221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1176908
"Bắt mạch ông trời" không lo "ế"
1
Article
null
'Bắt mạch ông trời' không lo 'ế'
,

 - Mỗi ngày vài lần ra trạm quan trắc “trông trời, trông đất, trông mây” rồi “đo mây, đếm gió” để gửi thông tin về trạm Trung ương, tổng hợp thành bản tin thời tiết gửi tới công chúng hàng ngày. Họ là những người làm công tác khí tượng, thuỷ văn - một nghề vốn bị định kiến là “ế hàng” nay đang "cần người làm việc tốt". 

 

Tuyển 100, chỉ có 90 ứng viên

SV khí tượng thủy văn Trường CĐ Tài nguyên Môi trường TP.HCM đi khảo sát thực tế. Ảnh: Thu Hương

“Năm 2008, chúng tôi cần tuyển 100 nhân viên cho các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trên toàn quốc nhưng chỉ có 90 ứng viên dự tuyển. Như vậy, nhu cầu nhân lực trong ngành là rất lớn và có rất nhiều cơ hội việc làm chờ đợi SV” – TS. Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết.

Cũng theo bà Châu, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của ngành mỗi năm lên tới hàng trăm "suất".

 

Trái với định kiến của nhiều người rằng đây là ngành học “ế”, trên thực tế, khí tượng thủy văn và hải dương học hiện đang "đắt hàng", đặc biệt với những SV khá, giỏi hoặc sẵn sàng công tác ở địa phương.

 

GS-TS Trần Tân Tiến, Trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết SV sau khi tốt nghiệp ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học có thể làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau, từ Trung ương đến địa phương gồm Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, các đài khu vực, trung tâm tỉnh, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, ngành liên quan…

 

Bên cạnh đó, với trình độ tin học vững do được đào tạo chuyên sâu, tốt nghiệp ngành khí tượng thuỷ văn còn có thể công tác trong lĩnh vực tin học, lập trình phần mềm, giải các bài toán của thực tiễn trong nhiều lĩnh vực khác.

 

“Bộ Tài nguyên Môi trường vừa thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo nên yêu cầu kiểm soát, điều tra biển, khí tượng thuỷ văn biển, trắc địa biển và quản lý giấy tờ rất cần thiết. Vì thế, học các ngành khí tượng, thuỷ văn và hải dương học ra trường sẽ rất đắt hàng” – ThS. Trần Duy Kiều, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định.

 

Tỉ mỉ “đo mây, đếm gió”

 

Cũng giống như bác sỹ phải liên tục theo dõi quá trình chuyển bệnh của bệnh nhân, những kỹ thuật viên “bắt mạch ông Trời” mỗi ngày có từ 4 đến 8 "op" vào các giờ cố định ra trạm quan trắc đo nhiệt độ mặt đất, không khí, độ ẩm, quan sát mây, mưa.

 

Mỗi ca trực thường kéo dài từ 12h trưa hôm trước tới 12h trưa hôm sau nên nhiều hôm kỹ thuật viên chỉ được ngủ vài tiếng.

 

Đối với cán bộ nghiên cứu hoặc tổng hợp, công việc trên bàn giấy có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng cũng khá căng thẳng bởi phải xử lý nhiều số liệu trên các phần mềm máy tính chuyên dụng.

 

Để có được những bản tin thời tiết cho công chúng, các kỹ thuật viên phải đo đạc, tính toán rất tỉ mỉ. Ảnh: tinypic

Để đo đạc và phân tích, tổng hợp chính xác các số liệu thu thập, những người làm công tác dự báo không được thả hồn “đi mây, về gió” mà phải rất tỉ mỉ, kỹ càng, nắm chắc các kiến thức Vật lý và Toán cao cấp.

 

Một cựu SV Khí tượng Thuỷ văn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, hiện đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Vào học rồi mới biết ngành này đòi hỏi trình độ Toán, Vật lý cực kỳ cao. Học thì rất khó nhưng mà khi đã hiểu, đã ngấm lại thấy hay vì mình hiểu được quá trình vật lý xảy ra trong khí quyển, các hiện tượng thời tiết hình thành như thế nào".

 

Cựu SV này cho biết thêm, sau kỳ thực tập ở Vinh, được trực tiếp chứng kiến các kỹ thuật viên thu thập số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, mây, mưa… tại trạm quan trắc, rồi xem xét quy trình, máy móc vận hành, xem máy rađa thời tiết hoạt động, cô càng cảm thấy say mê nghề nghiệp gắn bó với “gió mây, đất trời” này.

 

Cửa rộng, cửa hẹp

 

Cũng vẫn theo cựu SV Khí tượng Thủy văn này thì với các SV có năng lực, ngay từ khi làm luận văn tốt nghiệp đã được thầy, cô giới thiệu cho những nơi làm việc tốt.

 

Số còn lại cũng không dễ dàng xoay xở nếu muốn “trụ” lại Hà Nội nếu không có người thân quen trong ngành.

 

Bản thân cô thấy mình may mắn vì sau khi làm việc 1 năm tại Bộ Tài nguyên – Môi trường đã được thi công chức còn nhiều bạn bè cùng khóa hiện vẫn đang làm hợp đồng do các đơn vị khác không có biên chế.

 

Ngược lại, sẵn sàng đi tỉnh xa thì cơ hội việc làm rất nhiều. Tuy nhiên, công việc ở các đài, trạm địa phương thường vất vả, lại không có thêm thu nhập.

 

Cô chia sẻ: “Một số bạn cùng lớp tôi về làm ở trạm quan trắc địa phương phải thức đêm làm việc mà lương tháng chỉ trên dưới 1 triệu đồng, cuộc sống khá khó khăn”.

 

Đó cũng là lý do dù rất “rộng cửa” nhưng ngành vẫn chưa thu hút được nhiều SV giỏi.

 

ThS. Trần Duy Kiều, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết do môi trường làm việc là các triền sông, vùng núi nên ngành rất khó tuyển SV.

 

Mùa tuyển sinh năm 2008, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) lấy điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn của ĐHQG (18 điểm) nhưng gọi 3 đợt cũng chỉ được 50 SV, tương đương 1/3 số lượng chỉ tiêu.

 

Trưởng khoa Trần Tân Tiến chia sẻ: “Nhiều em vào học chỉ vì không còn đường nào để đi nhưng suốt năm đầu tiên cứ “nhấp nhổm” lo thi lại để chuyển ngành. Hết năm đầu, có một số em thi đỗ trường khác hoặc ngành khác chuyển đi. Vì thế, chúng tôi muốn tuyển các em 16, 17 điểm mà say mê với nghề hơn là 18, 20 điểm nhưng không yêu thích công việc này”.

 

Cũng theo ông Tiến, để làm tốt công tác dự báo thời tiết, máy móc hiện đại chỉ là điều kiện cần, năng lực và kinh nghiệm của những người làm công tác này đóng vai trò rất quan trọng. Tại thời điểm này, thế hệ những dự báo viên, những người làm công tác khí tượng thủy văn trước đây được đào tạo bài bản, được đi học ở Đức và Liên Xô cũ đã và đang dần nghỉ hưu.

 

Những người trẻ thì chưa kịp tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, ngành khí tượng thủy văn đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng lớn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

 

TS. Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng ngoài yêu cầu về trình độ, những người làm trong ngành khí tượng, thuỷ văn còn rất cần tình yêu thiên nhiên và niềm say mê với nghề nghiệp.

 

Bà Châu chia sẻ: “Để thu hút nhân lực chất lượng cao, chúng tôi ưu tiên cộng 30 điểm cho các SV giỏi thi vào trung tâm. Với các nhân viên trẻ, giỏi, chúng tôi tạo điều kiện tham gia nghiên cứu để tăng thu nhập. Ngoài ra, hàng năm đều có nhiều suất học bổng đi du học nước ngoài để nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ. Rất tiếc, hiện nay cả trung tâm chỉ có 4 bạn trẻ đạt trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 để đi học. Tôi xin khẳng định không thiếu cơ hội để nhân viên trẻ học tập nâng cao trình độ, chỉ thiếu người có khả năng để đi học".

 

Theo một thỏa thuận hợp tác vừa ký kết cuối tháng 2/2009 giữa ĐHQG Hà Nội và Bộ Tài nguyên - Môi trường, các SV chuyên ngành Khí tượng, Thủy văn, Quản lý tổng hợp về biển đảo, Đất đai, Tài nguyên, Địa chất, Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên sẽ được đào tạo theo “đơn đặt hàng”, được thực tập định hướng và tham gia các đề tài nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước. Đồng thời, SV xuất sắc còn có cơ hội nhận học bổng của Bộ.
 

Thoả thuận nêu rằng, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm phối hợp với ĐHQG Hà Nội  xây dựng chương trình hiện đại, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu và giảng dạy cho SV.


Tuy nhiên, trong vài tuần qua, phóng viên VietNamNet đã liên hệ với Bộ Tài nguyên – Môi trường nhưng vẫn chưa được cung cấp thông tin cụ thể và đầy đủ hơn từ phía “đặt hàng” để chuyển tải tới thí sinh.
 

 

Trường, ngành Khối Chỉ tiêu 2009 Điểm chuẩn 2008
ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội):

- Công nghệ Biển

- Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương

A, B 150 18
ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM):

- Hải dương học - Khí tượng và Thuỷ văn

A, B 100 15
CĐ Tài nguyên Môi trường Hà Nội:

- Khí tượng (các chuyên ngành: Khí tượng bề mặt, Khí tượng biển)

- Thủy văn (các chuyên ngành: Thuỷ văn, Quản lý Tài nguyên nước)

A, B, D   A: 10

B: 12

D: 10

CĐ Tài nguyên Môi trường TP.HCM:

- Khí tượng học

- Thuỷ văn

A, B, D   A, D: 10

B: 12

  •   Lan Hương 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,