- "Số lỗi được sửa quá ít!" - Sau một thời gian ngóng đợi, nhiều nhà giáo và phụ huynh đã thất vọng khi đọc “Bản chỉnh sửa sách giáo khoa” . Để rộng đường dư luận, VietNamNet đăng tải các góp ý mà nhà giáo Văn Hiến đã tỉ mẩn tìm ra trong từng cuốn sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp THCS. Trước đó, nhà giáo Văn Hiến đã góp ý về 3 lỗi trong SGK lớp 10 và các sai sót này đã được Bộ GD-ĐT tiếp nhận (trong tổng số 15 lỗi của sách giáo khoa Ngữ văn 10).
Bài 1: Bao giờ Ngữ văn 6 đạt tính mẫu mực - khoa học?
Còn nhiều lỗi diễn đạt
HS Trường Hà Nội - Amsterdam trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người đọc gặp trong Ngữ văn 6 nhiều đoạn diễn đạt yếu, mắc lỗi lặp, thừa từ. Lỗi này chứng tỏ soạn giả và biên tập viên chưa làm hết sức mình.
Xin nêu một số ví dụ trong Ngữ văn 6, tập một:
Trang 5, phần Ghi nhớ viết:
“Bước đầu nắm được định nghĩa truyền thuyết. Hiểu nội dung, ý nghĩa và những chi tiết tưởng tượng kì ảo của truyện Con Rồng cháu Tiên và Bánh chưng, bánh giầy trong bài học. Kể được hai truyện này.
Nắm được định nghĩa về từ và ôn lại các kiểu cấu tạo từ đã học ở bậc Tiểu học.
Nắm được mục đích giao tiếp và các dạng thức của văn bản.”
Cùng đoạn văn ấy, học sinh sửa lại:
“Bước đầu nắm được định nghĩa truyền thuyết. Hiểu nội dung, ý nghĩa và những chi tiết tưởng tượng kì ảo trong Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng,bánh giầy. Kể lại thành thạo hai truyện trên.
Ghi nhớ định nghĩa về từ; ôn lại các kiểu cấu tạo từ.
Xác định rõ mục đích giao tiếp và các dạng thức của văn bản”.
Trang 7 : Bên cạnh khái niệm truyền thuyết quá dài là những câu văn lủng củng: “Trong năm truyền thuyết ở sách này, bốn truyền thuyết đầu là những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương … Những truyền thuyết này gắn với nguồn gốc dân tộc và cuộc dựng nước, giữ nước thời các vua Hùng.”
Trang 8 còn nhiều câu văn không trong sáng : “Ghi nhớ : Định nghĩa truyền thuyết (như chú thích ở trang 7)
Truyện Con Rồng cháu Tiên có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo (như hình tượng các nhân vật thần có nhiều phép lạ và hình tượng bọc trăm trứng v.v…)”.
Đọc trang 19 cũng gặp những câu văn viết rất dễ dãi:
“Nắm được nội dung, ý nghĩa và một số nét nghệ thuật tiêu biểu của truyện Thánh Gióng. Kể lại được truyện này.
Hiểu được thế nào là từ mượn.
Nắm được những hiểu biết chung về văn tự sự”.
Xin nêu thêm một dẫn chứng nữa ở Ngữ văn 6, tập 2, trang 80: “Trần Đăng Khoa sinh năm 1958 ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năng khiếu thơ nẩy nở rất sớm. Từ lúc là học sinh Tiểu học đã có nhiều bài thơ đăng báo và tập thơ đầu tiên in năm 1968, lúc tác giả mới mười tuổi. Bài Mưa được rút ra từ tập thơ đầu tay Góc sân và khoảng trời của tác giả”.
Đoạn văn trên cần phải được chỉnh sửa để đạt trình độ mẫu mực. Theo yêu cầu, học sinh lớp 6 đã sửa:
“Trần Đăng Khoa (1958) người huyện Nam Sách, Hải Dương là một trong những “thần đồng thơ”. Năm 10 tuổi, tác giả đã có nhiều thơ đăng báo, in tập thơ đầu tay Góc sân và khoảng trời; bài Mưa rút ra từ thi phẩm trên”.
Lỗi diễn đạt ở trang 125 : “Bước đầu nắm được định nghĩa truyện cười (như chú thích ở trang 124). Nên bỏ phần trong dấu ngoặc đơn.
Thiếu tính khoa học khi chú giải nguồn gốc văn bản, ngữ liệu
Nêu rõ nguồn gốc văn bản, ngữ liệu là yêu cầu khoa học tối thiểu đối với mọi soạn giả. Trong Ngữ văn 6, những phụ chú mẫu mực hoặc gần với mẫu mực còn quá ít. Đọc trang 11, 25, 136, 143, tôi đồng tình với những chú giải:
-(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập I - Văn học dân gian, NXB Văn học Hà Nội, 1997)
-(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 615 )
-(Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Đông Tây ngụ ngôn, Tủ sách Hoa tiên, Sài Gòn, 1970, trang 5-6)
-(“Vũ Trinh, Lan trì kiến văn lục, trong sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập I, Nguyễn Đăng Na tuyển chọn và giới thiệu, Hoàng Hưng dịch, NXB Giáo dục, Hà NộI, 1997”)
Phần lớn chú giải trong Ngữ văn 6 đều được viết rất tùy tiện, không thể tra cứu. Trang 27, bài đọc thêm: “Bác Hồ nói về dùng từ mượn” gồm hai ngữ liệu - một trích từ “Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 -1970, tr. 3”; một trích từ “Sửa đổi lề lối làm việc, NXB Sự thật, Hà Nội,1959”. (sao không cùng chú giải theo tác phẩm của Hồ Chí Minh ?)
Trang 30, chú giải xuất xứ bài “Người Âu Lạc đánh tan quân xâm lược” sách Ngữ văn 6 tỏ ra cẩu thả khi viết: (Lịch sử 6, 2000).
Văn bản Sơn Tinh Thủy Tinh chỉ được chú giải bằng ba chữ Theo Huỳnh Lý (trang 33). Rải rác khắp Ngữ văn 6 là nhiều chú giải không đầy đủ: Theo Nguyễn Đổng Chi (trang 73); Theo Nguyễn Hiến Lê (trang 79); Theo bản dịch của Thái Hoàng và Búi Văn Nguyên (trang 84);Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam (trang 115); (Phan Bội Châu, 1934) – trang 145…
Trang 55, văn bản đọc thêm không có tiêu đề, và được chú giải: Theo Nguyễn Thị Huế, Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam.
Trang 78 - Mục III gồm bài mẫu “giới thiệu về mình” và “giới thiệu về mình và gia đình”. Hai bài đều nói đến địa chỉ: “Lớp 6A, Trường THCS Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội”, vậy mà khi chú giải, vẫn viết lại địa chỉ trên (chỉ cần ghi “Theo bài nói của học sinh”) Hai văn bản này ở hai mục khác nhau, sao lại có chung phần phụ chú ?
Liên quan đến phần phụ chú là việc sử dụng từ “theo”. Trong các phương tiện thông tin đại chúng, khi xuất hiện cụm từ “Theo VietNamNet”, “Theo báo Tiền phong”, “Theo báo Lao động”… ở dưới các văn bản thì có nghĩa là theo nguyên văn bài đã đăng. Trong Ngữ văn 6, chữ theo không được dùng như thế. Đọc trang148; 149 với các ngữ liệu “Em bé còn đang đùa nghịch ở nhà” (Theo Em bé thông minh); “Vua cha yêu thương Mị Nương hết mực, muốn kén cho một người chồng thật xứng đáng (Theo Sơn Tinh,Thuỷ Tinh)”; “Cuối cùng, triều đình đành tìm cách giữ sứ thần ở công quán để có thời giờ đi hỏi ý kiến em bé thông minh (Theo Em bé thông minh)…, chúng ta thấy: các ngữ liệu này không theo đúng văn bản gốc.
Không lẽ nhiều phần phụ chú kiểu: “Theo Cổ học tinh hoa, quyển nhất, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân biên dịch, NXB Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1953” (trang 151); “Hồ Nguyên Trừng, Nam Ông mộng lục. Ưu Đàm - La Sơn soạn dịch, chú giải, Nguyễn Đăng Na giới thiệu, NXB Văn học, Hà nội,1999” (trang 163)… cũng đều không đúng nguyên bản? Từ thực tế trên các soạn giả phải thống nhất viết phần phụ chú về nguồn gốc văn bản. Theo chúng tôi, ở cuối văn bản chính có tiêu đề, phần phụ chú phải cung cấp cụ thể đến số trang của tài liệu để người đọc tìm văn bản gốc. Các ngữ liệu khác nên nêu tác giả và tiêu đề tác phẩm; ví dụ (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí; Xuân Diệu, Đây mùa thu tới).
Một số chỗ cụ thể khác cần chỉnh sửa trong Ngữ văn 6, tập 1
1-Trang 106 : “Truyện này gốc là của Ê-dốp (người Hi Lạp, thế kỉ VII - thế kỉ V tr. CN)
2-Trang 166 : Hi-pô-cơ-rát: bậc đại danh y của Hi Lạp ở thế kỉ V (tr. CN).
Hai trường hợp viết tắt này, cần sửa cho thống nhất với quy định viết tắt trong Lịch sử và Địa lí 4 (Trước Công nguyên (TCN) - trang 11)
3-Trang 163: Tiêu đề “Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng ) phải được dịch ra tiếng Việt.
Một số chỗ cụ thể khác cần chỉnh sửa trong Ngữ văn 6, tập 2
1-Trang 3-“Hiểu được nội dung, ý nghĩa của “Bài học đường đời đầu tiên” đối với Dế Mèn trong bài văn…”Trong văn cảnh trên, “bài học đường đời đầu tiên” không phải là tiêu đề nên không cần viết hoa chữ “Bài”; có thể bỏ ba chữ “trong bài văn” để bớt lặp từ.
2-Trang 8: Bỏ hai chữ “in trong” thuộc phần phụ chú (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí, in trong Tuyển tập Tô Hoài, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)
- Phần giới thiệu Tô hoài có nhiều từ lặp: “Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920”, lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội.” (lặp từ “sinh”, “là” hai lần)
Với lớp 6, đoạn văn trên nên sửa như sau “: “Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.”
3-Trang 9 : Nên thêm dấu phẩy (,) vào giữa nản chí và lùi bước (“… nhưng Dế Mèn không nản chí, lùi bước.”)
4-Trang 10: Bỏ từ “lại” trong câu “Hãy đọc kĩ lại đoạn văn từ đầu bài đến “sắp đứng đầu thiện hạ rồi” để tránh lặp từ với câu sau.
5-Trang 12,13: nếu được trình bày gọn hơn sẽ tiết kiệm được 1/2 trang sách giáo khoa.
6-Trang 19: Ẩnh minh hoạ rộng mà không có lời chú thích về thời gian, địa điểm…
7-Trang 25: Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo,
Khi tới trường, cô giáo như mẹ hiền.
(Lời bài hát)
Chú giải trên phải sửa thành (lờI bài hát Cô và mẹ của Phạm Tuyên)
8-Trang 39: Bổ sung ngày mất của Võ Quảng (15/6/2007); sửa: “là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi” thành “nhà văn viết nhiều truyện và thơ cho thiêu nhi”. Sửa “Gió nồm: gió thổi từ phía đông nam ngoài biển vào đất liền nước ta, dịu mát và ẩm ướt, thường có vào mùa hạ” thành “Gió nồm : gió đông nam thổi từ biển vào đất liền nước ta, mang theo hơi nước dịu mát, độ ẩm cao, thường xuất hiện vào mùa hè” (gió làm sao ẩm ướt được?)
9-Trang 49: Tiêu đề “Buổi học cuối cùng” là của dịch giả người soạn sách?
10-Trang 66: Bổ sung ngày mất của Minh Huệ (11/10/2003). Câu “Minh Huệ tên khai sinh là là Nguyễn Thái, sinh Năm 1927…” vừa sai vừa lặp. Nguyến Thái chỉ là bút danh. Đoạn văn trên nên sửa thành “Minh Huệ (1927 - 2003) tên khai sinh là Nguyễn Đức Thái…”
11-Trang 70: Sửa lại trích dẫn: “Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ” cho đúng với thơ Viễn Phương trong Ngữ văn 9, tập hai, trang 58
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
12-Trang 75: Bổ sung năm mất của Tố Hữu (2002). “Đồn Mang Cá: đồn binh lớn trong thành phố Huế…” phải sửa thành : “Đồn Mang Cá: đồn binh lớn trong kinh thành Huế thời trước”.
13-Trang 90: “Nguyễn Tuân (…) là nhà văn nổi tiếng, sở trường về thể tuỳ bút, và kí”. Nên bỏ vế “sở trường về thể tuỳ bút và kí” vì học sinh lớp 6 chưa biết gì về hai thể này (trang 126, Ngữ văn 6, tập 2 mới có chú thích về tuỳ bút, kí …)
14-Trang 112: Nhiều tài liệu ghi Duy Khán mất tại Hải Phòng ngày 19/1/1993; vì sao riêng sách giao khoa ghi 1995?
15-Trang 147: “Động Phong Nha lại ở gần con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn…” nên sửa “Ngày nay, động Phong Nha nằm gần đường Hồ Chí Minh…”
16- Liên quan đến Ngữ văn 6, cuốn Bài tập trắc nghiệm Ngữ văn 6 (NXB Giáo dục, 2006) cũng có nhiều chỗ sai. Câu thơ “Tình thâm mong trả nghĩa dày, Hoa kia đã chắp cành này cho chưa” (Nguyễn Du, Truyện Kiều) được trích thành “Tình thâm mong trả nghĩa dày Cành… có chắc cội… cho chưa” để học sinh điền chỉ từ (trang 85).
-
Văn Hiến
Bài 2: Sách Ngữ văn 7: Có thể sửa ít nhất 30 chi tiết