Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa thầy và trò ngày nay đang thay đổi. Ảnh: Minh Nhựt |
Thạc sỹ Lê Minh Tiến (Giảng viên đại học môn Xã hội học): Lẫn lôn giữa giá trị và chuẩn mực
Có thể nói, việc nghiên cứu các chuẩn mực đạo đức trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay là điều rất cần thiết nhưng không hề dễ dàng.
Không dễ dàng là vì đất nước chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi mà ở đó, các giá trị cũ và mới đan xen lẫn nhau và không có một "hệ chuẩn" nào đó là duy nhất đúng để làm khung qui chiếu đánh giá thái độ, hành vi của con người như trong xã hội truyền thống và ổn định như trước đây.
Do đó, việc nghiên cứu các chuẩn mực đạo đức hiện nay đòi hỏi phải có một phương pháp luận thích hợp thì mới có thể nhận diện được hiện thực các chuẩn mực đạo đức mà con người ta đang theo đuổi.
Ở đây xét về mặt xã hội học, có lẽ cần phải xác định rõ hai khái niệm khác nhau nhưng có thể bị đồng hóa với nhau đó là khái niệm "chuẩn mực" (norme) và khái niệm "giá trị" (value).
Chuẩn mực xã hội là các qui tắc ứng xử, suy nghĩ được qui định rõ ràng.
Chẳng hạn trẻ gặp người lớn phải cúi chào là một chuẩn mực.
Tức chuẩn mực là những qui tắc ứng xử của con người trong xã hội.
Trong khi đó, giá trị lại là những điều được con người đề cao, được cho là tốt, là hay, đẹp.
Tức nó chính là những "chỉ dẫn đạo lý" dẫn dắt cho hành động của con người.
Kết quả khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam trên 1.200 HS - SV về "những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay" hình như đã lẫn lộn về mặt khái niệm bởi 22 tiêu chí được khảo sát hình như thuộc loại các "giá trị" chứ không phải là các "chuẩn mực".
Bên cạnh đó, thật khó để những người trẻ có thể hiểu được những giá trị như: "Kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản" hay "ý thức cộng đồng cố kết dòng họ - gia đình - xóm làng - Tổ quốc"… nên việc họ "chọn đại" khi được hỏi là điều rất dễ xảy ra.
Chính vì họ không hiểu và "chọn đại" như vậy nên chắc chắn sẽ không phải ánh đúng bức tranh hiện thực của đời sống đang diễn ra.
Đồng thời, "bộ tiêu chuẩn" do nhóm nghiên cứu đưa ra có một số tiêu chuẩn trùng lắp với nhau.
Cụ thể là liệu có sự khác biệt nào giữa "Sống phải tuân theo pháp luật" với "Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước"; hoặc giữa "Chịu đựng gian khổ" với "Sẵn sàng vượt qua khó khăn"…?
Thật là khó để nói có sự khác biệt giữa những tiêu chuẩn đó.
Có lẽ, cần phải có một động tác thao tác hóa khái niệm chuẩn mực đạo đức rõ ràng hơn, cụ thể hơn để từ đó mới có thể xây dựng được một bộ tiêu chí khả dĩ đo lường sát với thực tế suy nghĩ và hành xử của những người trẻ hiện nay.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam: Cần giáo dục giới trẻ 7 nội dung
Chúng tôi xác định, chuẩn mực đạo đức là những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được mọi người thừa nhận trở thành những mực thước, khuôn mẫu để xem xét đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội.
Có thể khái quát các nét chuẩn mực đạo đức chủ yếu cần quan tâm trước tiên trong định hướng giáo dục cho học sinh, sinh viên hiện nay ở 7 nội dung: Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; Ý thức cộng đồng, tinh thần cố kết gia đình - dòng họ - làng xóm - Tổ quốc; Tính năng động, thông minh, sáng tạo, vượt khó trong lao động; Ý thức sống có nghĩa tình, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hoá; Ý thức hành động theo pháp luật; Tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ; Ý thức kết hợp hài hoà tinh thần dân tộc và tinh thần hội nhập quốc tế.
Khảo sát này được thực hiện lần đầu năm 2006 và được tiến hành lại vào năm 2008. Cả 2 lần đều cho kết quả tương tự.
Những khảo sát, trưng cầu ý kiến và toạ đàm phỏng vấn của chúng tôi với các bạn trẻ đang công tác ở nhiều đơn vị cơ sở, cả ở các cơ quan dân sự và quân sự về những nội dung chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam cần được xây dựng hiện nay đã cho chúng tôi những luận cứ, góp phần khẳng định những ý kiến mà chúng tôi đã lý giải ở các phần trên.
Anh Trần Nguyên Trình, 32 tuổi, Trưởng phòng kinh doanh công ty Đại Liên, TP.HCM: Nghĩa vụ công dân thì đúng hơn
Tôi đoán bảng khảo sát này nhằm để tìm ra những điều thiếu của giới trẻ hiện nay. Từ đó, các thầy giáo cũng như xã hội sẽ tập trung điều chỉnh, hoặc hướng giới trẻ vào các tiêu điểm chuẩn mực đạo đức.
Nhưng theo cá nhân tôi, nhiều chuẩn mực trong 22 chuẩn mực được nhắc đến hình như phải xếp vào nghĩa vụ công dân thì đúng hơn. Nên cũng dễ hiểu khi các chuẩn mực truyền thống bị đẩy xuống cuối bảng xếp hạng.
Chị Lê Minh Nga, 28 tuổi, chủ cơ sở may gia công, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM: “Tui đang may gia công áo thun và áo thể dục cho các trường đại học. Chậm một ngày đã bị nhắc, bị hăm đổi đơn hàng. Không trung thực trong kinh doanh thì có mà húp cháo”. |
- Nguyễn Bằng (Thực hiện)