(VietNamNet) - Từ nay đến năm 2010 là "mốc" thời gian Bộ GD-ĐT xác định xây dựng những việc cần làm để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường ĐH. Công việc này, nếu quả thực tiến hành rốt ráo, sẽ là bước đột phá trong quản lý giáo dục, tạo tiền đề cho những đổi mới giáo dục tích cực. Hội đồng quốc gia giáo dục do Thủ tướng Phan Văn Khải làm Chủ tịch sẽ bàn về nội dung này trong phiên họp đầu tiên của năm 2006.
Dưới đây, VietNamNet ghi nhận ý kiến của một số nhà quản lý các trường ĐH và mong nhận được ý kiến của các bạn tham gia về vấn đề này.
PGS.TS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ: Đỡ mất thời gian
Tôi nghĩ, hiệu trưởng các trường sẽ hoan nghênh nhiều lắm. Bởi đây là bước đột phá tăng quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo. Từ đó, chủ động hơn và sẽ làm tốt công tác của mình. Ít nhất là tiết kiệm được rất nhiều về thời gian bởi vì hầu hết thủ tục các trường phải đưa ra Bộ duyệt
Xóa bỏ Bộ chủ quản có nhiều thuận lợi, về tài chính, tiến tới trường tự chủ về nội dung, mở ngành nghề. Tiếp nữa là tự chủ quản lý con người. Một đơn vị đào tạo phải quản lý con người đến cả cấp GS chứ không phải chỉ đến cấp nào, còn cấp cao hơn nữa, Bộ lại quản lý.
Thực tế, các trường rất cần tự chủ nhưng phải có điều kiện. Tự chủ là một mặt của vấn đề. Mặt thứ 2 là nhà trường phải chịu trách nhiệm với xã hội - nơi cung cấp nhân lực, với Bộ GD-ĐT. Do vậy, phải đề ra cơ chế chịu trách nhiệm. Không phải đùng một cái mở ra liền mà phải xây dựng "khung" cụ thể. Trong "khung" đó, các trường muốn làm gì thì làm. Còn nếu vượt qua, sẽ vi phạm pháp luật.
Tôi là thành viên trong Hội đồng giáo dục quốc gia nên đã có lần đề xuất, hiện nay có lẽ "khung" dành cho các trường ĐH quốc gia đã khá rộng rãi. Trước mắt, nếu nhân cái "khung" ấy ra cho các trường đủ điều kiện được cũng là tốt rồi. Hiện ĐH Quốc gia có nhiều quyền tự chủ, đối ngoại, đối nội, giáo trình, con người... Ngoài ra "khung" Luật giáo dục cũng đã khá hoàn chỉnh. Nếu các trường thực hiện tốt được cũng là một điều hay.
GS.TS Nguyễn Đình Hối, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TP.HCM: Không bị ràng buộc.. thủ tục
Xóa bộ chủ quản, trường khỏi phải qua nấc xin ý kiến, mọi việc nhanh nhẹn, dễ dàng hơn. Hiện tại, trường luôn phải xin ý kiến của Bộ chủ quản từ việc đấu thầu đến việc tổ chức cán bộ. Nói chung là từ cái to đến nhỏ. Là bác sĩ - người trong ngành, rất thân với Bộ Y tế và làm việc quen biết lâu rồi còn thấy khó, huống hồ những hiệu trưởng khác, không quen biết còn khó hơn.
Vấn đề là Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với cơ chế mới, xác định rõ ràng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của tất cả các cơ quan quản lý cũng như của trường ĐH.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hồng Bàng: Chỉ tội chưa... quen
Nếu xóa bỏ Bộ chủ quản thì trách nhiệm và quyền hạn của Hiệu trường rất quan trọng.
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ xóa bỏ Bộ chủ quản thì sẽ... chưa quen. Bởi lâu nay, có một cái lệ là phải hỏi thăm, xin ý kiến chỉ đạo và nhiều khi tự làm như vậy cảm thấy không biết có đúng không. Ngoài ra, phụ thuộc vào Bộ chủ quản phải báo cáo cái này, báo cáo cái kia nên thủ tục giấy tờ nhiều khi cũng... lâu.
Xóa bỏ Bộ chủ quản không ảnh hưởng đến quyền lợi của SV, thậm chí theo tôi, quyền lợi của SV còn tăng lên. Bởi vì hiệu trưởng tự chịu trách nhiệm, có những sáng kiến có lợi cho SV. Cụ thể như trường đưa ra phương pháp đào tạo tiếp cận quốc tế, cái nào chưa khoa học thì giải quyết cho khoa học, tạo điều kiện cho SV tiếp cận khoa học hơn...
Thực tế, trường ĐH ở Việt Nam là cơ quan sự nghiệp. Trong đó, tỷ lệ kinh phí tương đối lớn của trường công lập vẫn do Nhà nước bao cấp. Sống trong môi trường bao cấp, Nhà nước cần phải được xác định rõ ra nào một cách chặt chẽ đối với trường ĐH ở một mức độ nhất định? Nói bỏ là bỏ hoàn toàn thì vô hình chung, hoạt động của các trường sẽ trở thành vô Chính phủ!
2 vấn đề cần giải quyết khi đối đầu với việc "tháo gỡ quyền hành" này là Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với cơ chế mới và cần xác định rõ ràng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của tất cả các cơ quan quản lý cũng như của trường ĐH.
Nói chuyện này để thấy rằng, tăng lương cả hệ thống là không đơn giản, mà nếu tăng cũng không đáng kể. Khi Nhà nước quyết định thành lập 2 ĐHQG (Hà Nội và TP HCM) có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, chỉ một chính sách "nhỏ" đề xuất tăng mức đầu tư/ SV lên 7,3 triệu (thay vì 6 triệu/ sinh viên (SV)) mà mãi 7 năm mới được giải quyết.
Nên giao quyền chủ động cao hơn cho các trường ĐH. Cùng với đó, phải nhấn mạnh hơn về mặt quản lý Nhà nước chứ không nên bỏ hẳn cơ chế Bộ chủ quản.... Việc giao quyền chủ động cho các trường ĐH nên có lộ trình. Cụ thể, 2 ĐHQG đã là các trường ĐH được giao quyền chủ động cao.
Tuy nhiên, Nhà nước không nên chỉ dừng ở 2 ĐH đã triển khai mà những cái gì đã giao quyền chủ động cho 2 ĐHQG nên nhân rộng và giao quyền chủ động cho các trường ĐH khác. Sau đó, giao thêm những cái mới, trước hết cho các ĐHQG để xem như thế nào và giao cho các ĐH khác...
Về phía các trường ĐH cũng cần chủ động hơn trong các hoạt động, không quá ỷ lại và trông chờ vào những hướng dẫn chi tiết của Bộ. Ví như, trong mùa tuyển sinh mà Bộ ban hành tới vài chục văn bản hướng dẫn...thì rất mất thời gian và lãng phí không cần thiết. Có khi công văn về còn chậm hơn việc triển khai của các trường. Thực tế, cũng có trường cũng chưa hiểu hết quyền hạn và trách nhiệm ...nên quá trình điều hành cũng gặp khó khăn.
Những việc cần làm từ nay đến năm 2010, cần xây dựng đề án của Chính phủ về chuyển đổi cơ chế quản lý; Cùng với đó, từng bộ ngành, địa phương ra quyết định chuyển đổi đối với từng trường...
Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà: "Nhiều khi người ta cũng không biết được phân cấp hết, có nhiều cái vẫn cứ hỏi.." |
Vấn đề quản lý là cái khó đầu tiên phải đối mặt. Có những tư duy rất cũ trong quản lý giáo dục, như: lúc nào cũng lo làm sai, lúc nào cũng lo người ta "phá rào"... Cho nên, đề án cũng đặt các điều kiện cần đổi mới tư duy quản lý, vì có muốn hay không thì quá trình thực hiện cũng đổi mới rồi. Khó khăn nữa là sức ì trong nếp quản lý bao nhiêu năm, tạo cho người ta những đường mòn. Như cơ chế xin - cho chẳng hạn. Dù đã phân cấp hết cho một trường đào tạo thạc sĩ: từ tuyển sinh cho đến cấp bằng, nhưng nhiều khi người ta cũng không biết người ta được phân cấp hết nên có nhiều cái vẫn phải hỏi... (Xem bài chi tiết tại đây) |
-
Cam Lu - Kiều Oanh (Thực hiện)
Mời các bạn tham gia ý kiến về vấn đề này: