(VietNamNet) - Tại buổi "Hiến kế chấn hưng giáo dục" sáng nay, không ít đại biểu vừa phát biểu vừa nghe điện thoại, lại còn dùng điện thoại để chụp ảnh... chơi!
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng bộ trưởng Bộ GD-ĐT trực tiếp chủ trì cuộc hội thảo tại Đà Nẵng góp ý cho Dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục nước nhà. |
Sáng nay (27/9), tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cùng bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã trực tiếp chủ trì cuộc hội thảo góp ý Dự thảo báo cáo của Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội về tình hình giáo dục của nước nhà. Theo như giới thiệu, tham dự hội thảo có 20 nhà giáo dục, quản lý giáo dục, các chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực giáo dục ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Mở đầu hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của báo cáo này: nhằm giúp Quốc hội có một đánh giá đầy đủ, chuẩn xác, từ đó đưa ra những chiến lược, quyết sách hữu hiệu để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà, có thể đáp ứng thành công nhu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Chính vì vậy, việc thu thập ý kiến của các nhà giáo dục, quản lý giáo dục, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục... đóng góp cho báo cáo của Chính phủ được hoàn chỉnh là hết sức quan trọng. Sau các hội thảo đã tổ chức tại phía Bắc và phía Nam, hội thảo tại miền Trung lần này chỉ mời một số đại biểu tiêu biểu nhất để các ý kiến đóng góp có thể tập trung và đạt chất lượng cao.
Đầu tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 22 để làm việc về báo cáo giáo dục này.
Theo quan sát của chúng tôi, các đại biểu tham dự cuộc hội thảo lần này chủ yếu là các giám đốc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, THCN và một số chuyên gia về giáo dục trong khu vực.
PGS TS Quách Đình Liên, hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ sản Nha Trang, không đồng tình với các đánh giá của GS Hoàng Tuỵ cùng tập thể các giáo sư, tiến sĩ trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu cấp thiết phải chấn hưng nền giáo dục Việt Nam; đặc biệt là với những nhận xét được cho là chưa thật khách quan của bản kiến nghị nêu trên đối với đội ngũ GS, PGS, TS... ở nước ta hiện nay. Ông Liên cũng nhấn mạnh: Nhiều đánh giá của xã hội đối với ngành giáo dục trong thời gian qua nặng về sự khích bác hơn là góp ý xây dựng. Điều đó đã "gây hoang mang, bối rối cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục và rõ ràng là không có lợi cho sự nghiệp phát triển giáo dục." - ông nói.
Đáng tiếc, những gì diễn ra trong suốt buổi sáng đầu tiên của cuộc hội thảo mà phóng viên VietNamNet đã được tận mắt mục kích lại chẳng thấy toát lên cái tinh thần "vào hàng... nhất thế giới về trình độ dân trí" tẹo nào!
Mặc dù các đại biểu đ
ều được Phó Thủ tướng gửi gắm mong mỏi “được vắt trí tuệ của các đồng chí để đóng góp cho báo cáo của Chính phủ”, thế nhưng giữa lúc Phó Thủ tướng đang phát biểu đề dẫn hội thảo thì... chuông điện thoại di động đã réo lên từ hàng ghế đại biểu. Những tưởng đó chỉ là "sự cố" và các đại biểu ngành giáo dục đang có mặt tại hội thảo sẽ có cách ứng xử hay hơn với chiếc máy điện thoại (như chuyển từ chế độ đổ chuông sang chế độ rung). Thế nhưng chuông điện thoại vẫn tiếp tục réo lên ở góc này, góc khác.Đỉnh điểm của “sự cố” là lúc vị giám đốc một Sở GD-ĐT ở Tây Nguyên phát biểu. Đang ngon trớn, bất ngờ, chiếc điện thoại di động ông để trên bàn réo vang. Nhà quản lý giáo dục này phải dừng ít phút, mở điện thoại ra rồi vừa cầm vừa tiếp tục... đọc bài phát biểu. Gần như cùng lúc, chiếc điện thoại của ông hiệu trưởng trường ĐH trong vùng, đang ngồi ngay bên cạnh, cũng... cất tiếng. Thế là trong khi vị giám đốc Sở phải phát biểu với chiếc điện thoại mở nắp trong tay thì ông hiệu trưởng lại thoải mái trò chuyện với ai đó!
Vẫn chưa hết, có vẻ như ngồi lâu không thấy ai gọi điện thoại cho mình cũng... buồn, nên vị đại biểu của trường ĐH Q. đã thản nhiên mở điện thoại ra... chụp ảnh các đại biểu dự hội thảo. Đến nước này, một số phóng viên có mặt tại hội thảo chỉ còn biết... thở dài!
Vẫn biết, là những nhân vật quan trọng của các trường, các Sở nên các vị đại biểu tham dự cuộc hội thảo còn có cả “trăm công nghìn việc" cần phải giải quyết. Nhưng liệu có việc nào quan trọng hơn chấn hưng nền giáo dục nước nhà mà các vị ngồi đây đều là những người đang trực tiếp tham gia góp ý để cùng gánh vác "quốc sách" đến mức phải kết hợp "hai trong một": góp ý kiêm nghe điện thoại?
Và liệu qua cách hành xử như vậy tại một hội nghị về giáo dục do Phó Thủ tướng cùng bộ trưởng Bộ GD-ĐT trực tiếp chủ trì có cho thấy một "trình độ dân trí của VN vào hàng... nhất thế giới" hay chăng? Câu trả lời xin đuợc dành cho các nhà giáo dục.
-
Hải Châu