- Nhiều lúc chán cuộc sống giả tạo đó, tôi đã tìm, tìm đến một nơi, một nơi mà ở đó không có sự giả dối, và hơn cả, tôi được làm chính tôi: thế giới ảo. Dẫu biết rằng, tất cả chỉ là ảo, nhưng những gì tôi có thật gấp trăm nghìn lần cái thế giới mà tôi sống".
Đây là những dòng bộc bạch trong "bài văn lạ" với "nỗi khẩn thiết mong phụ huynh giật mình. Chán nản với sự yếm thế của bản thân, sự thiếu trung thực của người lớn, cậu bé chưa kịp lớn này đã "ập" vào gameonline. Thế nhưng, việc vùi đầu trong thế giới ảo của không ít học sinh, sinh viên đã khiến gia đình phải kêu lên "chúng tôi đang phải giành lại con từ ảo vọng". Từ những nỗi niềm khẩn thiết này, chúng tôi lần tìm và đã gặp một thế giới thật còn kinh hoàng và rệu rã bội phần sau cuộc sống quên mình trong "thế giới ảo".
Một bệnh nhân nghiện game đang chữa trị tại bệnh viện. Ảnh: Sơn Khê |
“Kẻ thù đấy! Người xấu đấy! Xông lên! Giết” – Hàng lang Khoa điều trị Tâm thần nam và nghiện chất BV Bạch Mai bỗng trở nên náo loạn bởi những tiếng la hét của một chàng thanh niên đang hung tợn đuổi theo hai ông bà trung niên tóc đã nhuốm bạc.
Chiếc chăn len mỏng màu đỏ chót được quấn ngang người như long bào, hai chiếc gối bị khua khoắng toán loạn như hai kiếm khí, mắt đỏ ngầu, khăn mặt trắng buộc chéo ngang chán, chàng trai đang bước vào trận chiến với hai kẻ thù… là chính bố mẹ đẻ. Đây là một trong hàng chục những bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt vì game online được điều trị tại khoa Tâm thần Nam và Nghiện chất của bệnh viện Bạch Mai trong thời gian gần đây“.
"Huynh ơi, đệ ơi..."
Bệnh nhân 24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Thương Mại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể vì chơi game liên tục 24/24h” – Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa điều trị Tâm thần Nam và nghiện chất - BV Bạch Mai lật lại hồ sơ gần nhất vừa nhập viện.
Trước đó, để đưa được Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) đến trung tâm, gia đình đã phải trói cậu ta lại để hạn chế những hành vi nguy hiểm. Bố mẹ Thành kể lại rằng, cậu ta vốn là một học sinh ngoan, học giỏi, nhưng sau khi đỗ đại học, sống xa nhà, không bị ai quản thúc, cậu càng ngày càng mải mê với game online.
Những buổi chơi thâu đêm suốt sáng, kéo dài trong nhiều ngày khiến cậu trở nên lờ đờ như một con nghiện. Khi phát hiện ra tình trạng của con, bố mẹ Thành đã cắt giảm mọi chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, cử người thân đến trông nom, khóa máy tính... Nhưng tất cả mọi biện pháp đều trở thành con số 0. Thắng có thể nhịn uống nước, nhịn ăn, nhịn mặc chứ không thể nhịn game.
Không có tiền, không có máy tính, Thành bán xe máy là tài sản được bố mẹ trang bị cho đi học và lấy tiền mua máy tính mới, thuê nhà trò mới và mua thẻ nạp tiền chơi game. Cả một tháng sau đó, cậu đóng kín cửa phòng, chỉ ăn bánh mỳ, mỳ tôm, uống nước lọc và dùng hết công lực để “cày” game cho bõ những ngày bị “quản chế”.
Cho đến một ngày, bỗng nhiên, chàng sinh viên trắng trẻo, thư sinh có những biểu hiện điên loạn. Cậu ta lao ra khỏi cửa, xông vào các phòng trọ bên cạnh và hung tợn đập phá tất cả các đồ đạc làm bằng nhựa hoặc sắt như máy tính đến điện thoại, xoong nồi… Nhìn thấy ai, Thành cũng lao vào đánh như một kẻ khát máu. Sau đó, Thành lột hết quần áo, trần truồng chạy ra giữa ngã tư, đứng từ ngày này sang ngày khác, tưởng tượng mình là cột đèn giao thông chỉ đường cho người đi bộ.
Nhiều giờ sau khi nhập viện, mặc dù đã tỉnh lại nhưng Thành không nhận ra bất cứ một ai, kẻ cả bố mẹ ruột của mình.
Mắt thao láo nhìn lên trần nhà, chân tay khua khoắng liên hồi, câu ta liên tục thất thanh gọi “huynh ơi, đệ ơi”, rồi chửi bới những các tên lạ hoắc đã “bắn tỉa” “cướp đồ” khi cậu ta đang mải luyện công, mãi võ. Điều đáng nói, mỗi khi nhìn thấy cha mẹ, cậu lại chồm lên gào thét và xông vào cào cấu, đấm đá như một kẻ thù cần tiêu diệt.
Qua tham vấn, bác sĩ Dũng cho rằng khả năng bị bố mẹ cấm đoán về chuyện chơi game đã khiến Thành nảy sinh những hận thù từ trong vô thức. Để rồi, mỗi khi bố mẹ đến gần cậu ta lại gào lên: ““Kẻ thù đấy! Người xấu đấy! Giết!”.
"Chém gió" người thân
Trước Thành không lâu, có một bệnh nhân tên Quân, quê ở Thạch Thất, Hà Nội cũng nhập viện trong tình trang điên điên, loạn loạn về chơi game. Bố mẹ đi nước ngoài, Quân ở với cô chú và được họ hàng đáp ứng mọi yêu cầu để phục vụ cho việc học tập. Liên tục trong 4 năm vừa qua, ngoài lúc đi học, Quân chôn chân ở trong bốn bức tường kín với một chiếc máy tính và được cô chú phục vụ từ A đến Z.
Hình ảnh dễ kích động trong một game.
Ba tháng trở lại đây, cậu chơi 20 tiếng một ngày và mọi sinh hoạt cá nhân đều được người thân phục vụ tại phòng. Khi được cấp cứu vào viện Tâm thần Bạch Mai, Quân được các bác sĩ chuẩn đoán mắc hội chứng paranoid - loạn thần cấp.
Biểu hiện là khi đi lại trên sàn nhà, cậu ta nhón hai bước chân và đổ người về một phía như là đang lướt trên một bờ tường để chạy trốn sự săn lùng của các kẻ thù. Mỗi khi có người lạ vào thăm, kể cả bác sĩ, Quân nhao lên trùm chăn kín mặt và khua khoắng loạn xị như là quái vật đang tấn công mình. Mái tóc của cậu dài 30 phân đến ngang lưng và được tết chằng chịt thành những lọn nhỏ như kiểu tóc của các anh hùng võ lâm. Đến đôi dép nhựa cậu đang đi cũng được cắt vát thành hình chiếc khiên và mười đầu ngón tay thì bịt găng kín mít như đầu tay của các sát thủ.
Quân gọi người thân bằng “đệ” và xưng “ huynh” ngọt xớt. Khi “đệ” bón cơm hoặc cho uống nước không đúng, “huynh” lại hất tay vào mặt “đệ” và kêu: “Muốn ta “chém gió” hả?”. Thấy cô chú mặt ngây ra, Quân thu chân lại, mắt nhắm nghiền, vừa hua hắng chân tay vừa cười the thé : “Đồ ngu kia, ta dồn công lực chém cho các người mấy phát nữa bây giờ”.
"Súng chính, súng phụ" lủng lẳng đầy mình
Một bệnh nhân khác là Tú Mạnh, SV Trường ĐH Giao thông Vận tải thì mê mẩn các game bạo lực và các trò bắn súng. Cậu đặc biệt có sở thích kỳ lạ với việc sở hữu các loại vũ khí ảo trong thế giới game: Súng chính, súng phụ, lựu đạn, áo giáp, đao kiếm.
Gia đình đưa Mạnh vào trung tâm điều trị khi phát hiện cậu có những dấu hiệu bất thường: đầu tiên là ăn trộm tiền của bố mẹ để nạp tiền mua các loại vũ khí ảo trên game. Sau đó, dường như chưa thỏa mãn với vũ khí ảo, Mạnh quay sang sưu tầm các loại vũ khí thật như dao, kiếm, súng nhựa, côn… và đeo lủng lẳng khắp người.
Trong thời gian ở bệnh viện, không được tiếp xúc với vũ khí, Mạnh tìm mọi cách thể hiện các loại vũ khí đó từ các vật dụng thông thường. Một chiếc lá nhặt được ngoài sân, hay một tờ giấy bình thường cũng được Mạnh gấp thành hình nhọn như đầu con dao nhọn; đầu mẩu thuốc lá hay que tăm thì bị cắn nát ra để cho nó có góc cạnh.
Trên vỏ chuối hay vỏ cam, Mạnh dùng đầu tăm nhọn vẽ thành những mũi khiên, mũi đao. Vỏ chăn, vỏ gối được bệnh nhân gấp chéo thành những mũi tên hình tam giác và nằm đè lên như là mũi tên đó đang đưa anh ta bay lượn trên một bầu trời lộng gió.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, dấu hiệu bạo lực ở bệnh nhân này thể hiện ở chính cách cậu ta cắn đồ ăn, kiểu gì cũng phải tạo ra các góc, cạnh tạo cảm giác sắc, nhọn. Chỉ một tiếng động lạ vang lên như tiếng kéo cửa, tiếng rơi “xoẹt” của chìa khóa hay thìa bát cũng khiến Mạnh xô vào đấm đá túi bụi phía phát ra tiếng động. Nhưng khi thấy chỗ mình khua khoắng không phải là kẻ thù mà toàn “không khí”, cậu ta lại rụt cổ ngồi thu lu một góc giường, mắt đờ đẫn, sắc mặt tăm tối.
-
Sơn Khê
Kỳ 2: Từ "loạn thần" đến "loạn dục" vì game