221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1233970
Bộ trưởng liên tiếp đối thoại: Chuyển giáo dục sang chủ động?
1
Article
null
Bộ trưởng liên tiếp đối thoại: Chuyển giáo dục sang chủ động?
,

 - Sau "ba năm học việc ở ghế Bộ trưởng" với thông lệ mỗi năm có thêm một cuộc vận động hoặc phong trào mới, phải chăng, người đứng đầu ngành nhận thấy đã đến lúc phải làm giáo dục bằng sự chủ động, mà trong đó, "chủ động thông tin" là bài học đáng giá?

Chủ động ở "lề phải"

Buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với báo Dân Trí tổ chức ngày 31/8 đã thay thế thông lệ "họp báo đầu năm học mới" của ngành giáo dục. Cuộc "họp báo online" này thừa chất vấn từ các "phóng viên công dân" với 2.500 câu hỏi nhưng thiếu phần đối thoại cần thiết của một buổi họp báo truyền thống.

Mô tả ảnh.
Đối thoại với giới trẻ trên truyền hình

Sau ngày khai giảng, Bộ trưởng chọn báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng để thông tin về "những nhóm giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học" và báo Tiền Phong - cơ quan Trung ương của Đoàn để trình bày "những việc cần làm ngay" ở bậc học phổ thông trong năm học mới.

Cuối tháng 9, người đứng đầu ngành giáo dục lên Truyền hình Việt Nam "đối thoại với giới trẻ" để gửi thông điệp "học để làm người, học để chung sống trước khi học để lấy cái chữ".

Sau tháng khởi động với việc lựa chọn những cơ quan "cùng tiếng nói", liệu đã có thể đặt hy vọng, người đứng đầu ngành giáo dục sẽ tiến tới đối thoại với "những tiếng nói khác biệt" theo tinh thần mà ông căn dặn cấp dưới, rằng "trái tai cũng phải nghe"?

Chủ động "vận động"

Với xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhận thấy thành công sau 3 năm nhậm chức là kết quả của cuộc vận động "hai không" mà năm 2010 sẽ là cái đích "chốt" với mục tiêu đưa tỷ lệ tốt nghiệp THPT trở lại như cũ, với 90%.

Còn với người trong cuộc, kết quả đáng kể của "Tư lệnh ngành", có lẽ là quá trình vận động để chính sách tăng học phí được thông qua - một chính sách mà dưới thời tiền nhiệm của ông, dù những người thực thi đã rất kín đáo - nhưng mỗi lần đặt lên bàn Chính phủ đều bị đình lại do nhiều áp lực.

Quốc hội khóa 12, kỳ họp tháng 5/2009, sau quá trình gặp gỡ, vận động các đại biểu "đúng thời điểm" để cung cấp thông tin, 83,4% đã bấm nút thông qua đề án "đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014". 

Tổng kết bài học này, Bộ trưởng căn dặn lãnh đạo giáo dục 63 địa phương: "Đại biểu Quốc hội không sai, chỉ có chúng ta chưa làm cho họ hiểu". 

Tháng 7, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010, ông giao việc cho ngành giáo dục "phải thông tin để đại biểu Quốc hội và người dân hiểu được về giáo dục". 

 

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tháng 9, ngày mùng 1, Tư lệnh ngành đã gửi thư tới lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương đề nghị lưu tâm đặc biệt 5 nhiệm vụ của giáo dục trong năm học mới.

Bức thư này căn dặn các địa phương lưu ý "đảm bảo tỷ lệ bỏ học dưới 0,5%". Đây là lời nhắc về "món nợ" một lời giải thích từ năm 2008 sau một báo cáo của UNESCO cho thấy "đầu tư cho giáo dục tăng, trong khi thứ hạng trong chỉ số phát triển giáo dục lại tụt".

Chỉ số này lấy dữ liệu từ năm 2005, trong đó có số liệu về học sinh bỏ học. Bộ GD-ĐT khi đó, chưa kịp đưa lời giải thích nhưng đã có ngay "lời bàn" rằng cách tính của UNESCO "không có cơ sở khoa học và trái với thực tế của Việt Nam". UNESCO sau đó đã có đính chính. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cách tính của UNESCO được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam và chi tiết cần đính chính chỉ là: "ở Việt Nam, có 1.007.000 trẻ em ngoài trường học" thay vì "có khoảng hơn 1 triệu trẻ em bỏ học".

Chủ động và "đồng bộ"

Sau nửa năm tìm kiếm ứng viên, tháng 6/2009, Bộ GD-ĐT đã có nữ Thứ trưởng chuyên trách giáo dục mầm non và "quan hệ công chúng". Nhưng cũng như người tiền nhiệm, các thứ trưởng được giao việc "người phát ngôn" của Bộ khá kín tiếng dù lĩnh vực giáo dục đào tạo luôn ngập các câu hỏi bức xúc.

Một nhà báo đã hơn chục năm làm trong lĩnh vực giáo dục nhớ mãi lần anh đi thực tế với ngành tại một hội nghị tổng kết phong trào "hai không" đầu năm nay.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non phát biểu, bày tỏ sự lo lắng về hiện tượng "nhiều trường mầm non đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn "nợ" chuẩn".

Khi giải lao, ra hỏi  cho tỏ tường, thay vì được "chủ động thông tin", anh và đồng nghiệp trẻ nhận ngay thái độ chẳng "sư phạm mầm non" tý nào khi vị lãnh đạo vặn vẹo tại sao lại quan tâm đến chuyện đó.

Dường như,  2 trong bài học "chủ động thông tin" và "thực hiện đồng bộ" mà người đứng đầu ngành giáo dục đúc kết từ năm học trước chưa kịp lan tỏa "đồng bộ" tới các cộng sự của ông?

Tại buổi đối thoại trực tuyến đầu năm học mới, trả lời câu hỏi của một thủ khoa đại học tốt nghiệp ra mà vẫn khó kiếm việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khuyên cử nhân này cần chủ động tiếp thị bản thân. 

Lời khuyên này cũng nhắc lại trách nhiệm của ngành, trách nhiệm "tạo ra sự chủ động" cho mỗi học sinh, sinh viên. Tạo ra phẩm chất tích cực của "năng lực công dân mới" không chỉ từ sự nỗ lực đơn thân của cá nhân, giáo dục gia đình.

Tuy nhiên, chủ động tiếp thị chỉ có ý nghĩa khi bản thân sinh viên đó, bản thân người "tự làm PR cho mình" phải có giá trị thực sự mà "đánh bóng" chỉ là bước giới thiệu nhanh chóng nhất.

Chủ động thay "vận động"? 

2009 - 2010 là năm  học cuối cùng của phong trào "nói không với  tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Đây cũng là năm thứ 2 của cuộc vận động "mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và tự học’, phong trào ’xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; năm đầu tiên thực hiện "hai có", "ba đủ" với học sinh nghèo và năm đầu tiên khởi xướng phong trào "chấm dứt đọc chép"  ở bậc phổ thông.

"Phong trào là cách làm của thời chiến, cần huy động tổng lực để phục vụ cho một công việc cụ thể, trước mắt - một công việc không đòi hỏi đến tính bền vững", nhà báo Ngô Thiệu Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam nhìn nhận.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, ngành giáo dục chịu nghĩ và chịu làm; nhưng không nên làm tràn lan quá. Thay vào đó, trước mỗi việc, nên có nghiên cứu, suy xét.  Bà lấy ví dụ, chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo vừa khôi phục lại cũng là chính sách từ những năm 80 đã từng có, rồi sau đó bỏ đi.

"Thẳng thắn chỉ ra mặt còn yếu kém, thấy được nguyên nhân và rút ra bài học, nhưng khác với những dịp tổng kết trước kia, năm nay, ngành giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh vai trò chủ quan của mình trong đánh giá cũng như trong việc áp dụng 4 bài học kinh nghiệm để đề ra giải pháp cho năm học mới", nhà báo Kim Thoa, Phó ban Văn xã, báo Hà Nội Mới nhận xét.

Tuy nhiên, nỗi trăn trở người "nắm sứ mệnh tuổi thanh xuân của thanh niên Viêt Nam" về "nguy cơ tụt hậu của nguồn nhân lực" khó có thể được giải quyết bằng những giải pháp tình thế của thời chiến. Hơn bao giờ hết, sự chủ động - không chỉ là chủ động thông tin  - là một đòi hỏi bức thiết cho cách làm giáo dục để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

  •  Hạ Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,