Dự kiến từ năm học 2005-2006, 15 chương trình đào tạo ĐH tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế sẽ được thí điểm tại một số trường ĐH. Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết:
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nơi đã đưa vào giảng dạy các giáo trình của các trường ĐH nước ngoài - Ảnh: Như Hùng |
Chính phủ và Bộ GD-ĐT quyết định lựa chọn đưa vào sử dụng các giáo trình, chương trình tiên tiến (CTTT) của ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và quản lý kinh tế vì đây là những lĩnh vực đã có chuẩn mực quốc tế.
Các trường ĐH có thể từng bước tiếp cận theo 2 kiểu: Một là, khuyến khích các trường nhập nguyên về gồm cả kết cấu chương trình, nội dung môn học và cả công nghệ phương pháp giảng dạy như sử dụng đào tạo theo tín chỉ và đánh giá.
Đồng thời kèm theo phải đào tạo giảng viên để thích ứng với chương trình, công nghệ giảng dạy mới và chuẩn bị cơ sở vật chất để đáp ứng. Hai là, “nhập khẩu” môn học, giáo trình, có thể biên dịch ra tiếng Việt để giảng dạy. Mô hình này đòi hỏi nhà trường cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy và có cơ sở vật chất phục vụ như thư viện, tài liệu, thiết bị… để hình thành và phục vụ khả năng học tập sáng tạo, chủ động tích cực của SV.
Các CTTT sẽ được lựa chọn và thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Các chương trình đào tạo do các trường gửi lên sẽ được xét duyệt dựa trên nhiều tiêu chí, xem xét từ cả 2 phía: đối tác nước ngoài và cơ sở trong nước sẽ thực hiện đào tạo. Trong đó những yếu tố quan trọng để xem xét bao gồm: nguồn gốc của chương trình từ trường ĐH và nước nào, trường ĐH đó đã được kiểm định chưa, tất nhiên uy tín, chất lượng đào tạo của các trường ĐH nước ngoài nơi đã xây dựng chương trình, giáo trình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá.
Một tiêu chí quan trọng nữa là chất lượng đội ngũ giảng viên của trường ĐH đề nghị được áp dụng chương trình, trong đó quan trọng là tỉ lệ giảng viên có khả năng dạy bằng tiếng Anh, bằng cấp, tỉ lệ giảng viên tốt nghiệp ở nước ngoài về... Và một tiêu chí không thể thiếu là cơ sở vật chất của trường, khả năng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng tôi cũng dự kiến có thể khuyến khích các trường thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nếu giảng dạy bằng tiếng Anh, phải chọn lựa SV có đủ trình độ tiếng Anh vào học nhưng có thuận lợi là khả năng giao lưu, hợp tác với các nước nhiều hơn, dễ mời giảng viên chuyên gia nước ngoài, khi tốt nghiệp trình độ tiếng Anh của SV phát triển đồng thời với các kỹ năng chuyên môn.
Còn nếu biên dịch chương trình sang tiếng Việt, tập huấn giảng viên sử dụng giáo trình tài liệu, giảng dạy bằng tiếng Việt sẽ có ưu điểm là phạm vi áp dụng rộng hơn, đối tượng SV được hưởng lợi nhiều hơn... Chủ trương của bộ là mỗi trường tùy thuộc điều kiện của mình, có thể thiết kế chương trình và qui trình đào tạo cho phù hợp.
Nhưng trong điều kiện như hiện nay, để nhanh chóng có được một đội ngũ giảng viên với phương pháp giảng dạy thực hiện được các yêu cầu của những CTTT, liệu có phải là một thách thức đối với các trường ĐH không, thưa bà?
- Tôi cho rằng không đơn giản đưa chương trình, giáo trình của nước ngoài vào dạy ở trường ĐH là chúng ta đã có các CTTT. Để các chương trình, giáo trình thực hiện có hiệu quả, kèm theo mỗi chương trình dự kiến áp dụng, đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị các điều kiện thực hiện như tài liệu giảng dạy và tham khảo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phương pháp đánh giá... Quan trọng hơn, chắc chắn khi thực hiện những CTTT phải có sự đổi mới công nghệ giảng dạy, không thể tiếp tục phương pháp “thầy đọc trò ghi”, đội ngũ giảng viên phải có phương pháp giảng dạy mới, đánh giá theo cách mới.
Riêng đội ngũ giảng viên, ngoài những giảng viên mời từ nước ngoài, chúng ta có thể trông cậy vào hàng ngàn giảng viên trẻ được cử đi đào tạo nước ngoài trong những năm gần đây. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để phát huy được khả năng của họ và chế độ thù lao như thế nào cho tương xứng.
Còn về người học, những CTTT sẽ dành cho đối tượng nào, phương thức tuyển sinh ra sao?
- Những chương trình đào tạo này không nhằm chọn người giỏi vào học. Mục tiêu của các CTTT là để tăng chất lượng giáo dục ĐH đại trà cho đối tượng SV đại chúng, nhất là đối với các CTTT sẽ dạy bằng tiếng Việt. Còn tất nhiên, đối với chương trình dạy bằng tiếng Anh, người học phải đáp ứng được điều kiện trình độ ngoại ngữ đủ theo học. Dự kiến sau khi trúng tuyển vào trường SV có thể đăng ký theo học các CTTT.
(Theo Tuổi Trẻ)