Người ta cho rằng sở dĩ Trung Quốc trì hoãn việc phát hành giấy phép 3G (công nghệ di động thế hệ 3) là do nước này muốn dành thêm thời gian cho công nghệ TD-SCDMA. Theo Mao Yunan, chủ tịch Nortel Network Trung Quốc, lý do cốt lõi chính là việc Trung Quốc không muốn trở thành nạn nhân của việc thí nghiệm công nghệ 3G.
Theo ước tính, các cuộc thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Sau đó, MII sẽ liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các hãng thiết bị, giới sản xuất sản phẩm đầu cuối cùng chuyên gia trong ngành để tiến hành cuộc kiểm định cuối cùng trước khi công bố kết quả vào tháng 11.
Theo nhận định của các nhà phân tích tại BOC International - hãng dịch vụ tài chính hàng đầu của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới này sẽ chỉ cấp giấy phép hoạt động 3G sau khi cả các cuộc kiểm tra ngoại vi lẫn kết quả kiểm tra hoàn tất.
Nhiều hãng cung cấp thiết bị viễn thông và sản phẩm đầu cuối hàng đầu thế giới như Motorola, Nokia, Ericsson cùng các hãng nội địa đều đang háo hức, nóng lòng chờ đến thời điểm được cầm giấy phép trong tay. Tuy nhiên, cho tới lúc này, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng với mọi con dấu của mình.
Người ta cho rằng sở dĩ Trung Quốc trì hoãn việc phát hành giấy phép 3G là do muốn dành thêm thời gian cho công nghệ TD-SCDMA. Song theo Mao Yunan, chủ tịch Nortel Network Trung Quốc, lý do cốt lõi chính là việc Trung Quốc không muốn trở thành nạn nhân của việc thí nghiệm công nghệ 3G.
Viễn thông quốc tế vào cuộc
Tính thời điểm này, ngày càng có nhiều hãng viễn thông quốc tế như AT&T hay Orange bắt đầu đẩy mạnh việc khai thác thương mại các dịch vụ 3G. Thị trường quốc tế sôi động đã khiến ngành công nghiệp 3G Trung Quốc như được tiếp lửa, không thể ngồi yên.
Theo Datang Telecom (DTT), hãng phát triển chủ lực công nghệ TD-SCDMA, những tác nhân "nội công, ngoại kích" kiểu này sẽ thúc đẩy ngành TD-SCDMA "bùng nổ" vào thời điểm giữa năm 2005 tại Trung Quốc như một điều tất yếu. Các dịch vụ đầu cuối và sản phẩm tương thích cũng sẽ có mặt trên thị trường vào cùng thời điểm này như một cuộc ra quân đồng loạt. Và cuối cùng là sự ra đời của một liên minh đầu ngành để điều phối hoạt động giữa các thành viên.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng tỷ lệ giá/hiệu quả sử dụng của dịch vụ TD-SCDMA trong giai đoạn đầu sẽ vẫn tương đương như dịch vụ 2G, song giá của điện thoại 3G sẽ đắt hơn. Điều này có thể khiến nhiều người sử dụng với thu nhập thấp và trung bình đứng ngoài cuộc một thời gian "trứng nước" ban đầu.
Chip ĐTDĐ
Tích hợp công nghệ TD-SCDMA của DTT, ưu điểm của công nghệ IC của Philips và những công nghệ hiện đại trong sản phẩm điện thoại đầu cuối của Samsung, T3G Technology, một liên doanh giữa ba hãng trên đã tung ra loại chip ĐTDĐ hai trạng thái đầu tiên trên thế giới, hỗ trợ cả TD-SCDMA, GSM lẫn GPRS.
Sự ra đời của con chip này là cột mốc quan trọng trong việc khuyến khích các hãng viễn thông nâng cấp mạng liên lạc của họ từ 2G hoặc 2,5G lên 3G. Nói một cách khác, đó là bước ngoặt trong tiến trình công nghiệp hoá TD-SCDMA.
Các hãng ĐTDĐ nội địa lớn của Trung Quốc như Guangzhou South Technology, Amoi Electronics cũng không chịu kém cạnh trong cuộc chiến giành thị phần. Cách đây không lâu, South Tech vừa tung ra model ĐTDĐ 3G đầu tiên của mình. Mặc dù chiếc điện thoại này dựa trên công nghệ WCDMA song South Tech vẫn bỏ không ít tiền để nghiên cứu và phát triển công nghệ TD-SCDMA như bước đi chiến lược tiếp theo. Konka, Shanghai DBTEL, Hisense và Huawei cũng lần lượt tuyên bố sẽ rót tiền nặng tay cho ĐTDĐ 3G trong suốt ba tháng qua.
"Ngành công nghiệp viễn thông 3G"?
Mặc dù viễn thông 3G cho tới nay vẫn chưa trở thành một dịch vụ thực tế song người tiêu dùng đã biết khá rõ về nó nhờ vào hoạt động quảng cáo và quảng bá rầm rộ.
Để phát triển ngành công nghiệp viễn thông 3G, ngoài việc "xây dựng được thái độ chấp nhận từ phía công chúng", các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông còn cần phải làm mới cũng như điều chỉnh đồng bộ từ thiết bị, cung cách quản lý cho đến dịch vụ của mình.
Trong nửa đầu năm nay, China Mobile, hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư tới 19,7 tỷ nhân dân tệ để mở rộng mạng GSM và CDMA. Đối thủ chính của họ - hãng viễn thông đứng thứ hai China Unicom còn mạnh tay hơn khi chi ra tới 21,4 tỷ nhân dân tệ. Do nhiều khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu cấp giấy phép triển khai dịch vụ 3G từ nửa sau năm 2005, China Mobile đã bắt đầu củng cố và tăng cường cơ sở vật chất của mạng GSM để vừa đảm bảo tăng trưởng ổn định cho 2G, vừa tập trung cho 3G. Trong khi đó, China Unicom lại chú ý nhiều đến việc xây dựng mạng CDMA vì CDMA tương thích hơn với công nghệ 3G.
Cầm Thi (Theo ECT)