- Có 2 dạng trường quốc tế để phụ huynh lựa chọn là loại trường hoàn toàn học theo chương trình quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và loại trường học chương trình tiếng Việt và tăng cường giáo trình tiếng Anh.
Trường "nửa Anh nửa Việt"
Dream House, Trường quốc tế của người Việt, phố Tô Ngọc Vân, HN, đi vào hoạt động được 1 năm nay, số HS từ lớp 1 đến lớp 7 đã có đến gần 100 em. Đối tượng phục vụ của nhà trường đúng như tên gọi của nó, là cho những gia đình Việt Nam có điều kiện. Vì thế, chương trình theo học đầu tiên của nhà trường trước hết vẫn là chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Giám đốc Phạm Minh An cho biết, ngoài chương trình tiếng Việt, trường giảng dạy tiếng Anh với 2 mục tiêu: cho HS tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ của ĐH Cambridge, Vương quốc Anh. Mục tiêu thứ hai là kỹ năng học tập tư duy bằng tiếng Anh của hai môn chính là Toán và Khoa học để tạo điều kiện cho HS sau này có thể du học trong và ngoài nước.
Ngoài ra, bà An cho biết, một mục tiêu khác biệt của nhà trường trong việc đào tạo theo yếu tố quốc tế, là chương trình phát triển kỹ năng như: kỹ năng học tập, kỹ năng sống để HS ra đời đi làm, hội nhập và giao tiếp. Đồng thời, nét khác biệt trong giáo dục kỹ năng sống ở Dream House là dạy cho HS kỹ năng tự bảo vệ mình, khả năng tự kiềm chế, kỹ năng chia sẻ, lòng tự trọng, trung thực, thương yêu và giúp đỡ.
Không chỉ có thế, từ năm học 2008-2009, trường tiếp tục tuyển sinh đến lớp 10, trong mục tiêu chương trình có thêm phần định hướng nghề nghiệp cho HS cấp 3. Bà An giải thích, chương trình này sẽ cho HS đi tham quan các trường ĐH trong và ngoài nước, thực tập ở các cơ quan, công sở để HS có khái niệm đầy đủ hơn về một nghề, để có thể lựa chọn công việc theo sở thích, khả năng mà không nhất thiết phải vào ĐH.
Quan điểm của Dream House là giảng dạy để khi trẻ về nhà vẫn là con Việt nhưng có phong cách hiện đại. Trong trường hợp xấu nhất vẫn có thể quay trở lại chương trình Việt Nam mà không bị hổng kiến thức.
Cũng được 1 năm đi vào hoạt động, Trường tiểu học quốc tế Brendon, khu Trung Hòa - Nhân Chính, HN cũng nhắm đến đối tượng phần đông là người Việt Nam, chiếm 60-70%. Giám đốc Hồ Thanh Hương cho biết, mục đích của trường là phục vụ trẻ Việt Nam, hỗ trợ trẻ trong việc học tiếng Anh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc và đảm bảo hòa nhập thế giới.
Thực hành làm bánh trung thu của HS lớp 3 Trường quốc tế Brendon.
Do đó, không hoàn toàn theo chương trình quốc tế, giáo trình của trường được xây dựng dựa trên chương trình chuẩn của Việt Nam, kết hợp với các bộ môn cơ bản của bộ giáo trình Vương quốc Anh. Các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý của Việt Nam được đưa vào giảng dạy để đảm bảo tính chuyển đổi, giúp HS có thể ra trường công học nếu không có điều kiện tiếp tục theo học ở trường này. Các môn năng khiếu như nhạc, họa sẽ kết hợp với giáo trình của Anh.
Khác biệt của Brendon là đưa vào giảng dạy bộ giáo trình cơ bản của Anh với các môn Anh, Toán và Khoa học. Tuy nhiên, bà Hương giải thích, học song song 2 chương trình Việt - Anh nhưng không có sự trùng lặp hay quá tải do chương trình của Anh đòi hỏi thực hành nhiều mà lý thuyết rất ít. Đây chính là lý do để "lôi kéo" phụ huynh cho con vào học.
Mặt khác, để giảng dạy chương trình Việt Nam đội ngũ giáo viên người Việt được lựa chọn kỹ, ngược lại, học giáo trình Anh bắt buộc người nước ngoài phải dạy. Vì theo bà Hương, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cả nền văn hóa.
Trường hoàn toàn "Tây"
Trường Quốc tế UniWorld, Vạn Bảo, HN và Trường Quốc tế Singapore tại Nam Sài Gòn (SIS) thuộc Tập đoàn KinderWorld của Singapore, cũng đảm trách một phần mục tiêu kể từ khi mở trường phổ thông từ năm 2004. Hiện nay, có khoảng 800 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 10 theo hai chương trình Quốc tế và Song ngữ trong hệ thống trường phổ thông quốc tế của KinderWorld. Chương trình quốc tế của UniWorld và SIS được học hoàn toàn bẳng tiếng Anh theo giáo trình quốc tế của Singapore và Úc. Các mốc đánh giá trình độ học vấn của HS là kỳ thi tốt nghiệp tiểu học Singapore cho học sinh quốc tế iPSLE (sau khi HS kết thúc lớp 6), chứng chỉ trung học đại cương Cambridge iGCSE (sau khi kết thúc lớp 10) và chứng chỉ đánh giá toàn cầu GAC, tương đương với lớp 11 và 12. Chương trình Song ngữ của UniWorld và SIS dạy các môn cơ bản của hệ thống giáo dục Việt Nam. Đồng thời, tùy theo từng cấp học, HS sẽ học một số giáo trình quốc tế như tiếng Anh, CNTT, Toán, Khoa học xã hội và Môi trường… dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài. Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KinderWorld – bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, sự kết hợp đó giúp HS vừa giữ được giá trị đạo đức và tinh thần của châu Á nhưng vẫn tiếp cận được những điểm ưu việt của giáo dục phương Tây. Chương trình song ngữ được UniWorld và SIS thực hiện đến hểt lớp 9. Từ lớp 10 trở đi, 2 trường này chỉ cung cấp một chương trình quốc tế duy nhất cho mọi HS. Hệ thống trường phổ thông quốc tế của KinderWorld có lợi thế là có địa điểm ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế… tạo điều kiện cho phụ huynh lựa chọn địa điểm học phù hợp cho con em mình.
Sự khác biệt hoàn toàn về chương trình phải kể đến 2 trường quốc tế khá lâu đời ở Hà Nội là Trường quốc tế Liên hiệp quốc Unis và Trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin.
Thành lập được 20 năm, Trường quốc tế Liên hiệp quốc Unis Hà Nội hoạt động dưới sự bảo trợ của chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Hiện trường có 750 HS đến từ 40 quốc gia với thành phần HS thuộc các gia đình ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài cũng như các gia đình Việt Nam. Là trường đầu tiên ở châu Á cung cấp đủ 3 cấp học từ lớp 1 đến lớp 12.
Trường giáo dục cho các HS những kỹ năng chủ yếu cần thiết cho cuộc sống: khả năng suy nghĩ độc lập, trình bày ý tưởng, tìm kiếm và phát hiện, hợp tác. Mục tiêu giáo dục là chuẩn bị cho các em trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.
Chị Hương, một phụ huynh có con đang theo học lớp 11 cho biết, đây là trường quốc tế tiếng Anh lớn nhất ở Hà Nội. Học phí cũng đứng hàng đầu, tuy nhiên không phải có tiền là gửi được con vào. Nhiều trẻ phải đăng ký học từ khi còn học dưới lớp mẫu giáo của trường, thậm chí phải xếp hàng 2-3 năm mới vào được. Chị Hương giải thích, số lượng đầu vào hạn chế theo quốc tịch, HS Việt Nam được nhận vào cũng chỉ chiếm khoảng 10%.
Con chị Hương cho biết, đến lớp 11 HS ở đây đã được đăng ký theo học ĐH tại các trường ở Anh, Úc... với những sự lựa chọn thỏa mãn yêu cầu của trường ĐH.
Trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin cũng ở Hà Nội "ngót" 20 năm nay và hiện có khoảng 500 HS với nhiều quốc tịch khác nhau theo học. Chị Yến, một chuyên gia tiếng Pháp có con đang học lớp 3 cho biết, trường học theo chương trình được quy định của Bộ Giáo dục Pháp, áp dụng ở Pháp và các trường Pháp ở nước ngoài. Do đó, thi cử, kiểm tra hay giáo trình đều theo những quy định của Pháp.
Ngôn ngữ chính dùng trong giảng dạy là tiếng Pháp, tất nhiên cũng có các môn học ngoại ngữ bổ sung như: tiếng Anh, tiếng Đức hay Tây Ban Nha.
Theo nhận xét của một HS lớp 10, đã theo học từ 3 năm mẫu giáo, dù không học bằng tiếng bản ngữ là tiếng Việt song không vì thế mà quên nguồn gốc Việt. "Mỗi tuần, có hai tiết để có thể tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ thông qua môn tiếng Việt và văn học. HS có thể tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của mình qua những tác giả nổi tiếng như: Thế Lữ, Văn Cao, Xuân Diệu,... hoặc khám phá về Lịch sử Việt Nam. Đây cũng là một yếu tố mà Trường quốc tế Unis đưa vào chương trình học cho HS lựa chọn nếu muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Hầu hết các trường quốc tế hay có yếu tố quốc tế đều hoạt động trên cơ sở là một doanh nghiệp hoặc một tổ chức và có sản phẩm đặc thù là giáo dục. Để tồn tại và có doanh thu, đặc biệt là các trường mở dưới dạng doanh nghiệp thì việc thu hút đông phụ huynh gửi con vào là yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển.
Do đó, một phụ huynh có con học lớp 3 tại Trường quốc tế Uniworld nhận xét, những "nhà tư bản" không thể lừa phụ huynh đến năm thứ 2. Họ phải đảm bảo chất lượng trong việc dạy, học cũng như nâng cấp trường, lớp để đảm bảo việc học của HS ngày càng tốt hơn.
-
Bảo Anh
Bài 3: Trường quốc tế và sự "chấp nhận".
>>>Ý kiến của bạn?