(VietNamNet) - Thống kê mới nhất đến tháng 11/2006 của Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho thấy, độ tuổi trung bình của các chức danh GS, PGS Việt Nam hiện đang đứng ở mức cao.
Cụ thể, 80% GS độ tuổi trên 60.
Số GS có độ tuổi trẻ hơn chủ yếu là những người mới được công nhận hàng năm, từ năm 2000 đến nay. GS có tuổi thấp nhất là 45 (sinh năm 1961).
Ở chức danh PGS, hơn 30% có độ tuổi trên 60. PGS độ tuổi thấp nhất là 35 (sinh năm 1971).
Từ năm 1981 tới năm 2006, sau nhiều đợt công nhận, cả nước hiện có 7.192 GS và PGS (trong đó, GS: 1.217: PGS: 5.975).
Tính riêng từ năm 2000 cho tới 2006, theo quy định mới được thực hiện hàng năm, đã có 2.753 người được công nhận các chức danh này.
Theo GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước, ngoài dấu hiệu đáng lo ngại về tỷ lệ GS, PGS nhiều tuổi quá lớn, một con số đáng lưu tâm khác là: tỷ lệ GS, PGS đang làm việc chỉ đạt non nửa so với tổng số người được công nhận.
Cụ thể, số GS đang làm việc so với tổng số GS được công nhận là 42,4%. Số PGS đang làm việc trên tổng số PGS được công nhận là 45,82%.
Tỷ lệ các GS, PGS đang làm việc ở cơ sở đại học là 68,9%; ở các viện nghiên cứu khoa học là 25,9%. Còn lại, 5,2% ở các cơ quan khác.
Theo một khảo sát nhằm phục vụ xây dựng chế độ công nhận chức danh GS, PGS mới (thay thế quy định ban hành năm 2001) mà Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tiến hành năm 2005, có gần 60% GS không dùng internet.
"Điều kiện làm việc và cuộc sống của các GS, PGS vẫn còn khó khăn, nhất là những người không có chức vụ quản lý. Một đề xuất đã được bàn thảo và có sự đồng thuận ở các cơ quan chính sách là đề nghị Chính phủ quy định thang lương riêng cho GS, PGS, tách khỏi thang lương giảng viên cao cấp và thang lương giảng viên chính", ông Cát cho biết.
-
Hạ Anh
Ý kiến của bạn: