- Biết “lợi dụng” khủng hoảng, du HS Việt Nam có thể tiết kiệm được vài chục tới cả trăm triệu đồng mỗi năm. Giá cả thực phẩm ở nhiều nước hầu như không tăng, thậm chí còn ở mức thấp hơn Việt nên đời sống du HS không bị ảnh hưởng nhiều.
Tiết kiệm trăm triệu/năm
Du HS Việt Nam tại Anh có thể tiết kiệm tới cả trăm triệu đồng nhờ biến động tỉ giá. Ảnh: 123duhoc.com |
“Tỉ giá tiền Việt với một số loại tiền như đô New Zealand, bảng Anh hiện xuống mức khá thấp. Những năm trước, chi phí trung bình mỗi năm học ở Anh khoảng 500 triệu đồng Việt Nam nhưng năm nay, chỉ còn khoảng 400 triệu đồng.
Vì vậy, nhiều gia đình tận dụng cơ hội này gửi con đi học ở các quốc gia đó để tiết kiệm chi phí” – bà Hà Việt Hằng, Trưởng phòng Tư vấn Du học, Trung tâm ISC khẳng định.
Do cuộc khủng hoảng kinh tế lần này mang tính chất toàn cầu nên có tác động tới rất nhiều quốc gia.
Đối với những gia đình có sự chuẩn bị tốt về tài chính, ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng có thể tận dụng cơ hội để đi du học với chi phí thấp hơn.
Phạm Ngọc Quang, du HS tại Leicester, Vương quốc Anh cho biết tỉ giá hiện nay giúp SV Việt Nam giảm được từ 50 tới 100 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, cơ hội tìm việc làm thêm và việc làm sau khi tốt nghiệp cũng hạn chế hơn rất nhiều.
Quang phân tích: “Từ tháng 4 đến tháng 9/2008, 1 bảng “ăn” 30.000 đồng nhưng từ tháng 10/2008 tới tháng 4/2009, tỉ giá này xuống còn 25.000 đồng. Với mức chi phí trung bình cho 1 du HS cao học như tôi là 22.000 bảng thì có thể “lãi” được 110 triệu đồng nhờ chênh lệch tỉ giá.
Tương tự ở Hàn Quốc, đầu năm 2009, tiền Won mất giá nặng nề, có lúc lên tới gần 50%, so với đồng USD khiến nơi đây trở thành “thiên đường shopping”.
Du HS Việt Nam hoàn toàn có thể mua chiếc laptop với giá bằng 2/3 trước khủng hoảng. Nhiều bạn đã tận dụng cơ hội này để mua đồ điện tử, mỹ phẩm… về cho gia đình, bạn bè.
Giá còn rẻ hơn trong nước
Du HS Việt Nam đi chợ tại Thái Lan. |
Ở nhiều quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu, giá cả sinh hoạt phí hàng ngày hầu như không tăng vì tỉ lệ lạm phát thấp.
Một du HS tại New Zealand cho biết: “Ở đây, không có kiểu giá cả leo thang như tên lửa ở Việt Nam.
Thậm chí một số mặt hàng như sữa, thịt còn rẻ hơn trong nước. Chẳng hạn như thịt bò chỉ dao động khoảng 80.000 đến 110.000 đồng/kg”.
Nguyễn Ngọc Tuấn, du HS tại Hà Lan cũng chia sẻ rằng ngoài tiền học phí và tiền nhà tăng theo kiểu “đến hẹn lại lên” hàng năm thì tất cả các sản phẩm khác đều ổn định giá.
Tuy nhiên, ở những nước mà đồng đô la Mỹ mới là thước đo cuối cùng thì dù tỉ giá tiền Việt giảm đáng kể, giá các mặt hàng nhập khẩu vẫn có thể tăng.
Phạm Vũ Lâm (du HS Việt Nam ở Sydney, Australia) cho biết: “Dù có lúc 1 đô la Úc tương đương chưa tới 11.000 đồng, so với lúc tôi mới sang gần 2 năm trước là 14.000 đồng nhưng tiền Úc cũng mất giá so với đồng USD khiến giá hàng nhập khẩu tăng lên mà người Việt hầu như đều dùng thực phẩm Việt. Giá gạo tăng gần 2 lần, các loại thực phẩm Việt Nam khác cũng tăng ít nhiều.”
Thậm chí các mặt hàng được sản xuất tại Úc như rau muống và các loại rau khác cũng tăng giá nhưng theo Lâm thì đây là do cửa hàng Việt Nam tự ý nâng giá bởi vì giá cả hoa quả và thịt bán bên ngoài vẫn như cũ.
Tuy nhiên, Lâm cũng chia sẻ rằng có “cảm giác” là chính những người bán hàng người Việt tự nâng giá chứ hoa quả, thực phẩm bình thường vẫn không tăng giá.
-
Lan Hương