- Nếu chỉ có một chương trình và nhiều bộ SGK thì hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tập quán của các thầy cô là SGK nói thế nào dạy như vậy. Vì thế, khi có nhiều bộ sách, GV có thể sẽ chỉ chọn 1 bộ để dạy- PGS Văn Như Cương.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia , chủ biên của 3 cuốn sách Hình học nâng cao lớp 10, 11 và 12.
Sai viết lại hay mua bản quyền nước ngoài
PGS Văn Như Cương |
- Nếu thực tế cuộc sống thay đổi thì SGK phải thay đổi, nếu thực tế cuộc sống thay đổi xoành xoạch thì SGK cũng phải thay đổi xoành xoạch. Như thế là tốt, là cập nhật chứ không có gì là xấu cả. Nếu SGK Địa lý viết trước ngày 1/8/2008 trong bài về Thủ đô Hà Nội mà tác giả viết Hà Nội có diện tích, dân số, vị trí địa lý như cũ thì nhất định sau ngày 1/8 tác giả phải viết lại. Cuộc sống thay đổi, Hà Nội mở rộng gấp 3 lần. Đó là điều bắt buộc phải làm.
Sai đâu sửa đấy là đúng nếu sai ít, nhưng đâu cũng sai thì phải bỏ đi mà làm lại. Không chỉ có phương án viết lại toàn bộ mà nhiều người còn đề xuất một cách nghiêm túc nhiều phương án khác mà họ cho là tốt hơn như dịch sách của các nước tiên tiến.
Thưa ông, nhiều người cho rằng SGK của ta đang "tụt hậu" so với thế giới. Đặc biệt là đối với các môn Tự nhiên, thế giới đều như nhau, vậy SGK của ta có nhất thiết phải cải tiến hay đẩy lên cho ngang bằng hoặc một phương án khác là dịch sách của các nước tiên tiến như nhiều người đã đề xuất?
- Tôi thấy người ta thường nói SGK của ta là học nặng quá. Nhưng riêng chương trình Toán so với thế giới là hoàn toàn cập nhật. Tuy nhiên, chỉ khác là, phần mình dạy nặng thì họ dạy đơn giản hoặc ngược lại. Riêng phần Hình học không có thay đổi so với trước về mặt kiến thức mà chỉ sắp xếp lại các chuyên mục, số lượng bài tập được giảm bớt, đặc biệt là bài tập khó.
Một số người đề nghị mua bản quyền của các nước tiên tiến về giáo dục rồi dịch ra tiếng Việt, in thành SGK của mình cho thầy mình dạy, trò mình học, như thế vừa nhanh vừa rẻ. Cũng nên xem xét ý kiến đó vì cũng có những lĩnh vực ta đã làm như thế, ví dụ, ta đã mua bản quyền Cô gái xấu xí của Côlômbia, Ngôi nhà độc thân vui vẻ của Trung Quốc rồi chuyển sang tiếng Việt, dùng đạo diễn, diễn viên người Việt diễn cho người Việt xem.
Nhưng là nói vui vậy thôi, theo tôi về giáo dục không nên làm như thế. Không có quyển sách nào của tiếng Anh đưa sang lại phù hợp. Nhất là ở Toán học, từ trước đến nay ta đã có truyền thống dạy và học rất tốt. Không có quyển sách nào phù hợp với HS của ta nếu ta không tự viết. Các môn Tự nhiên khác tôi không hiểu lắm nên không dám nói, nhưng thiết nghĩ cũng thế thôi, kiến thức chung là như vậy nhưng trình bày như thế nào đối với HS của mình thì phải hợp lý.
Điều này chỉ làm năm 1957, dịch sách Địa lý, Toán, Hóa của Nga ra, còn bây giờ không nên làm như vậy vì mục tiêu của các nước là khác nhau, tâm sinh lý cũng khác. Ví dụ, ở Pháp, hầu hết HS tốt nghiệp THPT là vào ĐH, trong khi tỷ lệ này ở ta chỉ có 20% thì rõ ràng, mục tiêu ở phổ thông của ta phải khác.
Trình độ giáo viên khó dạy nhiều bộ sách
SGK liên quan mật thiết đến chương trình, trên thế giới họ làm một chương trình chuẩn và để SGK cho những ai có khả năng thì viết. Giáo viên chỉ dạy theo chương trình và lựa chọn bộ SGK hoặc bài viết tối ưu nhất để giảng dạy, ông nghĩ sao trước thực tế này?
- Quan điểm một chương trình, nhiều bộ sách là hoàn toàn đúng. Còn nhớ, trước năm 1981, ta cũng có 3 bộ SGK Toán (của Trường ĐHSP HN, Hội Toán học TP.HCM và Viện Khoa học Giáo dục) và 2 bộ Văn dùng khắp toàn quốc. Miền Bắc chủ yếu dùng bộ sách của Trường ĐHSP HN và Viện, còn miền Nam dùng của Hội Toán học TP.HCM. Đây cũng là giai đoạn thí điểm đầu tiên có thể có một chương trình, nhiều bộ sách khác nhau.
Tuy nhiên, họp Quốc hội có khá nhiều ý kiến phê phán chuyện này, rằng đất nước đã thống nhất mà mỗi miền lại dùng một bộ sách khác nhau như vậy. "Hoảng quá!". Bộ quyết định chỉ còn một bộ sách. Nhưng lại băn khoăn, trong 3 bộ sách đó chọn bộ nào. Vậy là các nhóm tác giả của 3 bộ sách trên cùng làm thành một bộ sách tập hợp những "tinh túy" nhất gọi là sách chỉnh lý và hợp nhất, đã được dùng cho đến đợt thay sách vừa rồi. Bây giờ, trong Luật Giáo dục năm 2005 cũng nói rõ là toàn quốc dùng chung một bộ SGK.
Ý kiến một chương trình, nhiều bộ sách là đúng, nhưng như vậy thì phải sửa lại Luật, mà việc này không khó.
Nên có nhiều bộ sách cho phù hợp với từng vùng miền. Khi viết sách chúng tôi cũng vấp phải vấn đề này, là viết cho HS Hà Nội học tốt thì làm sao HS Mù Cang Chải, Mường Tè học được. Hơn nữa, viết sách rất phụ thuộc vào chương trình, mục tiêu là dùng chung cho toàn quốc nên rất khó, không được đưa thêm hay bớt đi bất cứ nội dung nào của chương trình. Vấn đề là cũng có thể viết dễ hơn hoặc chặt chẽ hơn, nhưng nếu cho đối tượng HS cụ thể thì sẽ đơn giản hơn.
Thêm vào đó, nếu làm theo một chương trình, nhiều bộ sách lại sẽ vấp phải vấn đề của thực tế là trình độ giáo viên. Khi đi giảng bài về thay sách, tôi nhận thấy, một số giáo viên không hiểu hết sách. Hơn nữa, từ trước đến nay, như luật bất thành văn hay quy định ngầm thế nào mà SGK như là pháp lệnh và phải dạy hết kiến thức trong SGK, không nói lại lo dạy không hết.
Ví dụ thế này, lúc trước phần tích phân trong sách nặng, một thời gian các thầy cũng tích lũy được kiến thức theo kiểu đó, nhưng khi sách mới giảm bớt đi các thầy lại phản đối. Rồi, đưa phần xác suất thống kê vào các thầy cũng không đồng tình, vì những kiến thức này học đã lâu, nếu dạy thì sẽ phải học lại, giảng mấy năm mới có kinh nghiệm...
Do đó, nếu chỉ để có một chương trình, nhiều bộ sách, có khi các thầy chỉ chọn một bộ sách để dạy mà thế giới thì họ lại chọn những bài giảng hay trong các cuốn sách khác nhau. Để làm được như vậy khá vất vả, mất nhiều thời gian và các thầy của ta cũng không nhiều người làm được như vậy.
Một cuốn sách nhiều người hay một người viết
Rất nhiều ý kiến kể cả trong và ngoài ngành cho rằng, việc viết SGK chỉ tập trung ở một số người, theo ông, điều này có hợp lý không?
- Bắt đầu viết sách Hình học cấp 3 khoảng từ năm 2001, lúc đó tôi làm chủ biên và mời 2-3 người cùng viết. Mục tiêu của sách viết lần này đòi hỏi khác trước đây là phải hỗ trợ phương pháp giảng dạy mới, để HS xây dựng bài nhiều hơn nên cách viết cũng phải khác. Ví dụ, nửa chừng có thể đặt câu hỏi để bắt HS hoạt động.
Mục đích của Bộ GD-ĐT khi tập trung một tập thể làm sách là để có sự trao đổi, thảo luận từ đầu. Thường thì một bộ môn đã chú ý mời thầy ở sư phạm, giáo viên có kinh nghiệm ở phổ thông và nhà khoa học... Chúng tôi làm việc tập thể cũng thấy tốt hơn khi có sự trao đi đổi lại vấn đề này, kia.
Nhưng một người viết sẽ theo mạch tư duy, nhiều người viết sẽ tạo nên sự "khấp khểnh" trong cuốn sách, ông nghĩ sao?
- Cách có nhiều người, nhưng không phải cắt vụn ra từng đoạn, từng khúc người này viết, người kia viết rồi kết hợp lại thành ra không đâu, cách nghĩ như vậy là rất sai. Chúng tôi có chương trình rồi, như Hình học lớp 10, là Chủ biên, tôi đề ra chi tiết bài 1, bài 2 bàn về vấn đề gì... sau đó đưa ra thảo luận tập thể từng khía cạnh, từng bài, từng nội dung rồi sau đó chia nhau chắp bút. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục thảo luận khi đã thành bài hoàn chỉnh, nếu còn khấp khểnh về kiến thức, văn phong là sửa ngay lập tức, không có chuyện mỗi người viết vài bài rồi "ập" vào là xong, không thể làm như vậy được. Đó cũng là lý do để sách của tôi viết không phải chỉnh sửa.
Theo ông, chương trình Toán đã hợp lý chưa và cần phải chỉnh sửa như thế nào?
- Khi viết sách chúng tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề này, ví dụ, lớp 11 có 50 tiết để hoàn thành môn Hình học nâng cao với 130 trang sách. Như vậy, về mặt thời gian là khá căng. Đây cũng chính là nguyên nhân người ta bảo là chưa giảm tải nhiều. Quá tải thể hiện, chương trình ngần đó, nếu dạy 100 tiết thì không có gì là nặng, thậm chí có thầy còn bảo tôi chỉ cần 60-70 tiết là dạy rất tốt. Nhưng quy định của chương trình chỉ có nâng cao 4 tiết/tuần (cả Đại số và Hình học). Để khắc phục giảm tải có 2 cách: bỏ bớt kiến thức đi viết mỏng lại, nhưng như vậy lại bất cập với thế giới và cách kia là tăng tiết. Nhưng hiện nay, chúng ta đang thiếu tiết vì THPT chỉ học có 1 buổi/tuần, nếu tương lai học 2 buổi/tuần như thế giới, vì quyển sách còn dùng được nữa nên dự trù lúc chúng ta có thể học được 2 buổi như cấp tiểu học.
Một trong những biện pháp tôi thấy đúng là vừa rồi Bộ có quy định tăng tuần học từ 35 lên 37 tuần, nhưng không tăng kiến thức. Đây cũng là một cách để giảm tải, tuy không được nhiều, nếu lên được 40 tuần thì tốt hơn.
Ví dụ ở trường tôi, cho HS học cơ bản tôi chủ động bố trí thời gian học các môn này nên HS theo học rất vừa sức. Tôi chủ động bố trí 6 tiết toán/tuần. Có 4 tiết/tuần tự chọn, tôi lấy thời gian đó bù thêm vào các môn Toán (4 lên 6 tiết/tuần cho cả Đại số và Hình học), Lý (từ 2 lên 3 tiết/tuần), Hóa. Nhưng các trường công sẽ khó khăn hơn khi tăng tiết sẽ phát sinh kinh phí phải trả cho giáo viên thêm giờ dạy.
Xin cảm ơn ông!
-
Bảo Anh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: