Với thành tích hơn 200 lá thư đủ loại, cô sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại thương Hà Nội có dáng người nhỏ nhắn Lê Thị Bích (biệt danh ông bụt tình yêu) đang khá nổi trong nghề viết thư tình thuê.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Viết thư tình thuê để… rèn luyện
Lê Thị Bích. |
Yêu văn học, thích viết thư từ những ngày cấp III. Ban đầu chỉ là những lá thư viết hộ bạn bè rồi dần dần “tiếng lành đồn xa”, những cánh thư của Bích dần được bạn bè đưa đi xa hơn. Nhờ thế mà cô cũng “chấp bút” đều đặn hơn. Nhưng phải đến những năm học đại học, sống cuộc sống xa nhà, Bích mới có ý tưởng viết thư thuê vừa là để kiếm đồng ra, đồng vào chi tiêu cho cuộc sống vừa là để rèn luyện khả năng viết lách của mình.
Khách hàng của Bích hầu hết đều là những người thiếu tự tin vào bản thân, trầm cảm hoặc không biết cách bày tỏ cảm xúc của mình với đủ độ tuổi từ 17 đến 35 tuổi. Trong đó đối tượng sinh viên chiếm khoảng 50%.
Để “sản xuất” được những bức thư tình đúng ý khách hàng, thì khách phải giới thiệu đầy đủ về bản thân, tình huống mà họ đang gặp phải, hoàn cảnh sống, tình cảm… rồi gửi về hòm mail của Bích.
Tuy nhiên, không phải ai thuê viết, cô cũng nhận lời. Có những cậu học sinh cấp II đặt hàng “ông bụt” mỗi ngày một lá thư để mang tặng bạn gái kèm theo một bông hồng, nhưng Bích nhất quyết từ chối. Với mỗi đơn đặt hàng cô đều tìm hiểu kỹ càng về hoàn cảnh và tình cảm của khách hàng để có những cảm nhận sâu sắc nhất: “Từ những yêu cầu khách hàng gửi về, mình phải chọn lọc những tình huống cần thiết, những người muốn bày tỏ tình cảm một cách chân thành, đồng thời, mình hiểu sâu sắc nhất về hoàn cảnh và tình cảm của họ thì mới viết.” – Bích tâm sự.
Tự nhận mình là một người khá nhạy cảm, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, hiểu được tâm trạng của nhân vật nên Bích “nhập vai” khá tốt. Mỗi lần nhận được yêu cầu viết thư bày tỏ, đọc tình huống của khách hàng là những cảm xúc trong “ông bụt” lại ùa về bởi ai cũng có những cảm xúc như thế: “Khi đọc những lời bày tỏ của khách hàng, mình hồi tưởng lại cảm xúc mà chính bản thân mình đã trải qua. Từ đó hiểu được tâm trạng của khách và nhập vai một cách tốt hơn” – Bích cười.
Nhưng không phải 100% những lá thư tình do “Ông bụt tình yêu” “sản xuất” đều làm hài lòng khách hàng ngay từ phút đầu tiên. “Cũng có những lá thư mà khách chưa thấy phù hợp với văn phong, ngôn ngữ của họ nên mình phải sửa đi sửa lại nhiều lần cho đến khi khách hàng ưng ý” – Bích chia sẻ.
Ông bụt tình yêu hóa…nhà tư vấn
Có những tình huống của khách hàng khiến cô sinh viên phải mất nhiều đêm suy nghĩ. Đó là trường hợp một anh chồng nhờ viết thư cho vợ. Đó là một lá thư xin lỗi với đầy tình cảm chân thành mà người chồng gửi gắm trong đó. Chỉ có điều anh không thể diễn đạt được điều đó. Khi anh nhờ viết lá thư là lúc anh cảm thấy hối lỗi vì sự vô trách nhiệm với gia đình và đó cũng là lúc anh phát hiện người vợ yêu dấu của mình đang mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi gửi thư anh đã gọi điện cảm ơn “nhà tư vấn” đã hướng dẫn anh có những hành động thực tế và chân thành để thể hiện tình cảm chứ không phải chỉ bằng những lời có cánh.
Hay những lá thư bày tỏ lòng biết ơn với mẹ của một anh chàng đầu bếp. Anh bị mắc bệnh trầm cảm nên dù rất yêu mẹ nhưng không bao giờ nói ra được ba tiếng “Con yêu mẹ”. Thương mẹ lo lắng cho mình ngày đêm, anh tìm đến ông bụt tình yêu để nhờ cánh thư gửi tình cảm về với mẹ. Nhận lời viết thư cô kiêm luôn cả người tâm sự, chia sẻ nỗi lòng với anh.
Dẫu “làm ăn” khá phát đạt, “ông bụt” thường xuyên khuyên khách hàng của mình nên thật lòng: “Bởi khi mình viết giúp người ta nhiều quá, cảm xúc sẽ trở thành giả tạo và tạo một tâm lý ỷ lại vào người viết” – Bích nói một cách thẳng thắn.
Không muốn trở thành người viết thư tình chuyên nghiệp
Là một người chuyên viết thư tình với những lời lẽ ngọt ngào trong những cánh thư nhưng trong cuộc sống thực tế cô có quan điểm sống hoàn toàn ngược lại: “Mình sống chân thành nhưng lý trí, không nhìn cuộc đời qua cặp kính màu hồng nên ngay cả trong tình yêu cũng không thích sự bay bổng và lãng mạn thái quá”.
Cũng có những trường hợp khách hàng sau khi đọc thư xong thì gọi điện, nhắn tin tán tỉnh, làm phiền. Từ khi đăng tin rao vặt trên mạng (đầu tháng 3/2010) điện thoại của cô thường xuyên được “hâm nóng” bởi những “fan” hâm mộ. Sống nhạy cảm nhưng không hề “hoang tưởng”, mỗi khi bị làm phiền, chỉ cần nghe một câu, bằng sự nhạy cảm của mình, cô sinh viên trẻ có thể nhận biết được đâu là người chân thành, đâu là kẻ thích đùa cợt.
Ngoài việc viết thư tình, cô còn viết truyện ngắn, tản mạn, bút ký. Dự định sắp tới cô sẽ thành lập một trang web để đưa những tác phẩm của mình đến với phần đông bạn trẻ để cùng cảm nhận và chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống.
Không giống như những “lời đồn thổi” của dân cư mạng, cô gái với biệt danh “ông bụt tình yêu” này không có ý định sẽ mở rộng dịch vụ hoặc trở thành một người viết thư thuê chuyên nghiệp bởi cô không thích sự gò bó, ép buộc: “Mình thích được viết theo cảm hứng, cảm xúc thực của chính mình. Hôm nay chọn tình huống này, mai chọn tình huống khác. Và mình luôn là người chủ động” – Bích nói.Mỗi bức thư được chắp cánh, mỗi tình cảm trong sáng được diễn đạt thành lời giúp cô sinh viên trẻ cảm nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, trong sáng hơn và đẹp hơn.
(Theo Sinh viên Việt Nam)