- Những người trẻ “tránh sóng gió” và làm “bồ nhí” để đi tắt đến cuộc sống mới nhưng nguy cơ trên chính con đường này họ lại dễ gặp phải những “cơn bão cuộc đời” lớn hơn rất nhiều.
Mời bạn đọc cùng lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lý Hoàng Dương và T.S Xã hội học Trịnh Hoà Bình về những nguy cơ trên con đường rải bằng tiền này.
Sống với những hạnh phúc “có hạn sử dụng”
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Dưới góc độ xã hội học, T.S Trịnh Hoà Bình chia sẻ: Những người trẻ này khao khát cuộc sống và vị thế xã hội của những người mà họ sẵn sàng làm bồ nhí. Đôi khi, họ coi “vốn tự có” là phương tiện chính đáng như bao con đường khác để đạt mục đích của mình.
Thực tế, ở đây cũng có yếu tố ngoại lai khi càng ngày, chúng ta càng được tiếp cận với nhiều thông tin về đời sống xã hội và văn hoá phương Tây. Mỗi người lại có thêm một vài kịch bản để bắt chước. Tuy nhiên, chúng ta đang tiếp nhận những điều đó một cách khá “cơ học” và méo mó.
Phương Tây khá thoáng về tình dục nhưng điều đó xuất phát từ văn hoá, quan niệm về tình dục của họ khá nhẹ nhõm. Hơn thế nữa, tình dục với họ không phải là thứ để trao đổi, “có đi có lại” trong các mối quan hệ.
Chúng ta cách xa phương Tây về trình độ phát triển. Những vấn đề về đạo đức, lối sống của họ đã đi qua giai đoạn khủng hoảng. Giờ đây, họ lại có xu hướng trở về với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Còn nhiều người trẻ ở nước ta vẫn nghĩ rằng, đi theo con đường thực dụng, một bước lên tiên bằng vốn tự có đó cũng “chẳng sao cả”, “chẳng ảnh hưởng gì”, người ta vẫn sống. Nhưng đó là con đường vô cùng ngắn ngủi và không ai dám nói nó là hạnh phúc thực sự.
Nếu đạt được ước nguyện đổi đời thì chỉ là một sự may mắn dành cho rất ít người, đương nhiên được sự ủng hộ từ những yếu tố khác. Đã là con đường nhầm lẫn thì sẽ không thể có kết cục tốt đẹp, nếu bản thân không thể vượt ra khỏi nó. Muốn có kết quả tốt thì người ta phải vận hành theo những giá trị tốt đẹp.
Trong hệ thống ứng xử truyền thống với xã hội, chỉ khi tự phấn đấu, tự làm ra thành quả, con người mới thực sự nhận thức được giá trị bản thân. Cách lựa chọn đi lên dựa vào người khác như kiểu “tầm gửi” này sẽ phải đối mặt với những rủi ro và khó tránh khỏi trả giá. Trong đó, dư luận xã hội cũng rất tỉnh táo và có sức mạnh khiến con người không thể duy lý bởi chúng ta sống không thể thiếu cộng đồng.
Đối diện “cơn bão cuộc đời”
Chuyên gia tư vấn tâm lý Hoàng Dương phân tích: Nhiều trường hợp đồng ý dấn thân vào mối tình đại gia không đơn giản bởi cô thích tiền, thích mối quan hệ được cung phụng như một nàng công chúa. Trong lòng lúc mới quen người đàn ông, đó là tình cảm ngưỡng mộ sự thành đạt, năng động của anh ta.
Khi tìm đến bác sỹ tâm lý, có một số bạn đang đấu tranh với chính bản thân mình. Cảm thấy với mối quan hệ nào cũng đang sống giả dối, nên các bạn đang tìm hướng trung thực, thanh thản cho tâm hồn mình.
Hầu hết những cô gái khi chọn hướng “săn đại gia” đều ý thức được việc làm của mình, luôn cảm nhận được đúng sai hay giả dối và chính họ cũng lường được những hậu quả có thể xảy ra: Bị mê hoặc bởi những người đàn ông thành đạt rồi dẫn đến nhầm lẫn trong tình yêu; hay quá tham vọng về một tấm chồng xứng đáng, muốn được gia nhập giới đại gia mà mù quáng theo đuổi, “chinh chiến” để có được người đàn ông đã thuộc về một tổ ấm khác không phải là hiếm.
Hầu hết họ không nghĩ rằng trong những mối quan hệ ấy, người đàn ông rất ít khi muốn từ bỏ gia đình để đến với mình.
Còn lại, phần nhiều những tình yêu giữa người đẹp với đại gia đều nhuốm màu tiền bạc và dục vọng. Đó là hai thứ trao đi đổi lại để hai bên cùng có lợi- cái lợi trần trụi và thoả mãn nhu cầu nhất thời.
Dù theo cách nào đi nữa, những mối quan hệ với người đã có gia đình đều luôn dành phần tổn thương, thiệt thòi cho các người đẹp.
Nỗi đau thể xác là cái đầu tiên người đẹp có thể phải gánh chịu từ những cơn ghen của phu nhân hay người nhà đại gia. Cũng có thể, đó sẽ là cái đau do chính mình gây ra: không ít các cô gái đã doạ tự tử khi bị phụ bạc hay bị lừa gạt, để rồi đại gia vẫn ra đi nhưng chính sức khoẻ của mình bị ảnh hưởng.
Nhưng đau đớn dai dẳng nhất đó là câu chuyện “hậu” tình yêu. Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương cho biết: những cái bẫy tình ngọt ngào để lại nỗi bẽ bàng đối với các cô gái hay những mối quan hệ tiền- tình đổi chác cũng vẫn kéo những vết sẹo dài trong tâm hồn họ. Mất niềm tin vào cuộc sống và khó đi tìm, khó tin tưởng vào tình yêu sẽ khiến họ khó tìm được hạnh phúc đích thực.
Thêm cái “thất bát” lớn nhất đó chính là phương hướng trong cuộc sống, khi cánh cửa học vấn và tuổi trẻ cứ khép lại dần với những cuộc chơi, những tham vọng vật chất. Hầu như chằng còn cô gái nào nghĩ đến chuyện học hành khi đang “sống ngắn” với đại gia.
Cũng phải nói thêm rằng: không phải "đại gia" không mất: rạn nứt hay cuộc sống gia đình mất đi hạnh phúc là điều chắc chắn. Nhưng dấu vết ảnh hưởng đến những đứa con của họ thì rất khó lường. Người lớn vẫn hay quên một điều rằng: trẻ con vô cùng nhạy cảm trước những sự kiện gia đình, chúng biết và cảm nhận được tất cả. “Dù người lớn sống thế nào, cũng đừng để trẻ con phải chịu tổn thương hay thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ, nhất là về tinh thần. Đôi khi, đây lại là những nạn nhân đáng thương nhất trong những trận chiến tình cảm của người lớn.”- Ông Hoàng Dương cho biết.
-
Nguyễn Hường (ghi chép)