Một trong những tin đáng chú ý về CNTT-VT trên các báo xuất bản vào hôm nay 29/7: Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực công bố địa chỉ e-mail của mình để công chúng trao đổi về các vướng mắc nhà đất.
Hà Nội: Xây dựng Trung tâm Đào tạo CNTT
Sáng 28/7, UBND TP Hà Nội đã khởi công xây dựng Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT) Hà Nội tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, với diện tích 3.000m2. Đây là một trong những công trình trọng điểm của chương trình ứng dụng và phát triển CNTT của Thành phố.
Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu tin học hóa, quản lý hành chính nhà nước và quản lý sản xuất theo định hướng xây dựng chính phủ điện tử.
Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ không hoàn lại 2,2 triệu USD để xây dựng các phòng thí nghiệm, giảng dạy CNTT trình độ cao ở Trung tâm.
Dự kiến ở giai đoạn I, Trung tâm này sẽ hoàn thành xây dựng vào quý II/2005. (Theo TTXVN)
Biến thể virus MyDoom đã xuất hiện tại Việt Nam
9g sáng 28/7, biến thể virus MyDoom - virus gây gián đoạn nhiều dịch vụ tìm kiếm trực tuyến đã xuất hiện tại Việt Nam. Anh Nguyễn Tử Quảng, giám đốc Trung tâm An ninh Mạng (BKIS), cho biết: Đến 16g15, phương án xử lý đã được cập nhật vào phiên bản BKAV 528.
Trên thế giới, ngay sau khi khống chế được các website tìm kiếm hôm 27/7, biến thể virus MyDoom đã quay sang tấn công các máy chủ chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các website thương mại. Điều này khiến khách hàng của hơn 40 website nổi tiếng như Nortel Networks, Gateway, MCI và CNN không thể xem được quảng cáo.
Báo cáo của Hãng bảo mật Sophos cho thấy cuộc tấn công của biến thể virus MyDoom hôm 27/7 đã khiến các trang tìm kiếm bị ảnh hưởng rất nặng, cao nhất là Google (45%), Lycos (22,5%), Yahoo! (20%) và Alta Vista (12,5%). (Theo Tuổi Trẻ)
Từ e-mail bộ trưởng đến chính phủ điện tử
Ngày 14/8 năm ngoái, trước hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong một cuộc gặp gỡ với các đại sứ nhân hội nghị ngành ngoại giao tại Hà Nội, ông Vũ Dũng - đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản lúc đó (hiện là thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã công bố địa chỉ e-mail cá nhân của mình và hứa với các DN rằng ông sẽ trả lời tất cả e-mail yêu cầu của DN ngay trong ngày. Lời hứa của ông làm cả hội trường xôn xao, ''nửa tin nửa ngờ''.
Sáu tháng sau, phóng viên gửi e-mail tới ông đại sứ đề nghị một cuộc phỏng vấn. Ông hồi âm ngay trong ngày thật.
Nhưng cũng ngay trong cuộc gặp đó, một DN đã bức xúc lên tiếng về việc yêu cầu của DN gửi tới các đại sứ quán không được hồi âm.
DN này kể: ''Công ty tôi tổ chức một hội thảo lớn nhằm thu hút đầu tư vào Hà Nội. Tôi e-mail cho tất cả các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài nhờ giới thiệu đối tác để gửi thư mời. Vậy mà trong số hơn 50 cơ quan đại diện ở nước ngoài chỉ có... ba cơ quan hồi âm là cơ quan đại diện tại Canada, Brunei và phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc”.
Cuối cùng, DN này tha thiết kêu gọi “các cán bộ ngoại giao chú trọng tính thực tế, hiệu quả công việc”, vì sau lần e-mail rơi vào quên lãng đó, "niềm tin của DN vào các cơ quan đại diện ngoại giao giảm hẳn”!
Sự kiện bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực công bố công khai địa chỉ e-mail của mình để trao đổi trực tiếp với công chúng các vướng mắc về nhà đất, và ông chủ động gửi e-mail đến báo để phản hồi ý kiến về một việc do ông chịu trách nhiệm thật sự là một luồng gió mát. Nó đem đến cho dân chúng một sự động viên, ít nhất là về mặt tinh thần, bởi lâu nay đa số dân chúng vẫn quá quen và buộc phải chịu cảnh “thắc mắc biết hỏi ai”.
Nhưng một sự việc cần để ý hơn cả việc Bộ trưởng Mai Ái Trực công bố địa chỉ e-mail, ấy là chỉ không đầy một tháng sau khi ông xuất hiện trong một cuộc giao lưu trực tuyến trên mạng, đã có tới 45 bức e-mail của các công dân gửi tới hộp thư ông Bộ trưởng để nêu ý kiến về các vấn đề nhà đất.
Rõ ràng nhu cầu được đối thoại với các quan chức, nhu cầu được bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân rất lớn.
Một chính phủ điện tử không đồng nghĩa với việc đòi hỏi sắm sửa hàng loạt máy tính ở các cơ quan công quyền, rồi sau đó phần lớn được sử dụng chỉ để soạn thảo văn bản hoặc thậm chí chơi game.
Chính phủ điện tử cũng không đồng nghĩa với phong trào “Bộ Bộ làm web, ngành ngành làm web, tỉnh tỉnh làm web” rồi sau đó website bị bỏ rơi không cập nhật thông tin phục vụ người dân hoặc không chú ý đầy đủ tới việc tiếp nhận và phản hồi ý kiến của cộng đồng.
Các quán cà phê Internet san sát nhau ở những góc phố không còn là điều mới mẻ ở Việt Nam. Các công dân điện tử của Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn và trẻ hóa. Một chính phủ điện tử cần được phát triển từ nền móng là những nhà lãnh đạo điện tử như câu chuyện của ông đại sứ Vũ Dũng, của ông Bộ trưởng Mai Ái Trực. (Theo Tuổi Trẻ)