Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt nam vừa công bố kết quả khảo sát 1.200 HS - SV về “những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay”. Theo đó, "trung thực trong kinh doanh" và "yêu lao động" xếp bét bảng.
Tuy nhiên, có thể thấy khái niệm về 22 tiêu chí, chuẩn mực trong cuộc khảo sát có nhiều sự chồng chéo, khiến cho tính chính xác của kết quả là điều cần phải bàn.
Ai dám nhận mình là “đức độ”?
Ảnh: An Bang |
Phân biệt yêu nước xã hội chủ nghĩa khác với yêu nước phong kiến, yêu nước tư bản chủ nghĩa ở điểm nào?
Cũng tương tự, tại sao lại có khái niệm “trung thực trong kinh doanh”, trong khi chỉ cần hai chữ “trung thực” là đủ? Vì dù là kinh doanh hay thi cử hay là gì đi nữa thì khái niệm “trung thực” cũng chỉ có một nghĩa duy nhất mà thôi.
“Sống phải tuân theo pháp luật” (tiêu chí 18) và “sống phải biết giữ nghiêm kỷ cương phép nước”(tiêu chí 19) thực ra chỉ là một: Ý thức thượng tôn luật pháp.
Ai cũng biết đã ham học hỏi (tiêu chí 20) là có chí tiến thủ (tiêu chí 21) và ngược lại, nhưng 2 tiêu chí này lại được tách rời trong bảng khảo sát.
Chính vì sự rắc rối đó nên ít HS - SV nào dám nhận là mình đã “giữ nghiêm kỷ cương phép nước” và tiêu chí này được chấm thứ 3, trong khi “tuân theo pháp luật” đứng thứ 2.
Tương tự, “Ham học hỏi” xếp thứ 3 và “Có chí tiến thủ” xếp thứ 7. Lý do là người được hỏi sẽ hiểu tiêu chí 21 như là câu hỏi trắc nghiệm về tham vọng, còn “ham học hỏi” là một trong những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất.
Sai lệch còn lớn hơn nữa khi tiêu chí 15 “vị tha, đức độ”, đứng thứ 14.
Thử hỏi, các thầy cô giáo, các bậc danh nhân, có ai dám nhận mình là đức độ hay không?
Đức độ là một cái gì đó phi thường và do sự đánh giá từ bên ngoài sau một quá trình kiểm định lâu dài chứ không thể là một tiêu chí được xếp ngang hàng với “vị tha”. Hiểu theo nghĩa rộng và đủ thì “đức độ” phải là tập hợp của “vị tha”, “nhân ái”, “đúng mực”, “văn hoá”, “ý thức cộng đồng”…
Trong tiêu chí thứ 5: “Ý thức cộng đồng, cố kết dòng họ” được xếp chung vào một bị cũng là một sai lầm. Thực tiễn lịch sử chỉ ra rằng một khi cố kết dòng họ mạnh mẽ thì ý thức cộng đồng giảm. Hơn nữa, cố kết dòng họ là phạm trù có ít nhiều tính bảo thủ, vị kỷ, trong khi ý thức cộng đồng là một không gian mở, nhiều giá trị cao đẹp.
Kết quả khảo sát đáng suy nghĩ
Mặc dù có những sai lệch trên trong bộ tiêu chí, từ cách trả lời của 1.200 HS-SV, chúng ta vẫn có thể rút ra được một số nhận xét sau đây:
Trung thực (tiêu chí 14) và yêu lao động (tiêu chí 12) được HS - SV chấm đồng hạng thứ 19 là điều đáng báo động. Nó cho thấy, sự gian dối trong xã hội đã trở nên phổ biến, chai lỳ. Trong đó, có hiện tượng “phấn đấu” để có bằng cấp thật, kiến thức giả, chạy đua bằng mọi giá vào cơ quan nhà nước.
Kết quả cũng cho thấy sự mâu thuẫn của HS - SV ngày nay. Tại sao “yêu nước” được xếp thứ nhất trong khi “xả thân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” lại được “chấm” ở vị trí thứ 10? Về nguyên tắc thì hai điều đó phải là một. Phải chăng, chính cái sai trong cách đề ra tiêu chí đã khiến SV bối rối khi lựa chọn?
Bên cạnh đó, phẩm chất “Thông minh, năng động sáng tạo”, “sẵn sàng vượt qua khó khăn”, “thuỷ chung” chỉ chiếm vị trí 12, 11 và 18. Điều này đã phản ánh rất rõ rằng những phẩm chất quan trọng nhất của thanh niên như tinh thần đi đầu, xung kích, tin rằng thách thức là cơ hội, sự chung thuỷ, trước sau…, đã bị coi nhẹ đến mức đáng buồn.
Đây là điều khiến các nhà hoạch định giáo dục phải suy nghĩ nghiêm túc, kỹ càng.
Đặc biệt, rất nhiều giá trị đạo đức quan trọng không được đề cập đến trong bộ câu hỏi là điều khó chấp nhận. Chẳng hạn tính độc lập, dám chịu trách nhiệm, biết lắng nghe phản biện, …, là những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu.
Mặt khác, nếu cứ lượng hoá, chính trị hoá đạo đức bằng cách hỏi về “tinh thần quốc tế vô sản” (tiêu chí 22) thì quả là chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy bao cấp, giáo điều.
Cách giáo dục đạo đức chung chung, trừu tượng không thể tạo nên chất lượng sống tốt đẹp.
-
Hà Văn Thịnh (ĐH Khoa học Huế)