhà trường đều chối việc con tôi bị nhốt trong thang máy. Ngay cả khi bác sĩ mời cô giáo, mời hiệu trưởng lên để hỏi xem bé bị gì nhằm thuận lợi cho việc chữa trị, cô giáo vẫn một mực trả lời “bé bị té (ngã)”.
Nhiều ngày sau, khi tôi ngồi phân tích sự việc thì cô giáo mới thú nhận. Nhưng đó là khi cô giáo sợ nhà báo, sợ công an chứ không phải sợ chính sai lầm nghiêm trọng do bản thân gây ra.
Từ ngày con tôi về nhà đến giờ, cả cô giáo và nhà trường không liên lạc hỏi thăm cháu bị sao. Tôi có cảm giác họ phủi bỏ trách nhiệm khi sự việc đã rồi.
- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi.
Cô Trần Thị Xuân Nữ: Tôi chỉ có một suy nghĩ là chạy trốn. Thực sự là trong đầu tôi chỉ biết rằng mình khó có cơ hội nào để làm cô giáo nữa. Sau khi xảy ra sự việc, tôi chỉ biết ở nhà. Sự việc như vậy làm sao tôi không xấu hổ và dày vò cho được. Phụ huynh Bùi Huy Cường: Có lần, tôi và vợ đến chỗ cô giáo ở đón cháu về, thấy hoàn cảnh cô giáo mà chạnh lòng. Cô giáo còn 5 em trai nữa đang đi học cũng ở chung căn phòng trọ. Theo tôi được biết thì lương cô giáo chỉ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Bà Chung Bích Phượng, phó Phòng Giáo dục, tổ trưởng tổ mầm non quận Tân Phú: Lần đầu tiên gặp tôi, cô Nữ chỉ ôm mặt sợ hãi, không nói được câu nào và có biểu hiện của người bị khủng hoảng nặng về tinh thần. Các xơ trong nhóm trẻ phải đưa cô ấy đi bệnh viện rồi mời bác sỹ tâm lý về điều trị. |
-
Quốc Quang (Thực hiện)