Việt Nam đầu tư về tiền của cho khoa học còn quá ít, và lương trả cho người làm khoa học còn quá thấp. Lương chính thức trung bình của cán bộ giảng dạy nghiên cứu quá thấp (dưới 1 triệu đồng một tháng), không đủ cho họ sống và nuôi gia đình, nên họ phải làm nhiều việc "tay trái", có rất ít thời giờ dành cho khoa học.
-
Xem phần 1: Toán học Việt Nam: Danh và thực
-
Xem phần 2: Có phải làm toán là "ăn hại, tự sướng"?
GS Đỗ Đức Thái của ĐHSP Hà Nội (một người rất tích cực nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu sinh ở VN được phong GS cách đây mấy năm khi 42 tuổi, trẻ nhất trong đợt phong GS đó) có than phiền với tôi là bản thân anh cũng mất quá nhiều thời gian cho việc "kiếm cơm".
1.000$ và 50.000$
Để so sánh, lương của một GS toán ở Mỹ có thể trên một trăm nghìn đô la một năm, đủ để cho GS đó có một cuộc sống khá thoải mái về vật chất.
Ngay ở một số nước đang phát triển như Brazil, Trung Quốc, lương của những người làm khoa học cơ bản khá cao, đủ để cho họ sống mà không phải ngày nào cũng lo chuyện "cơm áo gạo tiền", yên tâm mà làm việc.
Một anh bạn tôi ở Brazil mới có bằng TS được ba năm có lương hơn 2000$/tháng. Các GS ở các trường ĐH lớn ở Trung Quốc có lương trên 1000$/tháng, và dễ dàng được cấp tiền vé máy bay đi dự các hội nghị quốc tế.
Ở Liên Xô cũ, lương của một người làm toán trung bình được quãng 300-400 rúp một tháng (so với giá cả thời đó: bàn là 7 rúp một cái, tủ lạnh 300 rúp một cái, ăn uống dưới 1 rúp một bữa), đủ để cho họ sống tương đối thoải mái tuy không phải là giàu có đặc biệt, yên tâm làm việc theo đúng ngành nghề của mình. Khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống giá cả thay đổi, các nhà toán học của Nga toàn tầm cỡ quốc tế nhưng lương không đủ sống nên bỏ ra nước ngoài làm việc rất nhiều.
Hồi là SV khoa Toán Cơ trường Lômônôxốp ở Nga (từ 1986 đến 1991), trong khoa có hơn hai chục SV và nghiên cứu sinh VN, phần lớn đều giỏi và ham học toán. Nhưng đến nay, may ra còn 1/3 trong số đó là theo nghề toán, số còn lại đã chuyển nghề (chủ yếu là làm máy tính hoặc doanh nghiệp, nói nôm na là đi buôn). Chuyện "cơm áo gạo tiền" chính là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người chuyển nghề: chẳng mấy ai có thể học được với cái bụng đói (và ở Nga thời đó có thể bị đói thực sự theo nghĩa đen). Khi đi buôn ra tiền mà làm toán không ra tiền thì toán học dễ bị coi là vô dụng.
Giá thành sản phẩm của một công trình khoa học ngành toán (đăng thành một bài báo trên một tạp chí khoa học nghiêm chỉnh) trên thế giới ước tính tương đương với giá một chiếc ô tô, tức trung bình tốn quãng vài chục nghìn đô la (trả lương cho nhà toán học và các chi phí khác) để làm ra một công trình toán học.
Ô tô xe sang có thể đắt gấp hàng chục lần xe làng nhàng, tạp chí toán học loại uy tín cao được trích dẫn nhiều gấp hàng chục lần loại làng nhàng, bài báo khoa học thì có những bài có giá trị gấp hàng trăm lần bài báo khác, và các nhà toán học ở những nơi tốt nhất lương cũng gấp nhiều lần ở những chỗ làng nhàng. Nhưng nói chung thì "tiền nào của đấy". "Xe ô tô" ứng với xe máy một nghìn đô la một cái ở VN, thì ước tính giá thành sản phẩm của một công trình khoa học viết thành một bài báo trong một tạp chí kiểu Vietnam Journal of Mathematics (tuy nghiêm chỉnh nhưng rất ít người trên thế giới quan tâm đến và không có trong danh sách 200 tạp chí toán uy tín nhất) cũng quãng một- hai nghìn đô la. Chất lượng trung bình của một bài báo "giá thành 1.000$" ắt hẳn khó so sánh với chất lượng của một bài báo "giá thành 50.000$".
0,5% GDP: Quá thấp!
Ở trong nước hay bàn về "nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu", nhưng nếu không nâng cao đầu tư tiền của (trả lương xứng đáng với trình độ, tạo điều kiện làm việc tốt hơn), thì chuyện bàn bạc này tương đối viển vông.
Nâng lương chính thức cho đội ngũ làm khoa học ở Việt Nam không phải dễ, trong khi mà lương chính thức của Chủ tịch nước năm 2005 chỉ có 3,77 triệu đồng/ tháng. Có điều, ở VN, có "cán bộ" nào sống bằng lương đâu. Hệ thống "lương ít lậu nhiều" là một trong những nguyên nhân đẻ ra nhiều tiêu cực. Không sống được bằng lương thì người ta có "mánh" để kiếm "bổng". Giới toán học VN cũng đủ thông minh để nghĩ ra các "mánh", chỉ có điều càng nhiều "mánh" kiếm tiền thì càng ít thời giờ cho khoa học, càng coi nhẹ việc nghiên cứu khoa học hay trau dồi kiến thức khoa học.
Các nước tiên tiến trên thế giới dành khoảng 2-3% GDP (tổng sản phẩm quốc gia) cho phát triển khoa học công nghệ. Ví dụ như Phần Lan năm 2002 dành 3,3% GDP cho phát triển khoa học công nghệ, tăng lên từ 1,8% vào năm 1987; ở Mỹ ngân sách này chiếm 2,7% GDP vào năm 2004, và ngay ở Trung Quốc con số này cũng được gần 2%.
Ở VN, theo thông tin năm 2005, nhà nước đã nâng ngân sách chi cho phát triển khoa học công nghệ lên thành 2% tổng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên tổng ngân sách nhà nước (chi cho các ngành) chỉ bằng một phần nhỏ của GDP, [con số này tùy thuộc từng nước, ví dụ như ở Cộng Đồng Châu Âu ngân sách nhà nước bằng quãng 37% GDP, ở Anh thì bằng quãng ¼ GDP] nên tỷ lệ tiền đầu tư ở Việt Nam cho khoa học công nghệ ước tính thấp hơn 0,5% GDP, xem ra quá thấp so với thế giới. Để khỏi tụt hậu thêm so với thế giới, VN cần tăng tỷ lệ ngân sách đầu tư cho khoa học lên ít ra 2-3 lần so với hiện tại.
Nếu như thu nhập bình quân ở VN bằng quãng một nửa thu nhập bình quân ở Trung Quốc (theo số liệu năm 2003, tính theo "purchasing power parity" thì "GDP per capita" của Trung Quốc gấp đôi VN: 5000$/năm so với 2500$/năm), thì cũng nên trả lương cho GS ở VN ít ra bằng một nửa lương ở Trung Quốc (tức là nên trả cho GS ở các trung tâm lớn ở VN ít ra trên 500$/tháng).
Dự án thành lập Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (Korea Advanced Institute of Science and Technology) lúc đầu bị trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ vì trong dự án đó các nhà khoa học có thể có lương cao hơn cả lương tổng thống, nhưng Tổng thống Hàn Quốc khi nhận được chính dự án đó đã ký duyệt. Hy vọng, VN sẽ học tập được Hàn Quốc trong việc này.
-
Nguyễn Tiến Dũng
Phần 4: Vấn đề chức danh bằng cấp ở Việt Nam
Theo dòng sự kiện: