221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1232382
Vụ SV tạt axit: Hệ quả lối sống chạy theo bằng cấp?
1
Article
null
Vụ SV tạt axit: Hệ quả lối sống chạy theo bằng cấp?
,

 - "Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay. Tôi là một giảng viên trẻ đang học tập tại nước ngoài, luôn coi trọng tính trung thực, công bằng trong giáo dục nên rất phẫn nộ".

Từ Australia, bạn đọc Mai Khanh mổ xẻ câu chuyện "sinh viên tạt axit thầy giáo" đang gây dư luận trong tuần này.

Còn ở Hà Nội, bạn đọc Lương Việt, "đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính” cho rằng, một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại.

VietNamNet giới thiệu các ý kiến trên và mong nhận được sự phân tích, mổ xẻ của bạn đọc từ câu chuyện này.

Mô tả ảnh.

Một sinh viên bị  axít văng phải vẫn không hết vẻ kinh hoàng khi kể lại sự việc náo loạn trên giảng đường do cựu sinh viên Thanh gây ra. Ảnh: Tử Trực

Mai Khanh (Australia): Hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp

Việc sinh viên này không thể hoàn thành được chương trình đại học có thể do một phần từ điều kiện gia cảnh khó khăn, nhưng trên hết vẫn là do năng lực bản thân hạn chế.

Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay.

Hiện tượng các trường nghề mở ra không có người học, các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, các đơn vị thu nhận lao động phần lớn đánh giá ứng viên qua bằng cấp, và một lối suy nghĩ còn phổ biến ở nhiều gia đình là con cái phải vào được đại học để có “danh” có “phận” đã vô tình góp phần dẫn đến hành vi tội ác của những người như Trần Xuân Thanh.

Bản thân sinh viên này vốn yếu kém về năng lực nhưng không tự công nhận năng lực, thiếu lòng tự trọng để phấn đấu, manh nha của bản tính côn đồ và đâu đó sự tồn tại của nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đã khiến cho tên Thanh dễ dàng có suy nghĩ cực đoan về sự liêm chính của thầy giáo Dũng, dẫn đến hành động độc ác.

Rồi đây những nhà giáo chân chính sẽ cảm thấy e dè trong việc bảo đảm đánh giá đúng mực năng lực học trò; bản thân những sinh viên chân chính cũng sẽ rất bất an về sự công bằng trong kết quả đánh giá, thi cử.

Để nền giáo dục luôn công bằng, để xã hội được an ninh - trật tự, phải đào tạo được những con người có tự trọng bản thân, tôn trọng người xung quanh và tôn trọng luật lệ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục “dài hơi” và có hệ thống, ngay từ trong mỗi gia đình, tới nhà trường, và cả xã hội.

Lương Việt (Hà Nội): Kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm

Đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính”, tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động côn đồ, lưu manh của sinh viên Thanh với thầy Dũng. Đối với một người bình thường khác hành động phi nhân tính ấy đã đáng bị lên án kịch liệt, đối với một sinh viên càng phải bị lên án mạnh mẽ gấp bội. Xin đề nghị những người có trách nhiệm và pháp luật hãy xử lý hành vi này thật nghiêm minh. Tôi cũng kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm dù ở mức độ nhỏ nhất với hành động ấy.

Với bất cứ một nền giáo dục nào, không ai được quyền giảm bớt tiêu chuẩn cần đạt tới cho mỗi bậc học và mỗi môn học. Ai không đạt được chuẩn chung đó thì không thể nhận chứng chỉ hay bằng cấp tương ứng. Anh Thanh chưa đạt tới trình độ ngoại ngữ đã quy định như các sinh viên khác thì không thể cho anh Thanh điểm đạt về môn ngoại ngữ. Nếu “cho đạt” nghĩa là thầy Dũng đã hạ thấp tiêu chuẩn và đã không công bằng với nhiều sinh viên khác.

Chúng ta chỉ có thể yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn các bậc học theo trình độ phát triển đất nước để đuổi kịp các nền giáo dục phát triển trên thế giới. Có như vậy đất nước mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển trên thế giới.

Hạ bớt tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng là có tội với dân tộc, với các thế hệ đã khuất và cả các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền đòi hỏi các thầy, cô giáo công bằng, trách nhiệm, lương tâm trong giáo dục chứ không thể đòi hỏi các thầy, cô giáo hạ thấp tiêu chuẩn của một sinh viên tốt nghiệp đại học. Sẽ là tai hoạ trong tương lai không xa cho dân tộc nếu bây giờ thầy, cô giáo nào cũng hạ bớt tiêu chuẩn giáo dục cho mỗi bậc học và mỗi môn học.

Nhẽ ra, anh Thanh phải cố gắng học tập để có thể vượt qua kỳ thi như các sinh viên khác, chứ không được có ý nghĩ về hành vi, càng không được có hành động côn đồ với thầy giáo như vậy. Thử hỏi mai sau nếu anh ta ra xã hội, bất cứ khi nào gặp khó khăn, không đạt được mục tiêu của mình, không đủ khả năng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó anh ta đều hành động như thế chăng. Nguy hiểm biết bao nếu sản phẩm giáo dục của chúng ta là những người như anh Thanh. Nếu các vị nói rằng “nếu không có Thanh này thì sẽ có Thanh khác”, thì tôi cũng có thể nói rằng: nếu lúc này Thanh không hành động như vậy thì chắc chắn sau này Thanh sẽ hành động như thế ở một chỗ khác, với những người khác, vì những lý do khác.

Nếu quả thật thầy Dũng (tôi xin lỗi thầy Dũng trong giả định này) không công bằng, có tiêu cực, thì trong môi trường đại học Thanh vẫn có nhiều cách giải quyết hợp lý, hợp tình, hợp luật, hợp lòng khác, sao lại tàn bạo với chính người thầy của mình, của các bạn bè mình đến vậy? Thanh có thể trực tiếp gặp lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức khác để phản ảnh và giúp Thanh, giúp thầy Dũng tiến bộ. Nếu Thanh thật sự gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa đủ điều kiện để học tập thì Thanh cũng có thể trực tiếp gặp các thày, cô giáo, Ban Giám hiệu để phản ánh và chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô và nhà trường. Thậm chí, Thanh có thể tạm dừng việc học đi làm một thời gian rồi sau đó quay lại học. Ở nước ta pháp luật không cấm điều đó. Ở các nước phát triển đây là hiện tượng phổ biến.

Nếu ai đó đồng tình hay thông cảm với hành vi của Thanh, thì vô tình đã tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức trong học đường và trong xã hội.

Điều đó sẽ hết sức tai hại cho tương lai đất nước, cho chính chúng ta. Trong khi ngành giáo dục và những người có luơng tâm, có trách nhiệm đang tích cực đấu tranh với những hành vi suy thoái đạo đức trong xã hội thì những người đó lại tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức, cho hành vi phi nhân tính trong học đường. Xã hội sẽ lên án không chỉ hành vi của anh Thanh mà còn cần phải phê phán thái độ và tư tưởng sai lầm ấy.

Để một nền giáo dục phát triển mọi người phải đồng tình với sự nghiêm khắc, tính nguyên tắc của thầy, cô giáo và khắt khe với thái độ dễ dãi của họ. Những người học trò đúng nghĩa bao giờ cũng cảm nhận được và biết ơn các thầy, cô giáo nghiêm khắc và giữ đúng nguyên tắc bởi chính sự nghiêm khắc và nguyên tắc đó giúp họ trưởng thành. Nếu thầy cô, giáo dễ dãi, “độ lượng” theo cách nghĩ của một số người có thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh (nghĩa là thầy Dũng cho anh Thanh đạt ngoại ngữ dù thực chất anh ta chưa đạt được trình độ cần có), thì thầy Dũng đã hành xử không công bằng. Các thày cô giáo là những người thay mặt xã hội cầm cân, nẩy mực trong giáo dục. Thầy, cô giáo mà hành xử không công bằng chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ rối loạn.

Nếu có chăng, chúng ta chỉ có thể phê phán thầy Dũng đã sơ suất ở chỗ chưa phân tích rõ cho Thanh hiểu tại sao đã bốn lần thi mà vẫn chưa thể đạt để Thanh nhận thức rõ chính mình và cố gắng học tập hơn nữa, chứ không thể phê phán thầy Dũng là thiếu độ lượng, trù dập sinh viên. Hiện tượng giám thị “khủng”, giáo viên “thiếu độ lượng”, tiêu cực như thầy Chung Lý phản ánh, quả thực đang tồn tại trong nền giáo dục nước nhà, gây nhức nhối trong xã hội. Nhưng không vì thế mà chúng ta đi đến sia lầm cực đoan khác là hạ bớt tiêu chuẩn cấp học, môn học để ai “vào được thì cũng đều phải ra được”.

Việc học trò tạt axít thầy giáo và các bạn đồng môn là một nỗi đau của nền giáo dục đại học nước nhà. Thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh là tiếng chuông cấp báo về sự đảo lộn thang giá trị trong xã hội hiện nay. Một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại. Tư tưởng ấy đã ít nhiều lan rộng trong xã hội, đã thấm vào chính các thầy, cô và sinh viên, đang kìm hãm nền giáo dục. Xoá bỏ tư tưởng ấy, tạo dựng tư tưởng, triết lý giáo dục mới, chấn chỉnh và cải tổ lại nền giáo dục là việc không thể trì hoãn.

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,