- Chung quanh vấn đề "có nên dạy trẻ bằng roi vọt", tôi nhận thấy hầu hết các ý kiến đều hay. Tôi xin không nêu ý kiến theo như cách mọi người đã làm, xin gửi bài viết này của mình, như một cách nhìn, chia sẻ của cá nhân.
Thầy đồ ngày xưa
Hồi nhỏ học trường làng, tôi được "tín nhiệm" rất cao, liên tục được bầu làm lớp trưởng suốt 5 năm tiểu học. Ngoài chuyện nhắc các bạn xếp hàng vào lớp và ra về; điểm danh; trông lớp mỗi khi thầy, cô đi vắng, lớp trưởng còn được giao nhiệm vụ ghi tên những bạn hay quậy phá và "quản lý" cây roi cho thầy.
Ghi đúng tội, đúng tên các bạn nghịch thì được thầy khen, nhưng lại bị bạn... ghét; thậm chí đi học về còn bị chặn đường cho ăn bùn, thậm chí có khi là cả một bãi phân bò vào người.
Được giữ roi cho thầy, "oai" thật, nhiều đứa khác phải ghen tị, nhưng giữa lũ học trò trường làng nghịch như quỷ sứ, xểnh ra một chút là mất roi như chơi. Đến nước ấy thì đau lắm, vì chính kẻ giữ roi lại bị roi quất vào mông.
Tuyển roi
Với trẻ con, cây roi là thứ thật đáng sợ, nhưng có điều lạ, mỗi khi lớp bị mất roi, đứa học trò nào cũng xung phong xin được tìm cây roi khác cho thầy.
Ở quê nhà nào cũng có mấy hàng tre, chỉ cần chặt một nhánh nhỏ, trảy hết lá là có ngay cây roi bén ngọt.
Có lần, hình như khi chúng tôi học lớp 4, vì có nhiều đứa "dâng roi" quá, thầy chủ nhiệm phải tổ chức "tuyển roi".
Bằng cách quất thẳng tay xuống đất, cây roi nào kêu vút một cái thật ngọt, nảy lên mà không gãy thì được thầy chọn. Thấy cây roi bén và lì, đứa nào cũng xanh mặt.
Và tôi là thằng xanh mặt nhất, vì hôm trước đã để mất roi, nên khi "tuyển roi" xong, thầy kêu lên cho "nếm" trước. Khi thầy còn chưa "động thủ", chỉ nhịp nhịp cây roi trên tay, vừa đi vòng vòng vừa nói chuyện phải quấy cho cả lớp nghe, tôi đã rấm rức khóc. Tức thì, ăn ngay một roi vào mông, vì cái tội chưa đánh đã khóc.
"Kinh khủng" hơn, buổi chiều, thầy còn ghé qua nhà kể cho mẹ tôi biết tôi vừa bị ăn đòn ở lớp. Mẹ tôi không dám rầy rà, cứ dạ dạ vâng vâng, nhờ thầy cứ... đánh tiếp "cho cháu nó nên người". Nhưng thật bất ngờ, ngay sau đó thầy kêu tôi ra đầu hè dúi cho một trái ổi, hỏi còn đau không, rồi vỗ về, động viên, bảo thầy làm vậy cốt là để "lập nghiêm" cho lớp.
Nhưng lớp chỉ nghiêm được vài hôm. Rất nhiều những ngày sau đó, cây roi lại được mang ra, rồi bị mất và lại có những cuộc "tuyển roi" khác. Có lần, sau giờ ra chơi, giáo án trên bàn của thầy bỗng dưng... biến mất. Điều tra một lúc thì tìm được thủ phạm, là đứa vừa ăn đòn ngày hôm trước. Thầy quất liền ba roi, mạnh hơn bình thường, kẻ phạm tội co rúm rồi nhảy giật lùi về chỗ ngồi, khóc rống.
Đột nhiên, thầy ném vội cái roi lên bàn, chạy xuống kéo quần kẻ vừa bị ăn đòn ra. Ba cái lằn dài, đỏ rựng vắt ngang mông. Thầy xuýt xoa: "Trời ơi, sao bữa nay em không lận cuốn vở trong quần như mấy lần trước vậy".
Qùy sỏi
Sau lần đó, thầy "bãi miễn" cây roi, giao cho tôi giữ một túi sỏi nhỏ. Mỗi khi có đứa nào hư, quậy phá, không chịu học bài, thầy sai đổ túi sỏi ra, bắt quỳ lên đó.
Được mấy hôm, thầy kêu tôi ra, bảo tìm cách nhắc khéo cho các bạn biết là mỗi khi bị phạt thì lùa hết sỏi ra chung quanh đầu gối, đừng quỳ lên sỏi, đau lắm. Tôi dạ dạ cho qua chuyện, vì biết cái cách quỳ mà thầy vừa bày, bọn lớp tôi đã áp dụng từ lâu rồi.
Hầu như ngày nào trong lớp cũng có đứa bị ăn đòn và đứa nào cũng ít nhất một lần bị quất vào mông, nhưng lạ một điều, đứa nào cũng dành cho thầy tình yêu và sự kính trọng hết mực.
Nhiều người biết con mình bị đánh còn tìm đến nhà thầy cảm ơn, tuyệt nhiên không thấy ai kiện cáo rùm beng như thời gian gần đây... Bây giờ, mỗi lần nhìn con cắp sách tới trường, lại nhớ thầy da diết, nhớ những làn roi thầy đã quất xuống mông mình.
Chợt thấy xót, thấy tổn thương mỗi khi báo chí đưa tin chuyện thầy, cô giáo "hành hạ" học trò.
Đành rằng, dạy bằng roi là điều không nên, nhất là khi cái roi bị lạm dụng.
Nhưng dường như, trong học đường, cái roi có lý lẽ, sức nặng và triết lý riêng, chỉ những người thầy tận tâm với nghề, biết điều tiết cảm xúc và những người học trò biết kính thầy, biết trọng việc học, mới có thể hiểu được...
- Phan Chí Anh (Quảng Nam)