- Ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2007 - 2008, đã liên tiếp xảy ra những vụ tự tử của các sĩ tử thi trượt khiến cả xã hội đau lòng. Tại sao các em lại tìm đến cách giải quyết tiêu cực như vậy? Các chuyên gia tâm lý đã giải mã hiện tượng này và đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh để phòng tránh kết cục đau lòng.
Ông Nicolas Bosc, Thạc sỹ Tâm lý, Chuyên gia tư vấn của website Tuvantamly.com.vn: Tự tử là tổng hòa của nhiều nguyên nhân!
Khi sang VN, tôi thấy rất bất ngờ vì đọc được trên báo chí nhiều thông tin về các vụ tự tử của thanh thiếu niên.
Ông Nicholas Bosc: "Người VN thường ngại ngùng khi đến tìm bác sỹ tâm lý. Đây là 1 quan niệm sai lầm". Ảnh: L.H
Làm “teen” thời @ không hề dễ dàng. Có hàng loạt những áp lực mới về xã hội, học tập và cá nhân mà các thanh thiếu niên phải đối diện. Và với những teen có thêm các vấn đề khác như phải sống trong tình trạng bạo lực hoặc bị lạm dụng thì cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều.
Một vài thanh thiếu niên lo lắng những vấn đề giới tính và các mối quan hệ, hoài nghi liệu những cảm xúc và ham muốn của mình có bình thường không. Những em khác lại phải đối diện với việc học hành khó thành công ở trường. Các em có thể thấy thất vọng về bản thân hoặc thấy mình là nỗi thất vọng của mọi người.
Và khi sự chán chường đẩy lên cực điểm thì thanh thiếu niên có thể tìm đến cái chết. Nhưng tự tử thường là tổng hòa của nhiều nguyên nhân chứ thường không xuất phát từ nguyên nhân nào riêng rẽ, chẳng hạn như thi trượt đi kèm với nỗi sợ hãi xấu hổ với bạn bè, bị bố mẹ mắng.
Có một số dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên đang bị rơi vào khủng hoảng và có thể tìm đến cái chết. Có một số em thường hay nói về cái chết hoặc tâm sự với bạn bè, người thân rằng mình sắp đi đến một nơi rất xa. Các em cũng có xu hướng tách rời khỏi nhóm bạn hoặc gia đình, không hào hứng tham gia các hoạt động mình vốn yêu thích.
Tìm đến rượu bia để “giải sầu” cũng là một dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên đang chán chường. Nếu phụ huynh và bạn bè quan tâm chú ý thì có thể nhận ra các dấu hiệu này và ngăn chặn các vụ tự tử.
Ở Pháp, chúng tôi có tổ chức cả Ngày Quốc gia về Phòng chống tự tử. Trong ngày này, các chuyên gia sẽ tới cả trường học để tư vấn cho học sinh và hướng dẫn giáo viên cách nhận biết và ngăn chặn tình trạng tự tử trong thanh thiếu niên. Tôi nghĩ đây là một hoạt động cần thiết để giáo dục cho học sinh cách đối diện với khó khăn và vượt qua những thất bại của cuộc sống.
Một vấn đề của người Việt
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt hệ thống trung tâm và các nhà tư vấn có chuyên môn là một vấn đề cần lưu ý. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là ở nông thôn, có thể tận dụng các ngôi chùa thanh tịnh là nơi để người dân tới tĩnh tâm và trò chuyện với các nhà sư để tìm sự bình yên, thanh thản.
Bà Lâm Thúy (Văn phòng Tham vấn Gia đình & Trẻ em Vala, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam): Mới bồi dưỡng kiến thức mà chưa chuẩn bị tâm lý thi cử
Nhận thức của xã hội về thi cử hiện nay có những sai lầm. Thi cử không chỉ đánh giá kết quả học tập mà còn dùng để đánh giá con người. Những em thi trượt bị chì chiết bằng những lời lẽ gay gắt như “đồ dốt nát, đồ bỏ đi…”.
Bà Lâm Thúy: "Phụ huynh nên dạy con cách ứng xử trước tác động của xã hội nếu thi trượt." Ảnh: L.H
Mỗi người có những năng khiếu khác nhau nhưng khi thi là phải thi các môn do Bộ GD-ĐT quy định chứ HS không được lựa chọn môn sở trường của mình. Trong quan điểm của chúng ta cứ giỏi Văn, giỏi Toán mới là giỏi. Giỏi Nhạc, giỏi Họa, giỏi Thể dục Thể thao không phải là giỏi.
Cần phải xác định rằng, thi cử là kiểm tra 2 nội dung: kiến thức và tâm lý. Có em HS trước khi thi tốt nghiệp 2 ngày gọi điện cho tôi tâm sự rằng dù đã học hết bài nhưng càng đến gần ngày thi càng lo lắng, hoảng loạn nên quên hết kiến thức.
Rõ ràng phụ huynh và nhà trường mới chỉ tập trung bồi dưỡng kiến thức chứ chưa chuẩn bị tâm lý trước, trong và sau kỳ thi cho HS. Nếu có chuẩn bị thì lại chuẩn bị sai, nghĩa là bắt buộc các em phải thành công.
Sau khi thi, phụ huynh cần dạy con cách ứng xử trước tác động của xã hội nếu thi trượt. Đừng nói với con về “thất bại” mà hãy chỉ cho con rằng qua sự việc này có thể học được điều gì.
Cùng thi trượt nhưng có những em tiếp tục phấn đấu để thi lại nhưng cũng có những em lựa chọn cách giải quyết tiêu cực một phần do hệ thần kinh của mỗi người khác nhau.
Các bài test tâm lý của chúng tôi cho thấy những người có thùy trán trước chỉ số thấp mang tính hoài nghi cao, thiếu tự tin. Khi mọi người xung quanh không hiểu để khích lệ động viên thì sẽ mất tự tin, dẫn đến khuynh hướng tự vệ là bỏ cuộc hoặc chạy trốn.
Nhưng thần kinh yếu không chỉ do bẩm sinh mà có thể do tại từng thời điểm phải chịu áp lực quá lớn. Lúc yếu ớt nhất lại bị tấn công mạnh mẽ từ những yếu tố bên ngoài dẫn đến nghĩ quẩn.
Vì vậy, xác định khuynh hướng thần kinh của con trẻ là cần thiết để bố mẹ có sự quan tâm và giáo dục đúng đắn.
Tôi rất ấn tượng với cách giáo dục ở Đan Mạch. Mỗi năm 2 lần họp phụ huynh, giáo viên không phát sổ liên lạc với điểm số học tập mà phát một tờ giấy với 4 nội dung do chính HS viết: bản thân thích gì, ghét gì, có sở trường gì và muốn học gì nhất. Từ đó phụ huynh biết được mong muốn, năng lực và xu hướng phát triển của con để điều chỉnh.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội): Ước vọng của cha mẹ thành ảo tưởng của con trẻ
Hàng nghìn năm nay Việt
Ông Nguyễn Hồi Loan: "Chúng ta vẫn bảo nhau "Thất bại là mẹ thành công" nhưng đó chỉ là lý thuyết suông." Ảnh: L.H
Quan niệm đó trở thành chuẩn mực rằng học tập là con đường duy nhất để thoát nghèo. Học để “làm quan”, học để vinh danh gia đình, dòng họ. Vì thế, cả cuộc đời người Việt dồn hết tiền bạc, tâm sức chăm cho con đi học. Thậm chí cả dòng họ chung tay nuôi một sĩ tử.
Mùa thi hàng năm như là 1 cuộc… đi buôn khi tất cả các gia đình có con đến tuổi thi cử đều dồn tiền bạc và hy vọng, đồng thời đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai con trẻ.
Phụ huynh luôn lấy chuẩn mực đó để giáo dục con, vẽ ra hình ảnh tương lai tươi sáng khi học hành đỗ đạt khiến đứa trẻ bị huyễn hoặc, ước vọng của cha mẹ chuyển thành ảo tưởng của con trẻ. Vì thế, khi thi trượt, các em thấy bế tắc và đổ vỡ, dẫn đến lệch lạc trong hành vi, hậu quả có thể là hành động tiêu cực như quyên sinh.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn bảo nhau “Thất bại là mẹ thành công” nhưng đó chỉ là lý thuyết suông. Những người trẻ không được dạy tại sao thất bại lại là mẹ của thành công thông qua hệ thống những hành vi cụ thể.
Chính các sĩ tử chỉ chuẩn bị tâm lý hướng tới thành công mà không biết chấp nhận thất bại nên dẫn đến khủng hoảng. Cùng lúc đó, gia đình, bạn bè có những lời nói và cư xử đụng chạm tới lòng tự trọng khiến các em bế tắc và dễ hành động tiêu cực.
- Lan Hương (thực hiện)