(VietNamNet) - Vào thứ 4, ngày 12/12 tới, trang tin học liệu mở tại Việt Nam sẽ ra mắt. Những người biên soạn chương trình đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và triển vọng về tương lai của học liệu mở ở nước ta.
TS Phạm Đình Trực (ĐH Quốc gia TP.HCM, nhóm biên soạn Điện tử - Viễn thông): Đa dạng hóa loại hình đào tạo để tận dụng học liệu mở
Lễ ký kết thỏa thuận đưa học liệu mở vào VN giữa Bộ GD-ĐT, VEF và công ty VASC. Ảnh: Chí Dũng
Học liệu mở là một hình thức giảng dạy và học tập tích cực, được áp dụng ở nhiều trường đại học trên thế giới. Qua đó, kiến thức từ người thầy được truyền bá đến sinh viên nhờ các tài liệu được đưa lên mạng, các trao đổi tương tác giữa thầy và trò được quy trình hoá thành các câu hỏi, bài tập, bài trắc nghiệm, email…
Đối với nước ta, đây là một hình thức khá mới mẻ, bắt đầu được biết đến và triển khai gần đây, một mặt để nâng cao hiệu năng học tập và giảng dạy, mặt khác dần dần hoà nhập với quốc tế với các chuẩn đánh giá thống nhất.
Đối với sinh viên, học liệu mở cung cấp thêm nguồn tư liệu quý và khách quan trong học tập, kích thích sự năng động sáng tạo của bản thân sinh viên. Đối với giảng viên và nhà nghiên cứu, học liệu mở là môi trường giao tiếp kiến thức, hoàn thiện bài giảng, trao đổi trực tiếp và thân thiện với người học.
Chúng tôi không xây dựng từ đầu các trang này mà chủ yếu là tham khảo, tìm từ các trang học liệu mở đã có sẵn, được giới thiệu công khai trên mạng. Từ đó, chúng tôi sắp xếp lại về mặt nội dung sao cho phù hợp với đề cương môn học đã được xác định trước, theo một trình tự cho trước.
Công việc này tuy có thuận lợi là không phải tốn nhiều công sức xây dựng nội dung từ đầu, nhưng điều khó khăn chính là phải tìm đúng nguồn tài liệu đáp ứng yêu cầu, tìm nhiều hình thức phổ biến nội dung sao cho phong phú. Hiện nay, các trang học liệu mở chỉ mới hoàn thành về nội dung chính, sẽ còn được tiếp tục bổ sung thêm trong suốt quá trình vận hành, nên chưa thể nói là đã kết thúc.
Về nguyên tắc, nếu mọi môn học đều có trang học liệu mở tương ứng thì sinh viên có thể không cần đến trường học mà vẫn theo dõi nội dung và vẫn có thể tham dự kỳ thi môn học. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò của người thầy giảng dạy trên lớp vẫn là yếu tố then chốt không thể thiếu được. Do đó, học liệu mở vẫn chỉ là phương tiện bổ sung.
Với nước ta, vai trò của người thầy lại càng quan trọng hơn, nên những kinh nghiệm phát triển học liệu mở lại càng khác biệt so với những nước khác.
Thời gian tới, để học liệu mở phát triển ở VN, vấn đề then chốt là phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại các trường ĐH trên cơ sở đảm bảo tương đương về chất lượng. Phương thức đào tạo phải là phương thức tín chỉ, đặt yêu cầu chủ động của người học, cơ sở vật chất đầy đủ và sự công nhận và đưa vào sử dụng các trang học liệu mở từ phía thầy và trò cũng là các yếu tố quan trọng.
Một khi đã đưa các trang học liệu mở lên mạng nghĩa là chấp nhận sự chia sẻ nguồn thông tin cho mọi người. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý của các tài liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và cho phép tái sử dụng trong giảng dạy, người biên soạn trang học liệu mở phải tuân thủ các quy tắc chính của sở hữu trí tuệ như ghi rõ nguồn gốc và tên tác giả gốc của tài liệu đã được sử dụng, nêu rõ phạm vi và mục đích sử dụng của tài liệu cho môi trường giáo dục, không mang tính chất kinh doanh.
Trong trường hợp cần thiết, người biên soạn có thể phải trao đổi trực tiếp với các tác giả của nguồn tài liệu để thuyết minh yêu cầu sử dụng và tìm kiếm sự chấp thuận của tác giả.
TS. Võ Trung Hùng (ĐH Đà Nẵng, nhóm biên soạn Công nghệ Phần mềm): Các bước triển khai học liệu mở ở VN rất chắc chắn
Học liệu mở sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với giáo trình tiên tiến cho giảng viên và SVVN. Ảnh: Lê Anh Dũng
Từ khi tôi được mời tham gia nhóm biên soạn thử nghiệm cho một số môn học để đưa lên kho học liệu mở của VEF (8 môn học cho ngành Công nghệ Thông tin, 8 cho Công nghệ sinh học và 8 cho Điện – Điện tử) đến nay đã gần 1 năm.
Thuận lợi lớn nhất là tôi đã tham gia giảng dạy môn Công nghệ phần mềm nâng cao cho học viên cao học ngành Khoa học máy tính tại ĐH Đà Nẵng nên có sẵn slide và tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, theo qui định của học liệu mở và các thỏa thuận của VEF với các trường ĐH Hoa Kỳ (MIT và Rice) thì chúng tôi được quyền tham khảo, thậm chí sử dụng lại những mô-đun cần thiết trong tài liệu của mình.
Tuy nhiên, do tất cả các thành viên nhóm biên soạn đều là cán bộ giảng dạy các trường ĐH, ngoài ra còn tham gia công tác quản lý nên thời gian dành cho việc biên soạn tài liệu không được nhiều như các đồng nghiệp ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tài liệu đều biên soạn bằng tiếng Anh nên cũng gặp nhiều khó khăn dù tất cả các cán bộ tham gia nhóm biên soạn đều đã có thời gian học tập ở nước ngoài.
Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều từ những kinh nghiệm về việc xây dựng học liệu mở của các nước trên thế giới về các qui định liên quan đến các kho học liệu mở; các công cụ hỗ trợ phát triển; cách thức tổ chức môn học và những tài liệu liên quan; và thông tin phục vụ việc viết các tài liệu liên quan đến môn học.
Tôi thấy việc phát triển kho học liệu mở ở VN hiện nay được triển khai theo các bước rất chắc chắn như: thiết lập các quan hệ và môi trường pháp lý cần thiết với các đối tác ở nước ngoài (MIT, Đại học Rice…); xây dựng cơ sở hạ tầng (thiết lập các máy chủ tại nhiều trường đại học lớn trên cả nước); tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề; triển khai biên soạn một số giáo trình mẫu; và mở rộng ra tất cả các trường đại học khác. Đây cũng chính là các bước triển khai của các kho học liệu mở trên thế giới.
Việc phát triển các kho học liệu mở là một xu hướng trên thế giới, là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ tri thức, giảm chi phí, công sức vì toàn thể cộng đồng cùng tham gia phát triển và cùng được hưởng lợi từ các kho dữ liệu mở này.
Tại VN, cùng với sự đổi mới tích cực về phương pháp dạy và học, việc xây dựng các kho giáo trình điện tử đã được triển khai từ nhiều năm nay ở một số trường như ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) với 444 giáo trình trên Internet, ĐH Cần Thơ, mạng Edunet…
PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương (ĐHQG TP.HCM, nhóm biên soạn ngành Sinh học Phân tử): Cách học khác với truyền thống
Đối với người học ở VN, học liệu mở sẽ cung cấp cái nhìn về một cách học khác với kiểu học truyền thống. Nếu người học sử dụng hợp lý, sẽ có khả năng chủ động tốt hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, học liệu mở có nhiều nội dung có khả năng hỗ trợ tốt cho giáo trình lý thuyết như các phần đọc thêm, bài tập ở nhà…
Học liệu mở cung cấp thêm một giáo trình tham khảo và nguyên liệu để xây dựng giáo trình của mình. Người học được quan tâm tốt hơn như được cung cấp thông tin về lịch học, lịch thi, về yêu cầu đối với môn học, về cách đánh giá môn học... Theo cách dạy này, người dạy sẽ phải đầu tư công sức nhiều hơn cho chuyên đề của mình.
Tìm kiếm tài liệu tham khảo phù hợp và mô hình học liệu mở thích hợp với môi trường học ở VN tốn một khoảng thời gian khá dài.
Bên cạnh đó, học liệu mở của MIT, nguồn tham khảo chính thì quá chuyên sâu, hoặc không đủ thông tin do nhiều hình ảnh không được đưa lên mạng, có lẽ do vướng chuyện bản quyền. Chúng tôi phải xin phép một nhà xuất bản của Hoa Kỳ để được sử dụng hình ảnh trong một cuốn sách của họ và phải chờ được sự cho phép.
Chúng ta lại thiếu kinh nghiệm để xây dựng một học liệu mở với đầy đủ các nội dung cần thiết. Bây giờ sau khi biên soạn gần xong, chúng tôi vẫn chưa chắc chắn học liệu mở này có đáp ứng đúng yêu cầu hay không
Đối tượng phục vụ của học liệu mở khá đa dạng so với các giáo trình chúng tôi phụ trách từ trước đến nay nên khó chuẩn bị nội dung cho phù hợp. Giáo trình được soạn bằng tiếng Anh nên mất nhiều thời gian để cố gắng hoàn thiện phần viết
Tuy nhiên, rất may là VEF và Bộ GD-ĐT đã cố gắng cung cấp tối đa các thông tin hữu ích cho việc biên soạn học liệu mở và tập huấn các thành viên phụ trách kỹ thuật.
Đối với tôi, học liệu mở là một “gợi ý” về cách tiếp cận vấn đề nhiều hơn là “giải quyết” vấn đề nên công phu đầu tư vào đó không giống như đối với sách viết, hơn nữa học liệu mở có thể được “sửa sai”, “cập nhật” dễ dàng hơn rất nhiều không chỉ bởi tác giả mà còn có thể từ những người sử dụng.
Như vậy có thể xem đó như một dạng công trình tập thể, với một độ tin cậy nhất định, và “bản quyền” cũng sẽ mang một tính tập thể nhất định.
- Lan Hương