Những điểm số kỳ lạ
- Những kỷ niệm về điểm số luôn để lại trong tâm trí tôi nhiều cảm xúc và cũng là bài học cho tôi trong cách ứng xử ngoài cuộc sống.
BẠN ĐỌC THAM GIA VIẾT BÀI "ỨNG XỬ SƯ PHẠM" |
---|
Điểm lẻ 0,5
Hơn 12 năm về trước, tôi học cấp 2, học đều ở tất cả các môn. Tuy nhiên, những giờ kiểm tra miệng, 15 phút hay 45 phút với chúng tôi luôn cả một vấn đề căng thẳng. Những hôm cô giáo trả bài, ai cũng rất háo hức.
Một điều kỳ lạ là bài kiểm tra môn văn của tôi thường là những con điểm lẻ: 6,5; 7,5; 8,5, hay kém cũng 5,5.
Theo quy ước của cô giáo, những con điểm đó khi vào sổ sẽ được cộng thêm 0,5 cho chẵn số. Sau này, tôi mới hiểu được tại sao cô giáo lại hay cho tôi những con điểm lẻ như vậy.
Học sinh lớp 9 sau giờ thi môn văn vào lớp 10. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thực ra, những bài kiểm tra môn văn của tôi thường được cô khuyến khích cho thêm 0,5 điểm so với điểm thực tế đạt được. Cô không cho hơn hẳn 1 điểm hay cao hơn mà chỉ cho thêm 0,5 điểm. Với mục đích là động viên tôi cố gắng hơn.
Được điểm cao, tôi thấy thích học những giờ văn và dành nhiều thời gian để học môn này.
Những giờ văn của cô, tôi rất háo hức, hăng say phát biểu, tranh luận. Tiết giảng của cô càng được tôi chăm chú theo dõi, cảm nhận được những cái hay qua lời văn, câu thơ.
Những "con điểm tàng tàng"
Khi lên cấp 3, tôi không hiểu sao mình lại được nhà trường xếp vào lớp chuyên văn, trong khi các môn tự nhiên tôi học đều tốt.
Thì ra, đó là do nhà trường dựa vào lời phê của cô giáo trong học bạ là “có khả năng phát triển môn văn”. Những bài văn của tôi trong 3 năm phổ thông không còn điểm cao như trước nữa, chỉ tầm trung bình khá.
Không chỉ mình tôi mà các bạn trong lớp cũng đều vậy, ai cao lắm cũng chỉ 7 điểm. Trong khi, lớp tôi tập hợp toàn những "cây văn giỏi" của huyện, nhiều người đã đạt giải học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng chỉ những con điểm tàng tàng.
Những năm phổ thông, giáo viên dạy văn của lớp đồng thời là thầy giáo chủ nhiệm lớp. Đề thầy ra cho chúng tôi làm bài kiểm tra ngày càng khó, thậm chí, còn khó hơn cả thi đại học.
Chúng tôi cũng ngày một quen dần và phải cố gắng để điểm số cao hơn. Ở những bài kiểm tra sau, điểm có nhích hơn chút ít, nhưng không đáng kể.
Lớp chuyên văn mà tổng kết cuối năm toàn những điểm thấp lẹt đẹt, thấp hơn nhiều lớp khác:
Hay là thầy chấm đắt cho chúng mình, hay là…???
Nhưng không phải! Thầy cũng dạy lớp khác, mà sao điểm lớp đó vẫn cao. Những khúc mắc luôn đặt ra cho chúng tôi. Thậm chí, chính điểm môn văn không cao nên cuối năm, tôi mất suất học sinh tiên tiến cũng vì môn văn.
Quá buồn sầu, nhưng tự lòng an ủi: “ngành đã chọn giờ làm sao thay đổi, đành phải cố gắng hơn”.
Kết thúc năm học lớp 12, lớp tôi sĩ số 45 nhưng chỉ có 10 người đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, 2 người loại giỏi, một kết quả quá thấp, thậm chí là thấp nhất đối với một lớp chuyên của trường (từ ngày hình thành lớp chuyên). Thầy đã không được xét lao động tiên tiến cuối năm học.
Sau kỳ thi đại học, cao đẳng, một kết quả ngoài sức tưởng tượng của Ban giám hiệu nhà trường: Lớp tôi đậu 100%.
Một niềm vui khôn xiết, những người học yếu của lớp cũng đậu đại học, ít ra cũng cao đẳng.
Cách dạy, ra đề và chấm bài của thầy khiến chúng tôi khi làm bài thi rất thuận lợi, vào phòng thi chúng tôi có cảm giác như đề một bài kiểm tra, thậm chí có trường (khi đó thí sinh đang được thi nhiều trường đại học) đề ra còn dễ hơn đề của thầy ra.
23/45 sĩ số của lớp điểm thi đại học môn văn đạt điểm 8, 9, có người còn được 9,5 điểm.
Tôi không chỉ học được qua môn văn thầy cô dạy, qua một thời phổ thông mà những bài giảng đó, cách làm đó thấm sâu vào tâm trí tôi. Giúp tôi rất nhiều trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Hai cách cho điểm khác nhau, nhưng đều mang lại cho tôi những trái ngọt đầu đời.
******************************** Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Các bài viết chưa đăng tải ở báo nào, được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.