- Nhiều khoản tiền phải đóng mà không nhớ hết tên. Không biết tiền đóng gạo góp có cải thiện được phần nào chất lượng giáo dục hay nó sẽ trôi tuột về đâu.
Nửa học kỳ I của năm học 2008-2009 đã trôi qua. Các khoản tiền trường, tiền lớp đầu năm sau một hồi lo "quay quắt" cho xong, giờ ngẫm lại, thấy hàng trăm khoản không thể nhớ hết và rồi một câu hỏi nghi ngờ lại hiện lên: không biết tiền sẽ được tiêu như thế nào và bao giờ mới hết cảnh bắt buộc phải "tự nguyện" đóng góp?
Những khoản tiền trời ơi đất hỡi...
Khai giảng năm học 2008-2009. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng) |
Tuy nhiên, chị Vân Anh kể, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng tiền sửa sân từ khi con trai đầu chị học ở đây, nay đã tốt nghiệp ĐH và đi làm. Giờ con út học đúng cái trường anh nó đã học, phụ huynh vẫn phải đóng tiền "sửa sân trường". Vậy mà 10 năm qua, sân trường vẫn không thay đổi, thậm chí còn xuống cấp nhiều hơn.
Cũng một băn khoăn từ phụ huynh khác, khi thấy "cái hồ bơi" năm nào cũng được đưa ra vận động phụ huynh đóng góp mà... chờ mãi không thấy thành quả. Đó là câu chuyện "tự nguyện" tại Trường THPT N.T.H (Tân Bình), nơi con chị Thu Thủy học. Theo chị Thủy, từ lúc con chị vào lớp 10 đã phải đóng tiền để xây hồ bơi cho các cháu. Bây giờ, con trai chị đã là SV ĐH năm thứ 3, thì được biết những phụ huynh có con em đang học tại đây vẫn phải đóng khoản tiền này.
Số tiền mỗi người đóng góp tuy không nhiều, chỉ khoảng vài chục nghìn nhưng với khoảng vài nghìn HS và quay vòng trong nhiều năm liền mà không thấy sân trường được sửa sang, bể bơi được xây mới thì các khoản tiền này chảy về đâu?
Đó là các khoản tiền được "vận động" thu có "đích", nhưng còn các khoản thu khi lý do đưa ra thật khó được "thông cảm". Đó là trường mầm non thu tiền đầu tư máy tính trong khi cháu bé còn quá nhỏ để sử dụng hay có những khoản thu mà phụ huynh không biết hỏi ai với tên gọi tiền ấn phẩm, tiền tài năng. Thậm chí, có trường còn kê ra khoản thu hỗ trợ lễ kỷ niệm ngày thành lập trường, hỗ trợ xây dựng nhà máy nước tinh khiết...
Tiếp tục với khoản tiền được quy về "tự nguyện" không thể không nói đến tiền trái tuyến. Khoản này có lẽ chỉ xảy ra ở những thành phố lớn bởi sự "đổ xô" của phụ huynh cho con vào trường điểm, trường chuẩn. Dù nhà trường nào cũng một mực nói là không định mức, để phụ huynh tự nguyện và tùy tâm. Nhưng rồi báo chí, phụ huynh, HS vẫn phản ánh tình trạng "hướng dẫn tự nguyện" ở một số trường (ví dụ, năm trước là 500.000 đồng thì năm nay mức sàn là 1 triệu đồng/HS). Hơn nữa, số HS trái tuyến chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng chi khoản "tự nguyện" này ra sao thì phụ huynh "mù tịt".
Trên địa bàn Hà Nội, nhắc đến trường điểm lập tức người ta nghĩ ngày đến Nguyễn Trường Tộ, Giảng Võ, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Đống Đa (cấp THCS) và Kim Liên, Kim Đồng, Nam Thành Công, Lê Ngọc Hân (cấp tiểu học)... Do đó, số HS trái tuyến ở những trường này chiếm tỷ lệ khá cao và là điểm nóng mỗi mùa tuyển sinh đến.
Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình có 2.000 HS cả 4 khối thì số HS trái tuyến chiếm trên 30%, tương đương 700 em. Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình lượng học sinh trái tuyến cũng chiếm đến 40% với 1.300 em. Tỷ lệ trái tuyến ngang ngửa số HS đúng tuyến, Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, có khoảng 1.200-1.300 HS trái tuyến ở cả 4 khối, trong đó, riêng khối lớp 1 vừa rồi tuyển gần 600 em thì có đến 250 em thuộc diện trái tuyến, chiếm gần 1 nửa.
Chua chát với các khoản "tự nguyện", nhiều phụ huynh tặc lưỡi đóng cho xong để con mình khỏi bị "đì", thậm chí còn không quan tâm xem tiền đóng góp đó được sử dụng vào việc gì.
Không chỉ ở các thành phố lớn, một tỉnh miền Trung thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại của thiên tai, hạn hán. HS phải chống chọi với cái nắng, cái rét và cả cái đói để cắp sách đến trường. Tuy nhiên, cái khoản gọi là "tự nguyện" đó cũng không "từ" nơi đây. Cách đây ít ngày, VietNamNet đã có bài viết phản ánh về việc một số trường tiểu học, THCS của Hà Tĩnh bắt HS phải đóng tiền để xây dựng trường chuẩn và trả nợ cho nhà trường với số tiền lên đến khoảng 500.000 đồng/HS.
Trường Tiểu học Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) thu 250 nghìn đồng tiền xây dựng trường, 270 nghìn đồng tiền "các khoản khác”! Giải thích khoản tiền trường, hiệu trưởng của trường đưa lý do là trường đang xây dựng Chuẩn 2. Ở "các khoản khác" cũng được nhà trường dẫn giải như: chi phí mua sắm dụng cụ, tiền khuyến dạy khuyến học, tiền trang trí lớp và thông tin tuyên truyền… Và đặc biệt, trong phần kê khai chi "các khoản khác" này lại có thêm phần “các khoản chi khác" là 10 triệu đồng.
Cũng ở Hà Tĩnh, tại Trường THCS Phan Huy Chú, thị trấn Thạch Hà, nhà trường cũng thu tiền xây dựng của HS cao đến “ngất ngưởng” với mức 340 nghìn đồng, cộng thêm tiền trả nợ cho nhà trường, tiền mở rộng sân tập trung. Tổng cộng cũng gần 500.000 đồng/HS.
Biết là sai nhưng cứ thu!
Luật Giáo dục năm 2005 quy định rõ, đưa tất cả các khoản tiền đóng góp vào một khoản chung là học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, HSSV không phải đóng góp khoản nào khác. Chính vì lẽ đó, một vài năm gần đây, nhiều địa phương đã không thu khoản tiền gọi là xây dựng trường, vì thu như vậy là trái với quy định. Ngay từ đầu năm học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã khẳng định Bộ không chỉ đạo các trường thu tiền quỹ.
Tuy nhiên, với lý giải không thu tiền xây dựng mà học phí từ năm 1998 vẫn không tăng nên gây khó khăn cho các trường trong quá trình hoạt động. Do đó, bằng hình thức này, hình thức khác, các trường đã nghĩ ra các khoản đóng góp và hợp thức nó dưới cái mác "tự nguyện" của phụ huynh, do Ban phụ huynh tự quản, tự thu-chi.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục Hà Tĩnh cho rằng, hiện có rất nhiều trường lợi dụng dân chủ, thông qua hội phụ huynh để “ép” HS phải tự nguyện nộp tiền. Việc thu như vậy là sai, tất cả các hoạt động của các trường học đều được Nhà nước đầu tư.
Theo tinh thần của Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã trình đề án học phí mới để mỗi HS chỉ phải đóng một khoản tiền gọi là học phí. Đồng thời, ngay từ đầu năm học, trong Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của các cấp học, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế tài chính ở các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Cụ thể là 3 công khai và 4 kiểm tra để người học và xã hội giám sát, đánh giá. Theo đó, ba công khai là: chất lượng đào tạo, các điều kiện về CSVC, đội ngũ giáo viên và công khai thu, chi tài chính.
Bốn kiểm tra là: việc phân bổ và sử dụng ngân sách GD-ĐT; việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường và kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, đề án học phí mới có thể sẽ được thực hiện từ học kỳ 2 của năm học này. Hy vọng rằng, những thay đổi về học phí sẽ góp phần giúp người dân không phải chạy theo "tự nguyện" mà không được tự nguyện.
-
Bảo Anh
Ý kiến của bạn: