221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1318129
600 điểm TOEFL vẫn "cấm khẩu" tiếng Anh
1
Article
null
600 điểm TOEFL vẫn 'cấm khẩu' tiếng Anh
,

- Câu chuyện sự cố MC Lại Văn Sâm dịch sai những câu đơn giản tại Liên hoan phim quốc tế vừa diễn ra ở Việt Nam không có gì ngạc nhiên với một người không được đào tạo bài bản về tiếng Anh. Tuy nhiên, kể cả với người đạt điểm rất cao về TOEFL hay IELTS (những chứng chỉ tiếng Anh toàn cầu) cũng có thể mắc những lỗi "chết người" khi giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ đại chúng này.

TIN LIÊN QUAN

MC Lại Văn Sâm dịch sai tại liên hoan phim

Ngồi tù vì không nói rõ tiếng Anh

a.jpg
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ: Chúng tôi cũng sốc khi bước vào tình huống nghe nói thực với người bản địa.

Tùng (tên đã được thay đổi) tốt nghiệp hai trường ĐH ở Việt Nam, được học bổng sang Mỹ du học MBA, có trong tay chứng chỉ 610 TOEFL, 600 điểm GMAT nhưng đã gặp những rắc rối không thể ngờ khi bước chân vào môi trường tiếng Anh thực sự.

Trước khi sang Mỹ, Tùng đã được một người bạn sang đó học từ trước cảnh báo về "khoản nghe nói" tiếng Anh, Toàn gạt đi: 600 điểm TOEFL mà còn phải lo!

Bước chân sang Mỹ, tiếp xúc với tình huống rất đời thường, nhưng không được ghi trong những cuốn sách mà Tùng đã học, đó là gọi điện để lập tài khoản điện và ga cho căn hộ mới thuê.

Sau một hồi "xì xồ", nhân viên lập tài khoản đã phải nổi cáu vì không nghe được thông tin rất đơn giản từ Tùng: họ và tên, địa chỉ nơi ở (số nhà, khu phố), thời gian đăng ký..., tóm lại là những thông tin cá nhân rất cơ bản. Cuối cùng nhân viên này đã phải nhờ người Việt Nam đang làm cùng ra phiên dịch hộ xem Tùng nói gì.

Sau đó Tùng đã phải mất kha khá tiền thuê một người bạn Mỹ nói chuyện qua điện thoại hàng ngày để quen âm điệu. Học xong MBA, Tùng đã được mời phỏng vấn một công việc rất tốt, tuy nhiên, nhà tuyển dụng, dù đánh giá rất cao năng lực của Tùng nhưng đã phải từ chối. Lý do: công việc đòi hỏi phải giao tiếp rất nhiều với khách hàng, nếu phát âm không chuẩn như người bản địa sẽ làm tổn hại đến công ty.

Câu chuyện của Cẩn, du HS tại Bỉ cũng “đau thương” không kém. Mới chân ướt chân ráo đến xứ người, Cẩn tung tăng đi chơi thủ đô và quên mang theo hộ chiếu. Trúng vào ngày cảnh sát đi kiểm tra giấy tờ tùy thân trên tàu vì lo ngại nhập cư bất hợp pháp, Cẩn đã bị giữ lại kiểm tra giấy tờ.

Thay vì nói: Tôi không mang theo hộ chiếu (I don’t bring my passport with me now) thì Cẩn nói: Tôi không có hộ chiếu (I don’t have passport, mặc dù ý Cẩn muốn nói là: Tôi không có hộ chiếu trong người, tôi để ở nhà) nên cảnh sát hiểu lầm và "tóm" luôn. Cẩn phải ở nhà giam một ngày cho đến khi các bạn đi cùng về nhà lấy hộ chiếu và nhờ trường gửi thư đến, chứng nhận Cẩn là sinh viên của trường.

“Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”

Có thể nói, không một SV quốc tế nào chưa từng bị “khớp” khi giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai, dù trình độ ngoại ngữ có tốt đến mấy, vì ngôn ngữ giao tiếp chỉ có thể học được từ đời sống, chứ không thể kiểm tra bằng một kỳ thi.

Hoài Thu, giảng viên một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội khi mới sang học cao học ở Anh đã từng thốt lên: “Trên giảng đường thì hiểu, ra chợ mua rau thì không hiểu.”

Đơn giản như việc ra cửa hàng ăn nhanh Mc Donalds ở Mỹ, nhân viên luôn hỏi khách “For here or to go?” (Ở đây hay mang về?) khiến nhiều người nước ngoài lần đầu nghe câu hỏi này đều “ngớ” ra một lúc. Ngay cả người Anh sang Mỹ có khi cũng bị “khớp” bởi ở Anh thường dùng từ “take away” thay vì “to go” như Mỹ hay Canada.

Cách đây 5 năm, khi kỳ thi TOEFL vẫn chưa có phần thi nói, chỉ kiểm tra khả năng nghe, đọc, viết, không ít sinh viên, học sinh VN đã dễ dàng có điểm cao khi thi TOEFL. Lý do, các bạn trẻ Việt Nam rất chăm chỉ và giỏi về ngữ pháp.

Khi chưa rời khỏi Việt Nam, người Việt nói tiếng Anh với nhau rất "ổn", đơn giản vì cùng được học một kiểu phát âm. Tuy nhiên, nhiều du học sinh đã "choáng" thực sự khi đến những nước nói tiếng Anh với cách phát âm và ngữ điệu... hoàn toàn khác.

Vài năm gần đây, TOEFL đã đưa cả phần nói được đánh giá là tương đối khó vào bài thi. Tuy nhiên, những người chấm thi TOEFL là các giám khảo chuyên nghiệp, họ đã quen nghe người nước ngoài phát âm nên có thể “đoán” được nghĩa trong các ngữ cảnh đã xác định.

Lã Phương, SV đại học Puget Sound, bang Washington, Mỹ, vốn là cựu HS chuyên Anh trường Hà Nội – Amsterdam khẳng định: TOEFL chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

“Mình có cảm giác kỹ năng nói chỉ được người chấm tập trung vào nội dung chứ không tập trung vào phát âm, độ chính xác của từ ngữ (trọng âm), và không đánh giá được mức độ tự tin khi nói chuyện trong cuộc sống thực,” Phương chia sẻ.

Theo Phương, nếu SV Việt Nam tự ti với khả năng giao tiếp thì sẽ thấy mệt mỏi khi hòa nhập và không chịu trò chuyện với người bản xứ. “Như thế thì càng không củng cố được tiếng Anh giao tiếp, một trong những mục đích không nhỏ của việc đi du học,” Phương khẳng định.

Chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trong nước bằng cách thường xuyên đọc sách báo, xem truyền hình, xem phim nước ngoài, cộng với sự tự tin và chủ động trong giao tiếp với người bản xứ mới là chìa khóa giúp du HS vượt qua các lỗi ngôn ngữ giao tiếp ở xứ người.

  • Lan Hương- Tú Uyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,