221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1305596
Bộ trưởng Giáo dục" "Tôi không có ý định tạo dấu ấn"
1
Article
null
Bộ trưởng Giáo dục' 'Tôi không có ý định tạo dấu ấn'
,

- Dù bận nhiều việc, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn sắp xếp "trình làng" bằng cuộc trò chuyện với báo giới đầu năm học mới 2010-2011. Buổi trả lời phỏng vấn tưởng như khó có thể chấm dứt bởi vẫn còn quá nhiều vấn đề giáo dục đang tồn tại. VietNamNet đăng lại nguyên văn cuộc trao đổi, sau khi được Bộ trưởng đọc và biên tập kỹ.

TIN LIÊN QUAN

Bo5.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hương Giang

Cuộc chạy maratong tiếp nối

- Thưa Bộ trưởng, năm vừa qua, vấn đề bạo lực học đường ở mức báo động. Bộ trưởng cho biết những biện pháp hạn chế hiện tượng tiêu cực này trong năm học 2010-2011?

Bên cạnh các chương trình được triển khai đồng bộ trong các nhà trường trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi vừa ký kết với Bộ Văn hóa thể thao du lịch, trung ương Đoàn, trung ương hội khuyến học, trung ương hội phụ nữ chương trình hoạt động phối hợp hành động giúp cho trẻ đến trường học an toàn.

Bộ cũng đã đề nghị ngành công an phối hợp chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tệ nạn xã hội và bạo lực, nhất là những vụ việc xảy ra bên ngoài nhà trường. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng việc tuyền truyền để toàn xã hội, các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình cùng hỗ trợ, quản lý con em, giúp đỡ các em tránh xa các tệ nạn xã hội, không bị lôi kéo vào các hoạt động mang tính bạo lực.

- Năm học này bắt đầu thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Hiện nay, tâm lý phụ huynh và dư luận xã hội rất lo lắng về tình trạng quá tải ở bậc học này. Việc đưa thêm môn tiếng Anh vào chương trính chính khóa, không còn là môn học tự chọn mà là bắt buộc. Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT như thế nào để phát huy hiệu quả nhưng không làm gia tăng gánh nặng quá tải, thưa Bộ trưởng?

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung, khối lượng kiến thức của tất cả các môn học ở các bậc học để giảm tải và thống nhất theo chuẩn chương trình đã có để hướng dẫn các nhà trường nghiêm túc thực hiện. Khi chúng ta công khai những nội dung này cho xã hội, phụ huynh và nhà trường cùng giám sát thì sẽ giảm dần việc quá tải hiện nay.

Đề án tiếng Anh bắt đầu thí điểm triển khai từ lớp 3, ở những khu vực, những trường học có điều kiện. Trên kết quả thí điểm này, sẽ phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và triển khai rộng hơn.

KG7.jpg
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn năm học này sẽ có sự thay đổi cơ bản về phương pháp giảng dạy. Ảnh: Hương Giang

Kiên trì đổi mới phương pháp

- Thưa Bộ trưởng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các bậc học để nâng chất lượng đã đặt ra và kiên trì thực hiện nhiều năm nay nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Năm học này Bộ có giải pháp đột phá gì để nâng chất lương giảng dạy trong nhà trường?

Phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh là một quá trình tích tụ dần từng bước để đến một thời điểm nào đó, đạt độ chín muồi thì mới tạo đột biến.

Trong nhiều năm qua các nhà trường đã triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ở các nhà trường theo chỉ đạo của Bộ, đồng thời cũng khuyến khích nhà trường và các thầy cô giáo tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các trường sư phạm, các khoa sư phạm, trước mắt là 2 trường ĐH sư phạm ở Hà Nội và TP.HCM có đổi mới phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm mới. Do vậy cần phải có quá trình.

- Vậy năm học này đã là thời điểm để thay đổi căn bản về phương pháp giảng dạy hay chưa hay phải là thời điểm nào khác?

Tôi rất muốn là năm học này sẽ có thay đổi về cơ bản phương pháp sư phạm trong nhà trường.Tôi không muốn có một tuyên bố nào trước về thời hạn hoàn thành việc này.

Chúng tôi cũng khuyến khích bản thân mỗi giáo viên nỗ lực tìm tòi đổi mới trong phương pháp giảng dạy của mình. Như thầy giáo Tuấn Anh ở TP HCM với những giờ học môn Giáo dục công dân của mình là một ví dụ điển hình về những tìm tòi, đổi mới trong giảng dạy.

Công khai và tăng cường kiểm định

- Trong năm học này, Bộ có dự định phân cấp quản lý giáo dục rất mạnh, từng bước phân tầng chất lượng giáo dục đại học. Xin bộ trưởng có thể nói kỹ hơn về vấn đề này?

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: HG
Phân cấp quản lý là một nội dung trong đổi mới quản lý GD và ĐT. Trong giáo dục đại học, cao đẳng việc phân cấp sẽ thực hiện nhiều hơn, trong đó chúng tôi sẽ xem xét toàn diện mối quan hệ giữa Bộ GD và ĐT với các bộ ngành liên quan, các địa phương và các trường đại học, cao đẳng.

Riêng việc quản lý trong giáo dục mầm non, phổ thông, giữa bộ với các địa phương về cơ bản đã có sự phân cấp tương đối rõ ràng. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung vào chỉ đạo nghiệp vụ giữa bộ với các sở, giữa sở với các phòng GD và ĐT và với các nhà trường.

Để phân tầng chất lượng, Bộ GD và ĐT đang và sẽ triển khai hai nội dung là: Thứ nhất là về vấn đề công khai, Bộ đã và đang yêu cầu các nhà trường trong toàn hệ thống phải công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động của nhà trường (cơ sở vật chất, đội ngũ thầy, cô giáo); công khai về thu, chi; công khai kết quả học tập của học sinh.

Thứ hai là tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục chung trong cả hệ thống. Đối với phổ thông, tham gia đánh giá chất lượng giáo dục theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến.

- Việc cải thiện đời sống giáo viên là một vấn đề được nói rất nhiều trong những năm qua, năm học này, có những tín hiệu gì mới về vấn đề này không thưa Bộ trưởng?

Vấn đề lương nằm trong bối cảnh chung của chính sách lương của nhà nước, không chỉ ngành giáo dục. Tất cả những đặc thù riêng của các thầy cô, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, hay các cô giáo bậc mầm non thì chúng tôi có trao đổi thảo luận với cơ quan chức năng, đang trong quá trình nghiên cứu. Riêng về phụ cấp giáo viên thì đã bàn và sẽ áp dụng sớm trong thời gian tới.

- Năm học mới được coi là năm khởi đầu của những dự án "nghìn tỉ" cho 10 năm: Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có kinh phí là 14.600 tỉ đồng, thí điểm dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới là 9.738 tỉ đồng, Đề án phát triển trường THPT chuyên khoảng hơn 2.300 tỉ đồng. Với số tiền lớn như vậy, ông có băn khoăn, lo lắng điều gì không?

Các chương trình, đề án đã được cân nhắc kỹ, được thảo luận, không chỉ trong Bộ GD-ĐT mà nhiều đề án Chính phủ đã thảo luận. Cho nên tôi không băn khoăn, nhưng có lo lắng.

Nếu đầu tư ít thì lo không có tiền để thực hiện, nhưng khi có nhiều tiền thì lo, vì khối lượng công việc lớn, phải quản cho chặt đồng tiền của nhân dân sao cho có hiệu quả. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố để triển khai các dự án, đề án theo đúng quy định của Nhà nước.

Chống lạm thu: Cần một hành động thống nhất

- Những nét không lành mạnh của giáo dục phổ thông nhiều năm nay không giải quyết dứt điểm được như dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu, học lệch và học để đối phó với thi cử. Bộ trưởng có chọn vấn đề nào giải quyết dứt điểm trong nhiệm kỳ của mình để tạo dấu ấn ?

Bo3.jpg
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi không có ý định tạo dấu ấn. Ảnh: Hương Giang
Tất cả những cái không lành mạnh, trái với bản chất giáo dục thì ngay lập tức phải có đấu tranh. Trong năm nay vẫn tiếp tục chỉ đạo để giải quyết cụ thể và tiến tới chấm dứt những hoạt động tiêu cực trong nhà trường.

Chúng tôi sẽ chỉ đạo ở từng địa bàn, từng địa phương. Hiện tượng dạy thêm chỉ phổ biến ở các thành phố, thị xã, khu vực phát triển. Còn ở nông thôn, có hiện tượng dạy thêm, học thêm nhưng thậm chí các thầy cô không lấy tiền. Ở vùng sâu vùng xa, các thầy cô còn nhường cơm, nhường tiền của cho các cháu học sinh. Tùy theo địa phương hay từng trường, có vấn đề gì nổi cộm thì ưu tiên giải quyết vấn đề đó.

Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn của cá nhân mình. Mục tiêu của tôi là cùng với các đồng chí trong ngành triển khai những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao cho. Cái gì làm tốt rồi thì mình phát huy, cái gì làm chưa tốt thì rút kinh nghiệm. Đây là cuộc chạy maratong nối tiếp, không ngừng nghỉ nhằm đạt mục tiêu đã xác định.

- Tình trạng lạm thu ở các nhà trường đã thành hiện tượng phổ biến, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dường như sự cố gắng của các địa phương cũng không làm thay đổi nhiều. Bộ trưởng bình luận vấn đề này như thế nào và Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để giúp chấn chỉnh lại hiện tượng này không?

Việc chống lạm thu trong nhà trường cũng như việc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương. Cần sự nhận thức và hành động thống nhất của Bộ GD và ĐT, của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở các địa phương, của thầy cô gíáo, của phụ huynh và công luận…

Bộ đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền có sự giúp đỡ, phối hợp hành động, giám sát, theo dõi sát sao, kịp thời hơn nữa.

Tôi xin đề nghị tất cả các bậc phụ huynh cùng ủng hộ chủ trương của ngành,chống lạm thu tiền trường sai quy định bằng việc cùng thống nhất mục tiêu, cách tiếp cận đối với các khoản thu này.

Phụ huynh phải cùng nỗ lực cùng ngành giáo dục

- Là tiến sĩ kinh tế học, điều này có ảnh hưởng gì đến những việc sắp tới đây ông làm cho giáo dục?

NusinhAm.jpg
Nữ sinh trung học phổ thông. Ảnh: HG
Tôi chưa nghĩ đến việc này (cười). Tôi nghĩ lĩnh vực chuyên môn sâu của tôi là kinh tế, có lẽ sẽ giúp tôi có thêm cơ sở, kiến thức và thực tiễn để cân nhắc các vấn đề chuyên môn của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

- Mấy đời Bộ trưởng gần đây đều xuất thân từ giáo dục ĐH - ông cũng không ngoại lệ, từ cán bộ quản lý giáo dục ĐH lên giữ cương vị Bộ trưởng bao quát toàn ngành. Trong khi giáo dục phổ thông có đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh đông nhất và trải rộng trên khắp các tỉnh thành phố. Bộ trưởng thấy có khó khăn gì trong quản lý mảng giáo dục phổ thông?

Tuy đã từng là cán bộ quản lý một trường ĐH, nhưng tôi không dám nói là đối với giáo dục ĐH, tôi đã hiểu biết hết. Ngay đối với giáo dục ĐH, lĩnh vực thuận lợi nhất của tôi, tôi thấy mình cũng cần phải tìm hiểu học hỏi nhiều hơn nữa. Còn đối với mảng giáo dục phổ thông, việc phải tìm hiểu, học hỏi là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng có một số thuận lợi. Trong sáu năm làm Thứ trưởng, tôi cũng tích lũy được một số kinh nghiệm khi tham gia hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, thường xuyên tìm hiểu, bàn bạc về giáo dục đào tạo ở các địa bàn này, phần lớn là bàn về giáo dục phổ thông.

Một may mắn nữa của tôi là có con còn đang trong độ tuổi HS phổ thông. Con lớn của tôi mới rời phổ thông vài năm nay, con nhỏ đang là HS THCS. Trước đây cháu học ở một trường dân lập và mới chuyển về một trường công lập ở gần nhà. Tôi không đặt nặng việc phải chọn trường điểm, tiêu chí đầu tiên trong việc chọn trường cho con của chúng tôi là học ở gần nhà vì chúng tôi không có điều kiện đưa đón. Những năm trước, tôi thường xuyên đi họp phụ huynh cho các con. Chỉ gần đây, do điều kiện công việc, tôi mới không đi họp phụ huynh cho con được.

Như vậy, khi nhìn nhận về giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục nói chung, tôi còn đứng trên cương vị một phụ huynh học sinh để cùng vui và lo niềm vui nỗi lo của đông đảo phụ huynh học sinh trong cả nước. Nhân dịp đầu năm học mới, tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh suy nghĩ này: Khó khăn trong giáo dục còn nhiều. Để giải quyết được những khó khăn đó, chúng ta phải cùng nỗ lực vì một bức tranh giáo dục tươi sáng hơn.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới
Trong năm học 2010-2011, đối với khối mầm non và phổ thông, chủ đề vẫn là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả. Cụ thể là tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực", qua kết quả vừa được tổng kết 2 năm ở Hà Tĩnh.
Thứ hai là tập trung chỉ đạo đề án phổ cập mẫu giáo mầm non 5 tuổi. Thứ ba là thí điểm giảng dạy tiếng Anh cho các cháu lớp 3.
Một việc nữa là giảng dạy kỹ năng sống cho phù hợp với từng khu vực, nâng cao ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm đối với hành vi của bản thân, ý thức tự bảo vệ bản thân trước cám dỗ, những cái không lành mạnh. Đã có tập huấn bước đầu và trên cơ sở chương trình chung, các địa phương sẽ thay đổi cho phù hợp với điều kiện của mình.
Nhiệm vụ thường xuyên của năm trước vẫn tiếp tục được chú ý nhưng có lưu tâm đến chương trình kiên cố hóa trường lớp học để trong thời gian nhanh nhất, các cháu vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo có phòng học tốt. Sẽ nâng cấp những trường nội trú hiện có và mở thêm các trường này ở các địa bàn còn thiếu. Với trường bán trú dân nuôi sẽ củng cố cơ sở vật chất, và theo chỉ đạo của Thủ tướng thì sẽ có nghiên cứu chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các cháu.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án phát triển giáo dục ở các bậc học ở địa phương thì năm học này bắt đầu một chu kỳ mới.
Các trường chuyên đã có đề án và năm học này từng bước một củng cố và nâng cao chất lượng.
Nhiệm vụ khác đã triển khai từ những năm trước nhưng năm nay cũng đặc biệt quan trọng là chú ý tăng cường số lượng, bổ sung đội ngũ và nâng cao chất lượng là đội ngũ các thầy cô giáo và nâng cao chất lượng ở các cấp.
Bao trùm chung của nhiệm vụ năm học này và mục tiêu là nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy chữ, từng bước nâng cao hướng nghiệp, dạy nghề ở những vùng có điều kiện.

  • Kiều Oanh - Hương Giang (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,