Sau khi kiểm tra trực tiếp tại một số trường về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có buổi làm việc với Sở GD & ĐT Bắc Kạn về tình hình triển khai phong trào và trao đổi những biện pháp khắc phục và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Tin mới trên VNN:
Toyota Camry có mùi hôi, DN bán xe bị kiện ra toà
Những người vợ tiến sĩ ’ngoại’ trở về... lên tiếng
Nực cười chuyện thợ mộc có thể ’gọi mưa, điều khiển bão’
Phong trào có nhiều tiến bộ hơn năm trước
Đó là nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong chuyến vi hành năm nay của ông tại Bắc Kạn. So với chuyến đi trước thì năm nay phong trào THTT, HSTC tại Bắc Kạn đã có sự chuyển biến đáng kể. Các nội dung được triển khai cụ thể và chi tiết hơn, đi sâu vào trường học và thu hút sự tham gia của tất cả các trường trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đến thăm trường Mầm Non Dương Quang |
Các trường tập trung giáo dục các em về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp. Một số trường đã sửa chữa nâng cấp, xây dựng thêm công trình vệ sinh, xây dựng lò đốt rác, trang bị thùng đựng rác, 41 công trình vệ sinh được xây mới trong đó THPT chiếm tỉ lệ 80%.
Chất lượng dạy và học đã có nhiều đổi mới, học sinh được khuyến khích đề xuất sáng kiến và cùng thầy cô giáo thực hiện các giải pháp để việc dạy và học có hiệu quả đã hấp dẫn học sinh đến lớp. Nếu năm học 2008 – 2009 toàn tỉnh có 821 em bỏ học thì đến năm nay chỉ còn 439 học sinh. Trong kỳ thi học sinh cấp tỉnh lớp 12 đã có 60/201 em đạt giải và 30 em tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh có 5 giải đồng đội và 56 giải cá nhân.
Ngoài giờ lên lớp hoạt động của các CLB, các hoạt động ngoại khoá nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh đã hoạt động hiệu quả. Một số CLB trở thành mô hình cho nhiều trường trong tỉnh tham khảo như: CLB Văn học (PTDTNT Bắc Kạn), CLB Tuổi hồng, CLB Khăn quàng đỏ (huyện Na Rì). Luật Giao thông và giáo dục an toàn giao thông cho học sinh cũng được nhà trường phổ biến sâu rộng đạt tỉ lệ 86,26% trong đó các trường mầm non chiếm tỷ lệ khá cao.
Giờ ra chơi tại trường THCS Bắc Kạn |
Hiện nay 100% các trường trong toàn tỉnh đều có đội văn nghệ, các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hội thi văn hoá văn nghệ đã tổ chức tại 4 huyện thị (Ngân Sơn, Chợ Mới, Ba Bể, thị xã Bắc Kạn).
Đặc biệt cuộc thi “ Tìm hiểu về di tích, lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” do Sở GD & ĐT Bắc Kạn đã phối hợp với Sở VHTT & DL, tỉnh Đoàn tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 18 nghìn học sinh với 42 giải cá nhân. Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên thuộc vùng ATK (căn cứ địa cách mạng) tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử của địa phương. Đây được coi là một sáng kiến mà theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển các địa phương khác trong vùng nên học hỏi.
Những bất cập còn tồn tại trong giáo dục Bắc Kạn
Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất với giáo dục tỉnh Bắc Kạn hiện nay là nâng cao chất lượng dạy học. Để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mà tại một số trường vẫn còn ảnh hưởng của lo ngại thành tích phổ cập giáo dục nên chất lượng học sinh chưa cao. Chuyện học sinh không đạt được tiêu chuẩn lên lớp vẫn được lớp trên nhận là do sự cả nể giữa các giáo viên trong trường với nhau, dẫn đến khi chuyển cấp chất lượng học sinh quá kém không theo được các bạn, không có hứng thú trong học tập bỏ trường bỏ lớp.
Kiểm tra một lớp học tại trường THPT Phủ Thông |
Dân cư sống phân tán, xa trường học, đường xá đi lại không thuận tiện nên số học sinh vào lớp 1 chậm so với độ tuổi. Bắc Kạn là tỉnh có có tỉ lệ học sinh lớp 1 học Tiếng Việt chưa tốt cao nhất cả nước hiện nay. Hiện trạng này còn phổ biến ở nhiều cấp học khác. Khi học sinh còn chưa nắm vững kiến thức hay chưa thành thạo tiếng Việt, một số trường đã nóng vội sử dụng công nghệ thông tin vào chương trình giảng dạy khiến nhiều em không thể hiểu, không tiếp thu kiến thức. Tại bậc THCS tỉ lệ học sinh có học lực trung bình và yếu chiếm hơn 70%, bậc THPT tỉ lệ này là 88,9%. Riêng với giáo dục thường xuyên xấp xỉ 95% học sinh có học lực trung bình.
Nhiều trường thiếu phòng học kiên cố, thiếu thư viện, thiếu công trình vệ sinh và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thiếu sân chơi, bãi tập. Hầu hết các trường trung học chưa có phòng bộ môn đúng chuẩn. Đội ngũ giáo việc chưa đồng bộ, thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Hiện nay Bắc Kạn vẫn còn 26 xã, phường chưa có trường THCS.
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh kiểm tra chất lượng nhà bếp tại PTDT nội trú Bắc Kạn |
Cần chủ động triển khai phong trào linh hoạt
Bên cạnh những thành tích đã đạt được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng địa phương chưa có sự chủ động linh hoạt trong việc triển khai phong trào mà còn khá cứng nhắc dẫn đến sự lúng túng khi thực hiện. Xây dựng phong trào THTT, HSTC nên có kế hoạch cụ thể cho từng năm không nên dàn trải theo nhiều nội dung mà cần sự tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại. Theo thứ trưởng thì Sở GD Bắc Kạn cần thành lập website giới thiệu cụ thể và rộng rãi với phong trào với các trường.
Với thực trạng chất lượng giáo dục của còn thấp, Bắc Kạn nên phân loại học sinh và có những giải pháp riêng, cần chỉ đạo sâu việc dạy học để nâng cao chất lượng học sinh. Sở GD cần chỉ đạo các trường thực hiện kiên quyết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ lớp 6, lớp 10 không thể phổ cập bằng mọi giá như tình trạng hiện nay. Tăng cường dạy môn tiếng Việt với các em sau đó là môn Toán, các môn khoa học.
TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo báo cáo kết quả kiểm tra tại một số trường |
Với bậc THPT nên phân lớp học sinh theo trình độ, đặt mục tiêu cho từng lớp, giáo viên cần dạy sát đối tượng có sự quan tâm đặc biệt với các em học sinh yếu, kém. Đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm nâng cao chất lượng dạy học THCS cho tốt hơn, khi thành công có thể không cần áp dụng nữa.
Về phía đội ngũ giáo viên, với những giáo viên yếu không thể hoàn thành nhiệm vụ có thể cho nghỉ theo chế độ 132 và giải thích cho giáo viên hiểu rõ vấn đề góp phần nâng cao chất lượng, kinh phí thực hiện sẽ do trung ương cấp. Bắc Kạn cần cố gắng duy trì những xã đã có nhân viên hỗ trợ giáo viên, với những xã khác chưa có thì Sở xây dựng và nhân rộng mô hình này.
-
Lan Phương