(VietNamNet) - Ngày nay, con đường đến trường học của mỗi SV không chỉ là từ ký túc xá hay từ nhà đến lớp học nữa, mà còn là từ chiếc máy tính nối internet tới các trường ĐH khác trên thế giới, nơi mà các tài liệu học tập đang mở rộng cho tất cả mọi người.
Với "con đường đến trường" từ máy tính tới OCW, SVVN có thể tiếp cận nội dung học của các ĐH nổi tiếng (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Kể từ khi MIT bắt đầu đưa nội dung các môn học lên internet vào đầu năm 2001, nhiều trường ĐH lớn khác ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới đã truy cập và sử dụng làm tài liệu hỗ trợ trong giảng dạy học tập và nghiên cứu.
Kết quả là đã tạo ra một phong trào trên thế giới trong việc ứng dụng và phát triển các nguồn học liệu mở để thúc đẩy giảng dạy và nghiên cứu rất hiệu quả.
Mục tiêu phát triển nguồn học liệu mở của các ĐH lớn như MIT, ngoài việc chia sẻ kiến thức của mình với bên ngoài, còn đem lại cho họ nhiều lợi ích.
Đưa nội dung các môn học lên mạng sẽ thúc đẩy chất lượng giảng dạy và học tập của SV, giáo viên trong trường nhờ môi trường mở cạnh tranh. Giáo viên đưa tài liệu nên mạng luôn phải có trách nhiệm cao, đảm bảo chất lượng môn học. Sinh viên có thể tìm hiểu các môn học kỹ hơn trước khi lựa chọn môn học và trước giờ lớp.
Mô hình học liệu mở tạo điều kiện cho SV và giáo viên ở các khoa và các bộ môn khác nhau có thể học hỏi và hợp tác liên ngành trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Và đương nhiên, học liệu mở giúp quảng bá hình ảnh của trường với thế giới cũng như đặt bản thân trường vào vị trí cạnh tranh cao hơn.
Dự án học liệu mở thành công thể hiện tầm nhìn và các nguyên tắc cơ bản trong phát triển giáo dục đại học; đó là: mở cửa, minh bạch và cạnh tranh (openness, academic integrity and competitiveness).
Cơ hội lớn không thể bỏ qua
Lâu nay, ta thường nói nhiều về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế đất nước mà ít nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin ngay chính trong giáo dục đào tạo. Nếu mọi giáo viên và sinh viên có điều kiện truy cập internet tốc độ cao 24/24 giờ thì chúng ta hy vọng sẽ có được đột phá trong giáo dục.
Việc tận dụng các nguồn học liệu mở đảm bảo cho SV và giáo viên bổ sung nguồn thông tin đầy đủ, đa dạng và phong phú. Ngày nay, con đường đến trường học của mỗi SV không chỉ là từ ký túc xá hay từ nhà đến lớp học nữa, mà còn là từ chiếc máy tính nối internet tới các trường ĐH khác trên thế giới, nơi mà các tài liệu học tập đang mở rộng cho tất cả mọi người.
Nguồn học liệu mở còn giúp mọi người phát triển tư duy tự học trở thành “học, học nữa, học mãi” . Thống kê từ các nguồn học liệu mở cho thấy, phần lớn những người truy cập vào những học liệu mở này hiện là sinh viên, giáo sư, giảng viên và những người tự học. Trong số đối tượng tự học, chủ yếu là những người đã tốt nghiệp ĐH, đang đi làm và có nhu cầu học tập thêm để bổ sung kiến thức mới.
SV không có điều kiện du học vẫn có thể học tập những kiến thức tiên tiến của thế giới qua các nguồn học liệu mở. Đối với sinh viên chuẩn bị du học, đây là cơ hội để hiểu được các trường ĐH ở các nước phát triển; từ đó, có định hướng cũng như kế hoạch tốt hơn cho trong con đường học tập của mình.
Tăng tốc như thế nào?
Bộ GD -ĐT nên chủ trương để tất cả các trường ĐH VN đưa nội dung các môn học lên mạng Internet. Điều này sẽ có tác động đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy ĐH vì giáo viên bắt buộc phải soạn bài kỹ và chất lượng để đưa lên mạng của trường và hòa vào mạng internet toàn cầu.
Các môn học khi đưa lên mạng sẽ được đánh giá từ nhiều phía về chất lượng, nội dung và sẽ thu được đóng góp ý kiến hoàn thiện của đông đảo người quan tâm.
Các môn học thế mạnh của Viêt Nam ví dụ như Lịch sử Việt Nam, văn hoá Việt Nam khi đưa lên mạng internet sẽ là nguồn tài liệu quý để thế giới, trong đó có cả Việt kiều, học hỏi để hiểu biết chính xác về Việt Nam. Đây cũng là một cách để quảng bá hình ảnh đất nước.
Đưa tài liệu giảng dạy của các môn học của các trường ĐH Việt Nam cũng làm cho SV Việt Nam phải cạnh tranh hơn vì các tài liệu đó cũng được chia sẻ với số đông những người không được ngồi ghế giảng đường ĐH. Vì thế, SV trong trường ĐH sẽ phải học nhiều hơn để tạo sự khác biệt với số đông đó.
Các trường ĐH nên chủ chương đưa nội dung các môn học của mình lên mạng, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích SV học tập tham khảo tài liệu từ các nguồn học liệu mở trên thế giới. Tạo điều kiện bằng cách đầu tư nhiều phòng máy tính nối mạng, mở cửa cho SV sử dụng 24/24 giờ;phát động phong trào cho giáo viên và SV trong trường ĐH tham khảo và học tập từ các nguồn học liệu mở. Và tất nhiên là phải có kế hoạch nâng cao khả năng ngoại ngữ cho SV.
Các gia đình có điều kiện nên đầu tư một khoản tiền để mua máy tính và kết nối internet để tạo điều kiện cho con cái và bản thân bố mẹ học tập qua internet.
Giới thiệu địa chỉ truy cập một số các nguồn học liệu mở (OCW) |
1.OCW của Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ: http://ocw.mit.edu
Thư viện các luận án MIT: https://dspace.mit.edu 2. OCW trường ĐH Rice, Hoa Kỳ: http://cnx.rice.edu 3. OCW của trường ĐH bang Utah, Hoa Kỳ: http://ocw.usu.edu 4. OCW của Tuft University, Hoa Kỳ: http://ocw.tufts.edu 5. OCW của nhóm các trường ĐH công nghệ của Pháp (Paristech): http://www.paristech.org 6. OCW của nhóm các trường ĐH hàng đầu của Nhật Bn (Japan OCW Alliance): http://www.jocw.jp Keio University: http://ocw.dmc.keio.ac.jp 7. OCW của nhóm các trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc (CORE): http://www.core.org.cn/en/ 8. OCW tại Việt Nam: Học liệu mở quốc tế tại Việt Nam: http://ocw.fetp.edu.vn/home.cfm |
- Nguyễn Quang Hoàng (Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ)