- Đưa" tiền cho bác sĩ trước khi khám, chữa bệnh là hình vi lệch lạc không chỉ ở khía cạnh đạo đức mà trong nhiều trường hợp, còn là tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Liên quan tới vấn đề này, cuối năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ ban hành đề án "phòng chống tham nhũng trong trường học" và sẽ đưa vào trường học trên toàn quốc.
"Sẽ dạy học sinh phòng chống tham nhũng như thế nào" là câu hỏi mà VietNamNet mang tới các nhà quản lý, nhà trường và phụ huynh.
Sẽ dạy phòng chống tham nhũng từ tiểu học?/Dạy môn phòng chống tham nhũng ở trường trung học/Không thể dạy học sinh không "đút" tiền bác sĩ/Hiệu trưởng Trường Y lo sinh viên thiếu nhân hậu
HS Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2009 - 2010. Ảnh: Huyền Sâm |
Nếu cần dạy cho học sinh có ý thức không thực hiện hành vi như "đưa tiền cho bác sĩ khi vào bệnh viện" hoặc "hối lộ công chức khi phải giải quyết các vấn đề hành chính" thì theo ông cần phải dạy những gì và dạy như thế nào?
Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Văn Tại: Có thể nói những hành vi trên cũng là một hiện tượng tiếp tay cho tham nhũng và cần phải đưa vào nhà trường giảng dạy. Theo đề án của Chính phủ đã ban hành cuối năm 2009, hiện nay, chúng tôi đang chắt lọc các văn bản. Mỗi Vụ chuyên môn sẽ có cách đưa vào nhà trường theo các mức độ khác nhau.
Ông Phạm Văn Tại |
Khái niệm "phòng chống tham nhũng" sẽ đưa vào cấp THPT. Còn ở bậc TCCN, CĐ, ĐH thì đi sâu vào hành vi tham nhũng, trách nhiệm cá nhân cũng như biện pháp phòng chống.
Đầu tiên, sẽ giáo dục trong lĩnh vực nhà trường như chạy điểm để tạo điều kiện tham nhũng cho các thầy, hay các thầy dùng quyền lực bắt ép học sinh để học thêm... Nhà trường cũng chỉ có thể đưa khái quát, khái niệm cơ bản và từ đó các hành vi tương tự HS sẽ tự biết.
Bộ GD-ĐT phấn đấu đến hết năm 2011 thực hiện xong việc đưa nội dung về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở giáo dục.
Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch để triển khai và tập trung vào mấy việc như: khảo sát tình hình các cơ sở giáo dục để đưa giảng dạy phòng chống tham nhũng vào trong nhà trường. Chuẩn bị về nguồn kinh phí, xem xét đội ngũ giáo viên,... để khi đưa chương trình này vào có đủ điều kiện để thực hiện.
Cụ thể, chúng tôi sẽ đến một số cơ sở giáo dục, trao đổi với nhà trường để xem có thể bố trí thời gian ra sao, khả năng sẵn sàng của đội ngũ giáo viên, rồi tài liệu...
Cũng đã có một số phương án được đưa ra để lựa chọn như: tích hợp, lồng ghép hoặc dạy tiết riêng. Chúng tôi nghiêng về phương án bố trí các tiết riêng lẻ để dạy và có tài liệu giảng dạy riêng chứ không lồng ghép vào các bài đã có.
Ví dụ, nội dung giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong các trường THPT tập trung vào nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng, với các vấn đề: khái niệm tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng; thái độ, ứng xử của HS đối với hành vi tham nhũng.
Ông Trần Thanh Sơn. |
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) Trần Thanh Sơn: Ai cũng hiểu, khi nói đến hành vi tham nhũng là sai trái. Nhưng cái phải, cái trái chỉ là 2 mặt của 1 vấn đề. Trước khi mổ đưa tiền cho bác sĩ mà họ cầm là tiêu cực, nhưng sau khi mổ mà cám ơn thì gọi là ân nghĩa, quà tình cảm, lòng biết ơn. Như vậy, 2 cái đó có gì khác nhau? Con người thể hiện lòng biết ơn bằng tinh thần và vật chất. Trong điều kiện người ta "có thể" thì không ai coi đó là điều xấu.
Còn chuyện bác sĩ cố tình làm đau bệnh nhân để bệnh nhân phải đưa tiền mới làm nhẹ nhàng thì rất khó phân định. Làm sao có thể nói cô này vì có tiền làm không đau?
Tôi đang nghĩ, khi đưa đề án "phòng chống tham nhũng vào trường học" thì không biết đưa vào thì dạy cái gì. Tất nhiên, vẫn phải dạy những cái cũ là giáo dục lòng biết ơn, lòng trân trọng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Giám đốc Công ty Tháihà books Nguyễn Mạnh Hùng, phụ huynh: Theo tôi, hãy cho các em hiểu rằng những việc làm đó là xấu. Hãy kể những tấm gương, những câu chuyện người thật - việc thật. Và quan trọng nhất là hãy làm gương. Không có phương pháp nào tốt hơn là làm gương.
Hiện nay, trong SGK phổ thông cũng đã đặt vấn đề trong các bài học Giáo dục công dân về tính trung thực, tính tự trọng, lòng biết ơn,… theo ông, những bài học này có phải là đã cụ thể hóa những hành vi trên?
Ông Phạm Văn Tại: Đó là vấn đề về đạo đức. Chắc chắn lần này chúng tôi sẽ rà soát lại những bài về đạo đức có liên quan đến phòng chống tham nhũng, để phối kết hợp chứ không rời rạc hay trùng lắp.
Ông Trần Thanh Sơn: Hiệu quả giảng dạy mang tính lý thuyết, nhà trường bị "vô hiệu hóa". Nói về nội dung và chương trình thì theo tôi đã khá tốt rồi và tôi tin các thầy cô dạy và lồng ghép đều đưa vào đầy đủ. Nhưng nói và làm chưa được thống nhất.
Tôi đã từng nói trong 4 bức tường nhà trường nói rất đúng đắn, nhưng ngoài xã hội đang tồn tại nhiều việc trái với điều này. Vì thế khi các cháu lớn lên, hiểu biết (ví dụ cấp 1 cô nói thế nào thì đúng 100%, chỉ được nghe cô nói do nhìn nhận xã hội ít; lên cấp 2 thì bắt đầu có chút hiểu biết, nghe cô nói và có phán xử riêng, đã có độ "vênh" và lên cấp 3 độ trưởng thành đã lớn hơn nhiều nên chắc chắn nghe và phán xử, đánh giá mang ý kiến riêng), cô nói trên lớp đúng trò không cãi nhưng khi ra xã hội những em này phải làm theo trào lưu xã hội. Đây là vấn đề hết sức nan giải đối với nhà trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi quan trọng hơn những bài học đó là những người thầy, người cô. Giáo trình hay nhưng thầy cô không tâm huyết thì đâu có tác dụng. Dù sách hay nhưng thầy cô nói một đằng làm một nẻo thì trò nào tin.
Lễ khai giảng năm học 2009 - 2010. Ảnh: Phạm Hải |
Nếu xem việc dạy lòng biết ơn là điều cần thiết thì theo ông, phải dạy thế nào cho hiệu quả?
Ông Phạm Văn Tại: Đó là lĩnh vực khác và tôi không đi sâu. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa tham nhũng và lòng biết ơn có vấn đề.
Khi tôi dự hội nghị tổng kết về phòng chống tham nhũng Trung ương, có người dẫn chứng, "tôi có nhận quà cáp nhưng bảo tôi tham nhũng tôi không chịu vì tôi không lợi dụng cương vị để làm gì sai, trong quá trình thi hành công việc cũng đều đúng quy định của pháp luật. Nhưng sau công việc người ta biếu xén mà tôi không khước từ được, tôi nghĩ việc đó là việc sang lĩnh vực khác. Tôi không lợi dụng việc này để chèn ép người ta".
Họ cũng nói, "xã hội chúng ta có những cái nhận có khi còn tốt đẹp hơn là không nhận. Về nguyên tắc thì không được nhận, nhưng khi đã nhận rồi, các đồng chí có quy kết bảo là tôi "tham" thì được nhưng "nhũng" thì tôi không đồng ý".
Tôi có 20 năm làm tổ chức, va chạm việc này rất nhiều. Còn nhớ, khi mới bước chân vào tổ chức, một cán bộ của phòng tôi mang một cái chân giò (của thời kỳ bao cấp) đến cơ quan và nói rằng một bà liên quan đến vấn đề lương và tôi đã giải quyết rồi. Sau đó, bà ấy đến cảm ơn và tôi không nhận nhưng bà ta cứ để đấy. Tôi mang đến đây để mọi người thấy không mai kia bà ấy lại nói "tôi nhận được lương này nhưng phải biếu xén nọ kia",...
Nếu nói hành vi như thế thì đúng là đáng hoan nghênh. Nhưng sau này có rất nhiều lời bình luận bên ngoài đó mà tôi biết. Đó là cân chân giò thì mang ra cơ quan nhưng còn phong bì của bà kia có mang không(?) Rất khó! Biết có phong bì đâu mà suy diễn như thế!
Vậy mình cứ huênh hoang bảo là "Tôi không tham nhũng!" thì người ta lại không nghe. Tự dưng lương tâm của mình cũng cảm thấy... ."sao đó". Nên tôi mới nói có những cái nhận tốt hơn không nhận. Người ta rất chân thành đến, muốn gần gũi với mình vì một là mình đã giúp họ và hai là muốn tạo một mối quan hệ. Nhưng mình cứ khước từ, cứng rắn quá thì người ta sẽ nghĩ ông này không thể "chơi" được. Mà trong cuộc sống thiếu gì việc phải tạo quan hệ, cứng nhắc quá người ta sẽ xa dần mình. Cho nên, về nguyên tắc có thể khẳng định được nhưng trong cuộc sống phải có cách xử lý sao đó cho thật mềm dẻo.
- Ông Trần Thanh Sơn: Tôi cho rằng, dạy lòng biết ơn thì trước tiên phải dạy biết ơn cha mẹ, người đã sinh ra mình, sau đến những người thân xung quanh rồi những người đã làm những việc tốt cho mình, đem lại điều kiện sống cho mình,... Điều này chắc chắn các em đều hiểu, có điều nó thể hiện như thế nào.
Còn với học sinh phải giáo dục cho hiểu đâu là lòng biết ơn và trả ơn khác với mua. Tham nhũng thì rất phong phú, không chỉ chuyện đưa tiền cho bác sĩ mà có thể có chức quyền lợi dụng để hưởng lợi bất chính. Phải dạy HS lòng trung thực, biết ơn và dạy cách sống lành mạnh, không luồn cúi, không nhận những cái gì không đáng có,...
Ta mong 2 điều đó đảm bảo cân bằng thì khó, nhưng tôi tin xã hội cứ làm và làm không mệt mỏi, có thể không phải lứa HS lớp 9, lớp 10 hiện nay nhưng việc phải đổi vài thế hệ để có thì cũng vẫn phải làm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, cha mẹ phải biết cảm ơn ông bà. Cha mẹ cũng cần biết tự mình cảm ơn con mình. Chính cha mẹ phải biết nói lời cảm ơn với bất cứ ai giúp mình, giúp con mình, giúp gia đình mình. Mỗi người cha, người mẹ phải biết thể hiện sự tri ân từ trái tim mình, không cám ơn khách sáo. Đó là cách dạy trẻ tốt nhất.
Có thực tế, trong suy nghĩ không chỉ của phụ huynh mà của nhiều HS cũng đều cho rằng, việc cảm ơn bác sĩ bằng tiền là việc hết sức bình thường. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Ông Phạm Văn Tại: Những hành động cảm ơn sau khi được bác sĩ điều trị là nên làm. Bản thân tôi khi đi nằm viện được bác sĩ chữa cho khỏe thì cũng cảm ơn.
Nếu phải đút tiền cần làm rõ có phải bác sĩ nói nếu không đút tiền người ta không khám hay không. Nếu như vậy thì đó là lỗi của bác sĩ. Phải xem cụ thể trong từng trường hợp, có những người rất oan nhưng cũng có người là xác đáng. Còn đưa theo trào lưu là tại cả 2 bên, bác sĩ là không được nhận tiền nhưng do bệnh nhân cứ cố tình tạo ra bối cảnh.
Cho nên phòng chống tham nhũng không chỉ là phòng chống của những người có cương vị dẫn tới tham nhũng mà phòng chống này là giáo dục cho mọi người về hành vi này để mình không góp sức hoặc không tạo ra. Chính vì thế chúng tôi muốn dạy cho HS - chưa có hành vi tham nhũng - hiểu được để không có hành vi đó và có trách nhiệm chống. Nếu không được giáo dục họ sẽ góp sức.
Ông Trần Thanh Sơn: Ở ta đang tồn tại câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Tôi tin những người làm động tác "vào bệnh viện phải đưa tiền trước" đều nghĩ đến câu này. Theo tôi, có một bộ phận thầy thuốc kiên quyết từ chối vào giai đoạn 1, đấy là người có đạo đức. Nhưng từ chối cũng phải khéo để người nhà và bệnh nhân hiểu rằng có hay không không quan trọng, bệnh nhân sẽ được phục vụ tận tình chứ không phải không có tiền thì mới làm. Khó là ở chỗ đó! "Luật bất thành văn" cứ vào bệnh viện là đưa tiền là hoàn toàn lệch lạc, và khổ nỗi nó đã thành nếp xã hội
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu họ khám và chữa tốt cho mình, cho con mình mà mình cám ơn thì đâu có xấu. Nên làm. Tuy nhiên sự cám ơn đó không phải thể hiện bằng phong bì, bằng tiền. Có nhiều cách để tri ân người giúp mình, quý mình. Đôi khi là quà hay một vật lưu niệm thú vị và ý nghĩa.
Không nên ngụy biện rằng đó là trào lưu. Nếu tất cả chúng ta không đưa phong bì nữa thì làm gì còn trào lưu. Đừng nghĩ rằng đưa tiền thì bác sỹ khám, chữa tốt hơn (trừ 1 số nơi có tham nhũng và việc hành con bệnh phũ phàng). Hãy sống bình thường và thể hiện sự trân trọng đến các bác sỹ. Họ cũng cần trân trọng.
Xin cảm ơn các ông!
-
Bảo Anh (thực hiện)