221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1034927
Xét chức danh GS, PGS: Tiêu chí "đặc cách" linh động
1
Article
null
Xét chức danh GS, PGS: Tiêu chí 'đặc cách' linh động
,

 - Bỏ tiêu chuẩn xét GS, PGS ngoại lệ nhờ số điểm công trình nhiều gấp đôi mức quy định, vì số điểm công trình dù có cao nhưng toàn là các báo cáo hội nghị và bài báo trong nước thì chất lượng khoa học thực sự vẫn là thấp. Chúng ta không nên khuyến khích lấy số lượng bù chất lượng.

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) về "Một số đề xuất bước đầu nâng cấp chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) hướng tới chuẩn mực quốc tế".

a

Một lễ trao bằng MBA. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thêm "đặc cách" để xét chức danh GS, PGS 

Viết sách và hướng dẫn thành công luận án TS cũng không cần đưa vào tiêu chuẩn xét ngoại lệ vì chất lượng những thứ này ở ta hiện là thấp và có nhiều tiêu cực liên quan, trừ phi sách phải do một NXB quốc tế có uy tín phát hành, và luận án TS được hướng dẫn có bài báo quốc tế. Thay vào đó, đề xuất các tiêu chuẩn ngoại lệ sau: 

- Ứng viên GS, có 3 thâm niên tham gia đào tạo liên tục (tới khi xét phong), phải có  X diểm công trình công bố quốc tế SCI (là mức cao đối với KHTN và KT).

- Ứng viên GS, có 6 thâm niên đào tạo, trong đó có 3 thâm niên cuối liên tục, phải có  Y diểm công trình công bố quốc tế SCI.

- Ứng viên PGS, có 2 thâm niên đào tạo liên tục (tới khi xét phong), phải có  Z diểm công trình công bố quốc tế ISI.

- Ứng viên PGS, có 4 thâm niên đào tạo, trong đó có 2 thâm niên cuối liên tục, phải có  W diểm công trình công bố quốc tế ISI.

Bổ sung tiêu chuẩn GS, PGS

Bổ sung thêm vào tiêu chuẩn GS, PGS hiện hành tiêu chuẩn sau:

- Ứng viên GS dưới mức tuổi A cần có x điểm công trình công bố quốc tế ISI.

- Ứng viên PGS dưới mức tuổi B cần có y điểm công trình công bố quốc tế ISI.

Điểm bổ sung này là mềm dẻo và có tính kế tục: các ứng viên ở mức tuổi trên A và B vẫn được chiếu cố xét theo tiêu chuẩn cũ.

Cách tính điểm công trình cũng cần phải thay đổi: điểm bài báo quốc tế không thể bị tính ngang với bài báo trong nước và báo cáo hội nghị.

Để có các con số cụ thể A,B,x,y,X,Y,… Bộ GD-ĐT cần tiến hành khảo sát về thành tích công bố quốc tế của các GS, PGS hiện có, và các cán bộ khoa học còn chưa có các chức danh đó để lựa chọn các con số thích hợp. Nếu đặt ra tiêu chuẩn cao quá mà người ta khó vươn tới được thì chỉ mang tính hình thức và sẽ ít có hiệu quả thực sự ngay. 

Cũng nên đặt ra các khoảng giới hạn mềm: từ x1 tới x2, từ y1 tới y2,… cho mỗi tiêu chí, để các Hội đồng ngành xét, tính tới trình độ và các đặc thù của ngành mình và cả yếu tố địa phương.

Hội đồng chức danh nhà nước sẽ cân đối chung, xét tới thực lực và yêu cầu của từng ngành và địa phương, để đưa ra quyết định cuối cùng. Các tiêu chí cũng cần bổ sung và thay đổi theo thời gian cho phù hợp với đà tiến của khoa học nước nhà.

Vì trình độ chung của chúng ta hiện đang rất thấp, theo tôi chúng ta có thể xét phong GS ngoại lệ trực tiếp, bỏ qua bước PGS, như đã nói ở trên. 

Để hấp dẫn các tài năng trẻ được đào tạo ở nước ngoài, Trung Quốc thậm chí xét phong (kể cả GS không cần qua bước PGS, và Trưởng phòng thí nghiệm) trực tiếp ngay cho các TS trẻ mới từ nước ngoài trở về nếu họ có các thành tích công bố quốc tế vượt trội so với các ứng viên có thâm niên trong nước. Tuy nhiên, họ có đặt ra thời hạn thử thách 3 năm làm việc trên chức danh đó trước khi cho biên chế chính thức.

Các chức danh NCVC, NCVCC cũng cần được chỉnh lý tương ứng.

Kinh phí đào tạo tiến sỹ: gắn với đề tài

Có một số khác biệt cơ bản trong phương thức đào tạo TS ở ta so với quốc tế. 

Đối với quốc tế, kinh phí đào tạo TS được phân thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học do các GS chủ trì. Các nhà khoa học giỏi có thành tích công bố quốc tế sẽ có nhiều kinh phí đề tài để nhận và trả học bổng cho NCS, và các ứng viên NCS phải cạnh tranh để tới được các xuất này. Lợi ích của các cá nhân liên quan là cả 2 chiều. Các NCS giỏi nhất sẽ phải cạnh tranh để tới được các thầy giỏi nhất để được đào tạo tốt, có được các kết quả nghiên cứu tốt. 

Chính nền tảng khoa học và hành trang là các công bố quốc tế mạnh, chứ không phải chỉ tấm bằng TS đơn thuần, sẽ giúp các nhà khoa học trẻ có được chỗ làm việc tốt và thăng tiến trong nghề nghiệp. 

Bên cạnh đó các thầy giỏi cũng muốn nhận các NCS giỏi để mở rộng tầm với và nâng cao hơn nữa thành tích công bố quốc tế của mình. Kết quả là lợi ích cho khoa học nói chung và xã hội. Chính vì vậy, dù có yêu cầu thành văn hay không, phần lớn các TS của bạn đều có được các kết quả công bố quốc tế (ít nhất dưới dạng đã nhận đăng), thậm chí còn là các kết quả có chất lượng cao.

Trong khi đó ở ta kinh phí đào tạo được tách riêng do Bộ GD-ĐT quản lý và không gắn với các đề tài, còn việc phân kinh phí đề tài nghiên cứu thì không tuân theo chuẩn mực quốc tế và có nhiều tiêu cực. 

Số đông các NCS chỉ hướng tới các chức sắc và các vị thâm niên có thế để dễ có được tấm bằng TS hình thức, chứ không phải lao động nghiêm túc với các nhà khoa học giỏi để trở thành một nhà khoa học đẳng cấp. Hậu quả là có nhiều bằng cấp và chức danh rởm, trong khi tiềm năng của một số nhà khoa học có năng lực thì không được tận dụng.

Ngay cả các NCS của ta được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cũng không có động lực mạnh để phấn đấu công bố quốc tế, trừ phi NCS có năng lực và yêu nghề, muốn lập nghiệp ở nước ngoài, hay do trường và GS hướng dẫn đòi hỏi, hay các chính sách và chế độ ở VN có các đãi ngộ cụ thể hấp dẫn khi họ trở về.

Với tình hình hiện nay, tôi đề nghị 1 giải pháp tình thế: trên cơ sở số lượng NCS tiềm năng của  mỗi năm, kêu gọi các thầy hướng dẫn tiềm năng đăng ký. 

Chọn trong số các thầy tiềm năng này số người có thành tích công bố quốc tế tốt nhất, tiếp đến là các chủ trì đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành, NCCB của đủ các ngành, với số lượng nhiều hơn số NCS. Đồng thời, yêu cầu họ giới thiệu vấn đề khoa học cụ thể mà họ có thể hướng dẫn cùng danh mục công trình, đưa các thông tin đó lên website của Bộ GD-ĐT trong một thời gian quy định để các NCS trực tiếp liên hệ đồng thời với nhiều thầy, thảo luận chuyên môn, chọn thầy hướng dẫn thích hợp nhất, và thầy cũng chọn được NCS thích hợp. Cũng nên giới hạn số NCS tối đa 1 thầy có thể đồng thời hướng dẫn. 

Tất nhiên để các NCS chịu dấn thân phấn đấu nghề nghiệp còn phải có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng tôi nghĩ cách làm công khai như thế này cũng tiến bộ hơn nhiều cách làm như du kích hiện nay.

Lấy công bố quốc tế làm chuẩn mực xét TSKH

Đòi hỏi luận án TS phải có công bố quốc tế là quyết tâm lớn của Bộ GDĐT nhằm nâng cao về chất khoa học giáo dục nước nhà hướng tới hội nhập. Tuy nhiên dư luận còn băn khoăn nhiều về tính khả thi và lộ trình từng bước thế nào để hướng tới mục tiêu đó trong giai đoạn quá độ hiện nay.

Các Hội đồng chức danh ngành

Thành viên các hội đồng chức danh - phần lớn  (nếu không phải tất cả) - phải là các nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế tiêu biểu nhất, có tinh thần hướng tới hội nhập, và các hội đồng này cũng cần thường xuyên được thay đổi và bổ sung.

Hội đồng chức danh GS nhà nước nên có ít nhất 2 người đại diện cho mỗi ngành: 1 từ khối các ĐH, và 1 từ khối các Viện nghiên cứu – gọi là GS nghiên cứu (Reseach Professor).

Hiện có một nhu cầu thực tế ở VN là nhiều người cần bằng TS để tiến thân trong công tác lãnh đạo, quản lý, chứ không phải là làm khoa học chuyên nghiệp. Như một nhà kinh tế Việt kiều ở Nhật đã viết cho VietNamNet và Tuổi trẻ, số TS kinh tế của chúng ta nhiều hơn số TS kinh tế của Nhật, và số các nhà quản lý của chúng ta có bằng TS kinh tế cũng nhiều hơn của Nhật. Nhiều cấp Tá công an phấn đấu có bằng TS luật để có điều kiện được xét thăng tiến lên cấp Tướng. 

Một phân tích khác cho thấy số TS của chúng ta làm quản lý chiếm tỷ lệ 70%, và chỉ 30% là làm chuyên môn. Tình trạng này chắc sẽ khó có thể được thay đổi ngày một ngày hai.

Thực tế thì nhà quản lý có thêm bằng TS kinh tế cũng có phần giúp nâng cao cái tầm nhìn của họ và các nhà lãnh đạo cũng có thêm cơ sở để xét cất nhắc, và bằng TS luật cũng giúp các Tướng công an hiểu sâu hơn các vấn đề của pháp luật và pháp quyền trong một xã hội văn minh, nếu có được các chuẩn mực khách quan nhất định bảo đảm. Tuy nhiên trên thực tế, dù thế nào thì điều này cũng đang góp phần làm suy giảm các chuẩn mực chuyên môn của khoa học VN.

Bởi vậy tôi đề nghị, phù hợp với mục tiêu đã đề ra ở trên, Bộ GD-ĐT xét công nhận thêm danh hiệu TSKH cho các TS có được các công bố quốc tế theo chuẩn mực quy định. Các TS làm chuyên môn, kể cả các TS được đào tạo ở nước ngoài, mà còn chưa có công bố quốc tế cần phải tự phấn đấu tiếp để có được danh hiệu này trong thăng tiến nghề nghiệp.

Bỏ bằng TSKH được phong "chiếu cố"

Bằng TS bậc 2 (hiện gọi là TSKH) theo tôi nên bỏ, vì trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng thực chất và không công bằng. Nhiều TSKH của ta được phong chiếu cố ở Đông Âu do hữu nghị. Có những TSKH của ta được phong ở Liên Xô vào thời kỳ lộn xộn những năm 90 thậm chí không có được nổi lấy một bài báo đăng tạp chí khoa học uy tín và còn ở dưới cả mức yêu cầu của luận án PTS ở Liên Xô thời ổn định. 

Bộ GDĐT có thể dễ dàng kiểm tra điều này nếu yêu cầu mọi TSKH của ta khai danh mục công trình, và tiến hành thẩm tra. Tuy nhiên vì nhiều lý do, nếu danh hiệu này vẫn còn được duy trì, ta nên định kỳ xét phong danh hiệu TS bậc 2 cho các nhà khoa học các ngành đạt tới số công trình công bố quốc tế theo quy định.

Xây dựng các tiêu chí chuẩn mực quốc tế cho các học vị, chức danh, đề tài nghiên cứu khoa học là tiền đề quyết định cho khoa học VN phát triển, là hòn đá thử cho tính hiệu quả của mọi chính sách khoa học được đề xuất. Kinh tế và Thể thao của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc thời gian qua nhờ biết hướng tới các chuẩn mực quốc tế: các tiêu chí thị trường, chất lượng sản phẩm, số huy chương vàng SEA games, …

  • PGS Phạm Đức Chính
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;