(VietNamNet) – GS Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) Việt Nam là chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu thực trạng dạy và học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ khu vực TP.HCM và giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo”. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông về nội dung này.
- Thưa ông, kết quả khảo sát của đề tài đã cho biết động cơ học tiếng Anh của học viên học ở các trung tâm ngoại ngữ như thế nào?
- 45 đơn vị, cơ quan trả lời phiếu thăm dò cho thấy nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong công việc hàng ngày ở các công ty Việt Nam khá cao, từ trung bình đến nhiều, chiếm 69%. Thậm chí tiếng Anh còn được xem là cơ sở để xét đề bạt hay tăng lương: đơn vị trong nước là 56%, còn ở các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh là 100%.
Đối với các đơn vị trong nước, chứng chỉ A,B,C vẫn là yêu cầu chủ yếu (65%), kế đến là bằng ĐH chuyên ngữ Anh (26%) và các chứng chỉ khác như TOEFL hay IELTS (9%).
Qua khảo sát phụ huynh, 83% cho con đi học “vì tiếng Anh tạo điều kiện tốt hơn”, 75% “vì tiếng Anh giúp tham khảo tài liệu nước ngoài dễ dàng” và 63% chọn “vì tiếng Anh là môn học và môn thi bắt buộc”.
- Ông có thể nói rõ hơn về tình hình tổ chức thi và cấp bằng ở các trung tâm ngoại ngữ hiện nay?
- Nhu cầu luyện tập và lấy chứng chỉ quốc gia A,B,C phần lớn nằm ở đối tượng học sinh sinh viên và cán bộ công chức nhà nước. Điều đáng nói, cơ quan sử dụng lao động cũng xem chứng chỉ A,B,C là một tiêu chuẩn tuyển dụng. 65% cơ quan, đơn vị Việt Nam và 32% nhóm đơn vị liên doanh hay vốn nước ngoài chấp nhận loại chứng chỉ này.
Như vậy chứng chỉ A,B,C vẫn được xem là một đánh giá quan trọng về trình độ tiếng Anh hiện nay và là thông hành đi vào thế giới nghề nghiệp.
- Thế nhưng chứng chỉ quốc gia A, B,C được mỗi nơi làm mỗi phách nên dường như không còn "thiêng" nữa?
- Năm 1994, Bộ GD-ĐT ban hành Bộ tiêu chí về thi chứng chỉ A,B,C với quy định khá cụ thể về mục tiêu đào tạo và yêu cầu cần đạt cho từng kỹ năng ngôn ngữ chủ yếu của từng cấp độ. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí này cần xem xét lại do nó có thể đã lạc hậu cả về nội dung lẫn phương pháp dạy và học.
Đặc biệt phải có đối chiếu và đánh giá để xem xét các kỹ năng đào tạo có đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong hoạt động hàng ngày, đặc biệt đối với yêu cầu hội nhập và giao tiếp quốc tế như hiện nay.
Nội dung học và cách thức thi cũng khác nhau vì thi A,B,C là do từng cơ sở đào tạo quyết định. Và đây cũng là cơ sở dẫn đến sự nhìn nhận khác nhau về chất lượng đào tạo và giá trị chứng chỉ. Thi đậu chứng chỉ A ở cơ sở này có thế trượt ở cơ sở khác và ngược lại.
-Việc học tiếng Anh hiện nay có hiệu quả gì trong thực tế, thưa ông?
- Khảo sát cho thấy: khoảng 60% học viên cho là tiếng Anh học ở trung học có giúp cho việc học tập và công tác hiện nay. Điều họ than phiền là thời gian học tiếng Anh ở trung học là lãng phí vì chương trình học các môn nặng nề, môn học tiếng Anh từ giáo trình đến phương pháp học đều cũ kỹ và dễ chán nản. Một lý do nữa, thời học phổ thông, họ chưa thấy tầm quan trọng của tiếng Anh. Vì vậy dù thời gian học nhiều nhưng kết quả học không cao.
Tôi nghĩ rằng, cần đặt lại vấn đề giảng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông.
- Theo ông cần đặt lại vấn đề như thế nào?
- Một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao việc dạy và học tiếng Anh là Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để tiến hành thành lập Hiệp hội giảng dạy tiếng Anh như các nước và như các bộ môn chuyên môn khác hiện có trong nước.
Đây là phương cách nhanh nhất và hiệu quả nhất trong việc phổ biến thông tin mới nhất và trao đổi kinh nghiệm trọng dạy và học tiếng Anh. Hoạt động mạnh ở Đông Nam Á có Singapore và Thái Lan. Nhiều nước đã thành lập Hiệp hội, kể cả Campuchia và Lào.
Ngoài ra cần chú trọng đến vấn đề đào tạo giáo viên, đặc biệt là chú trọng tăng cường phương pháp dạy và học mới, phù hợp với trình độ yêu cầu của người học, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
-
Cam Lu (Thực hiện)