Người Hà Nội đã có một ngôi trường hiện đại ở đẳng cấp khu vực trước ngưỡng cửa 1000 Thăng Long – Hà Nội: công trình trường PTTH Chuyên Hà Nội Amsterdam. Sự thành công của trường Ams mới có được nhờ 3 “sự tôn trọng” mà ai cũng biết nhưng vẫn hay bị “lãng quên”.
Tin liên quan:
Ngôi trường phá vỡ một triết lý giáo dục
’Trường Ams mới’ lấy học sinh làm chủ thể sáng tạo
Tôn trọng sự công khai, minh bạch
Cách đây 10 năm, khi Hà Nội 990 năm, lãnh đạo thành phố bắt đầu tìm kiếm những công trình để kỷ niệm 1000 năm, trường Ams sau đó đã được chọn trong Danh sách các công trình đó. Ông Nguyễn Quốc Triệu khi là chủ tịch thành phố đã có ý tưởng xây dựng một trường Ams mới mang hơi thở Hà Nội, người Hà Nội làm thiết kế, người Hà Nội thi công, người Hà Nội quản lý.
Trường Ams mới: Mênh mông không gian ngoài nhà |
Đến năm 2006, Hà Nội bắt đầu có kế hoạch xây dựng ngôi trường và tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc. Đầu bài là đồ án thiết kế phải hướng tới mô hình giáo dục tiên tiến ở tầm khu vực hoặc xa hơn nữa, các tiện nghi đều vượt những chuẩn thông thường ở Việt Nam hiện tại.
Cuộc thi được tổ chức công khai với một Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia uy tín về kiến trúc, xây dựng, giáo dục. GS.TS.KTS, Nguyễn Việt Châu, thành viên Hội đồng tuyển chọn kể lại:
“Đây là cuộc thi rất có chất lượng, có tới khoảng 20 phương án tham gia của rất nhiều đơn vị thiết kế có tên tuổi . Tranh luận rất nhiều. Tôi ngồi trong nhiều hội đồng chấm giải nhưng nhưng có lẽ đó là lần tôi cảm thấy lâu nhất, khó khăn nhất”.
Phối cảnh tổng thể trường Ams |
Cuộc thi kỷ lục bởi số lượng đồ án dự thi và thời gian đi tới quyết định cuối cùng. Cuộc thi kéo dài qua nhiều vòng tuyển chọn với hàng chục cuộc trình bày, thảo luận, góp ý, trong gần 2 năm từ đầu 2006 tới cuối 2007 mới kết thúc. Hội đồng đã lựa chọn phương án của nhóm thiết kế ATEK, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC).
“Kinh nghiệm cho thấy trường học hay bất kỳ công trình kiến trúc nào nếu tổ chức thi tuyển kiến trúc công khai và kỹ lưỡng đều có những công trình đẹp và tốt hơn. Với dự án này Chủ đầu tư rất yên tâm về đơn vị thiết kế cũng như sự tuân thủ chặt chẽ hồ sơ thiết kế và năng lực của các đơn vị thi công”, Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện chủ đầu tư, chia sẻ.
Nhà cầu thép nối các khối học với khối hiệu bộ |
Tôn trọng những người có chuyên môn
“Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có mũi nhọn là người giỏi chuyên môn, tiếc là trong nhiều trường hợp người giỏi chuyên môn không đứng ở mũi nhọn mà phải lang thang đâu đó ngoài cuộc chơi. Không có chuyên môn, không có học thuật thì tốt nhất đừng làm cái gì cả, kiến trúc cũng vậy", TS.KTS Hoàng Trinh, giảng viên truờng Đại học Kiến trúc Hà Nội, thày của một số thành viên nhóm kiến trúc trường Ams bình luận.
Thực tế trong không ít lĩnh vực ở Việt Nam, nhiều quyết định được đưa ra dựa trên ý chí của lãnh đạo nhiều hơn tính toán về chuyên môn. Người có chuyên môn không được tham vấn hoặc sự tư vấn của họ chỉ mang tính hình thức. Người lãnh đạo áp đặt ý chí chủ quan chưa chính xác của họ dù “vô tình” hay “cố ý” đều tạo ra những hệ quả tiêu cực lên xã hội.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu - Tổng biên tập tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư VN |
Kiến trúc không phải là ngoại lệ, ở Việt Nam vẫn có hiện tượng chủ đầu tư can thiệp quá nhiều vào thiết kế, nhiều công trình ban đầu ý tuởng, giải pháp đưa ra rất chuẩn mực nhưng đến khi hoàn thành bị méo mó đi rất nhiều. Thậm chí kiến trúc sư không còn nhận ra, hoặc không dám nhận đó là tác phẩm của mình. Công trình trường Ams đã vượt qua được “lệ làng” đó.
“Tôi cho đó là một điều rất đáng mừng, cũng là nhờ các cơ quan lãnh đạo Hà Nội đã “cởi trói” cho người làm thiết kế, tạo điều kiện cho người thiết kế. Ông Nguyễn Thế Thảo cũng là người trong nghề nên cũng chia sẻ”, GS.TS KTS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.
Sự tôn trọng người có chuyên môn trong công trình trường Ams không chỉ thể hiện ở việc tạo cơ hội cho các nhóm thiết kế tự do sáng tạo, Hội đồng chấm giải cũng tập hợp đuợc một đội ngũ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc.
“Cách chấm của Hội đồng rất hay, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu các chuyên gia kiến trúc phát biểu trước. Hội đồng thật sự muốn các ý kiến của chuyên gia tạo ra ảnh hưởng và dẫn dắt câu chuyện”, KTS, TS Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế trường học, Bộ GD&ĐT kể lại.
Kiến trúc sư phải là người “đầu bếp” đưa ra công thức nấu món ăn chứ không phải là người “phụ bếp”, người minh hoạ theo ý chí của chủ đầu tư. Nhóm kiến trúc sư ATEK đến từ CDC đã làm được điều đó và tạo ra một trường Ams mới “tiếp cận được với các chỉ tiêu đánh giá của quốc tế” theo lời KTS Nguyễn Việt Châu.
Tôn trọng yếu tố không gian trong giáo dục
“Nếu coi hành lang chỉ là nơi đi lại để giao thông thì anh sẽ làm nó nhỏ hẹp vừa đủ. Nhưng nếu coi đó là không gian mang tính cộng đồng để giao lưu, vui chơi, kết nối thì anh sẽ thấy những góc nhìn khác…”, KTS Trần Thanh Bình minh hoạ một ví dụ về không gian trong kiến trúc.
KTS.TS Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
Minh hoạ của KTS Trần Thanh Bình về không gian hành lang nói riêng khá tương đồng với quan niệm không gian giáo dục nói chung. Quan niệm phổ biến về trường học hiện nay vẫn là “nơi để thày và trò giảng dạy và học tập kiến thức”. Tư duy ấy đã không còn phù hợp nữa, so với những không gian học xá ở các nước tiên tiến, nơi mỗi trường học là một khuôn viên rộng lớn có đầy đủ các điều kiện thể thao, giải trí, văn hóa, thậm chí như một công viên.
“Phương án của nhóm ATEK đã tạo ra được sự thông thoáng, kiến trúc mở, các khối học hài hòa với không gian thiên nhiên. Trong bối cảnh như vậy, sự chuyển tải, tiếp thu kiến thức sẽ tự nhiên hơn rất nhiều so với các trường học kiểu cũ”, KTS Nguyễn Việt Châu mô tả.
Nhóm ATEK bảo vệ phương án trước hội đồng tuyển chọn Kiến trúc năm 2006 |
Các trường học kiểu cũ đều theo môtíp chữ U quay kín truyền thống, chỉ có một khoảng không gian sân trường nằm giữa các khối học. Nhưng trường Ams mới tạo ra vô số những khoảng không gian mở có thể phục vụ nhiều mục đích. Những khoảng không gian đa phương, không gian song phương, không gian khánh tiết, không gian tĩnh, động… đan xen liên tục tạo ra một nhịp điệu phóng khoáng, đa dạng, đậm chất sáng tạo cho ngôi trường.
“Đặc biệt ngôi trường có nhiều khoảng không gian trống tầng, những khoảng không gian này không mới trong các trường học ở nước ngoài nhưng rất mới ở Việt Nam. Hội đồng chấm giải đã ghi nhận điều ấy và thành phố cũng đã “chịu chơi”, tôn trọng sự sáng tạo của nguời thiết kế. Những sự tôn trọng ấy đã làm nên thành công của công trình”, TS,KTS Trần Thanh Bình kết luận.
-
Duy Khánh