Lo...phụ huynh "chạy thầy", lo mâu thuẫn ngấm ngầm... là tâm sự chung của hiệu trưởng nhiều trường học tại TP.HCM khi biết kế hoạch tôn vinh danh hiệu “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lo sẽ có “chạy”... thầy
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, cho rằng tôn vinh nhà giáo là việc làm tốt. Tuy nhiên, việc tôn vinh danh hiệu nhà giáo được học sinh yêu quý nhất là không ổn.
Theo bà, với học sinh tiểu học, thầy cô giáo đang dạy trong lớp vẫn là sự lựa chọn số 1 nếu như được hỏi giáo viên nào các em yêu quý nhất. Điều này thể hiện ở chỗ: trong bài kiểm tra tiếng Việt, nếu đề bài yêu cầu tả thầy cô giáo mà các em yêu thích thì hầu như các em đều tả thầy cô đang dạy mình.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), nói thêm, ngay cả học sinh THPT cũng chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bầu chọn nên kết quả sẽ không chính xác.
Ở trường bà, hiện nay vẫn thường xuyên khảo sát ý kiến HS về thầy cô giáo - nhưng chỉ để kịp nắm bắt tình hình và điều chỉnh - chứ không lấy làm căn cứ để đánh giá, bầu chọn danh hiệu giáo viên.
Bà Điệp cho biết, kết quả bình chọn có được như mong đợi hay không thì trường không dám chắc chắn. “Nếu việc bình chọn và tôn vinh “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất” diễn ra, không chừng năm sau phụ huynh lại lo “chạy” làm sao để con mình được học với thầy cô được bầu chọn danh hiệu này” - bà Điệp nói.
Lo mâu thuẫn ngấm ngầm
Nhiều hiệu trưởng, lãnh đạo các phòng GD-ĐT cho biết chưa nhận được văn bản hướng dẫn về việc giới thiệu, bầu chọn danh hiệu “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất” mà chỉ biết thông tin trên báo chí. Nhưng điều mà hiệu trưởng các trường ở TP.HCM mong muốn Bộ GD-ĐT làm trong lúc này là tập trung tạo sự ổn định, nâng cao chất lượng giáo viên hơn là tổ chức bầu chọn danh hiệu trên.
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng, việc bầu chọn một giáo viên được học sinh yêu quý nhất trong một tập thể giáo viên của trường có thể sẽ tạo ra mâu thuẫn ngấm ngầm, vì thực tế việc bình chọn rất cảm tính, dễ dẫn đến việc giáo viên chưa xứng đáng thì được chọn, giáo viên xứng đáng thì không, hoặc nhiều giáo viên đều xứng đáng nhưng chỉ được chọn một.
Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết mục tiêu của trường trong thời điểm này là tập trung tổ chức ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 để các em thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ chứ không phải là bầu chọn giáo viên. Thật sự, trường không quan tâm đến cuộc bầu chọn này.
Theo bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú – TP.HCM, việc bầu chọn danh hiệu “Nhà giáo được HS yêu quý nhất” quá hình thức".
Yêu cầu đầu tiên tất nhiên phải do HS bình chọn. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, mỗi năm, các cháu chỉ được học với một thầy/cô giáo. Ở bậc THCS, THPT, HS cũng chỉ được học với một nhóm GV, không biết nhiều GV khác, vậy HS sẽ bình chọn như thế nào và kết quả sẽ ra sao?
Đã thế, khi bình chọn ở các trường, danh sách lại được chuyển lên cấp huyện rồi tỉnh để cuối cùng chọn 2 nhà giáo. Kết quả liệu có khách quan không, khi mà ngay từ ban đầu, việc bình chọn đã không thực chất? Vì thế, tôi cho rằng việc bình chọn này là không nên vì quá hình thức” – bà Hải nhận xét.
“Không phải HS nào cũng được học, được tiếp xúc với tất cả GV trong trường để bầu chọn. Mặt khác, GV tốt thường là những người nghiêm khắc để các em tiến bộ. Thế nhưng, họ lại thường không được lòng HS, trong khi lá phiếu chính vẫn là HS bầu chọn. Như vậy, khó có kết quả khách quan, trung thực” - ông Thành Chu Xuân Thành, nguyên trưởng Phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích.
TS Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học - Tâm lý TP.HCM cho rằng, "việc bầu chọn trước tiên trên cơ sở của HS là không ổn, nhiều khi gây mất đoàn kết, thậm chí xúc phạm đến GV. Nhà giáo được HS yêu quý hay không thì hãy để thực tế chứng minh”.
(Theo Người lao động)