- Bộ GD-ĐT có thể tiếp tục "lỡ hẹn", những nhà làm giáo dục có thể dựng chiến lược với "tài liệu lưu hành nội bộ, không phổ biến". Nhưng "không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc, nếu mỗi người dân đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này".
Chưa đầy 10 năm vừa triển khai vừa tranh cãi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, đã có nhiều kiến nghị của các nhà khoa học lớn, nhà giáo, nhà quản lý GD gắn bó và tâm huyết, gay gắt đòi hỏi phải sớm có một cuộc cải cách giáo dục mới, triệt để.
4 năm sau ngày lên tiếng "chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh từ cuộc sống" cùng 23 nhà khoa học trong và ngoài nước, GS Hoàng Tuỵ giục giã "thời gian không còn cho phép chần chừ" bởi chúng ta đã chờ đợi điều đó xảy ra hàng chục năm nay rồi!
2 năm sau ngày cảnh báo nguy cơ thua cuộc ở sân chơi WTO, chuyên gia kinh tế Bùi Văn chỉ ra rằng ngành giáo dục còn đang nợ nhân dân một lời giải thích khi mà chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam không ngừng tăng lên, còn thế giới lại đánh giá giáo dục không ngừng đi xuống.
1 ngày sau lá thư 20/11 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với lời ngỏ để "cả xã hội tham gia ý kiến, hoạch định con đường đi của nền giáo dục Việt Nam", GS Tương Lai dứt khoát "đã đến lúc rồi đó" sau khi nhắc tới nỗi ưu tư của người bạn, GS Hồ Ngọc Đại - nhà khoa học có tư tưởng hiện đại về giáo dục - về cái cần nhất của nổi loạn tư duy.
Trong thư gửi cô giáo mầm non, tuy "không đòi hỏi những điều xa vời" nhà báo thể thao Hồng Ngọc, phụ huynh của cháu bé 4 tuổi đã đặt ra những đòi hỏi từ cuộc sống đối với việc giáo dục nhân cách trẻ em ở bậc học đầu tiên vào đời.
Đầu năm 2008, một nhà quản lý giáo dục có uy tín đã quan sát thấy sự tham gia sôi nổi, rộng khắp và đầy nhiệt tình của nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội đóng góp ý kiến vào công việc giáo dục nói chung và đối với những chủ trương cụ thể mà ngành giáo dục dự kiến sắp thực hiện nói riêng, ông gọi đây là một tín hiệu chấn hưng giáo dục.
Thước đo lịch sử của thời hội nhập cho thấy trước sau, giáo dục phải có một cuộc "cách mạng" thật sự, để bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, lúng túng hiện nay mà đi lên.
Tuy nhiên, tinh thần của cuộc CCGD mới, yêu cầu của sự chấn hưng giáo dục...mà mọi người trông đợi thể hiện như thế nào trong bản "Chiến lược giáo dục Việt Nam 2008-2020" do Bộ Giáo dục đang xây dựng?
Cải cách giáo dục có thể thành công khi vẫn kiên định mục tiêu "đào tạo con người toàn diện" một cách chung chung trong điều kiện giáo dục còn bất cập hay mục tiêu "đào tạo con người Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc" mà không tường minh được tính chất "đậm đà bản sắc dân tộc" là gì?
Cải cách giáo dục có thể đạt khi phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cứ rầm rộ còn HS đến trường vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh thiếu hạnh phúc mãn tính?
Cải cách giáo dục có phải bằng việc đưa ra những con số đào tạo 20.000 TS, 2 vạn giáo viên dạy nghề, bằng việc phải tăng được học phí mà chưa tường minh được chất lượng đào tạo hay chưa rõ cơ chế bảo vệ người học ra sao?
Viết lại sách giáo khoa, đưa thêm những chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, xếp hạng trường ĐH, đưa SV tới các trường ĐH nước ngoài, đưa hiệu trưởng đi học quản lý "kiểu Tây", ứng dụng giáo án điện tử... liệu đã đủ là những giải pháp cụ thể cho cuộc cải cách?
Một “nhạc trưởng” chỉ huy cuộc cải cách giáo dục này cần và phải có những tố chất, điều kiện gì? Đâu là lực lượng sẽ thực hiện cuộc cải cách? Ngành giáo dục đòi hỏi gì từ xã hội để làm "bệ phóng" cho cuộc cải cách thành công?
Tháng 10/2008, Bộ GD-ĐT đã công bố trong một cuộc họp báo sẽ đưa dự thảo “Chiến lược giáo dục Việt Nam 2008-2020” lấy ý kiến rộng rãi dư luận, nhưng đã hơn một tháng ý tưởng đó vẫn là lời hứa "sẽ" trong thư Bộ trưởng.
Bộ GD-ĐT có thể tiếp tục "lỡ hẹn", những nhà làm giáo dục có thể vẫn làm chiến lược với "tài liệu lưu hành nội bộ, không phổ biến". Nhưng "không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc, nếu mỗi người dân Việt Nam đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này".
VietNamNet mong nhận được các đóng góp của quý vị cho chiến lược phát triển giáo dục trong thập niên sắp tới của nước ta, hay cho cuộc "cải cách giáo dục" mới cần phải tiến hành. Các ý kiến đóng góp, bài viết, ý tưởng, câu chuyện xin gửi về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc tòa soạn báo VietNamNet, số 4, Láng Hạ, Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn quý vị.
-
VietNamNet