(VietNamNet) - "Viết một vài cuốn sách có chất lượng, công bố hàng chục bài báo ở những tạp chí chuyên môn có uy tín nhiều khi còn dễ hơn được phân công hướng dẫn chính... hai nghiên cứu sinh. Nếu áp dụng tiêu chuẩn để được công nhận GS, phải hướng dẫn thành công 2 nghiên cứu sinh, tỷ lệ GS dưới 50 tuổi của VN còn thấp hơn".
Bạn đọc Hoàng Xuân, PGS một trường ĐH lớn, đã tham gia hướng dẫn 9 nghiên cứu sinh (hướng dẫn chính 3 người, có 4 người bảo vệ thành công luận án) nêu vấn đề.
Năm 2006, trong số 44 người được công nhận chức danh GS, chỉ có 4 người dưới 50 tuổi. Trong ảnh: Đại biểu dự lễ công nhận GS năm 2006 ngày 9/11. Hoàng Lê |
Như các phương tiện truyền thông đưa tin, tỉ lệ GS dưới 50 tuổi ở nước ta là cực kì thấp. Nhưng sắp tới, nếu một trong điều kiện “cứng” để được công nhận GS là phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh, tôi e rằng, tỉ lệ này sẽ còn thấp hơn nữa.
Lí do rất đơn giản: viết một vài cuốn sách có chất lượng, công bố hàng chục bài báo ở những tạp chí chuyên môn có uy tín nhiều khi còn dễ hơn được phân công hướng dẫn chính... hai nghiên cứu sinh.
Có thể, do đặc thù một số ngành, số lượng nghiên cứu sinh ít. Lúc đó, những PGS trẻ tuổi mong cơ sở đào tạo giao cho một nghiên cứu sinh để hướng dẫn chính cũng thật không dễ dàng, có khi phải đợi rất lâu, bởi lẽ phía trên còn các GS lớn tuổi hơn. Được phân công hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh đã khó, nói chi chuyện hướng dẫn chính hai nghiên cứu sinh gần nhau.
Nhưng ngay cả khi cơ sở có số lượng nghiên cứu sinh khá đông, khả năng một PGS được phân công hướng dẫn chính hai nghiên cứu sinh gần nhau cũng là rất thấp, trừ khi PGS đó là người có quyền hành (quản lí). Việc phân bổ hướng dẫn nghiên cứu sinh hiện nay ở các cơ sở đào tạo, theo quan sát của tôi, thường phụ thuộc vào một số người có thế lực, và đó là điều không tốt.
Tình trạng chung là các PGS và các Tiến sĩ thường được phân công hướng dẫn phụ. Và nói thật, nhiều khi đề tài và hướng đi lại do người hướng dẫn phụ đề xuất, và nghiên cứu sinh thật sự làm việc nhiều hơn với người hướng dẫn phụ.
Tôi ủng hộ việc nâng cao tiêu chuẩn phong GS, nhưng tiêu chuẩn đó nên tập trung vào số lượng và chất lượng công trình được công bố.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, GS Đỗ Trần Cát, Thư kí Hội đồng chức danh Nhà nước có nói rằng đã là GS thì phải có nhiều học trò, phải xây dựng nên trường phái học thuật riêng... Tôi hoàn toàn nhất trí với điều này.
Nhưng có nhiều học trò không hoàn toàn đồng nhất với việc đã hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công. Trong tình hình Việt Nam, với tư cách là một người cũng đã nhiều năm tham gia đào tạo sau ĐH ở bậc cao học và tiến sĩ, tôi cho rằng tiêu chí này nên điều chỉnh và điều chỉnh như sau:
-Nếu đã hướng dẫn phụ ba nghiên cứu sinh, thì tính bằng hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh (vì nếu không như vậy, những người hướng dẫn phụ sẽ rất thiệt thòi).
-Có thể yêu cầu ứng viên GS phải hướng dẫn chính hai nghiên cứu sinh, nhưng chỉ cần một người bảo vệ thành công là được, còn người kia có thể vẫn đang còn thời hạn làm luận án).
Về số điểm công trình, tôi cho rằng mức 12 điểm là hơi thấp, có thể nâng lên gấp rưỡi số này.
-
Hoàng Xuân