221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1260786
"Anh hùng Kiếm thế" thất thế trong đời
1
Article
null
'Anh hùng Kiếm thế' thất thế trong đời
,
- Trong những ngày mùa đông ẩm ướt và lạnh giá, khi “xâm nhập” vào thế giới của những người nghiện game online ở bệnh viện, tôi đã tình cờ gặp D - một công chức nhà nước 27 tuổi, đã tự nguyện xin điều trị để cắt cơn nghiện game. 22 ngày ròng rã trước đó, tại một quán net trá hình nhà nghỉ, D đã thức trắng ngày đêm để dẫn 300 quân “đánh” những trận cuối cùng trong trò chơi Kiếm thế.
Bài 2: Những câu chuyện giường chiếu ngớ ngẩn bởi game

Vào ngày thứ 23, sau khi vẫy tay tạm biệt những huynh đệ, đồng chí trong nước mắt, người bang chủ “lẫm liệt” này đã dằn lòng nhấn nút “del” xóa đi “acc” (tài khoản) trị giá 120 triệu và thu xếp quần áo vào khoa Điều trị Tâm thần và Nghiện chất của BV Bạch Mai. D hi vọng về một nút “start” (khởi đầu) mới trong cuộc đời.

Mô tả ảnh.
Dạy trẻ vị thành niên bắn súng nhựa để quảng bá cho game?

Đầu tư cho giấc mộng "anh hùng"...

Nguyễn Văn D, một thanh niên đẹp trai, thay vì gia nhập và tiến thân vào một xã hội năng động với tấm bằng đại học và sự ủng hộ một gia đình giàu có, thì đã bước vào thế giới của game online. Bởi “chỉ ở đó, tôi mới tìm thấy niềm vui và ý nghĩa sống đích thực của cuộc đời”, D nói.

Năm 20 tuổi, khi là SV ĐH Nông nghiệp 1, D đã dành toàn bộ số tiền mà mẹ và chị chu cấp để chơi Võ Lâm Truyền Kỳ, nhưng cậu vẫn tỉnh táo để đặt cho mình một giới hạn.

Năm 26 tuổi, D bị ép vào làm việc tại một cơ quan nhà nước, rồi bị chính cơ quan này ra quyết định đuổi việc vì nghỉ quá nhiều mà không có lý do. D đã dành 20 tiếng/ngày để sống cuộc đời của một “bang chủ”, dẫn quân đi tỷ thí với các kẻ thù trong trò game Kiếm thế.

D kể say sưa về cảm giác oai phong lẫm liệt khi được dẫn hàng vạn binh sĩ rầm rập ra chiến trường, những phút giây phải vắt óc suy nghĩ các chiến lược tiến công, cho đến cảm giác sung sướng vỡ òa khi săn được những con “boss” (chỉ huy, ông chủ), đánh bại những kẻ thù để kiếm về cơ ngơi những vật phẩm, trang phục...

“Khát khao lớn nhất của những game thủ như tôi là được trở thành “vô đối” (Người mạnh nhất). Với quyền lực của mình, “vô đối” có thể điều khiển được ba quân vạn tướng, đi đến đâu được tán dương, bắt được cả ông già cho đến con trẻ phải hầu hạ, cung phụng mình”. D tâm sự. Và các game thủ đã bị các game online “hút máu” ở chính tâm lý say mê quyền lực và khát khao trở thành anh hùng như thế này.

Theo D, trong trò chơi Kiếm thế thì điểm Vinh dự chính là một yếu tố quan trọng và bắt buộc để mua những trang bị “khủng” Phi Phong. Một loại Phi Phong cấp 7, giá đổi bằng 24.000 điểm Tài phú, tương đương khoảng 30 triệu đồng.

“Kiếm điểm Vinh Dự không quá khó, vấn đề là người chơi phải thường xuyên tham gia các hoạt động trên game, thời gian càng nhiều, mức độ tham gia càng lớn thì điểm càng cao”, D phân tích.

Chính vì thế, những SV không có tiền, thường ngồi lì trên game để kiếm điểm vinh dự. Còn những ai có tiền thì có thể "đập" vài chục triệu để mua được “Phi phong” trong thời gian sớm nhất.

Đã thế, muốn duy trì “Phi phong” ở mức độ “khủng”, mỗi game thủ phải bỏ thêm 1, 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, để nâng “level lực đánh” từ +15 lên +16 cũng phải bỏ ra một số tiền khoảng 30 triệu để mua được một món đồ “khủng”. Cứ một lần công ty game mở cấp thì vô số những loại trang phục, vũ khí mới lại xuất hiện. “Và những con nghiện “game” sẽ bằng mọi cách, hoặc bỏ thời gian hoặc kiếm tiền để mua những “hàng khủng” đầu tư cho giấc mộng anh hùng của mình”, D tâm sự.

Acc (tài khoản) của D trong trò Kiếm thế hiện tại có giá 120 triệu, trung bình một tháng được nạp từ 10 đến 30 triệu tiền thẻ, tùy vào cấp độ. Số tiền đó, D vay nợ từ người thân, bạn bè hoặc qua bán chác, trao đổi với các bạn bè khác trên game.

Qua những câu chuyện trao đổi với các thành viên trong "bang", D biết có nhiều thành viên là SV đang “ngấp nghé” nhận quyết định đình chỉ học vì đã vùi đầu trên game quá nhiều để kiếm điểm Vinh dự. Có một số khác, muốn nhanh hơn, thì ăn trộm tiền của bố mẹ, hoặc “chôm chỉa” điện thoại, ví, túi xách của bạn cùng phòng để mua thẻ nạp tiền. Bước đường cùng thì đi vay tiền của anh em, bạn bè và để bố mẹ muối mặt đi trả nợ.


"Thương tích" trong cuộc đời thật

D có thể ngồi trước máy tính 24/24h liên tục trong ba tuần lễ và mọi sinh hoạt đều được chủ quán phục vụ tại bàn. Ở trong thế giới của những thân phận đã được che giấu bằng những nick (biệt danh) ảo vô hình, D tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa sống hơn là ở giữa những người thân yêu ruột thịt trong gia đình.

Trong đáy sâu của tâm hồn người đàn ông tưởng mạnh mẽ, oai phong như anh hùng “vô đối” này là một đứa trẻ bị thương tích đang nằm co quắp với nỗi mặc cảm của một kẻ thất bại.
Đã nhiều tháng nay, D bỏ nhà đi, và nhiều năm qua, D không thể nói chuyện với bất cứ một ai trong gia đình quá 5 phút. Là con út, bố lại mất sớm, D được mẹ và các chị yêu chiều, bao bọc từ tấm bé. Không có bố ở bên cạnh, lớn lên, D mang theo trong mình sự ích kỷ và mặc cảm của một tâm hồn yếu đuối, hèn kém, chỉ luôn biết dựa dẫm vào người khác.

"Khi tôi nói muốn mở một quán cho thuê truyện nho nhỏ cho HS-SV thuê thì họ gạt phắt đi và chửi mắng tôi thậm tệ là “đồ ngu”; “đồ vô dụng”. Chị gái tôi bảo cả xã hội này đang tiến thân bằng con đường mà họ đã vạch ra cho tôi, thế mà tôi lại điên rồ đi làm cái nghề “thấp cổ bé họng” là thằng cho thuê truyện” - D kể.

Rồi D giơ bàn tay lí giải cho ngón tay út bị cụt của mình thế này: có một lần, không thể chịu nổi những lời xúc xiểm, tôi đã cầm dao chặt đứt phăng ngón út của mình trước mặt mọi người. Kể từ đó, tình cảm của tôi cũng đứt hẳn. Và tôi bắt đầu lao vào chơi game điên cuồng như một sự cứu rỗi cuối cùng cho cuộc đời thất bại của mình”.

D kể, ở trong thế giới ảo đó, có rất nhiều những người như D. Một em trai đang học lớp 8 ở TP.HCM, bố bỏ nhà theo tình nhân, mẹ khốn khổ chăm nuôi người em bị ung thư máu đã tâm sự với D: “Em chỉ có thể sống được trên game. Nếu một ngày rời xa thế giới này, thì chắc là ngày em đi tìm cái chết cho chính mình”.
Có những em thì chỉ có thứ 7, chủ nhật mới nhìn thấy bố mẹ vì họ đang mải mê làm ăn, có những người thì bị người lớn áp đặt, không thể sống và làm theo ý thích của mình, có những người bị đè nặng bởi áp lực học tập và cuộc sống. Tất cả tìm thấy trong game online, một chốn nương náu để quên đi những vết thương cay đắng của thực tại có thật kia.

Những ngày điều trị ở Khoa Tâm thần và Nghiện chất là những ngày D đang tự vấn và sám hối với lương tâm là vì sao cậu đã phí hoài những năm tháng tuổi trẻ của mình.
D cho rằng: đến 90% là game online mang lại tác hại cho những người trẻ. Cậu khẩn khoản tôi hãy viết những bài báo về hiện thực của game online như một tiếng chuông cảnh tỉnh đến tất cả những bạn trẻ, những gia đình và toàn xã hội.

Còn với biết bao game thủ khác như D, có thể trở thành anh hùng trong một thế giới ảo, nhưng lại thất bại với hiện thực sống của chính mình…
  • Sơn Khê
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,