Trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), các nước đều xác định rõ: Người dân là trung tâm của mọi mục tiêu hoạt động.
Người dân TP.HCM có thể vào website của UBND TP để nêu ý kiến của mình. |
Cuộc hội thảo quy mô về xây dựng CPĐT, diễn ra hôm 16/12 tại TP.HCM đã thu hút khoảng 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Ban đề án 112 của 28 tỉnh thành, các nhà quản lý cùng nhiều công ty công nghệ thông tin (CNTT) lớn của thế giới và Việt Nam. Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tại Việt Nam và Sở Bưu chính-Viễn thông TP.HCM tổ chức.
Theo các báo cáo tại hội thảo, trong lộ trình xây dựng CPĐT do các quốc gia trên thế giới đang tiến hành đều xác định: Người dân là trung tâm của mọi mục tiêu, của mọi hoạt động.
Báo cáo mở đầu của ông Shankar Sivaprakasam (Tập đoàn HP) lưu ý: Để thành công trong xây dựng CPĐT, cần có sự nhanh nhạy của cả hai bên cung cấp và sử dụng dịch vụ. Vì vậy, Chính phủ và các ban ngành phải tiếp cận với công nghệ, nâng cấp quy trình và đào tạo nhân sự tiếp cận, còn phía người dân và doanh nghiệp phải được chuẩn bị chấp nhận tự phục vụ - dĩ nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ.
CPĐT là chính phủ ứng dụng CNTT-truyền thông để đổi mới tổ chức, đổi mới quy trình, giúp các cơ quan chính phủ làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước. Hiện tại Việt Nam xếp thứ 97/173 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng xây dựng CPĐT. |
TS Trần Minh Tiến - viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính-Viễn thông cho biết: Mục tiêu tổng quát trong xây dựng CPĐT ở Việt Nam là đến năm 2010, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin thiết yếu và từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cửa cho người dân và các doanh nghiệp mọi nơi, mọi lúc; giúp người dân và các doanh nghiệp làm việc với các cơ quan Chính phủ nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn. Cụ thể, 100% cơ quan Chính phủ có website. Hơn 50% doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Trên 25% người dân tại đô thị cấp 1 sử dụng chứng minh nhân dân điện tử. Hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, hải quan đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đảm bảo trao đổi thông tin, chỉ đạo, điều hành xuyên suốt, kịp thời…
Về kinh nghiệm xây dựng CPĐT tại TP.HCM, ông Lâm Văn Ba, phó Ban điều hành Đề án 112 TP.HCM cho biết: Từ năm 1997, TP.HCM đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính nhà nước các cấp ở thành phố. Đến nay, các ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết và nâng cao hiệu quả các công việc hành chính, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, nhân sự, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành nhà nước trên địa bàn, tạo được niềm tin của nhân dân với chính quyền, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách hành chánh tại Thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình này, vẫn còn nhiều thách thức và tồn tại: Thiếu chính sách ở tầm vĩ mô định hình cụ thể việc triển khai CPĐT; thiếu kinh nghiệm để triển khai một hệ thống thông tin tổng thể cấp thành phố, trong đó từng Sở, ngành, quận, huyện đóng vai trò là một “tế bào” năng động tham gia quản lý và xử lý thông tin của bộ máy công quyền; thiếu lực lượng chuyên gia, cán bộ chuyên môn làm hạt nhân triển khai các dự án trong các cơ quan nhà nước. TP.HCM cũng chưa có một chương trình tập huấn cho lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện để mở rộng tầm nhìn về việc ứng dụng tin học vào quản lý thông tin. Nhiều vấn đề về công nghệ như bảo mật và bảo vệ dữ liệu, phòng chống hacker và chống virus lây lan trên mạng... còn là những nội dung rất mới và làm cho cấp lãnh đạo luôn lo lắng khi phải triển khai các ứng dụng tin học. Việc chuẩn hóa các quy trình hành chính không theo kịp tiến độ triển khai Đề án 112. Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu và thiếu, chưa tương xứng với quy mô phát triển Thành phố.
(Theo SGGP)