- " Chiều nào, em cũng ra công viên ngắm cảnh bình minh. Mặt trời dần xuống dốc núi…: “Con gà nhà bà em mới đẻ được một con gà con nặng 2kg..."
Vẫn biết trí tưởng tượng của trẻ thơ là vô cùng phong phú, nhưng những bài văn mô tả đến mức này thì quả thật là khiến người đọc cười thắt ruột.Đọc và chấm những "bài văn ấn tượng" ghi được từ các bài thi vào lớp 6, hoặc trong những lần hướng dẫn học trò làm bài, cô giáo Hoàng Thanh (Hà Nội) gọi đây là "những bài văn thiếu mùa hè".
Dưới đây là những câu văn như thế.
Chim "đớp" bình minh Đề tuyển sinh vào lớp 6 diễn ra hồi cuối tháng 6 ở một trường THCS tại Hà Nội yêu cầu học sinh tả một buổi bình minh mà em ấn tượng nhất. Trong các bài viết, các em diễn đạt khá lưu loát, đúng ngữ pháp. Một số câu văn còn miêu tả khá hình ảnh với những từ ngữ sinh động. Tuy nhiên, sự hồn nhiên cũng toát lên rõ nét. Chẳng hạn: Mở bài: 1. Chiều nào, em cũng ra công viên ngắm cảnh bình minh. Mặt trời dần xuống dốc núi… 2. Em đã đi rất nhiều biển nhưng biển đẹp nhất là Cửa Lò, nơi bà nội em từng chôn rau cắt rốn. Ở đó, em đã từng ngắm một buổi bình minh cực kì đẹp. 3. Hôm nay, em dậy sớm đi thi, ngồi mãi cũng chẳng biết làm gì, em liền quay ra ngắm cảnh bình minh. Thân bài: Những tia nắng dịu chiếu xuống hồ, cá nhảy lên tung tăng đớp những giọt sương mai. Từ nơi nào, không biết có bao nhiêu là chim bay đến. Chúng khoái chí đớp những giọt sương cuối cùng đọng lại trên cành cây. Kết luận: Em rất vui vì đã khám phá ra một buổi bình minh. Người ta có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đó là câu thơ em vừa nói. Em mong sao, em sẽ khám phá nhiều buổi bình minh mới lạ và bổ ích góp phần vào đất nước thêm rực rỡ”. Chiến công của chó Tả con chó, học sinh viết: “Nhà em có nuôi một con chó Béc-giê to. Nó đã lập được một chiến công hiển hách. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm, nó lao vọt sang nhà hàng xóm, lúc quay về, đầu nó lắc lư, tai vẫy ra vẻ rất kiêu hãnh. Thì ra, nó đã tha về đặt giữa nhà một thằng trộm.” Đề bài tả con gà, học sinh viết: “Con gà nhà bà em mới đẻ được một con gà con nặng 2kg.” Một học sinh khác lại viết: “Con gà nhà em có một chiếc đuôi rất đẹp. Phần cao nhất của đuôi màu nâu sậm, phía dưới lại có màu xanh nước biển, tiếp đó là màu đồng và phần cuối cùng là màu đỏ. Còn mỏ của chú gà to như lá trấu, đôi cánh lại ngắn củn và vàng ruộm.” Thày giáo phê: “Có vẻ chú gà này một nửa giống gà trong tranh Đông Hồ, một nửa giống gà luộc trên đĩa?” Với đề bài tả con trâu, có học sinh viết: “Hè vừa qua, em được bố mẹ cho về thăm quê. Em nhìn thấy một bác nông dân đang làm việc trên đồng. Bác nông dân có một khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, miệng tròn xinh. Đặc biệt, làn da của bác trắng hồng rạng rỡ. Bác đang đi sau một con trâu rất béo. Bác quát lớn: Họ… họ… họ… và con trâu nghe lời bác, cứ thoăn thoắt bước đi.”
Trên đường đê, em Bùi Tuấn Dương, học sinh lớp 6 trường THCS Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ đen trũi da vì phải dắt bò ăn để không phá lúa. Ảnh: Đức Chính
Không muốn giống sách
Cả lớp làm bài rất say sưa. Cô giáo thấy A.Thơ cứ ngồi nhìn ra sân trường, liền hỏi: "Con đã làm bài xong chưa?", A.Thơ hồn nhiên trả lời: "Xong rồi ạ!"
Cô giáo nhìn vào bài kiểm tra chỉ thấy một dòng chữ ngắn gọn: “Nhà em ở trong trường nên không có con đường đến trường”.
Với đề bài yêu cầu tả con mèo nhà em, học sinh D.Nam viết: “Con mèo nhà em thân to như một chai lavie nhỏ, đầu to như một chai lavie lớn, hai tai to như hai trái núi, còn mắt mở to như một người trẻ”.
Khi được hỏi “sao con lại viết mắt mèo mở to như một người trẻ?”, Nam trả lời: Trong sách văn mẫu, người ta mô tả con chó nằm sưởi nắng, mắt lim dim như một người già, con không muốn giống sách nên phải viết vậy.”
-
Hoàng Thanh
***************************************
Ý kiến bạn đọc
Ho ten: Đào Thanh Thủy
Dia chi: Phú Thọ
Tôi đã là mẹ và cũng từng là học sinh giỏi văn. Tôi cam đoan rằng khi đọc những dòng chữ trong đoạn văn của các cháu mọi người sẽ bật cười. cười ở đây là nhận ra sự ngây thơ trong đó chứ không hề có hàm ý xấu. Đấy là với các cháu mới 10, 11 tuổi chứ với các cháu vừa thi tốt nghiệp năm 2009 này còn
nhiều bài văn đúng là cười ra nước mắt.
Tôi tin rằng tác giả bài viết cũng chỉ đưa ra để mọi người thấy sự hồn nhiên của trẻ con, sự dạy dỗ quá khuôn sáo của các giáo viên chứ không hề có ý chê trách các cháu. Mọi người khi đánh giá cũng cần phải khách quan hơn một chút.
Ho ten: Liễu Hải
Dia chi: Vũng Tàu
Đọc bài văn của các em, quả thực tôi không thể nào nhịn được cười, nhưng nụ cười ở đây là ví quá yêu sự trong sáng, ngây thơ và hồn nhiên trong cách hành văn của các em, chứ không phải là một sự mỉa mai chê bai. Nhiều người đã nói rất đúng, làm sao so sánh thế giới quan của các em nhỏ với tg quan của người lớnchúng ta?
Tôi còn nhớ mãi ngày bé, khi tôi còn học lớp 4. Đề văn bảo miêu tả con mèo, và cậu bạn tôi với phần mở bài hồn nhiên nhưng ấn tượng được cô giáo khen ngợi nhất: "Tuần trước, em được mẹ dẫn lên sở thú ở thành phố chơi. Có một con báo cứ nhìn em chằm chằm, em cũng nhìn chú báo, nhưng sau một hồi lâu, em phát hiện ra đó không phải là một con báo, mà là một con mèo thật đáng yêu".
Một trong những yêu cầu của văn miêu tả là phản ánh lại những gì các em thực sư mắt thấy tai nghe, thế nên những "người thực việc thực" dưới góc nhìn trẻ thơ cần phải được yêu quý trân trọng. Dạy trẻ viết trái với những điều quan sát khác nào tập tành cho các em thói xảo trá của người lớn!
Đề văn ngày nay cũng phải cố gắng theo sát sự hiểu biết của các em. Trong truong hợp những sự vật dc miêu tả như con trâu, con gà... (mà các em hoc sinh ở cac thanhpho lớn chua bao giờ có dịp tận
mắt chứng kiến), thì hình ảnh và đặc biệt là các video minh họa cần được giáo viên chuẩn bị trước trước khi yêu cầu các em hành văn Đừng ép các em phải theo một khuôn mẫu nào cả. Hãy cho trí tưởng tượng của trẻ bay xa.
Ho ten: Đỗ Duy Thọ
Dia chi: Quang Châu, Hàn Quốc
Tieu de: Văn học là cuộc sống
Trước đây tôi vẫn phải tả một người con gái xinh đẹp là phải "mặt trái xoan, mũi rọc (dọc) dừa" mặc dù chưa biết trái xoan và rọc dừa nó như thế nào.
Lớn lên, tôi yêu một cô mũi tẹt và mặt tròn như... bánh giày!
Học đại học, tôi thấy anh bạn cãi nhau với một người Mỹ về cách đọc chữ "man" trong tiếng Anh!
Tôi còn thấy một người khác cãi nhau với một cô người Rumani rằng theo anh ta thì thủ đô của Rumani phải là Budapet! Bây giờ, đề văn cho tất cả người lớn chúng ta là hãy tả một con cá mập!
Ho ten: JC
Dia chi: HHT
Tieu de: Do chương trình giáo dục không phải do các em
Tôi còn nhớ, khi bé tôi đi học, đến giờ tập làm văn là tôi ngán nhất, vì tôi không được tự do miêu tả cái mình thích.
Trong giáo án cô giáo lúc bấy giờ luôn có khuôn mẫu. Tả cô giáo lúc nào cũng cô thướt tha trong tà áo dài hồng, tóc cô dài đen nhánh làm nổi bật cái mũi dọc dừa thẳng tắp... Miêu tả cảnh đẹp lúc nào tôi cũng ghi nhớ phải viết thêm một câu : "Em yêu đất nước em hơn, càng làm em có sức mạnh góp đôi tay bé nhỏ xây dựng đất nước’ thì mới có điểm cao".
Trong khi đó tôi thừa sức miêu tả cô giáo khác, không đẹp nhưng tôi rất có tình cảm, hay cảnh thiên nhiên đẹp đó tác động đến cảm xúc tôi như thế nào.
Có chuyện nhà văn Tô Hoài thương cháu qúa , viết hộ cháu bài về nhà "tả chú gà trống" bị cô giáo cho điểm dưới 5 vì không giống giáo trình huớng dẫn, cô giáo phê đại ý : con gà của em (nhà văn Tô Hoài) thật kì cục.
Rồi hồi bé có môn vẽ, cô giáo dạy vẽ con mèo như thế nào? -Các con vẽ một vòng tròn nào, rồi các con vẽ thêm hai vòng tròn phía trong nào....cuối cùng cả lớp có 49 con mèo giống hệt nhau.
Trong khi đó ở Singapore và các nước Châu Âu thì con mèo có thể giống con bò, nhưng giáo viên nhìn các em phối màu, nét vẽ để hiểu tính cách các em.
Chính chương trình GD đã thui chột sự sáng tạo ở trẻ, trong đó có tôi. Khi học ĐH đến đi làm, tôi đã rất vất vả luyện tập việc tư duy sáng tạo trước một vấn đề.
Ho ten: Trần Long Ẩn
Dia chi: Phú Thọ
Tieu de: Các bậc phụ huynh nói như thế không đáng cười, phải xem lại!
Theo tôi như thế không phải là sự hồn nhiên của trẻ thơ mà là sự thiếu hụt thực sự trong nhận biết của trẻ về thế giới xung quanh. Tôi chắc là khi bảo các em môt tả, nói về những việc khác như mua bán, diễn viên, ca sĩ, phim ảnh, game, tôi dám chắc các em sẽ viết chính xác hơn nhiều. Xin lưu ý các bạn, học sinh lớp 3 đã phải nhận biết được thế nào là bình minh, hoàng hôn, phải biết con mèo, con chó, con trâu. Làm sao mà nói những đoạn văn nực cười trên là do tâm hồn trong sáng, non nớt của các em. Giáo dục của các bậc phục huynh thực sự có vấn đề hay nhận thức của các em có vấn đề, mong các bác trả lời giúp?
Họ tên: Thu
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Cười vì sự ngây thơ của trẻ nhỏ và xem lại chương trình giáo dục của nước ta
Khi đọc bài viết này, tôi chợt nhớ tới những câu văn của chị tôi ngày bé đã dùng để miêu tả (nói thêm một chút là chị tôi sinh năm 1986!). Đề bài yêu cầu chị "miêu tả một chú cún của nhà em mà em rất yêu quý". Nhưng sự thật là nhà tôi hay cả nhà hàng xóm đều không có lấy một con cún nào. Và để hoàn thành một bài văn, chị đã quan sát những chú cún trên đường phố, nhưng để miêu tả một cách kĩ lưỡng thì xem ra hơi khó. Tôi nhớ một câu văn có thể gọi là "để đời" của chị tôi ngày đó: "Đầu con chó to bằng đầu em em."
Điều đó có đáng buồn cười không? Có chứ! Khi được nghe kể lại cả chị tôi và tôi đều đã cười rất nhiều. Nhưng trách sao được đây? Trách gia đình vì đã không mua những con vật hay đồ vật đầy đủ để những đứa trẻ như chúng tôi có thể nhìn vào và miêu tả? Trách giáo viên đã quá khắt khe cho những suy nghĩ ngây
thơ của trẻ nhỏ? Hay trách thầy cô đã không nghĩ đến tính thực tiễn khi ra các đề văn??
Ho ten: nguyen lien huong
Dia chi: Hà Nội
Con trai tôi học lớp 7 đã xăm soi, ngắm nghía cái xơ mướp dùng để rửa bát 1/2 giờ và hỏi: "Cái rửa bát nhà mình bà đan bằng sợi gì và đan như thế nào mà đẹp thế?". Làm sao được khi cháu ở thành phố, chưa từng thấy cái xơ mướp bao giờ?
Ho ten: Hồ Mai
Dia chi: Cầu Giấy, Hà Nội
Tieu de: Trẻ con cần sự hồn nhiên!
Có gì để cười thắt ruột? Tôi thấy những câu văn đó hồn nhiên đấy chứ, thế mới gọi là trẻ con. Trẻ con-đáng yêu. Hồi bé, tôi cũng đã từng bị cô hiệu phó dạy thay cho điểm 5 bài làm văn chỉ vì tả thực, trong khi cô giáo chủ nhiệm khi đọc lại thì cho 9. Chính cách dạy văn nhiều lúc đã dạy cho trẻ con nói dối và sự áp đặt trong lối suy nghĩ. Tôi yêu những gì tự nhiên và hồn nhiên!
Ho ten: Trần Tuấn
Dia chi: Sofia
Tieu de: Không có gì đáng buồn!
Đọc những câu văn trên, tôi thấy rất thú vị và rất hay!
Chúng ta đừng vội ’’muốn khóc’’. Theo tôi, những bài văn của các em có nội dung rất trong sáng, hồn nhiên, ít sai về chính tả, ngữ pháp. Chỉ hơi buồn cười một chút vì các em, chắc là sinh ra và
lớn lên ở thành phố, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với cuộc sống nông thôn nên tất nhiên thiếu hiểu biết về phong cảnh tự nhiên, cuộc sống nông thôn.
Điều này, các em có thể tích lũy dần dần. Điều đáng bàn ở đây là chúng ta cần tăng cường giáo
dục kiến thức thực tế cho các em. Định hướng cho các em viết đúng, miêu tả đúng (về văn phạm, kiến thức xã hội, tự nhiên...) những gì các em cảm nhận được, thấy được từ thực tế.
Ví dụ như nên viết là: Đây là nơi bà nội em sinh ra… Hay không nên viết: ‘…nó (con chó) đã tha về …một thằng trộm’.
Đừng gò ép các em phải phân tích, bắt trước những đoạn văn mẫu mà theo người lớn đó là hay, là mẫu mực... Vì thực tế ‘…nhà em ở trong trường nên làm gì có con đường đến trường’.
Thêm nữa, liệu thày giáo có hiểu rằng: ‘nơi chôn nhau, cắt rốn’ là một cụm từ rất trừu tượng, khó dùng đúng với các em học sinh vừa học xong lớp 5.
Theo tôi, thầy (cô) chỉ nên phân tích cho các em thấy lối hành văn sinh động, nội dung yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc, tình yêu tự do… trong các ‘bài văn mẫu’ thôi.
Tôi rất thích câu nói của em Nam: ’’con không muốn giống sách (một cách máy móc) nên phải viết vậy’’.
Ho ten: Đoàn Ngọc Bình
Dia chi: TP.Hồ Chí Minh
Tieu de: Các bài văn "đáng yêu"!
Tôi thấy vấn đề viết văn của trẻ như thế là bình thường, không có gì đáng lo ngại! Hồi xưa, tôi còn không viết được như thế! Nhưng lớn lên, tư duy và thế giới quan sẽ thay đổi, cảm nhận cũng khác.
Tôi nghĩ rằng trẻ có tình cảm hay không, không phải là phụ thuộc vào việc học văn, viết văn hay, mà là không khí ở gia đình, môi trường sống của chúng. Sự kiên trì phân tích và dịu dàng của cha mẹ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn và giàu tình cảm. Làm sao chúng có thể hiểu "mặt trái xoan" nó đẹp như thế nào, dùng để mô tả cho đối tượng nào, đẹp hơn mặt trái...dừa, dứa, đu đủ như thế nào?! Đọc văn của trẻ con, tôi chỉ có thể ôm chúng, cười mà hôn chúng, và để ý khi chở chúng đi ra phố, sẽ chỉ cho chúng biết các gương mặt trái xoan là như thế nào.
Ho ten: Thu Hằng
Dia chi: TP Hải Dương
Tieu de: Chính chúng ta cần nhìn lại cách giáo dục
Đọc những câu văn này, người lớn chúng ta mới đáng phải suy ngẫm, phải nhìn lại cách giáo dục đối với con em chúng ta. Đây là những câu văn biểu hiện thiếu vốn sống thực tế.
Đọc những câu văn này, tôi lại nhớ đến quãng thời gian vất vả giáo dục con mình hoà nhập với thực tế cuộc sống.
Những năm cuối thập kỷ 90, con trai tôi năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi tiểu học. Ngày ấy, học sinh thi học sinh giỏi phải thi cả toán lẫn văn và bắt buộc cả 2 môn phải từ 10 trở lên(điểm số 20) mới được xét giải. Lớp 3 và lớp 4, con tôi đều trượt vì điểm môn văn. Không phải vì cháu viết kém mà do sai thực tế.
Ví dụ như tả cánh đầu lúa mùa xuân thì cháu viết là :" mùa xuânlúa chín vàng rực.." hay tả thành phố khi đang đi trên máy bay thì lại viết :" Đi trên máy bay nghe thấy tiếng còi xe kêu inh ỏi....".
Nhận thấy thiếu sót ở cháu, tôi đã kiên trì hướng dẫn chỉ bảo cháu như cho cháu về quê, chỉ cho cháu biết đặc điểm nổi bật của cảnh vật hay các con vật ở nhà quê, nêu và giải thích các hiện tượng diễn ra xung quanh cháu, tạo cho cháu thói quen thích đọc sách...
Kết quả lớp 5 cháu đã đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Bây giờ cháu đã học đại học, tuy chuyên ngành kinh tế nhưng kiến thức về xã hội cũng rất tốt. Tôi nghĩ không, riêng gì việc học văn mà trong mọi việc, người lớn chúng ta cần phải thay đổi rồi mới nói đến việc giáo dục con em chúng ta. Muốn thay đổi người khác, trước hết, phải thay đổi chính mình.
Ho ten: Quang Tùng
Dia chi: Quảng Trị
Tieu de: Trẻ không biết về thực tế như đạo diễn làm phim Khoa học viễn tưởng
Những câu văn trên theo tôi là rất tự nhiên của trẻ khi những con vật, đồ vật hay một sự việc mà em chưa biết tới. Các bạn hãy xem các phim khoa học viễn tưởng thì thấy ngay điều đó.
Con người chưa biết được trên không gian vũ trụ có sự sống hay không nên mặc sức tưởng tượng: Con người ngòai hành tinh với nhiều "mẫu", tàu vũ trụ với nhiều hình dáng...
Đối với những trẻ đã thấy con vật rồi nhưng miêu tả và so sánh cũng khá lí thú nữa huống gì chưa thấy. Tôi đã thấy một bài văn tả về con vật của một em HS như sau: " Nhà em có nuôi một
con lợn, nhìn nó như Trư Bát Giới.." và em đã kết luận bài văn:" Cuối năm mẹ em bán con lợn và mẹ em nói rằng nôi lợn lỗ hơnnuôi gà".
Ho ten: Trần An Trị
Dia chi: BMT
Tieu de: Trẻ em rất hồn nhiên
Những câu văn hồn nhiên của trẻ nhiều khi thật đáng yêu. Không khuôn sáo, trống rỗng và bắt chước. Cảm nhận của trẻ rất tự nhiên và trẻ rất vui tự mình khám phá ra những điều mình thích trong cuộc sống.
Đừng vội vàng chỉ trích chê bai để trẻ mất hứng và kém tự tin. Con trai tôi về quê, thấy con trâu bạc, cháu cho là con trâu này bị cạo lông vì cháu chưa bao giờ thấy trâu bạc. Có lần cô giáo ra đề bài tả con heo, các bạn bè và cháu mất cả buổi chiều sang quan sát và làm văn. Mỗi lần như vậy cháu rất hào hứng. Hãy để cho trẻ tự khám phá, đừng gò ép và tạo thói quen bắt chước cho trẻ.
Ho ten: CBC
Dia chi: Biên Hòa, Đồng nai
Tieu de: Muốn chấm văn của trẻ, trước hết “phải ngồi xuống góc nhà”
Thế giới của trẻ em khác với thế giới người lớn. Khi còn bé, chúng tôi thấy cái ao trước nhà thật rộng lớn, còn cánh đồng bên cạnh thì dường như là “mênh mông”. Hơn hai mươi năm sau có dịp về thăm lại ôi sao nó bé tẹo, quá bé.
Lúc con tôi độ ba hay bốn tuổi, còn thấp hơn gầm bàn. Vì vậy khi chơi với, tôi mới phát hiện ra răng góc nhìn của chúng rất khác so với người lớn. Cho nên, muốn chấm văn của trẻ, trước hết “phải ngồi xuống góc nhà” như các em.
Dân ta có câu: “ếch ngồi đáy giếng thấy trờibằng vung”. Câu này ám chỉ những người chỉ quanh quẩn ở một chỗ nào đó nên thiếu hiểu biết. Trẻ con cũng thế, làm sao mà đã biết hết từ ngữ, làm sao mà đã hiểu hết được sự việc vì không gian của chúng rất hẹp, rất hạn chế.
Thế nên những “chú ếch, cô ếch” trẻ con của chúng ta mà tả đúng hết mọi sự mới là chuyện lạ, còn như chúng có tả bầu trời của to như cái vung nồi thì cũng là hợp lẽ tự nhiên, mà lẽ tự nhiên mới đáng quý chứ!
Cần phải khuyến khích sự sáng tạo tự nhiên. Tôi cho rằng bài tả con gà của em nào đó trích đăng trên đây thật là hay và tự nhiên, đáng được điểm cao vì bé đã tả con gà của bé rất tự nhiên,chắc hẳn em đã quan sát và ghi nhớ rất kỹ. Không hiểu sao bài văn như ,các thầy cô giáo không động viên mà lại bị chê cười.
Đọc các đoạn văn của các em được trích trên đây, tôi cho rằng chả có gì đáng lo, càng không nên cười chê vì đó là văn của trẻ con, mà nên xem xét lại cách nhìn nhận của người lớn với chúng, có áp đặt quá không hay là đòi hỏi ở các em nhiều quá.
Cuối cùng, xin hãy vị tha hơn, kiên nhẫn hơn để không quá vô cảm trước các em mà vô tình gây ra cái họa cho con trẻ.
Ho ten: Đức
Dia chi: Hà Nội
Ừ, thì có đau ruột, nhưng tôi lại đau ruột khi đọc cái câu kết luận vô cùng máy móc của bài văn tả cảnh bình minh. Hồi tôi đi học cũng y như em này! Nghĩ lại, thấy buồn cười,làm văn gì cũng phải kết luận "....là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập hết
sức để xây dựng đất nước...." hoặc không thì: "em hứa", "em mong", "chúng ta tin tưởng rằng"....
Nói tóm lại, vấn đề giáo dục của nước ta chỉ cần trả lời được 1 câu hỏi duy nhất: Đến bao giờ thì người học mới được tự do tư duy và giáo viên đủ trình độ để dạy người học tư duy?
Tôi vẫn đợi để xem các bài văn không máy móc sẽ ra đời!
Ho ten: Nguyễn Phước
Dia chi: TP.HCM
Tieu de: Ấn tượng tuổi lên 10?
Tôi rất thích bài viết của trò A.Thơ : “Nhà em ở trong trường nên không có con đường đến trường”. Rất trong sáng của em học sinh 10 tuổi. Tôi rất ngạc nhiên với đề văn tả một buổi bình minh mà em ấn tượng nhất. Đề này cho SV đại học văn chưa chắc đã làm nổi. Đặc biệt đưa khái niệm "ấn tượng" mà lại là "ấn tượng nhất" ra đề cho học sinh lớp 5 thì lạ thật.
Ho ten: Vũ Đình Duân
Dia chi: 42/2 - Trần Não-Quận 2
Tieu de: Vài chút tài cũng loé sáng đấy chứ!
Tuy hầu hết là các em viết ngây ngô vì không kiểm soát hết được câu văn của mình, như đọc trong đó cũng thấy là các em rất có tâm hồn đấy chứ...! Một số em có sự thông minh riêng, không làm theo cách cô thầy dạy một cách đúng mà sáo mòn. Văn thì phải vậy! Tôi thích em gì viết được câu tả mắt mèo :"mắt mở to như một người trẻ", hay đấy chứ?
Ho ten: Kim Liên
Dia chi: Vĩnh Phúc
Tieu de: Đừng lo lắng quá
Có thể những câu văn ấy sẽ trở thành những kỷ niệm quý giá đấy. Tôi có cô con gái, hồi học đến lớp ba, nó vẫn làm văn tả con gà có 4 chân, tả con lợn thì: người nó to bằng cái phích, bốn chân bằng bốn chiếc đũa. Thế mà sau cháu vẫn ba lần đoạt giải Văn toàn quốc, từ giải ba tiến lên giải nhất, vào thẳng ĐH, nay ra trường được 6 năm và rất thành đạt. Cho nên, đừng coi những câu văn ấy là ngây ngô dốt nát, nó là quãng đời thơ ngây hồn nhiên đáng quý lắm đấy. Đừng sốt ruột! Tất nhiên, nếu cứ mãi như thế thì cũng thật đáng lo.
Ho ten: Ngo Cam Hanh
Dia chi: Ngoc Khanh- Giang Vo- Ha Noi
Tieu de: Học sinh và vấn đề văn trong cuộc sống
Chúng ta là những bậc làm cha làm mẹ và ngành giáo dục cần nghiêm chỉnh kiểm soát lại phương thức giáo dục cho con trẻ đã đúng chưa? Tôi nghĩ những bài văn tả của các cháu không phải "cười" mà "khóc" thì đúng hơn. Trẻ nông thôn và thành phố cùng chung sự trong sáng, thơ ngây, nhưng khác nhau cuộc sống sinh hoạt.
Vì vậy, chúng ta cần dành nhiều thời gian với con trẻ gần gũi và cởi mở, giới thiệu cả về nông thôn lẫn thành thị. Từ đó, để trẻ con hiểu rằng dù ở đâu cũng có cuộc sống tốt, có người thân yêu, khí hậu, thời tiết, động vật nuôi, cây cối, cảnh vật, v.v... thường xuyên được giới thiệu.
Ho ten: Linh Anh
Dia chi: Hải Phòng
Tieu de: Vai trò dẫn dắt của GV dạy văn
Tôi vô cùng ấn tượng và yêu thích bộ phim của Nhật vừa chiếu trên VTV1 " Mùa tuyết tan" ( Thật tiếc là bộ phim hay như vậy lại được chiếu vào lúc 13h nên không nhiều người được xem). Có nhiều chi tiết trong phim gây ấn tượng với tôi. Nhưng có một chi tiết mà tôi rất thích: Để cho các em học sinh tiểu học biết về
mùa cá hồi đẻ trứng, một cô giáo làng đã đưa học sinh đi mấy chục cây số đến tận con sông có cá hồi đẻ và giảng giải cho các học sinh về quá trình cá hồi mẹ đẻ trứng rồi chết ngay sau đó. Bộ phim được xây dựng ở một vùng quê nghèo của Nhật từ những năm 80. Chúng ta mong gì ở trẻ nhất là trẻ em thanh phố khi yêu cầu các cháu tả cảnh, tả con vật mà các cháu chưa hề được nhìn thấy hoặc chỉ thấy trên tivi?
Ho ten: Đoàn Nhất Trí
Dia chi: Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Cách đây dễ đến 6 - 7 năm, tôi cùng đoàn cán bộ một Bảo tàng tầm cỡ Quốc gia đi công tác ở vùng Tây Nguyên. Đoàn đi bằng xe ô tô. Khi đi qua vùng đất Ninh Thuận, một cô cán bộ sưu tầm của bảo tàng ngồi trong xe chỉ ra bên ngoài, nơi những con dê của đồng bào đang ăn cỏ ven đường nói: "Ôi, những con bò ở đây sao
bé thế các anh nhỉ?". Một cán bộ văn hóa của tỉnh Ninh Thuận cùng đi để hướng dẫn đoàn hài hước trả lời cô cán bộ sưu tầm của bảo tàng kia như sau: Nó bé thế thôi, nhưng chúng tôi đều phải gọi nó bằng "cụ" đấy cô ạ! Ý nói là "dê cụ". Cô cán bộ bảo tàng trầm trồ: "Thế cơ à?!".
Ho ten: Góp ý
Dia chi: Đồng Nai
Tieu de: Chưa biết nên cười ai
Thật sự đọc bài viết của các bé thấy có một nụ cười tự nhiên thân mến dành cho các bé nhưng cũng làm cho tôi phải suy nghĩ. Tại sao các bé viết như vậy? Các bé viết như vậy thật sự có lỗi không?
Nếu có lỗi, lỗi này thuộc về ai? Do các bé hay do cả một lối mòn, tư duy, hệ thống giáo dục của chúng ta không thể nào thay đổi được khi nó đã ăn sâu vào hệ tư
tưởng của bao thế hệ từ trước đến nay.
Ho ten: Phan Thanh Nhàn
Dia chi: 121 Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, TP.HCM
Đó là hồn nhiên của tuổi thơ, chúng ta cũng vậy thôi, chẳng có gì lo lắng hay phê phán. Rồi các cháu sẽ lớn và tự nhiên sẽ hiểu. Đó cũng là kỷ niệm, còn để trở thành nhà văn của tương biết đâu có thể...
Ho ten: Phạm văn Mạc
Dia chi: Cà Mau
Hai học sinh lớp 8 làm văn tả cái nón (người miền Nam gọi là nón lá): "Cái nón to bằng cái thau giặt đồ, chóp nhọn như mũi tên lửa trên tivi, được lợp bằng những lá dừa trắng...Suy nghĩ một hồi một em nhớ ra nón không phải lợp bằng lá dừa mà bằng lá chuối vì lá chuối mới lớn (to) như vậy!
Văn là người, nhưng văn cũng là thực tế và phải thực tế. Học sinh thành phố, cô ra đề văn tả buổi lao động ở trường, tả cánh đồng lúa, tả cảnh trăng lên thì làm sao học trò làm được, các em có thấy nó bao giờ đâu. Ở miền Nam không có lá cọ nên các em lấy lá dừa và lá chuối làm nón là phải.
Ho ten: Hồ Thanh Quốc
Dia chi: Huế
Đọc mà cười, giống như đứa em gái tôi kể: Bạn bè khen em vì đã thấy được trâu ở vùng quê, khen em sướng thật. Vì các bạn ở thành phố không thấy được trâu....
Ho ten: anhphong
Dia chi: Đà Nẵng
Nền giáo dục của ta được tiếng là bảo thủ và cố chấp từ rất lâu rồi. Đáng lý phải làm cách mạng từ lâu mới phải. Tại sao không cho trẻ tự tìm con vật mà trẻ viết để biết mà tả.
Ví dụ, nhà em có con mèo thì tả mèo, có chó thì tả chó, có gà thì tả gà hay thích con gì thì tả con đó. Hay chuyện học thủ công cho trẻ thành phố, chuyện học nghề để được cộng điểm khi thi tốt nghiệp cấp 3, tôi thấy điều đó nhân dân phải cười Bộ GD-ĐT thắt ruột hay ra nước mắt ấy chứ.
Ho ten: Trần Văn Lượng
Dia chi: Phú Thọ
Tôi nghĩ rằng có thể do lỗi của ngưòi ra đề thi: Tại sao cho trẻ em thành phố tả về nông thôn và có khi bắt trẻ em nông thôn lại tả về thành thị. Hãy để trẻ em cảm nhận đươc chính môi trường các em đang sống. Tôi sống ở cũng đã từng hơn một lần phải giúp con đi lấy phân chuồng ủ hoai mục và đất màu cho con nộp cho nhà trường vì việc này quá khả năng của các cháu.
Ho ten: Vũ
Dia chi: Hà Nội
Chả có gì là buồn cười cả. Bây giờ, thử bảo các bậc cha mẹ tả con tàu vũ trụ xem là ai tả buồn cười hơn. Tôi chắc là các em sẽ tả sinh động hơn các cụ đó. Tại sao chúng ta không khích lệ các cháu, định hướng cho các cháu mà lại đi chê bai thế này? Ngày xưa các bậc cha mẹ đi học được trang sách nào là ngay lập tức xé trang ấy làm tàu bay giấy cơ. Các cháu thế này là hơn chúng ta rồi.
Muốn các cháu phát huy khả năng của mình thì nên khen đinh hướng hơn chứ không phhải là mổ xẻ những " thứ chưa hoàn chỉnh" của bé.
Ho ten: Thế Hùng
Dia chi: 298, Trần Hưng Đạo
Tieu de: Vậy mới là trẻ thơ
Mình nghĩ cũng không co gì là ghê gớm cả như vậy mới là trẻ con. Cũng giống như tôi hồi nhỏ, chép ngày tháng năm thầy ghi trên bảng nhưng tôi thông thích chép theo thầy vì sợ sai, lại nhìn người bạn kế bên để chép, ban không cho thì không chịu chép vào vỡ. như vậy mới là trẻ con các bác ạ.
Ho ten: Tuấn Bình
Dia chi: Hải Phòng
Tieu de: Cười ai đây
Cười gì con trẻ? Hãy cười chúng ta, người làm cha mẹ, người làm giáo dục trước đã.
Ho ten: Nguyễn Thọ
Dia chi: Đà Nẵng
Tieu de: Vài lời bàn về bài viết: "Cười thắt ruột với văn mô tả của trẻ"
Trẻ em hay người lớn thì cũng vậy thôi, có người thế này, kẻ thế kia, nếu "tìm sạn" thì nhiều, nhiều lắm. Nhưng có đáng để chúng ta đổ lỗi tất cả cho "nền giáo dục" không?
Những đoạn văn được trích trong bài viết, theo tôi nghĩ: cũng không hẳn là đã dở. Chuyện đứa trẻ năn nỉ: "bố mua cho con quả bóng to bằng cái đầu bố" cũng là chuyện vui thôi mà. Có khi cháu nhỏ muốn sáng tạo, ví von nhưng chưa được hay thi cũng có thể thông cảm được chứ! Nhà trường làm sao dạy hết được mọi điều, gia đình cũng phải dạy các cháu nữa chứ, mà có cái chẳng phải ai day, theo quy luật tự nhiên, rồi các cháu sẽ lớn và sẽ biết, chẳng nên lo lắng quá như vậy.
Nhân đây cũng xin hỏi bạn đọc: bạn hiểu như thế nào về đoạn văn này của "người lớn”: "Đối với người lớn khi khai về quê quán cũng còn rất lúng túng, đôi khi ở một nơi lại khai một nơi (con cái ở với bố mẹ một nơi lại gọi nơi ông bà ở là quê). Khi đó, trẻ em biết quê mình ở đâu?" Tôi chịu thua!
Ho ten: Lê Văn Phức
Dia chi: Mê Linh- Hà Nội
Tieu de: Phải cho các cháu trải nghiệm thực tế
Nếu đọc thật kĩ các đoạn văn trên của các cháu, ta dễ nhận thấy một điều rằng hầu như tất cả những bài văn đó là của các cháu ở thành phố viết. Mà đề bài lại đa số yêu cầu nói về những điều bình thường, giản dị, thường ít có ở thành phố. Cuộc sống của các cháu lại ở thành phố. Vậy thử hỏi làm sao các cháu có được những câu văn hay và chính xác? Điều này là rất khó.
Có những câu văn hết sức hồn nhiên trên của các cháu, một phần cũng là do các bậc cha mẹ, các bậc phụ huynh ít quan tâm đến chuyện cho các cháu đi về các vùng quê, cho các cháu thấy cuộc sống ở làng quê như thế nào. Khi đó các cháu mới hiểu được, và tái hiện lại một cách trung thực trong bài viết của mình.
Nhà trường, các thầy cô giáo cũng quan tâm cho các cháu đi thăm quan, tìm hiểu thực tế cuộc sống ở các vùng quê. Tôi nghĩ, khi đó mọi chuyện sẽ khác.
Ho ten: Nguyễn Huy Hoàng
Dia chi: Tâm Việt - Hà Nội
Cá nhân tôi cho rằng những hậu quả trên không chỉ thuộc về nhà trường mà cả các gia đình. Ai cũng muốn con mình giỏi nên cố cho các cháu học thật nhiều. Cuối cùng thì cái cần học thì không được học còn cái được học thì có khi lại chẳng cần. Chúng ta bắt các em học toán nhiều để cuối cùng ra làm việc chúng
ta cần enter là xong. Chúng ta bắt các em học văn nhiều để có những bài văn như trên.
Đang trong dịp hè này, tôi nghĩ các gia đình nên để trẻ thực sự vui chơi hè để trải nghiệm cuộc sống với thiên nhiên và cuộc sống thực xung quanh mình.
Nhà trường nên có thêm những buổi dã ngoại để trẻ biết thực tế đồng ruộng, con sông, dãy núi, con bò, con trâu... là như thế nào.
Để có một lớp người phát triển toàn diện thì tất cả chúng ta cùng quan tâm chứ không chỉ phó mặc cho nhà trường.
Ho ten: Dong Thanh
Dia chi: TP.HCM
Tieu de: Ai mà chẳng vậy
Cả nước mình chỉ có 1 Trần Đăng Khoa thôi nhé, còn lại chúng ta ai mà chẳng vậy.
Cái quan trọng là bạn có thời gian dạy chúng, học với chúng và cùng làm văn với chúng thì mới biết được chứ ngồi đây mà phán xét thì không nên. Bọn trẻ còn nhiều thời gian ở phía trước để học hỏi, sửa chữa và viết lại. Cái quan trọng là chúng ta ấy(???) Tôi thấy chúng ta được học ra nhưng ít sáng tạo khác người, ai cũng như ai giống nhau... Biết đâu các em đang có cách nhìn riêng, sáng tạo thì sao?
Ho ten: Dong Thanh
Tieu de: Bình thường thôi
Các bạn đừng có cao ngạo mà nói này nọ. Các bạn nhớ lại hồi xưa mình đã viết được thế không? Chuyện đó là bình thường, trẻ em luôn nói thật, không dối trá như người lớn đâu, có gì nói nấy.
Cứ từ từ các em sẽ lớn lên và giỏi hơn chúng ta. Việc chúng ta dạy là cái cách nhìn nhận thế giới xung quanh thôi, còn cảm nhậnthì tuy mỗi người con trẻ và cả chúng ta nữa - thế mới là xã hội, chứ rập khuôn như chúng ta được đào tạo trước đây thì làm sao Việt Nam phát triển được.
Ho ten: Bùi Kim Hiển
Dia chi: Hải Phòng
Xem ti vi hàng ngày, nếu chú ý sẽ được nghe những người lớn từ địa phương tới trung ương nói trong hội nghị hẳn hoi:"năm 2 lẻ 9" hoặc "năm 2 ngàn lẻ 9"..."Năm 2 lẻ 9" cách hiện tại 1.800 năm rồi; còn "2 ngàn lẻ 9" thì không xác định được trong dãy số tự nhiên đếm thời gian. Thế mà người lớn vẫn cứ nói trơn
tuồn tuột trước bàn dân thiên hạ có ai cười thắt ruột đâu? Bây giờ soi xét con trẻ hỏi có công bằng ?
Ho ten: Thanh Huy
Dia chi: Ha Noi
Tôi có phải người duy nhất không thấy buồn cười khi đọc những câu văn được trích dẫn? Nhớ rằng viết ra những câu văn đó là những đứa trẻ lên mười! Trong bài cũng có nói rằng chúng "diễn đạt lưu loát, đúng ngữ pháp", theo tôi thế là đạt yêu cầu rồi. "Người lớn" các vị muốn đòi hỏi gì hơn, rằng nền giáo dục Việt Nam cần đạo tạo ra những tiểu thuyết gia từ bậc tiểu học?
Một mặt, tôi cho rằng phản ứng tiêu cực đối với khả năng làm văn của các em là thiếu khoan dung. "Người lớn" nên tôn trọng cách tư duy của trẻ nhỏ thay vì khăng khăng ép chúng tư duy theo lối của mình.
Mặt khác, nếu kiến thức về cuộc sống của các em có lệch lạc, thì các vị phụ huynh, chứ không phải ai khác, mới là thủ phạm. Tôi cũng ngạc nhiên vì đến giờ trong chương trình học của học sinh thành phố vẫn có những đề bài yêu cầu tả gà, tả trâu. Không phải các em, mà chính những người làm giáo dục mới là những người ngây ngô thiếu thực tế.
Tôi muốn nói về "phong trào" bêu riếu các câu văn của học sinh, mà từ vài năm nay trở thành "mốt" mỗi khi đến mùa thi. Chẳng học sinh nào hy vọng công sức mấy tiếng làm bài của mình (có dở thì vẫn là nỗ lực của người ta!) được trưng lên làm thứ chọc cười cho bàn dân thiên hạ. Hơn nữa, nếu những người viết báo thực sự có tâm huyết với tiếng Việt thì hẳn không thể không nhận thấy những lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp xuất hiện nhan nhản mỗi ngày trên cả báo viết lẫn trên truyền hình.
Những lỗi đó tai hại hơn mấy câu văn của học sinh nhiều, vì trước hết, chúng thuộc về những người "chuyên nghiệp"; thứ hai, đối tượng của chúng là đông đảo dân chúng. Nếu không nghiêm khắc với những lỗi như vậy thì chẳng mấy mà toàn dân sẽ chẳng còn ai nói đúng, viết đúng Tiếng Việt.
Ho ten: Khai
Dia chi: California
Tôi không cho những bài văn của các em miêu tả là "kém" hoặc "buồn cười".
Trái lại, tôi lại cho rằng được khuyến khích. Bởi các em đang để trí tưởng tưởng "bay bổng", đó là khởi điểm của sự sáng tạo.
Chúng ta nên cười chính mình thì hơn. Bởi chúng ta chỉ sao chép máy móc khuôn mòn lối cũ, rồi từ đó nghĩ là "logic", là "người lớn".
Tác phẩm "Henry Potter" cũng dựa trên trí tưởng tượng phong phú. Ai dám bảo là không hay?
Nếu không có trí tưởng tượng phi thường thì làm gì có những công trình vượt thời gian? Làm gì có sự sáng tạo? Làm gì có những lý thuyết mà đương thời không hiểu nổi?
Nên những ai cho rằng các em miêu tả ngây ngô và cười nhạo, thì nên cười chính mình, bởi suy nghĩ khô cứng, chỉ biết lặp lại của người khác. Đó mới đáng buồn.
Biết đâu, những giống vật mà các em miêu tả, ngày nào đó sẽ thành hiện thực, bởi sự phát triển vũ bảo của khoa học về "gene", lúc đó, chúng ta có cười các em không?
Chính cái tự cho là "người lớn" theo tôi chúng ta cần xem lại. Thậm chí, xét lại cái nền tảng giáodục hiện tại có làm cản trở trí sáng tạo, khả năng tưởng tượng của các em không.
Ho ten: Nguyễn Quang Dũng
Dia chi: Đà Nẵng
Tieu de: Suy nghĩ trẻ thơ
Bình thường thôi, chúng ta đừng nghĩ vấn đề đó quá hệ trọng. Thử hỏi, chúng ta có những nhận định như các cháu về cuộc sống khi ta còn bé không, hay là còn tệ hơn thế. Chúng ta phải quan tâm hơn hướng dẫn cho các cháu để có những nhận định đứng hơn. Hãy để cho các cháu được nói lên suy nghĩ của mình, điều đó mới quan trọng...
Ho ten: t0be
Dia chi: Bình Thuận
Tieu de: Chưng hửng
Khi còn học lớp 3. Tôi còn nhớ rõ bạn tôi đã làm mở bài như thế này ( Với đề văn là Kể về một người thân) : "Nhà em có nuôi một ông nội"
Ho ten: Thế Mạnh
Dia chi: 278 To Hieu
Tôi thấy chẳng có gì mà buồn cười. Thế mới là con trẻ. Tầm tuổi này nhận thức của các cháu vẫn còn rời rạc chắp nối. Nếu có lỗi thì chính là ở chúng ta ở sự giáo dục của chúng ta vô cảm và thiếu thực tế. Tôi dám chắc rằng 90% các em ở thành phố tầm tuổi lên mười chưa nhìn thấy con gà thực như thế nào ngoai trừ con gà luộc và trứng gà luộc.
Ho ten: priya
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: văn mô tả của trẻ do lỗi của người lớn chúng ta
Đúng là cười ra nước mắt khi đọc những câu văn trên, ngày xưa, thời chúng tôi cắp sách đến trường không bao giờ có những đoạn văn như thế? Tại sao chúng ta không đặt câu hỏi vì sao? Ngày xưa, chúng tôi không có những quyển bài văn mẫu, không bị quá nhiều giờ học, chúng tôi được nghỉ đúng nghĩa ba tháng hè, có bờ đê với những cánh diều thực, có hoàng hôn thực, mỗi mùa hè là một kỳ học về thiên nhiên thực tế và đầy bổ ích và những tác phẩm văn học không bị cắt xén một cách thô thiển như bây giờ.
Những câu chuyện cổ tích chúng tôi đọc đi đọc lại hàng nghìn lần không biết chán. Hiện nay, không ít cháu học đến lớp 3, lớp 4 mà chưa bao giờ được nhìn thấy con trâu thật sự như thế nào, cảm giác chân trần chạy trên cỏ ra sao thì làm sao cháu có thể cảm nhận được? Văn học là sự cảm nhận, nếu các cháu bị ép vào một bài văn mẫu thì làm sao các cháu có thể diễn tả cảm xúc của riêng mình?
Ho ten: tranhoanglan
Dia chi: Nha Trang
Tôi có chị bạn làm giáo viên dạy văn nên đã nghe kể rất nhiều những đoạn văn tương tự như thế này. Tôi không ngạc nhiên khi đọc bài viết và đã chứng kiến ngay chính con mình cũng mô tả như vậy.
Cuối tháng 5 vừa rồi, tôi có cho con tôi về quê. Khi nhìn thấy con heo, cháu đã thản nhiên thốt lên với chị họ: "Chị Cún ơi, con heo to như mẹ em" và "Trời ơi, cái ao đầy vịt!". Vậy mà con tôi được cô giáo đánh giá là viết văn khá tốt?
Ho ten: Thanh Vũ
Dia chi: Hồng Hà
Có lẽ cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng thực tế dạy và học ở các trường hiện nay. Những bài văn miêu tả như vậy khó có thể chấp nhận. Mỗi thời sự học có khác nhau nhưng tôi cảm thấy nhận thức của các em học sinh bây giờ đang có vấn đề. Cần phải nhanh chóng xem xét và có các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, không để tiếp tục có những bài văn ngô nghê làm trò cười cho bạn đọc.
Ho ten: Ngô Phúc
Dia chi: Thanh Hóa
Ai đang làm người lớn cũng bảo trẻ con thế này, trẻ con thế khác mà quên rằng mình đã từng là trẻ con. Thử nghĩ lại xem, ngày xưa mình có hơn không?
Ho ten: người đọc
Dia chi: abc
Trẻ làm văn như vậy một phần là do lỗi của giáo viên một phần là do lỗi của phụ huynh. Nếu như đã là học sinh lớp 5 mà có những bài văn như thế thì không thể hình dung nổi ở nhà, ở trường phụ huynh và thầy cô dạy gì cho các cháu?
Ho ten: Dao Gia
Dia chi: ĐH Công nghiệp Hà Nội
Tôi cũng không nghĩ là các em có thể viết ra được những lời văn như thế. Tôi cảm thấy vừa buồn vừa cười vì lời văn của các em. Cười vì lời văn. Buồn vì các em không biết làm văn miêu tả. Giả sử có đề bài đòi hỏi miêu tả về cảnh đẹp Việt Nam mà các em vẫn viết như thế thì Việt Nam ta sẽ như thế nào trong lời văn của các em?
Ho ten: Duc Huy
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Không biết nên khóc hay nên cười khi đọc những câu văn trên?
Sau khi đọc bài viết trên tôi cảm thấy thật buồn. Trước hết là buồn cho những nhận thức thật ngây ngô của các em. Sau đó là buồn cho nền giáo dục hiện tại của nước nhà.
Con cháu chúng ta vẫn rất chăm chỉ học tập đấy chứ. Chúng học ngày, học đêm, học ở trường ,lại học thêm học nếm. Học đến không có thời giờ để chơi, vậy mà những kiến thức chúng nhận được lại thể hiện qua những câu văn vừa ngây ngô như vậy.
Ho ten: Nguyễn Long Hải
Dia chi: Minh Tân - Kinh Môn - Hải Dương
Tieu de: Cách viết văn của học sinh hiện nay có vấn đề?
Bài viết trên có lẽ mới chỉ nói lên một phần về cách thức viết viết văn của các cháu học sinh tiểu học hiện nay. Các cháu đã được các cô giáo hướng dẫn sử dụng bài văn mẫu một cách quá lạm dụng. Các cháu không có sự tư duy của riêng mình trong cách viết văn.
Ho ten: giáo viên
Dia chi: acf
Cười "thắt ruột" hay cười ra nướcmắt? Học sinh làm văn như thế chứng tỏ điều gì?
Ho ten: Bình Minh
Dia chi: Phú Thọ
Tieu de: Văn mô tả của trẻ
Những điều bài viết trên nêu ra hiện nay rất phổ biến. Theo tôi đừng nên cười con trẻ, mà phải xem lại chúng ta; chúng ta đã máy móc áp dụng phương pháp giáo dục cách đây mấy chục năm nên đã lỗi thời, làm khó cho trẻ. Hãy nhìn lại xem, chúng ta đã bắt trẻ miêu tả cái mà các em không biết, hoặc chỉ nhìn thoáng qua, chưa sờ thấy và chưa bao giờ có cảm xúc với con vật, hiện vật đó, vì nhà em không có. Vậy thì làm thế nào để các em tả được.
Đối với người lớn khi khai về quê quán cũng còn rất lúng túng, đôi khi ở một nơi lại khai một nơi (con cái ở với bố mẹ một nơi lại gọi nơi ông bà ở là quê). Khi đó, trẻ em biết quê mình ở đâu? Đề bài tả con chó, con mèo, con gà khi các em chưa bao giờ ngắm nghía vuốt ve con chó, con mèo, con gà ( vì nhà không nuôi) không có thực tiễn, không có cảm xúc làm sao tả được?
Chính vì vậy, em đã tả con gà mà giáo viên phê là "gà đã mổ"... Tại sao lại không phải là con vật, đồ vật mà em yêu thích, cũng như vậy khi nói về người thân mà cứ phải là con người, con vật cụ thể để rồi có những em không bao giờ viết lên được vì trong em không có điều đó.