- Mỗi năm chỉ có một hội thảo về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên với không tới một nửa số HS trong trường tham gia cùng với duy nhất 1 chương trong sách giáo khoa Sinh học lớp 8 về cơ thể người là tất cả những kiến thức SKSS mà HS phổ thông hiện đang được dạy. Dù ý thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho HS nhưng hạn chế về tài liệu, nhân lực, thời gian và kinh phí đã không cho phép các trường đẩy mạnh hoạt động này.
Thắc mắc? Tự tìm hiểu!
Hoa (15 tuổi) đang ở trong trạng thái trầm cảm nặng tới mức phải bỏ học. Em rất sợ khi mọi người nhìn mình, đặc biệt sợ hãi khi tiếp xúc với người khác giới. Em chỉ thích sang chơi, thậm chí còn xin bố mẹ cho sang ở nhà bạn gái hàng xóm.
Các HS Trường THCS Lê Quý Đôn tranh thủ hỏi bác sỹ trong 1 buổi giao lưu hiếm hoi về SKSS. Ảnh: L.H
Bị ám ảnh bởi những bài báo về đồng tính, mẹ của Hoa hoảng hốt gọi điện tới đường dây tư vấn tâm lý và sức khỏe sinh sản 1088 để “cầu cứu”. Kết quả, vấn đề của Hoa hoàn toàn không giống như “tưởng tượng” của bà mẹ mà lại xuất phát từ một chuyện vốn được coi là rất bình thường – kinh nguyệt tuổi dậy thì.
Qua khơi gợi nhiều lần của chuyên gia tư vấn, Hoa mới tâm sự rằng cách đây 3 năm, khi có kinh nguyệt lần đầu, em đã vô cùng kinh sợ nhưng phụ huynh lại không hề để ý tới biểu hiện bất thường này.
Trong một chuyến ô tô về quê cùng với bố, Hoa đang trong thời kỳ hành kinh và hoảng sợ tới mức nhảy ra khỏi cửa xe. Các nam thanh niên trên xe được thể trêu đùa khiến em càng thêm khủng hoảng. Trong khi đó, bố không những an ủi, vỗ về mà còn nặng lời mắng.
Từ đó em bị trầm cảm nặng và luôn thu mình trong vỏ kén vì cảm giác rằng mọi người đều biết chuyện xảy ra hôm ấy.
Suốt 3 năm sống trong hoảng loạn chỉ vì không được chuẩn bị về tâm lý và kiến thức cho lần kinh nguyệt đầu tiên, câu chuyện của Hoa có thể là cá biệt nhưng sự thiếu hụt về kiến thức SKSS của thanh thiếu niên đang là một thực tế phổ biến.
Hiện nay, do chế độ dinh dưỡng tốt, cộng với xu thế phát triển của xã hội nên trẻ em phát triển tâm sinh lý sớm hơn trước và nhiều HS nữ có kinh nguyệt từ những năm lớp 5, lớp 6.
Bà Mai Anh (Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: "Trong những cuộc khảo sát hàng năm của trường, chúng tôi nhận được khá nhiều yêu cầu của HS về thông tin SKSS. Điều đó chứng tỏ các em đang thực sự có nhu cầu tìm hiểu."
Đỗ Phương Chi (HS lớp 7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: “Ở trường, bọn em không bao giờ được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản. Môn Sinh học thì mới chỉ được dạy về cơ thể động vật chứ chưa biết gì về cơ thể người. Chỉ có mấy bạn nữ đã bắt đầu có kinh nguyệt hay thì thầm bàn chuyện này trong giờ ra chơi thôi”.
Còn Ngô Văn Châu (HS lớp 9 Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội) bày tỏ: “Em bắt đầu có những thắc mắc về cơ thể mình và các vấn đề giới tính khác từ các năm trước nhưng mãi đến cuối năm lớp 8 mới được học. Kiến thức gói gọn trong một chương của môn Sinh học, chưa thể giải đáp hết các thắc mắc nên em phải tự tìm hiểu bằng nhiều cách khác”.
Trong khi đó, sự “cởi mở” của các phương tiện thông tin đại chúng và sự phát triển của internet lại cho phép thanh thiếu niên tiếp xúc với những thông tin giới tính, thậm chí cả phim ảnh đồi trụy khá dễ dàng. Do chưa được trang bị kiến thức cơ bản nên thanh thiếu niên dễ sa đà vào những kiến thức lệch lạc được cung cấp không chính thống.
Chẳng biết giáo dục giới tính vào lúc nào!
Bà Nguyễn Thị Thái (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn) cho biết, hàng tháng theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đều có chương trình học ngoại khóa. Mỗi tháng phải tập trung vào một chủ đề khác nhau. Vì thế, trường không có điều kiện bố trí các buổi sinh hoạt riêng về nội dung sức khỏe sinh sản mà chỉ lồng ghép trong giờ học và phát các tờ rơi, tài liệu trong phòng thư viện.
Cũng như bà Thái, bà Nguyễn Thị Lan (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ) bày tỏ: “Trường cũng nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho HS nhưng chúng tôi còn phải xoay chóng mặt với đủ các việc khác như thay sách giáo khoa, chương trình mới, học ngoại khóa, thi thể dục thể thao… nên chẳng còn biết bố trí vào lúc nào”.
Bên cạnh đó, bà Thái còn bày tỏ “các giáo viên chưa được trang bị kiến thức khoa học về những vấn đề sức khỏe sinh sản trong đời sống mà chỉ nói theo sách vở và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân”.
Để “lấp chỗ trống” này, các trường phải mời bác sỹ và chuyên gia tư vấn từ bên ngoài vào nhưng mỗi năm cũng chỉ được một vài lần ít ỏi, kiến thức lại không được cung cấp một cách hệ thống nên chưa thấy được hiệu quả rõ rệt.
Thậm chí, bản thân các trường cũng chưa chủ động trong việc phối hợp với các tổ chức tư vấn bên ngoài. Chuyên viên của một tổ chức tư vấn về sức khỏe cho biết, mỗi khi có dự án của nước ngoài, trung tâm đều tới các trường đặt vấn đề tổ chức các buổi tư vấn miễn phí. Ngược lại, chưa hề có trường nào tìm đến “đặt hàng” với trung tâm.
Tô Lan Anh (HS lớp 11 Trường THPT Hà Nội – Amsterdam) cho biết mỗi năm trường tổ chức một buổi nói chuyện về sức khỏe sinh sản, có mời bác sỹ về giải đáp thắc mắc của HS nhưng chỉ có 1 vài lớp được chọn đi “đại diện” chứ không phải toàn trường.
Hơn nữa, nội dung và hình thức thể hiện đều không hấp dẫn nên thông thường những buổi đó chỉ kéo dài chưa tới 1 giờ đồng hồ và HS chẳng hào hứng tham gia.
“Các bác sỹ không cung cấp cho bọn em kiến thức cơ bản mà chỉ bảo ai có câu hỏi nào thì đặt ra để giải đáp. Thế là mỗi bạn hỏi một kiểu, chẳng tập trung vào nội dung nào. Vì thế, năm lớp 10 bọn em còn háo hức “đi cho biết” nhưng đến năm lớp 11 chỉ còn lớp trưởng, lớp phó tham dự” – Lan Anh chia sẻ.
Bà Mai Anh (Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) thừa nhận: ”Không phải cứ rao giảng kiến thức là lọt vào tai HS mà cần có những hình thức hấp dẫn mới thu hút được học trò. Tuy nhiên, hiện nay trường không có một chút kinh phí nào cho việc này nên hàng năm chỉ có vài dịp lẻ tẻ các công ty bên ngoài đến tổ chức giao lưu cho HS với các bác sỹ và chuyên gia tư vấn”.
Tuy nhiên, bà Mai Anh khẳng định thời gian tới nhà trường sẽ tập trung vào vấn đề này với những hội thảo thông tin về sức khỏe sinh sản vị thành niên và các thảo luận chuyên đề ở từng lớp.
- Lan Hương