Nhiều nước phát triển đã nhiều lần thay đổi chính sách giáo dục trong hàng chục năm qua song thành tích của học sinh vẫn không tăng. Trong khi đó, một số nước luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Nhóm nước thành công có điểm gì chung? Theo khảo sát của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, câu trả lời không phải là chi nhiều tiền hơn.
Ông Michael Barber, từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng chính phủ Anh đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh của chính sách giáo dục tại England và Wales, nhiều hơn một lần, bao gồm việc cấp vốn cho các trường học, các tiêu chuẩn giáo trình, đánh giá và kiểm tra, vai trò của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương, phạm vi và bản chất của các cơ quan quốc gia, công tác tuyển sinh.
Những khía cạnh này được đổi đi đổi lại song điều duy nhất chưa thay đổi là kết quả.
Theo Tổ chức nghiên cứu giáo dục quốc gia, cho tới gần đây, vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể về chất lượng văn và toán tại các trường tiểu học trong 50 năm qua.
England và Wales không đơn độc. Australia đã tăng chi tiêu cho giáo dục trên mỗi đầu học sinh gần gấp ba lần kể từ năm 1970 tới nay, song không có chuyển biến nào. Chi tiêu của Mỹ cũng tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980 và sĩ số mỗi lớp được giảm tới mức thấp nhất từ trước tới nay. Lại một lần nữa, chẳng có kết quả gì. Dường như dù họ làm gì đi nữa, các tiêu chuẩn vẫn từ chối nhúc nhích. Có điều gì đó trục trặc ở đây.
Ba việc cần làm
Có những khác biệt lớn về tiêu chuẩn giáo dục giữa các quốc gia. Những tiêu chuẩn này đã được đo đi đo lại bởi Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD.
Trước tiên, chương trình này đã xác định rằng các nước có thành tích giáo dục tốt nhất làm tốt hơn nhiều so với các nước có thành tích tồi nhất.
Thứ hai, có những quốc gia luôn đứng đầu bảng xếp hạng: Canada, Phần Lan, Nhật, Singapore và Hàn Quốc.
Những kết quả trên làm dấy lên một câu hỏi: nhóm nước thành công có điểm gì chung? Câu trả lời không phải là chi nhiều tiền hơn. Singapore chi ít tiền hơn cho mỗi đầu học sinh so với phần lớn các nước khác. Thời gian học của học sinh cũng không tăng thêm. Học sinh Phần Lan bắt đầu giờ học muộn hơn và thời gian học ít hơn so với các nước giàu khác.
Giờ thì một tổ chức ở ngoài ngành giáo dục - McKinsey - đã dũng cảm thực hiện một công việc mà các nhà giáo dục gần như chưa bao giờ làm: đưa ra những khuyến nghị về chính sách dựa trên các kết quả của PISA. McKinsey là một cơ quan toàn cầu, chuyên tư vấn cho các công ty và chính phủ, thành lập từ năm 1926.
McKinsey nói rằng các trường cần làm ba việc. Đó là tuyển những giáo viên giỏi nhất, tạo điều kiện để giáo viên phát huy hết năng lực, và can thiệp ngay khi học sinh bắt đầu học hành sa sút.
Liệu các trường đã thực sự làm những việc trên hay chưa? Thực tế là chưa. Nếu những khuyến nghị này được thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ có những cải thiện lớn về thành tích giáo dục.
Bắt đầu với việc tuyển dụng các giáo viên giỏi nhất. Một quan chức Hàn Quốc đã nói: ’’chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt qua chất lượng của các giáo viên trong hệ thống đó’’.
Các nghiên cứu tại Tennessee và Dallas (Mỹ) đã chỉ ra rằng, nếu bạn nhận những học sinh có khả năng trung bình và giao các em này cho những giáo viên nằm trong tốp 20% giáo viên giỏi nhất, các em cuối cùng sẽ lọt vào 10% những học sinh có thành tích tốt nhất. Nếu giao cho những giáo viên nằm trong tốp 20% giáo viên kém nhất, các em sẽ đội sổ. Chất lượng giáo viên ảnh hưởng tới thành tích của học sinh nhiều hơn mọi yếu tố khác.
Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống trường không tuyển dụng những giáo viên giỏi nhất. Uỷ ban mới về các kỹ năng của lực lượng lao động Mỹ - một tổ chức phi lợi nhuận, nói rằng Mỹ tuyển dụng các giáo viên thuộc tốp 30% cử nhân kém nhất. Washington, DC, gần đây đã thuê một nhân viên thuộc Teach for Ameria, tổ chức chuyên tìm kiếm những cử nhân hàng đầu và thuê họ dạy học trong hai năm, làm cố vấn cho các trường công tại đó. Việc bổ nhiệm bà cũng như bản thân tổ chức này đã gây ra một cơn bão.
Một lớp học |
Hầu hết, mọi quốc gia giàu có gần đây đã cố gắng giảm sĩ số các lớp học.
Tuy nhiên, lớp học nhỏ hơn đồng nghĩa với nhiều giáo viên hơn trong khi kinh phí lại cố định, dẫn tới lương bổng thấp hơn và địa vị nghề nghiệp kém hơn. Thực trạng này có thể giải thích nghịch lý rằng: sau cấp tiểu học, dường như có ít hoặc không có mối liên hệ giữa sĩ số và thành tích giáo dục.
McKinsey cho rằng, các hệ thống giáo dục có thành tích tốt nhất đã thành công trong việc thu hút các giáo viên giỏi nhất.
Tại Phần Lan, mọi giáo viên mới phải có bằng thạc sĩ. Hàn Quốc tuyển dụng giáo viên tiểu học từ tốp 5% cử nhân giỏi nhất trong khi Singapore và Hàn Quốc tuyển dụng từ tốp 30% giỏi nhất.
Những nước này đã thực hiện chính sách trên theo một cách đáng ngạc nhiên. Người ta có thể nghĩ rằng, các trường nên đưa ra mức lương càng cao càng tốt, cố gắng thu hút nhiều sinh viên vào ngành sư phạm và sau đó chọn những cử nhân giỏi nhất.
McKinsey nói rằng: không phải vậy. Nếu tiền quan trọng tới mức đó, thì các quốc gia nơi tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất - Đức, Tây Ban Nha và Thuỵ Sĩ - hiển nhiên sẽ nằm trong nhóm nước có thành tích tốt nhất. Thế nhưng, họ lại không nằm trong nhóm đó.
Thực tế, các nước có thành tích giáo dục tốt nhất trả lương cho giáo viên không nhiều hơn mức trung bình.
Họ cũng không khuyến khích nhiều sinh viên học ngành sư phạm rồi chọn ra những cử nhân thành công nhất. Họ làm điều ngược lại.
Singapore chọn lọc các sinh viên thi vào ngành sư phạm trước khi đào tạo họ và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành. Ngay khi được tuyển chọn, sinh viên sẽ được bộ giáo dục thuê và ít nhiều được đảm bảo việc làm. Phần Lan cũng hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên sư phạm, sao cho cung bằng cầu.
Tại cả hai nước này, dạy học là một nghề cao quý do sự cạnh tranh khốc liệt và sự đầu tư lớn cho mỗi sinh viên sư phạm (vì có ít sinh viên).
Hàn Quốc là ví dụ cho thấy hai hệ thống này tạo ra kết quả khác nhau như thế nào. Các giáo viên tiểu học tại đây phải lấy được bằng cử nhân 4 năm từ một trong 12 trường đại học. Chỉ những sinh viên có thành tích xuất sắc nhất mới được tuyển chọn vào học ngành sư phạm và chỉ tiêu tuyển sinh khớp với những chiếc ghế giáo viên bỏ trống. Trái lại, giáo viên trung học cơ sở có thể chỉ cần văn bằng từ một trong số 350 trường đại học, với các tiêu chí chọn lựa lỏng lẻo hơn. Điều này đã dẫn tới thực trạng thừa giáo viên trung học cơ sở với tỷ lệ chọi là 11/1. Kết quả là dạy học ở trường trung học cơ sở là công việc có địa vị thấp hơn ở Hàn Quốc và tất cả mọi người muốn là một giáo viên tiểu học.
Bài học dường như là: tuyển sinh viên vào học ngành sư phạm cần phải khắt khe, không được dễ dãi.
Giá trị châu Á hay chính sách hay?
Sau khi tuyển những giáo viên giỏi, xu hướng chung là đẩy họ vào các lớp học và để họ xoay sở trong đó. Vì những nguyên nhân dễ hiểu, các giáo viên hiếm khi được đào tạo nhiều trong chính lớp của họ (trái lại, các bác sĩ lại được đào tạo nhiều tại các phòng khám bệnh viên). Tuy nhiên, các nước thành công nhất vẫn có thể làm nhiều thứ để vượt qua khó khăn này.
Singapore dành cho các giáo viên 100 giờ đào tạo mỗi năm và bổ nhiệm các giáo viên lâu niên giám sát sự phát triển nghề nghiệp tại mỗi trường. Tại Nhật và Phần Lan, các nhóm giáo viên thăm lớp học của nhau và cùng nhau chuẩn bị các bài giảng. Ở Phần Lan, giáo viên mỗi tuần được nghỉ một buổi chiều cho mục đích này. Ở Boston, nơi có một trong các hệ thống trường công tốt nhất ở Mỹ, các trường lên kế hoạch để những giáo viên dạy cùng một môn có thời gian ngồi lại với nhau để hoạch định bài giảng. Biện pháp này góp phần tuyên truyền các ý tưởng hay.
Một nhà giáo dục đã nhận xét: ’’khi một giáo viên giỏi người Mỹ nghỉ hưu, gần như tất cả các kế hoạch giảng dạy và phương pháp giảng dạy mà người đó tạo dựng cũng nghỉ hưu theo. Khi một giáo viên Nhật nghỉ hưu, giáo viên đó để lại một di sản’’.
Cuối cùng, các quốc gia thành công nhất không chỉ nổi tiếng trong việc tuyển dụng giáo viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy mà còn nổi tiếng về việc họ sẽ làm gì khi mọi việc trục trặc, như họ vẫn thường làm. Trong vài năm qua, hầu hết các nước đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới kiểm tra - cách phổ biến nhất để đánh giá liệu các tiêu chuẩn giảng dạy có giảm sút hay không.
Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng cách làm này không hữu ích. Trong khi Boston kiểm tra mọi sinh viên hàng năm, thì Phần Lan gần như xoá bỏ các kỳ thi quốc gia. Tương tự, các trường ở New Zealand và England cũng như Wales được kiểm tra 3-4 năm một lần và kết quả được công bố. Trong khi đó, Phần Lan, nơi hệ thống giáo dục có thành tích vào loại tốt nhất thế giới không có hệ thống đánh giá chính thức và giữ bí mật kết quả kiểm tra không chính thức.
Vậy nên làm gì ngay khi học sinh và các trường bắt đầu thụt lùi. Các nước có thành tích giáo dục hàng đầu can thiệp sớm và thường xuyên. Phần Lan có nhiều giáo viên giáo dục đặc biệt hơn so với mọi nước khác với tỷ lệ cứ 7 giáo viên thì có một giáo viên loại này. Họ chuyên trách về các học sinh chậm tiến. Trong một năm, 1/3 học sinh được tham dự các bài học mà trong đó chỉ có một học sinh một giáo viên. Singapore mở các lớp học thêm cho 20% học sinh kém nhất và giáo viên được mong đợi ở lại sau giờ lên lớp để giúp các học sinh này.
Thực hiện những công việc trên không khó. Tuy nhiên, nó trái ngược với quan điểm ngầm của chính sách giáo dục hiện nay. Khi tuyển dụng một giáo viên hoặc một nhà quản lý giáo dục, người ta thường nói rằng không thể có được những giáo viên tốt nhất mà không trả lương cao, rằng các giáo viên ở Singapore có địa vị cao bởi các giá trị Nho giáo hoặc rằng các học sinh châu Á ngoan và chăm chú hơn vì những lý do văn hoá.
Kết luận của McKinsey dường như lạc quan hơn: tuyển được những giáo viên giỏi phụ thuộc vào cách thức chọn lựa và đào tạo họ. Các cử nhân hàng đầu có thể chọn dạy học là nghề nghiệp của họ mà không cần lương cao. Và với các chính sách đúng đắn, các trường học và học sinh sẽ không tụt lại phía sau.
-
Minh Sơn (Theo Economist)