- “Tôi thấy đau lòng khi nhiều đồng nghiệp rời nghề giáo đi làm nghề khác. Lý do chính mà họ ra đi cũng vì cơm, áo, gạo, tiền”
Giảng viên Võ Trung Tín, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tâm sự như vậy khi trao đổi trong tọa đàm “Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 19/11.
Thông qua tọa đàm, các giảng viên trẻ tiêu biểu của thành phố cũng đã có nhiều góp ý, đề nghị như biện pháp níu các đồng nghiệp ở lại với nghề.
Giảng viên là đối tượng... cận nghèo
Giảng viên Vũ Thị Hạnh Thu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM đồng cảm: “Thử nghĩ, tôi đi dạy đã 9 năm rồi nhưng đồng lương cũng chỉ khoảng 1,5 triệu”.
Các giảng viên trẻ trao đổi trong tọa đàm ngày 19/11. Ảnh: Minh Quyên |
“Bản thân tôi ở lại với nghề là vì đam mê. Cũng có nhiều lời mời ra bên ngoài làm việc với thu nhập cao hơn. Nghĩ tới nó tôi trăn trở rất nhiều. Và tôi biết, những người ở lại với nghề giáo như tôi cũng phải đánh đổi nhiều” - thầy Tín chia sẻ thêm như vậy.
Giảng viên Nguyễn Phan Cẩm Tú, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM an ủi: “Đồng lương cho giảng viên ở lại trường không thấm vào đâu. Vật chất đã không có rồi thì cần có sự cảm thông, chia sẻ qua các lần gặp gỡ của đồng nghiệp”. Và theo cô Tú, đó sẽ là động lực để các giảng viên trẻ có thể củng cố tinh thần trên con đường của mình.
Cùng với cô Tú, thầy Nguyễn Xuân Minh, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 khích lệ các giảng viên rằng nên coi 5 năm đầu sẽ là quá trình đầu tư, tích lũy, không nên lấy tài chính làm thước đo mà lấy sự tích lũy kiến thức làm niềm tự hào.
Giảng viên Tống Xuân Tám, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề xuất: Thành Đoàn TP.HCM nên có ý kiến với lãnh đạo thành phố về việc xây nhà ở cho giảng viên. Thầy Tám băn khoăn: “TP.HCM đang có nhiều chính sách cho người nghèo. Giảng viên được coi là đối tượng cận nghèo. Tại sao không xây chung cư hay khu nhà ở dành cho giảng viên các trường?”
Marketing năng lực
Giảng viên Lê Hồng Phú, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đặt ra câu hỏi: Hiện nay có bao nhiêu giảng viên trẻ thiết tha, mong mỏi được đứng lớp mà không được?. Thầy Phú cho biết, có khi một tuần, giảng viên trẻ còn không được đứng lớp dạy lý thuyết, những giảng viên kinh nghiệm còn không dám cho họ làm nghiên cứu những đề tài khoa học cấp bộ.
Tương tự, giảng viên Trần Thị Nguyệt Sương, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho rằng với những đề tài nghiên cứu khoa học, giảng viên trẻ không được đứng ra làm đề tài một mình mà phải có giảng viên kinh nghiệm hỗ trợ.
Thầy Minh cho rằng: “Đừng trông chờ vào sự thay đổi cơ chế mà giảng viên trẻ phải tự tạo ra cơ chế cho mình”.
Và thầy đưa ra cách làm của mình đó là Marketing năng lực. Bằng cách thử đứng lớp, giảng dạy và cố gắng mời các thầy cô có kinh nghiệm lắng nghe. Từ đó chứng minh năng lực của mình.
Cũng theo thầy Minh, khi làm đề tài nghiên cứu khoa học, các giảng viên trẻ có được lợi thế hơn những thầy cô nhiều kinh nghiệm đó là thời gian và sự kiên nhẫn. Thầy Minh kể: Khi được giao đề tài cấp bộ, thầy đã cố gắng viết đề tài của mình cực kì chi tiết để thuyết minh và đã được chọn.
Thầy hóm hỉnh nhận xét: “Rõ ràng, người trẻ có nhiều thời gian hơn vì rãnh rỗi hơn và người trẻ cũng chịu khó hơn. Cứ để người trẻ họ làm thử. Có thể họ sẽ thất bại, nhưng nhờ thất bại họ rút ra được kinh nghiệm cho mình”.
Còn thầy Phú cũng tự tạo ra cơ chế cho mình khi tự mở ra khoa Y Sinh khi Việt Nam chưa có ai mở ra khoa này.
Giảng viên Hạnh Thu góp ý: Đừng làm việc đơn phương mà có nhóm để hỗ trợ lẫn nhau. Người trẻ còn có lợi thế là nhanh và năng động hơn. Như khi làm nghiên cứu khoa học, người trẻ không được cấp nhiều kinh phí thì tự đi tìm kinh phí. Cô Hạnh Thu nói về kinh nghiệm của mình: “Khi đi xin kinh phí, bị nơi này từ chối thì tôi tìm nơi khác. Miễn là mình kiên nhẫn để theo đuổi con đường của mình thì cuối cùng cũng được”.
Để không làm “tiến sĩ gây mê”
Giảng viên Nguyệt Sương đưa ra thực trạng hiện nay là sinh viên ra trường phần lớn không đáp ứng được yêu cầu thực tế. “Một phần lỗi rất lớn là ở giảng viên. Cái mà sinh viên muốn học là kiến thức thực tế. Theo đó, giảng viên phải có kiến thức thực tế mới khiến sinh viên hứng thú được” - đó là biện pháp cô Nguyệt Sương đưa ra.
Với các môn lý luận chính trị, được coi là khô khan, thì qua các giờ dạy của giảng viên Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh nhân dân trở nên thú vị hơn.
Sinh viên đều được thầy Lâm cho đi thực tế ở bảo tàng, dinh độc lập... Và không chỉ thực tế, thầy Lâm còn yêu cầu đúng thực tế, tức bên cạnh những điều tốt đẹp của cuộc sống, giảng viên cũng dạy cả những mặt hạn chế để khi sinh viên gặp khó khăn khi ra trường sẽ có đủ bản lĩnh vượt qua.
Còn với thầy Tám, niềm đam mê của giảng viên chỉ có được khi môn học của mình được sinh viên yêu thích và hứng thú. Vì thế, giáo trình của giảng viên phải vừa thực tế, vừa được cập nhật liên tục.
Cô Nguyệt Sương còn đề nghị Thành đoàn TP.HCM có thể làm cầu nối để các giảng viên kết nối với doanh nghiệp tạo môi trường thực tế cho sinh viên học tập.
-
Minh Quyên