(VietNamNet) - Sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiêm vụ nâng cao chất lượng nhà giáo theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đề án cho công việc hệ trọng này. Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai.
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai: "Sàng lọc không phải là đưa ra khỏi ngành ngay lập tức!" |
- Chúng tôi đã kiến nghị thực hiện chính sách đối với nhà giáo như: sẽ xây dựng thang lương cho hợp lý; thực hiện phụ cấp ưu đãi cho GV và chính sách đối với GV vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cũng khuyến khích các địa phương có các chính sách động viên để thực hiện luân chuyển cán bộ từ vùng thuận lợi đến vùng sâu của mỗi tỉnh.
Đối với ngành GD, vai trò của người thầy rất quan trọng. Nếu thầy tốt thì học sinh (HS) mới tốt và HS yếu, kém mới tiến bộ được. Tôi cho rằng, vấn đề "sàng lọc" GV đặt ra là cần thiết nhằm nâng vai trò của người đứng đầu mỗi cơ sở, trường học.
- Bà có thể cho biết những nội dung cụ thể chương trình "sàng lọc GV"?
Chúng tôi sẽ sàng lọc trên cơ sở cân nhắc, xem xét với quá trình phát triển, yếu tố lịch sử, sự phấn đấu của mỗi GV. Sàng lọc không có nghĩa là GV nào không đạt là đưa ra khỏi ngành ngay.
Trước mắt, vẫn giải quyết cho những người tự nhận thấy không đủ năng lực xin thôi việc. Nhưng quan trọng nhất là phải xây dựng chương trình đào tạo để GV tự nâng cao trình độ của mình. Sau đó mới tiến hành xem xét, những GV nào đã tự nâng trình độ mình lên nhưng vẫn chưa đạt chuẩn thì có thể chuyển sang làm công việc gián tiếp khác trong trường học.
Hiện nay, cán bộ chính quyền, đoàn thể ở các địa phương hiện rất thiếu, trong khi đó đã có định suất lương. Vì vậy, có thể chuyển một số GV không đạt chuẩn sang. Tôi tin cách làm này rất khả quan, vì thực tế có nhiều GV tự nhận thấy không còn đủ sức dạy học nhưng vẫn muốn có việc làm và sẵn sàng chuyển sang làm việc khác.
- Bộ GD - ĐT đã có khảo sát hay tính toán về số lượng GV không đáp ứng yêu cầu đổi mới?
-Hiện có 12% GV Tiểu học, tương đương 42.000 người chưa đạt chuẩn, trong đó có nhiều người được đào tạo ở trình độ rất thấp như 5+3, 7+1, 9+1. Tỷ lệ này ở bậc THCS là khoảng 9% với khoảng 24.000 người. Ở bậc THPT, con số này là 3.900 GV, tương ứng với 4,6%; chủ yếu là GV các môn thể dục, tin học, ngoại ngữ. |
Như Bộ trưởng đã nêu, con số ước tính khoảng 8 vạn. Khi triển khai thực hiện thì từng địa phương sẽ báo cáo. Số lượng này chủ yếu tồn tại ở các trường ở vùng sâu, vùng xa. Nếu tính theo tiêu chuẩn bằng cấp, bậc tiểu học có khoảng 87% GV đạt chuẩn và trên chuẩn; THPT khoảng 90%...Bằng cấp là quan trọng, nhưng đạo đức và phẩm chất chính trị vững vàng cũng là hai lĩnh vực một GV cần đạt để tự hoàn thiện mình hơn.
Ở bậc tiểu học, đã có dự án Phát triển GV tiểu học đánh giá, giúp cho công tác này được khách quan hơn. Rút kinh nghiệm từ đánh giá GV tiểu học chúng tôi sẽ có những cách làm cụ thể ở các cấp học khác.
- Vậy những tiêu chí nào sẽ được đưa vào quá trình thực hiện để giúp cho việc "sàng lọc GV" thực sự đúng đối tượng?
- Phẩm chất đạo đức, trình độ đào tạo và năng lực thực tiễn, đó là ba lĩnh vực để xem xét. Chúng tôi không cộng lại để xếp loại yếu - kém chung mà từng mặt, sẽ có đánh giá cụ thể.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn qui trình tự đánh giá của GV chủ yếu trên ba lĩnh lực đó. Tập thể sư phạm, phụ huynh, học sinh là một "kênh" quan trọng; ngoài ra, dư luận xã hội cũng là cơ sở để tham khảo, nhưng cái chính vẫn là tự đánh giá của GV.
Tổng hợp những đánh giá đó sẽ có được một cơ sở đầy đủ. Và cũng chính như thế nên khâu đột phá của việc đánh giá, sàng lọc GV phải bắt đầu từ CBQLGD, bởi chính họ là người trực tiếp làm.
Tôi xin nhấn mạnh rằng trước tiên là phải để GV tự đánh giá và tự sàng lọc mình. Tiếp đó là tạo điều kiện cho họ tự nâng cao trình độ. Nếu vẫn không đạt, lúc đó mới tính đến việc sắp xếp lại cho hợp lý.
- Những tiêu chí đánh giá không phải hoàn toàn mới. Vậy Bộ GD - ĐT có biện pháp dự trù làm thế nào đảm bảo rằng việc "sàng lọc" là chính xác? Liệu có thể xảy ra chuyện nhân cơ hội này để "đẩy" những người không cùng êkip về không?
- Tôi cho rằng, vai trò của Chi bộ là rất quan trọng. Hiệu trưởng các trường, Đảng và Công đoàn GD địa phương là 3 đơn vị làm công tác đánh giá khách quan nhất. Bộ GD - ĐT ngồi trên này chỉ nghe các địa phương báo cáo và khi thực tế cơ sở thì cũng phải dựa vào kết quả của tập thể đội ngũ sư phạm. Cho nên, hội đồng sư phạm sẽ là người quyết định đúng đắn. Họ phải khách quan, vô tư.
- Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 15/11 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cho biết đã bố trí một phần ngân sách để giải quyết vấn đề GV dôi dư. Phần đó là bao nhiêu?
- Chúng tôi có tính đến nhưng vẫn thực hiện theo tinh thần phân cấp cho tỉnh. Có nghĩa là tỉnh lập kế hoạch ngân sách cụ thể chứ không phải Bộ GD - ĐT. Bộ chỉ có nhiệm vị phác hoạ, tính trên đầu GV. Theo tính toán, một người có 25 năm thâm niên nếu "về" sẽ được giải quyết khoảng 35 triệu đồng.
- Nghệ An là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện "sàng lọc giáo viên". Tại phiên thảo luận về GD trước QH, Bí thư tỉnh ủy Lê Doãn Hợp có nêu con số: để giải quyết thì cần phải chi 50 tỷ và ông kiến nghị trung ương cần hỗ trợ địa phương một nửa số tiền này. Theo bà thì thực hư thế nào?
- Tôi nghĩ, vấn đề kinh phí hoàn toàn không khó vì Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo. Còn để giải quyết cho một trường hợp cụ thể thì dự toán phải được đưa vào và lập kế hoạch ngân sách địa phương. Khi đã lập ngân sách thì chính ông Chủ tịch phải đi bảo vệ với Bộ Tài chính và Bộ Tài chính tập hợp để trình Quốc hội...Hiện nay theo báo cáo gửi lên thì Nghệ An có khoảng 5.000 GV dưới chuẩn. Vừa rồi đã giải quyết được gần 1.500 người rồi, số còn lại địa phương có xin tiền trợ cấp để giải quyết.
- Một vấn đề nữa liên quan đến chính sách cho GV mà Bộ trưởng GD đã kêu gọi: không nên phân biệt GV biên chế và hợp đồng; giữa GV công lập và ngoài công lập. Thế nhưng, lâu nay, trong chính ngành giáo dục, sự phân biệt này vẫn còn nặng nề. Vậy phải chăng "người trong cuộc" lại không làm gì để xoá bỏ sự phân biệt đó?
- Cái đó là cơ chế quản lý, sẽ được hợp thức hoá bằng văn bản. Bộ GD - ĐT sẽ ra văn bản, ví dụ như quản lý đội ngũ GV như thế nào, dân lập ra làm sao và chính sách như thế nào...những cái này thuộc về cơ chế hiện nay còn đang nợ.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Kiều Oanh - Hạ Anh (thực hiện)
6 lời thề: "hương ước" đầu tiên của làng giáo
Thực hiện 6 lời thề nhà giáo trong cơ chế thị trường" là "sáng kiến" của ngành giáo dục thành phố Hải Phòng. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Xuân Đình, đây chính là một "hương ước" của làng giáo.
Xin thầy hãy dạy cho con tôi...
Bức thư của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học được viết ra từ gần 200 năm trước, lại là ở nước Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên tính "thời sự" và gợi nhiều suy nghĩ cho chúng ta, nhất là khi ngành giáo dục vừa phát động phong trào thi đua đặc biệt để thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Quà cho thầy cô cũng phải "đúng tầm"
Ngày Nhà giáo năm nay có vẻ buồn hơn mọi năm, khi dư luận đang bị hút vào chuyện Quốc hội chất vấn thực trạng giáo dục nước nhà...
Cô giáo tự trả lương cho mình...
"Tôi làm hiệu trưởng, tôi làm giáo viên, tôi làm bảo vệ và tôi tự trả lương cho mình...". Đây là lời tâm sự giản dị và chân thành của cô giáo Đỗ Thị Thoa (thị xã Sơn Tây, Hà Tây), người đã đưa từng cái chữ đến với hơn 30 trẻ khuyết tật trong hơn 10 năm qua.
22 năm “trồng người” không lương
44 năm cống hiến cho giáo dục, thì có đến một nửa thời gian ông giáo làng Lê Mạnh Đạt miệt mài với công không chút vụ lợi, không một đồng lương.
Nên tổ chức thi tuyển "sĩ quan" giáo dục
Tại hội thảo triển khai chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng nhà giáo (Chỉ thị 40) diễn ra sáng nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gọi cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) là "sĩ quan" của đội quân giáo dục và cho rằng việc chuẩn hóa đội ngũ này là sự khởi đầu có hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng giáo viên.