(VietNamNet) - "Lâu nay, chúng ta vẫn hay nghĩ "tuổi trẻ đi liền với sự táo bạo", gắn với sự mạo hiểm, gắn với sự bứt phá với tốc độ lớn. Và giới trẻ vẫn nghĩ, có cơ hội để sửa chữa sai lầm nếu mắc phải. Chính nếp nghĩ này khiến cho một bộ phận trong giới trẻ có thể sớm bằng lòng với mình hơn. Khép lại chuyên đề "kế hoạch cuộc đời", hy vọng các bạn, sẽ phác thảo cho mình những dự định để đi tới tương lai bằng bước chân đầy bứt phá.
Tiến sĩ (TS) Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, giới trẻ cần phải khắc phục cách nghĩ đó.
Khép lại chuyên đề "kế hoạch cuộc đời" với trao đổi cùng TS Bình, VietNamNet hy vọng các bạn, đặc biệt là những người trẻ, sẽ phác thảo cho mình những dự định để đi tới tương lai bằng bước chân tự tin và đầy bứt phá.
Dưới đây là cuộc trò chuyện:
- Ông nhìn nhận như thế nào khi có ý kiến cho rằng "việc lập kế hoạch cuộc đời của giới trẻ chưa là thói quen"?
Tôi cũng đồng tình với nhìn nhận đó. Có lẽ trong buổi "giao thời" này, mọi người đang bị thu hút rất nhiều vào những cái hàng ngày. Việc hình thành một nề nếp trong kiểm soát sự phát triển có quy hoạch, kế hoạch và đặt ra những "quỹ đạo" phát triển của cuộc sống chưa phải là thói quen, chưa phải là nếp văn hóa ứng xử cần thiết của giới trẻ.
Lâu nay, chúng ta vẫn hay nghĩ "tuổi trẻ đi liền với sự táo bạo", gắn với sự mạo hiểm, gắn với sự bứt phá với tốc độ lớn. Và giới trẻ vẫn nghĩ có cơ hội để sửa chữa sai lầm nếu một khi mắc phải. Chính nếp nghĩ này khiến cho một bộ phận trong giới trẻ có thể sớm bằng lòng với mình hơn.
Tôi cho rằng, giới trẻ cần phải khắc phục cách nghĩ đó. Đương nhiên, khi nói đến giới trẻ là nói đến năng lực tự thân, nói đến sự bứt phá, mạnh mẽ, quả cảm. Tuy nhiên, sự quả cảm không đồng nghĩa với tinh thần "điếc không sợ súng" mà phải có sinh lực, trí tuệ đầy ắp ý chí cũng như những kế hoạch hành động...
Việc lập kế hoạch như thế nào cho khoa học là vấn đề cần bàn và cần lật đi lật lại nhiều khía cạnh. Có người tôn trọng lịch làm việc cứng nhắc và cho đó là khoa học. Nhưng có người với lịch làm việc uyển chuyển hơn phụ thuộc vào đặc thù nghề nghiệp.
- Việc lập kế hoạch chưa là thói quen của giới trẻ do chương trình giáo dục chưa có những định hướng cụ thể?
Đúng là vấn đề này cũng có những tác động từ tầm vĩ mô. Thực ra, ở tầm vĩ mô, khâu kế hoạch của chúng ta cũng không mạnh.
Ở tầm đó cũng chưa đặt được các cá thể, chưa đặt được các nhóm xã hội vào kế hoạch có tính chặt chẽ của cả cộng đồng.
Do vậy, đến những thành viên cũng có độ "du di". Văn hóa phương Đông hay nói đến sự "du di" trong tính kế hoạch, trong ứng xử. Và sự "du di" cũng là văn hóa của Việt Nam...
- Thói quen văn hoá không phù hợp thì cũng cần có sự thay đổi ?
Tôi cho rằng, không có sự đoạn tuyệt một cách nhất thiết với văn hóa đó. Nhưng phải có điều chỉnh theo trình độ quy mô của lực lượng sản xuất. Nói ngôn ngữ đời thường tức là những đòi hỏi, sức ép của thị trường lao động; đòi hỏi của đời sống hàng ngày gây áp lực lên các bạn trẻ như thế nào thì nó sẽ được điều chỉnh như vậy.
- Đem so sánh với giới trẻ các nước, ông có thể đưa ra những kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch cần học hỏi?
Điều này rất khó. Chúng ta có thể so sánh với các nước trong khu vực cũng với những nét rất ước lệ.
Chẳng hạn như người châu Âu, phương Tây nói chung, họ duy lý; người phương Đông thì duy tình. Trong người phương Đông thì có thể mạnh dạn chỉ ra như người Đông Nam Á thì hay làm ăn theo kiểu "dung dăng dung dẻ" không phải với một tinh thần kỷ luật lao động cao lắm.
Phải xuất phát từ những thuộc tính, những đặc trưng có tính chất khu vực hằn sâu vào từ nhiều đời là do đặc điểm của nền sản xuất.
Cũng không loại trừ những đặc điểm của môi trường tự nhiên, xã hội... hình thành nên bản lĩnh của từng người.
Thói quen ứng xử một cách văn hóa nhuần nhụy của người Việt Nam chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa có chút âm hưởng của Nho giáo làm cho người ta có quảng giao nhất định, nhưng cũng đạt tới cái gì đó nghiêm túc, tương đối chặt chẽ.
Tôi nghiêng về ý: Người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, vẫn có điều kiện để triển khai những nền nếp nghiêm túc những kế hoạch tương đối chính thức đối với mỗi người.
Nếu đặt thói quen như vậy, thì không thể với giới trẻ của các nước phương Tây thì tính chất duy lý, tính chất chặt chẽ không bằng. Vì người Việt Nam vẫn duy tình, cảm xúc rất dồi dào trong công việc. Khi làm việc cũng trọng nhiều tính bằng hữu.
Như vậy, người Việt Nam vẫn có sự nghiêm túc nhất định nhưng cũng có sự mềm mại. Do đó, giới trẻ Việt Nam vẫn hơn những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
- Để xây dựng việc lập kế hoạch trở thành thói quen của giới trẻ thì phải bắt đầu từ đâu?
Điểm bắt đầu phải xuất phát từ bản thân của mỗi thành viên, của chính giới trẻ. Tức là phải thường xuyên xem mình đang ở đâu.
Khi chúng ta gia nhập WTO - một sân chơi lớn, luật lệ chung trên bình diện thế giới thì chúng ta không được phép đi riêng nữa trong rất nhiều lĩnh vực.
Điều này có nghĩa, không chỉ phải tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại, chúng ta cần rèn tinh thần kỷ luật; tính nghiêm túc, đòi hỏi khắt khe về mặt thời gian của sự phát triển trong làm ăn kinh tế, trong tổ chức xã hội theo lối mới tức là tôn trọng lề luật hơn cộng với những truyền thống cũ.
- Nếu so sánh tính thành công của giới trẻ có kế hoạch và không có kế hoạch, ông sẽ bình luận gì?
Đó là vấn đề rất thú vị. Trên thực tế, có những người tính kế hoạch rất yếu, không lập kế hoạch vẫn đạt được những thành công thậm chí vang dội. Nhưng, đó là những cú "ăn may" có tính chất ngẫu nhiên...
Và tính ngẫu nhiên có thể đến với rất nhiều người. Nhưng trong cuộc chơi như vậy, người nào có tính kế hoạch rõ hơn, người nào tính hướng đích mạnh mẽ hơn trong việc thực thi các công việc của đời mình thì người đó sẽ tiết kiệm được thời gian, không lãng phí nguồn lực.
Như vậy, kết quả đạt được tỷ lệ thuận với đầu tư và luôn mang lại hiệu quả kinh tế đối với những người có óc lập kế hoạch.
Lâu nay, việc quản lý giới trẻ, việc tổ chức đội hình của thanh niên, đội hình giới trẻ tiến quân vào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để sáng tạo ra các giá trị... trên thực tế chưa thực sự đủ mạnh.
- Cũng có ý kiến đặt vấn đề, để tạo thói quen lập kế hoạch của giới trẻ cần có định hướng từ nhà trường. Ông có đồng ý với đề xuất này?
Hiện, chương trình giáo dục của chúng ta rất quá tải. Khuyến cáo của mọi người cần phải đưa vào trong chương trình giáo dục, được đào tạo từ nhà trường... Nhưng, những trang bị đó thực ra là kỹ năng sống. Đã là kỹ năng thì phải làm không ngưng nghỉ và cần phải đặt mạnh nó ở lĩnh vực truyền thông. Xây dựng nề nếp đầu tiên phải từ lĩnh vực truyền thông và truyền thông bao giờ cũng gắn với giáo dục...
Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
Các bài viết trong dòng chủ đề:
Ý kiến của bạn