- “Nó đi sau, giẫm lên áo dài con mà không xin lỗi. Con đã bàn với mấy nhỏ bạn cùng lớp lên “phương án” đánh nó rồi. Nhưng con muốn hỏi lại cô xem có nên đánh nó hay không?”…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cô Thạch Ngọc Yến, chuyên viên phụ trách Văn phòng tư vấn trẻ em, Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM bắt đầu câu chuyện về cô học trò lớp 8 điện thoại đến nhờ tư vấn xem “có nên đánh nhỏ giẫm áo mình mà không thèm xin lỗi hay không?”.
Không nhiều trường hợp học sinh trước khi...đánh bạn điện thoại đến các trung tâm tư vấn tâm lý "xin ý kiến". Vì vậy, câu chuyện của các em luôn được chuyên viên ấn tượng.
Lên “phương án” đánh bạn học
"Hôm trước, con đang ngồi chơi với bạn ở sân trường thì con nhỏ kia đi phía sau giẫm lên áo dài con. Nó không xin lỗi mà bỏ đi luôn làm con tức quá…Con đã “điều tra” ra nhỏ đó học cùng khối lớp 8, học giỏi nhưng rất chảnh và kiêu ngạo. Thảo nào nó không thèm xin lỗi khi đạp lên áo dài con…" - giọng cô học trò đầy bức xúc.
"Sau đó, con bàn với mấy nhỏ cùng lớp lên kế hoạch đánh cho nó một trận gọi là “để cho chừa tội không xin lỗi người khác khi sai”. Nghe nói nó rất kênh kiệu, giờ lại vênh mặt lên sau khi đạp vào áo dài của con", cô học trò tiếp tục than thở.
Liên tiếp những clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng. Ảnh: TPO |
“Vậy con điện thoại cho cô làm gì?”, chuyên viên tư vấn hỏi.
"Con vẫn muốn hỏi xem có nên… đánh nó không?"
“Thế con không sợ đánh rồi cô bạn đó kêu người đến đông hơn “đáp trả” à?”.
"Con phải tính toán chứ, tụi bạn con lên kế hoạch hết rồi. Nếu nó đánh lại con sẽ kêu tụi con trai thay vì mấy đứa con gái "xử nó". Quan trọng là giờ cô nói thử xem với “tội” của nhỏ đó vậy, có đáng đánh không cô?"
Cô chuyên viên im lặng lắng nghe thái độ đang..rất "bức xúc" của cô học trò. Sau một hồi khuyên giải bằng cách kích động cho “khách hàng” nói hết suy nghĩ thật sự của mình, cô chuyên viên bắt đầu tâm tình, khiến cô bé bỏ suy nghĩ “trả thù” dù trong lòng vẫn chưa hết hậm hực
“Nhưng con lỡ nói với tụi bạn là đánh rồi, giờ không đánh quê lắm!” - cô học trò vẫn vớt vát ý định "xử" bạn mình.
Bị doạ đánh vì quá...chảnh
Không chỉ học sinh đánh bạn mà cả những cô cậu… sắp bị đánh cũng điện thoại nhờ tư vấn giúp.
H., học sinh lớp 7 mới chuyển đến trường mới nhưng không chơi với ai. Trong mắt cô học trò có lực học khá ổn này, các bạn khác toàn dân… quậy, học dốt nên “chơi làm gì cho mệt”. Một thời gian sau, H. nhận được vài bức thư nặc danh dọa sẽ đánh cho một trận vì không biết điều!
“Con không quậy phá, không chơi với ai. Từ khi chuyển đến trường mới con toàn ngồi một mình, trong lớp cũng không nói chuyện với bạn nào làm sao “gây thù chuốc oán với ai mà bị đánh được ạ?”, H. hoang mang nhưng không dám nói bố mẹ, cô bé điện thoại nhờ Văn phòng tư vấn trẻ em hỗ trợ.
Những học sinh cá biệt, tự cô lập mình thay vì hòa đồng với bạn bè dễ bị ghét hơn. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: Thái Phương |
Lắng nghe câu chuyện, tư vấn viên biết H. đang bị lạc lõng, tự cô lập mình nên khả năng bị ghét, cho là "chảnh" rất lớn. Sau khi trấn an H. và chỉ cô học trò cách “đối phó” với lá thư nặc danh.
Một tuần sau, H. điện thoại báo kết quả người gởi thư dọa đánh chính là cô bạn ngồi ngay sau lưng. Nguyên nhân chỉ vì có lần cô bạn hỏi bài nhưng H. không trả lời, nghĩ H. "chảnh" nên bạn bè gởi thư dọa đánh.
Theo Văn phòng tư vấn trẻ em thuộc Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra báo động nhưng rất ít những cuộc điện thoại đến tư vấn giải quyết mẫu thuẫn. Con số này chỉ chiếm khoảng 1% tổng các cuộc điện thoại đến tổng đài.
Thông thường học sinh bị đánh thường là học sinh cá biệt, quậy phá hoặc những em chảnh, kiêu ngạo và cả những em biệt lập, không có bạn bè. Chuyện xung đột giữa học sinh chỉ bắt đầu từ những điều rất bình thường như không cho nhìn bài… Chỉ cần vài chuyện nhỏ nhặt như trên cũng đủ xảy ra đánh nhau nếu không có người chia sẻ, tâm sự. Quan trọng là các em ý thức được chuyện tìm người tư vấn (nếu không chia sẻ được với ba mẹ) cho mình biết nên làm gì, hành động đúng sai…, cô Yến phân tích.
Khi có thắc mắc cần giải đáp, chia sẻ liên quan đến xung đột bạn bè, học hành… các em học sinh có thể điện thoại trực tiếp đến các địa chỉ sau: - Văn phòng Tư vấn Trẻ em TP.HCM: 57 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM; ĐT: (08) 38215878 Hệ thống tổng đài 1088: - TTTV Tâm lý - Giáo dục Gia đình và Thanh thiếu niên: 491/1 Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3, TP.HCM; ĐT: (08) 35030305. - TTTV Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình: 145 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM; ĐT: (08) 38232444. - TTTV Tâm lý Giáo dục Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình: 224A Hồ Văn Huê, P.9, Q. Phú Nhuận, TP.HCM; ĐT: (08) 39976723. - TTTV Học đường: 103A Trần Quốc Toản, P.7, Q.3, TP.HCM; ĐT: (08) 39321781 - TTTV Hướng nghiệp Tâm lý Giáo dục trẻ: 47/42/20 Bùi Đình Túy, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM; ĐT: (08) 35111474. - TTTV Giáo dục Tâm lý thể chất: 164 Nguyễn Đình Chính, P.11, Q. Phú Nhuận, TP.HCM; ĐT: (08) 39971286. |
-
Thái Phương