- Trẻ con hiện nay mở miệng khoe "nhà tao có ô tô, nhà mày không có" nghe thì rất đau lòng. Trở lại ngày xưa, tụi trẻ con chúng tôi cũng khoe nhau: "Nhà tao hôm nay ăn cơm có thịt", thì miếng thịt hồi đấy cũng tương đương như cái ô tô bây giờ. Nhưng đúng là có nhiều câu của trẻ nghe rất đau lòng. Ông bố trẻ, hoạ sĩ Trần Nhật Thăng nhìn nhận.
Dưới lăng kính của các nhà văn, nghệ sĩ, một thế giới tuổi thơ với những trò chơi đánh đáo, chuyền chắt, bắt ve, nhảy lò cò, thoả sức chạy nhảy sẽ tốt hơn không một không gian từ bé đã đầy ngập games online, siêu nhân, đồ dùng cao cấp, với nhà nhà, xe cộ ngang dọc trên phố...?
Trẻ em say mê với các trò chơi trên máy tính. Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Lê Anh Dũng
Ngày xưa... đằm thắm
Ngày xưa, chúng tôi có đáo, có cù, có những chiếc đèn ông sao… Những thứ ấy tạo cho mình những giá trị đằm thắm. Tuổi thơ như vậy, nên khi trở thành những người lớn, làm những công việc khác nhau, nếu có ngồi với nhau, những kỷ niệm rất đằm thắm đó lại hiện về.
Tụi trẻ giờ không có những cái đó, nhưng có những phương tiện tốt hơn để đối phó với cuộc sống ồn ào này. Tự làm cái đèn ông sao, hay vạch cái lồ chơi bi trên bãi đất thì mình được ở phần lãng mạn, suy đắm, nhưng thông tin cập nhật cần giải quyết cho cuộc sống bây giờ thì bọn trẻ con có phương tiện tốt hơn.
Không gian tuổi thơ tôi là làng hoa Ngọc Hà. Ký ức thơ bé là những ruộng hoa bạt ngàn, những trưa nắng cả đám kéo nhau đi bắt ong bị đốt.
Tôi nhớ đến những ruộng hoa có hàng rào tre chéo như những ruộng cà chua mà chúng tôi hay rút trộm tre để làm kiếm.
Tuổi thơ của chúng tôi dày dặn một làng hoa, ao nước, mái đình… những lần trèo lên lưng voi đá rơi xuống ao nước. Tôi còn nhớ ở đó có căn nhà cổ, có một con bò buộc ở dưới đó, có cánh đồng hoa…
Khi trưởng thành, nhiều sáng tỉnh dậy, tôi vẫn nghĩ làng quê mình có những khung cảnh như thế. Tôi đi bộ từ nhà (Hàng Bún) về làng hoa Ngọc Hà để tìm lại không gian đấy. Nhưng không còn dấu vết nào của ký ức đó nữa, nhà cửa san sát, đi vào là đường, đi ra là phố.
Mở miệng khoe ô tô
Trẻ con hiện nay mở miệng khoe "nhà tao có ô tô, nhà mày không có" nghe thì rất đau lòng. Nhưng trở lại ngày xưa, tụi trẻ con chúng tôi cũng khoe nhau: "Nhà tao hôm nay ăn cơm có thịt", thì miếng thịt hồi đấy cũng tương đương như cái ô tô bây giờ.
Trần Nhật Thăng
Nhưng đúng là có nhiều câu của trẻ nghe rất đau lòng. Như ngày 20 - 11, ngày cô giáo cưới, ngày sắp khai giảng…những đứa trẻ hỏi nhau: “Bố mẹ mày đưa cô mấy phiếu?" Đấy là câu chuyện của con anh bạn.
Riêng con mình, tôi đưa nó vào trường học phí cao một tí, đỡ phải hàng tháng, hàng tuần nịnh nọt thầy cô.
Không gian chơi của trẻ con giờ bị thu hẹp, trẻ về nhà có những trò chơi nhưng đều là thứ cằn cỗi. Hết games lại băng đĩa siêu nhân…
Môi trường trẻ con như vậy sẽ sản sinh ra thế hệ dù có tiên tiến, máy móc, chúng sẽ ít tình cảm, thiếu sự đằm thắm. Số ít sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt khô khốc, còn số nhiều trở thành những thương nhân chộp giật.
Khung cảnh cho trẻ con rất thiếu tự nhiên, thiếu giáo dục về tình cảm. Ừ thì chấp nhận cuộc sống hiện nay chật chội, bố mẹ không thể chủ động được. Nhưng ngay đến chuyện cổ tích mà bố mẹ cũng không chủ động được thì tâm hồn của chúng nó sẽ cằn cỗi hơn.
Con gái của tôi đã 4 tuổi. Tôi quan sát sự thay đổi từng giây, từng phút của con. Những buổi chiều tôi rảnh việc, tôi đi đón con. Tôi thường hỏi: "Chúng ta đi đâu nhỉ? Đi thăm khỉ nhé!". Tôi không dùng từ "đi chơi" mà dùng từ "đi thăm". Cháu nghĩ ngay đến chuyện đi thăm khỉ thì mua bim bim hay mua một cái bánh đa để cho khỉ ăn.
Trên sân thượng nhà tôi có một cái vườn con con, tôi dạy con gái phải biết yêu cây, biết vuốt ve cây, không được ngắt lá hay bẻ cành. Thế nên cháu có thói quen thấy cây là vuốt ve...
Bản thân tôi đang cố gắng dạy dỗ con theo cách biết yêu thiên nhiên, cây cỏ, biết nhường nhịn bạn bè.
Háo hức với trò đánh quay. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người ta cứ nghĩ: Để thành đạt là làm một công việc tốt, kiếm được nhiều tiền và được nổi tiếng. Mục đích của tôi là tạo dựng cho đứa trẻ tâm hồn trong sáng nhất, còn kỹ năng sống và đối phó thì không cần thiết. Trẻ con là hệ quả tất yếu của xã hội, của cách giáo dục.
Xu hướng giáo dục hiện nay là sống thành đạt và nhiều tiền chứ không phải là sống tử tế. Cuộc sống hiện nay là sống nhanh theo giai đoạn chứ không nghĩ lâu dài cho con mình trở thành người tử tế.
Bố mẹ nuôi dạy con theo cách cho con phát triển về sự nghiệp, về tiền bạc chứ không dạy con sống sao cho thanh thản về tâm hồn.
-
Trần Nhật Thăng (hoạ sĩ)
Thực hiện: Trang Ngọc
***********************
Ho ten: Hoàng Mai Nhật
Dia chi: Hai Bà Trưng
Tieu de: Sự khô cằn trong trẻ em ảnh hưởng từ chính những người lớn xung quanh
Đọc bài của anh Thăng, tôi nhớ đến ngày xưacủa mình. Đồ chơi đâu có la liệt như bây giờ, chỉ là rơm rạ, lá đa, bọ rùa, cánh cam, rồi những gò đất trốn tìm đuổi bắt
với bạn bè hoặc đám ma cho một con chuồn chuồn... Nhưng rồi thìcũng trưởng thành, cũng cập nhật kịp những tiến bộ của thế giới, cũng phát triển sự nghiệp. Có nghĩa là để phát triển thì không nhất thiết tuổi thơ đã được trang bị đầy đủ các phương tiện và lớn lên để thành đạt, kiếm nhiều tiền nhưng tâm hồn thì cằn cỗi.
Thực ra điều này, ngày nay người lớn vẫn có thể làm được cho trẻ em, nhưng dường như bố mẹ lại thích hướng các con của mình đến đời sống sành điệu và hiện đại hơn.
Tôi có một anh bạn có cô con gái hơn 4 tuổi. Cũng không hiểu anh dạy cháu như thế nào nhưng chỉ cần một chiếc ôtô lướt qua trước mặt, cháu nhìn logo và biết đó là hãng xe gì. Quần áo cũng được anh chị chăm chútcho xài hàng hiệu. Và còn nhiều em bé con 4-5 tuổi khác xài laptop thoăn thoắt nhưng ích kỷ và vòi vĩnh.
Cuộc sống gần gũi, rộng mở với thiên nhiên, với con người sẽ làm cho cuộc sống của trẻ em giàu lòng vị tha, giàu sức tưởng tượng.
Nếu như giá trị cuộc sống và những điều vĩ đại mà con người có thể làm được nằm ở sự tưởng tượng, ở trí tuệxúc cảm thì liệu những tâm hồn cằn cỗi mang lại được điều gì ngoài những sản phẩm vật chất chỉ tồn tại chốc lát?